NSƯT Hồng Ngát: Chỉ khi có đam mê…

Nhiều người phải mất không ít thời gian và công sức để tìm cho mình một con đường, nhưng với Hồng Ngát, con đường nghệ thuật như đã được vạch sẵn, chỉ chờ chị đặt chân đến…

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, nghe Hồng Ngát hát trong chương trình “30 phút dân ca và nhạc cổ truyền” của Đài TNVN, rồi sau đó xem chị xuất hiện trong các chương trình ca nhạc mừng Đảng, mừng Xuân trên truyền hình vào chiều 30 Tết hàng năm, tôi hiểu rằng, người phụ nữ này sinh ra là để dành cho chèo…

Không phải con nhà nòi, cũng không phải lớn lên trong một môi trường nghệ thuật, “cái nôi” nghệ thuật của Hồng Ngát chính là… các chương trình dân ca của Đài TNVN. Chị mê chèo và đến với chèo một cách tự nhiên. Ngoài nghệ thuật chèo, nhiều làn điệu dân ca Hồng Ngát học được đều nhờ làn sóng của Đài TNVN dù chưa phân biệt được làn điệu. Từ chuyện chỉ nghe hát dân ca qua Đài TNVN, rồi lẩm nhẩm hát theo đến thuộc làu, đến chuyện vừa bế em vừa… đi thi khi đoàn chèo Hà Bắc tuyển diễn viên. Một năm sau, trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh về tuyển diễn viên thông qua đoàn chèo và chị được chọn.

Năm đầu đại học còn lạ lẫm, sang năm thứ 2, cùng với Xuân Hinh, Hồng Ngát đã đi hát quan họ tại các buổi giao lưu văn nghệ tại các trường đại học, các đơn vị bộ đội. Từ các phong trào này, chị lọt vào “tầm ngắm” của các biên tập viên Ban văn nghệ Đài THVN. Kể từ đó, hầu như chương trình mừng Đảng mừng Xuân vào chiều 30 Tết năm nào cũng đều có mặt Hồng Ngát. Hình ảnh một Hồng Ngát tươi trẻ, lúng liếng trong những trang phục chèo truyền thống hay những bộ áo mớ ba mớ bảy, bên cạnh những nghệ sỹ đàn anh đàn chị như Thu Hiền, Trung Đức, Hồng Năm… đã đem lại cho chương trình một màu sắc mới. Năm cuối cùng đại học, nhạc sỹ Phan Phúc, khi đó là trưởng Đoàn ca nhạc Đài TNVN, về trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh hỏi chị có muốn về Đoàn không. Mê hát chèo từ những chương trình dân ca của Đài TNVN, nay lại nhận được lời đề nghị về Đài, chị đồng ý ngay.

Tôi nói: Tên của chị - Hồng Ngát, nghe cũng đã đầy “chất” chèo đấy chứ? Chị cười: Tên Hồng Ngát là do một cô giáo đặt cho chị, ban đầu chị không có tên đệm “Hồng” mà chỉ có “Thị” như phần lớn tên nữ hồi ấy. Cô giáo bảo: Cô đặt cho chị tên trùng với tên nhà biên kịch - nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát. Hồi chị kết hôn, một người nói với ông xã chị (cũng là thầy giáo dạy chị ở trường Sân khấu - Điện ảnh): Tại sao lại lấy vợ… già thế? Ông xã chị phải thanh minh: Hồng Ngát của mình không phải là Hồng Ngát già, mà là Hồng Ngát trẻ.

Hơn 20 năm về Đài TNVN, Hồng Ngát ngày càng yêu nghệ thuật chèo. Dù thời gian hát trong phòng thu nhiều hơn thời gian hát trên sân khấu, nhưng chị luôn cho rằng, về Đoàn Ca nhạc Đài TNVN (nay là Nhà hát Đài TNVN) là một quyết định sáng suốt nhất. 20 năm ấy đã cho Hồng Ngát nhiều kinh nghiệm quý báu, và đó cũng là điều chị muốn truyền lại cho lớp nghệ sỹ kế cận: Khi hát trong phòng thu, hãy nghĩ rằng mình đang hát tại một sân khấu trước sự chứng kiến của hàng trăm khán giả, như vậy mới tạo cho mình sự khích lệ, một sự thăng hoa, mới có thể thổi hồn được vào bài hát. Dù người nghệ sỹ hát trong phòng thu có hàng trăm bản thu để trong kho lưu trữ, mà thiếu cảm xúc khi thể hiện, thì không bằng người nghệ sỹ chỉ hát vài bài nhưng gây được ấn tượng với thính giả.

Nghe NSƯT Hồng Ngát thể hiện
Hầu Xá Thượng - Cô bé Thượng Ngàn

Năm 2008, trong cuộc thi Giọng hát vàng ASEAN, với bài hát “Hầu Xá Thượng - Cô bé Thượng Ngàn” ở bảng phong cách âm nhạc dân gian, Hồng Ngát đã đoạt Huy chương Vàng một cách thuyết phục.

Hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Đài TNVN, dù làm công tác quản lý, không còn lên sóng nhiều như trước, nhưng Hồng Ngát luôn giữ thói quen cầm giấy tập bài mới hàng ngày, tập đến khi nào nhuần nhuyễn lời mới thôi. Bởi theo chị, hát còn chưa thuộc lời thì còn chưa hiểu được hết tinh thần của bài hát. Là một trong những nghệ sỹ chèo hàng đầu Việt Nam hiện nay, ngoài công việc ở Đài TNVN, Hồng Ngát còn nhận được nhiều lời mời biểu diễn, giảng dạy về nghệ thuật chèo, nhưng chị chỉ nhận lời khi có thể hoàn thành công việc tới nơi tới chốn.

NSUT Hồng Ngát với tiết mục Hầu Xá thượng tại Cuộc thi Giọng hát Vàng ASEAN năm 2008 (ảnh: VnExpress)

Và hơn 20 năm công tác tại Đài TNVN, biểu diễn khắp nơi trên cả nước, nhiều kỷ niệm in đậm trong tâm trí chị. Những chuyến đi biểu diễn giao lưu với các chiến sỹ ngoài biển đảo khiến chị nhớ mãi. Mặc dù những ngày lênh đênh trên sóng nước khiến chị say mê mệt, nhưng không hiểu sao cứ đặt chân lên đảo, nhìn những gương mặt chiến sỹ mong mỏi đón đoàn từ đất liền ra đảo, chị như quên hết mệt để hát. Những món quà của chiến sỹ dành cho chị, khi là cành hoa Tết từ những con ốc nón, khi là cành san hô, nhành phong ba… Có chiến sỹ còn chạy lên xin được… hôn Hồng Ngát một lần.

Do những cống hiến của NSƯT Hồng Ngát trên làn sóng Đài TNVN hàng chục năm qua, trong danh sách những nghệ sỹ được đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND lần này có tên chị. Hồng Ngát tâm sự: “Ai cũng mơ mình một lần được như vậy. Nghệ sỹ khi cống hiến không để mong mình đạt được danh hiệu gì đó, nhưng khi những cống hiến của mình được ghi nhận thì đó là niềm vui lớn. Trong niềm vui còn có sự may mắn. Thành tích này nếu được ghi nhận, không phải riêng tôi có được, mà trong môi trường công tác, tôi còn được sự giúp đỡ của đồng nghiệp để hoàn thành chuyên môn. Thành tích của cá nhân nhưng là công sức của tập thể, sự quan tâm của lãnh đạo Đài, sự yêu mến của khán thính giả”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên