Phim nước ngoài vẫn chưa được kiểm duyệt chặt chẽ

Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều bộ phim khi trình chiếu được coi là không phù hợp với văn hoá của người Việt Nam, thậm chí cổ vũ bạo lực.

Chiều nay (22/5), Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi xung quanh việc quản lý phim phát sóng trên truyền hình, thuế nhập khẩu phim, tỷ lệ phim Việt Nam và nước ngoài chiếu trên các kênh truyền hình.

Phim ngoại phát sóng tràn lan

Nhiều đại biểu cho rằng, trong Luật cũng cần phải đưa ra một tỷ lệ nhất định giữa phim Việt Nam và phim  nước ngoài được chiếu trên truyền hình. Phim ảnh Việt Nam có chức năng truyền bá văn hoá dân tộc thì phải chiếm tỷ trọng lớn hơn phim nước ngoài. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hoá) nói: “Không có nước nào chiếu phim nước ngoài nhiều như các kênh truyền hình của Việt Nam”.

Minh chứng cho điều này, đại biểu Nguyễn Văn Bình (đoàn Cao Bằng) đưa ra con số tự khảo sát trên kênh VTV3 (Truyền hình Việt Nam), mỗi ngày kênh này phát sóng khoảng 5 phim, nhưng chỉ có 1 phim của Việt Nam sản xuất, còn lại là phim nước ngoài.

Theo đại biểu Vi Trọng Lễ (đoàn Phú Thọ), không có đài Phát thanh - Truyền hình nào (từ Trung ương tới địa phương) thực hiện đúng luật là phát sóng 30% phim nước ngoài. Nguyên nhân chính là vì phim Việt Nam không hay, không hấp dẫn, ít được sản xuất (mỗi năm chỉ có khoảng 34 bộ phim). Vì thế, theo đại biểu Vi Trọng Lễ, nên đưa tỷ lệ này ở mức 50/50.

Một điểm nữa cũng được các đại biểu lưu ý là chúng ta mới chỉ quan tâm đến số lượng phim nhập khẩu mà không xét đến chất lượng phim.

Chia sẻ quan điểm với đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Lê Văn Cuông khẳng định: “Cần phát huy vai trò của Hội đồng thẩm định phim để nhập phim có chọn lọc”.

Sở dĩ, có tình trạng phim ngoại tràn lan như hiện nay theo nhiều đại biểu là vì công tác quản lý của chúng ta còn yếu, chồng chéo. Theo quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh, chức năng quản lý Nhà nước về điện ảnh thuộc Bộ Văn hoá – Thông tin. Sau khi có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, chức năng này được giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trên thực tế, là cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ duyệt phim chiếu tại các rạp và hệ thống video gia đình, còn phim phổ biến trên truyền hình do người đứng đầu cơ quan truyền hình chịu trách nhiệm, trong khi các đơn vị này là cơ quan báo chí thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Thông tin - Truyền thông .

Việc quản lý nội dung phim trên truyền hình hiện còn nhiều bất cập. Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Chính phủ phân công trách nhiệm rõ ràng hơn giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về điện ảnh với Bộ Thông tin - Truyền thông và các cơ quan truyền hình trong công tác quản lý phim phổ biến trên truyền hình.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) cho rằng: Hiện nay, người dân kêu ca nhiều về nội dung phim phát sóng trên truyền hình, có nhiều phim mang tính chất bạo lực, hình ảnh chiếu không phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, khi chiếu phim rồi và nhận được sự phản hồi của khán thính giả thì mới giám sát, kiểm duyệt. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phải có trách nhiệm quản lý nhà nước về văn hóa khi phim truyện trong nước và nước ngoài phát truyền hình.

Theo ông Đào Trọng Thi (đoàn Hà Nội), với phim chiếu trên truyền hình do tính thời sự và áp lực thời gian biểu nên nhiều đài truyền hình chỉ có thể thực hiện hậu kiểm. Hiện cũng chưa thống nhất nguyên tắc kiểm định phim chiếu trên truyền hình. Chắc chắn không thể đưa về một mối quản lý nhưng phải đưa ra tiêu chí kiểm định, tiêu chí với thành viên hội đồng thẩm định.

Cần tăng thuế nhập khẩu phim

Trước đây, để tạo điều kiện cho nền điện ảnh dân tộc phát triển, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh được hưởng những ưu đãi về thuế giá trị gia tăng ở mức 0% nhưng từ ngày 1/1/2009, mức thuế này tăng lên 5%.

Đại biểu Đào Trọng Thi và Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) cho rằng, với mức thuế này vẫn chưa phù hợp vì khi chúng ta mở cửa thị trường phim ảnh, số lượng phim nhập khẩu tăng cao, các đơn vị kinh doanh điện ảnh thu được nguồn lợi nhuận lớn thì cũng cần đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.

Từ thực tế trên, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có những quy định về thuế phù hợp đối với lĩnh vực này. Mặt khác, cần quy định rõ ưu đãi về thuế đối với phim tài liệu, phim thiếu nhi, phim truyền thống cách mạng, phim phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Một yêu cầu nữa trong dự án Luật Điện ảnh sửa đổi được các đại biểu quan tâm là đơn vị nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim. Đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hoá) đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này: “Không nhất thiết phải có rạp chiếu phim thì mới được nhập phim. Bây giờ rất ít người đi xem phi ở rạp. Xây rạp xong rồi để đó thì thật lãng phí. Điều quan trọng là việc nhập phim có hiệu quả hay không”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên