Tết này về Thái Nguyên xem người Tày chơi rối cạn

VOV.VN - Một mùa Xuân nữa đã về, khách du xuân lên với ATK Định Hóa nhớ ghé qua hai làng Thẩm Rộc và Ru Nghệ xem đồng bào Tày nơi đây chơi rối cạn.

Đồng bào Tày ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên còn lưu giữ nhiều sinh hoạt văn hóa đặc sắc như các làn điệu hát then, giai điệu đàn tính, hát si, hát lượn…trong đó đáng chú ý là nghệ thuật rối cạn. Trò chơi tưởng chừng đơn giản mà ẩn chứa nhiều giá trị, thể hiện khát vọng của con người về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chẳng ai biết rối cạn có tự bao giờ. Chỉ nghe các cụ kể lại là từ xưa, già làng Ma Công Bằng đã mang con rối về làng. Từ đó, dân làng sống rất yên lành, mưa nắng thuận hòa, mùa màng bội thu. Hẳn là vì lý do tâm linh ấy mà bao đời nay người dân Thẩm Rộc và Ru Nghệ xem con rối như có linh hồn. Cũng bởi thế mà đã là người Tày ở Định Hóa, Thái Nguyên ai cũng biết chơi rối cạn từ nhỏ. 

Thường thì những đứa trẻ lần đầu tiên xem rối có thể chưa hiểu hết nội dung, nhưng chắc chắn đều cảm thấy thích thú bởi cách điều khiển điêu luyện, sinh động của nghệ nhân. Em Phùng Thị Lâm, dân tộc Tày ở Định Hóa chia sẻ: "Em thấy rối có rất nhiều ý nghĩa để cho các bạn trẻ hiểu được những nét văn hóa truyền thống của ông cha ta ngày xưa để lại. Để biết các cụ ngày xưa sống thế nào, trang phục ra sao, quần áo mặc như thế nào".

Theo như người kế thừa của nghệ thuật rối cạn, ông Ma Văn Cười, trưởng phường rối làng Ru Nghệ, khởi đầu bộ rối có 6 con. Rối cổ miêu tả những nhân vật trong triều đình như rối vua, hoàng hậu, các quan văn, quan võ… Trước mỗi buổi diễn bao giờ cũng là màn giáo đầu. Đó là màn múa của 2 diễn viên với những bước đi uyển chuyển, động tác đẹp mắt và dứt khoát, kèm theo đó là lời giáo có nội dung giới thiệu về phường rối của mình.

Đồ nghề giản đơn nhưng nghệ nhân múa rối que làm hàng nghìn người mê mẩn. Ảnh: baothainguyen

Bên cạnh bộ rối cổ, người họ Ma còn truyền tay nhau bộ sách ghi lại những bài hát giáo, bài hát kể những tích rối. Dựa theo cuốn sách này con cháu dòng họ tiếp tục sáng tạo nên những tích trò mới. Theo thời gian bộ rối phát triển thành 12 con, rồi 33 con. Những con rối sau được sáng tạo để diễn những tích trò mới. 

Nghệ nhân Ma Văn Cười cho biết: "Rối truyền thống này từ thời xưa truyền lại cho các dịp hội hè trong làng. Truyền thống này thường diễn vào ngày Tết tháng Giêng. Từ mùng 4 trở đi lúc bắt đầu xuống đồng, lễ Lồng Tồng diễn từ lúc đó cho đến 3 ngày sau".

Nghệ thuật rối cạn của người Tày độc đáo ở vẻ mộc mạc. Có khi rối được diễn ở lễ hội đông người như lễ hội Lồng Tồng, có khi rối được diễn ngay trên nhà sàn. Một tấm màn quây lại là thành nơi diễn. Nghệ sĩ và khán giả hòa quyện với nhau ngay dưới một mái nhà, tạo nên một không khí sinh hoạt riêng. 

Tiết mục đặc trưng của rối là trò “Người leo cây bắt tắc kè”. Theo quan niệm của người Tày thì tắc kè có khả năng dự báo thời tiết rất chính xác. Do đó tiết mục này thể hiện niềm tin con người cũng có thể biết trước diễn biến của thời tiết, mà điều chỉnh sản xuất và cầu mong cho mùa màng bội thu.

Ngày nay, còn có trò “Rối chơi nhạc”. Trò này thú vị nhất là khi được biểu diễn trong nhà sàn. Cả nhà im lặng, tiếng đàn bầu ngân lên, tay rối nhẹ nhàng gẩy điệu “Bèo dạt mây trôi”. Xem trò mà cữ ngỡ như thật vì cách diễn sinh động, tài tình của nghệ nhân. 

Chị  Tống Thị Phương, người Tày ở Định Hóa chia sẻ: "Múa rối cạn của người Tày huyện Định Hóa có nhạc cụ kèm theo, qua các đời vẫn được truyền tiếp cho các đời sau. Ngoài sử dụng trong lễ hội Lồng Tồng còn được sử dụng trong các sinh hoạt cộng đồng và trong những dịp văn nghệ, thể hiện cuộc sống lao động của những người nông dân, và ước mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu".

Di sản Rối cạn thuộc loại hình rối que, cách điều khiển con rối ở đây cũng không giống các nơi khác. Ngoài một số con rối rung dây giật cầm trên tay còn phần lớn các con rối điều khiển qua các que tre. Người điều khiển dùng một que to và hai que nhỏ cắm vào hai tay con rối, đầu que to giắt sau thắt lưng có dây quàng vào cổ để giữ hai que nhỏ điều khiển các tay rối. 

Trong biểu diễn, các con rối được điều khiển bằng que tre, kết hợp với tiếng đàn tính, sáo và hát then tạo nên một vở kịch độc đáo, hấp dẫn người xem. Khó là vậy, thế nên không phải ai cũng đến được với nghệ thuật rối cạn, nghệ nhân rối phải là người cần cù, kiên trì và cũng phải khéo léo mới điều khiểu rối vừa sinh động vừa có hồn cốt. 

Một mùa Xuân nữa đã về, khách du xuân lên với ATK Định Hóa nhớ ghé qua hai làng Thẩm Rộc và Ru Nghệ xem đồng bào Tày nơi đây chơi rối cạn, chung vui với bà con trong niềm ước nguyện về một năm mới no ấm thuận hòa, nghe tiếng đàn tính, đàn bầu hòa cùng câu si, câu lượn vang cả một vùng núi non./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên