Tết về Phú Yên nghe bài chòi

Người Phú Yên hát bài chòi trong dịp Tết như một nét văn hóa bản xứ độc đáo, tạo dấu ấn riêng của vùng đất và con người xứ Nẫu thân thương

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian có nguồn gốc từ khu vực Nam Trung bộ và được người dân miền Trung tổ chức thành trò chơi mỗi dịp lễ hội hoặc khi Tết về. Ông Nguyễn Phụng Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT Phú Yên, nghệ sĩ chuyên hát, nghiên cứu bài chòi cho biết: “Người Phú Yên hát bài chòi trong dịp Tết như một nét văn hóa bản xứ độc đáo, tạo dấu ấn riêng của vùng đất và con người xứ Nẫu thân thương”.

Từ những năm kháng chiến chống Pháp, rồi đánh Mỹ cứu nước, những vở kịch dân ca bài chòi, những làn điệu bài chòi của con người đất Phú đã đi vào tận hang cùng ngõ hẻm cuộc sống cách mạng; phục vụ, động viên bộ đội và nhân dân đấu tranh chống kẻ thù xâm lược; thuyết phục những người “nhầm đường” về với cách mạng. Ngày ấy, mặc dù không chuyên, song lời hát dân dã có sức thuyết phục đáng kể. Mấy mươi năm qua, những lời ca đó vẫn còn âm vang đọng lại mãi tận bây giờ.

Ngày nay Tết đến, ở các làng quê thuộc huyện Tuy An, Phú Hòa, Đông Hòa, Đồng Xuân… tỉnh Phú Yên, rất nhiều nơi rộn ràng trò chơi bài chòi. Loại hình diễn xướng này mang chất dân dã nhưng khá hấp dẫn người tham gia bởi các làn điệu dân ca Xàng xê, Xuân nữ, Cổ bản đặc trưng của cư dân miền biển.

Trước Tết, người dân dựng các chòi bằng tranh tre trong một khuôn đất hình chữ U. Có thể dựng 9, 11 hay 13 chòi. Thông thường, hội bài chòi Tết ở Phú Yên được khai mạc từ sáng mùng một Tết. Khi bà con đến đông, người mở đầu cuộc chơi bằng câu hát: “Gió xuân phảng phất ngọn tre/ Bà con cô bác lắng nghe bài chòi” lảnh lót vang xa. Người hô sẽ tiếp tục các hoạt động tiếp theo như xóc ống xóc và rút từng thẻ bài, hô tên từng con bài thông qua các câu thai. Thẻ bài trong ống xóc được chia làm ba pho: pho văn, pho sách, pho vạn; trên các lá bài có trang trí các hình vẽ. Người chơi ngồi trên chòi, được phát các lá bài trong các bộ bài chủ, khi nghe người hô hiệu hát những câu thai theo tên từng lá bài được rút; nếu có đủ ba con trên lá bài chủ, người chơi chỉ cần gõ mạnh ba lần vào ống tre sẽ được nhận thưởng, nhận rượu từ ban tổ chức.

Hát bài chòi trong ngày Tết tại xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên

Phú Yên có những nghệ sỹ ca bài chòi nổi tiếng như Đình Thoảng, Phùng Long Ẩn, Phụng Kỳ… song cũng có nhiều người nghiệp dư, đam mê nghệ thuật ca hát, với chất giọng tốt, tiếng hát của họ có thể vang xa đến tận chân làng. Có nhiều người đam mê bài chòi đến quên ăn, quên ngủ. Vì thế, không khí Tết bài chòi ở các làng quê Phú Yên thường nhộn nhịp từ đầu năm đến tận rằm tháng Giêng. Đặc biệt, trò chơi truyền thống này mang tính giải trí văn nghệ, để lấy hên, lấy lộc đầu năm.

Nhiều năm qua, bài chòi sống mãi với cộng đồng dân cư Phú Yên. Nó đã đi vào trí nhớ, kỉ niệm của những người con đất Phú học hành làm ăn nơi xa. Mỗi khi Tết về, dù làm gì, ở đâu, trong nỗi nhớ quê nhà vẫn đau đáu một phần của tiếng hò, tiếng hô bài chòi. Tiếng hát đó mang giọng điệu bình dân, thân tình, thấm đượm tình đất, tình người của một vùng đất từng chịu nhiều mưa lụt và gió bụi.

Để lưu giữ bảo tồn và tiếp tục phát huy bộ môn nghệ thuật dân gian này, cuối năm 2010, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên đã mở lớp truyền dạy các làn điệu dân ca, bài chòi cho cán bộ văn hóa cơ sở trong toàn tỉnh. Quỹ Hỗ trợ bảo tồn nghệ thuật văn hóa dân gian cùng Hội Nghiên cứu văn hoá văn nghệ dân gian tỉnh Phú Yên cũng đã thực hiện chương trình khôi phục bản sắc của Hội Bài chòi tại Phú Yên. Hội bài chòi được đánh giá là di sản văn hóa cần được khôi phục và gìn giữ.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Yên, ông Phan Đình Phùng, đây là hoạt động nằm trong chương trình quảng bá và lưu giữ những làn điệu dân ca đang được thực hiện tại Phú Yên. Hoạt động này cũng hướng đến lễ kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1611-2011). Bên cạnh đó, Liên hoan Dân ca Bài chòi toàn quốc cũng là một chương trình nghệ thuật tiêu biểu được thực hiện vào dịp tỉnh Phú Yên đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2011./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên