Thi độc tấu và hoà tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc

Thí sinh sẽ tranh tài ở các bộ môn: sáo trúc, đàn bầu, đàn nhị, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tỳ bà.

Cuộc thi "Độc tấu và hoà tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần thứ 3" sẽ diễn ra trong các ngày từ 25/11 đến 2/12 tới, tại Hà Nội. Cuộc thi do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch) tổ chức, nhằm phát hiện các nghệ sĩ tài năng, tâm huyết với âm nhạc truyền thống.

Các thí sinh dự thi chia làm hai bảng: bảng A dành cho các thí sinh dưới 16 tuổi và bảng B dành cho các thí sinh từ 16 đến 36 tuổi.

Ông Lê Ngọc Cường- Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh: “Cuộc thi "Độc tấu và hoà tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần thứ 3" nhằm phát hiện các nghệ sĩ tài năng, có nhiều tâm huyết tìm tòi, sáng tạo trong biểu diễn nhạc cụ dân tộc; tôn vinh giá trị của nhạc cụ dân tộc; bảo tồn, phát huy những tinh hoa của âm nhạc truyền thống thông qua nhạc cụ cổ truyền, qua sự sáng tạo trong hình thức biểu diễn của các nghệ sĩ.

Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ trẻ giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về phương pháp sáng tạo, phong cách biểu diễn, phấn đấu ngày càng có nhiều tác phẩm độc tấu, hoà tấu nhạc cụ dân tộc được sáng tác mới đạt chất lượng nghệ thuật cao để phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam phát triển tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…” 

Về thể lệ cuộc thi, ông Lê Ngọc Cường cũng cho biết: Đây là một cuộc thi nên phải đảm bảo theo qui chuẩn chung của các cuộc thi quốc tế. Các thí sinh phải tranh tài qua 2 vòng để có sự sàng lọc chuẩn hơn. Mỗi vòng, thí sinh đều phải chơi 3 bài. Vòng một ưu tiên các bài nhạc cổ. Vòng hai, các thí sinh có thể chơi một bài cổ bản, một tác phẩm sáng tác mới và một tác phẩm do thí sinh tự chọn để khẳng định thế mạnh của mình.

Các thí sinh phải chọn các bài có tính chất, tốc độ và phong cách khác nhau. Như vậy, bắt buộc là các thí sinh muốn tham gia vào vòng hai thì không được chơi lặp lại vòng một. Thí sinh nào đã tham gia các cuộc thi lần trước thì lần này cũng không được chơi lại những tác phẩm mà mình đoạt giải lần trước. 

PV: Ông nhận xét gì về việc một số em đã tham gia cuộc thi lần trước (tổ chức cách đây 5 năm) lần này vẫn tiếp tục tham gia thi?

Việc các thí sinh đã đoạt giải rồi vẫn tham gia thi là điều rất mừng. Hiện nay đang có xu thế các Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân đến mùa hội diễn thường lấy lý do là nhường lại "sân chơi" cho các thế hệ đàn em. Nhưng thực tế, để vượt qua cái ngưỡng mà mình đã thành công cũng không phải là đơn giản, nên họ ngại tham gia tiếp. Cuộc thi lần này có một số em đã đoạt giải cao trong cuộc thi lần trước, lần này vẫn dũng cảm dự thi, đó là rất yêu nghề.  

PV: Thưa ông, so với hai cuộc thi trước, cuộc thi độc tấu và hoà tầu nhạc cụ dân tộc lần thứ 3 này có điểm gì mới?

Cuộc thi lần này có số lượng thí sinh đăng ký tham gia đông hơn hẳn: 115 dự thi độc tấu và 7 nhóm hoà tấu (92 người).

Về nhóm hoà tấu, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam có 3 nhóm: Đồng nội, Mưa hạ, Hy vọng. 4 nhóm còn lại của Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Hà Nội, Trường Cao đẳng văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế và Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, tổng số thí sinh tham gia là hơn 200 em.

Hai cuộc thi lần trước, lực lượng tham gia chủ yếu là dồn vào hai đơn vị đào tạo là Nhạc viện ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cuộc thi lần này có mặt các thí sinh ở nhiều tỉnh khác như: Lào Cai, Ninh Bình, Bình Dương, Bạc Liêu, các trường Cao đẳng văn hoá nghệ thuật Việt Bắc, Cao đẳng văn hoá nghệ thuật Tây Bắc.v.v... Thí sinh tự do cũng có. Về chất lượng thí sinh, các trường, các địa phương đều có sự sàng lọc tốt. 

PV: Bộ Văn hoá - Thể thao- Du lịch có hướng sẽ thành lập một Dàn nhạc giao hưởng dân tộc. Các cuộc thi như thế này giúp phát hiện các tài năng để bồi dưỡng, đưa vào dàn nhạc này?

Đúng như vậy. Từ những năm 60 của thế kỷ trước ở Việt Nam đã hình thành dàn nhạc giao hưởng dân tộc rất lớn. Nhưng sau đó do điều kiện khó khăn, sinh hoạt văn hóa có khuynh hướng giản lược đi nên bỏ mất.

Từ năm nay, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao- Du lịch, sẽ phục hồi lại và thành lập các dàn nhạc giao hưởng dân tộc để có điều kiện phổ biến các tác phẩm do các nghệ sĩ sáng tác. Hiện nay, Học viện âm nhạc Việt Nam đã xây dựng xong đề án và chúng tôi cũng đã thẩm định. 

PV: Thưa ông, những tài năng được phát hiện trong các cuộc thi lần trước đã phát huy được tài năng của mình như thế nào?

Trong điều kiện đất nước giao lưu và mở cửa, chúng ta có quan hệ với nhiều nước trên thế giới. Việc quảng bá, giới thiệu các giá trị của nghệ thuật dân tộc ra nước ngoài cũng được quan tâm. Các nghệ sĩ đoạt giải trong các cuộc thi bao giờ cũng nằm trong "vòng ngắm" của các cơ quan quản lý, các đơn vị, khi cần cử đi nước ngoài biểu diễn. Nhiều anh chị em đoạt giải cao cũng được nhà nước xét đặc cách trong các đợt phong tặng các danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân. Đó là sự ghi nhận và đánh giá đúng công sức của các nghệ sĩ trong lao động nghệ thuật. Nhiều người được giữ lại trường, trở thành những nhà giáo để tham gia vào công tác đào tạo các lớp nghệ sĩ kế cận.

Xin cảm ơn ông.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên