Thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ” cầu nối để du khách thêm yêu văn hoá Việt

VOV.VN - “Tinh hoa Bắc bộ" là chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh lần đầu tiên tại Hà Nội, Việt Nam.

Hài hòa non nước, sân khấu vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc bộ nằm ngay dưới chân núi Thầy (xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), trên mặt hồ nước rộng 4300m2.

Từ cốt truyện về thiền sư Từ Đạo Hạnh, đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã dẫn dắt du khách bước vào thiên nhiên, đời sống tinh thần phong phú của con người đất Việt... qua những âm thanh, ánh sáng hiện đại và hơn 200 diễn viên - phần lớn là những người nông dân bước lên sân khấu kể về chính cuộc đời mình.

Người đạo diễn gạn đục khơi trong

Khi nhận lời làm tổng đạo diễn cho vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc bộ", đạo diễn Hoàng Nhật Nam vấp những phải lo lắng và áp lực. Anh không ngừng đặt cho mình câu hỏi: “Nên khai thác và chất liệu gì trong kho tàng tinh hoa Bắc bộ rộng lớn?”.

Một ngày lễ Phật Đản, đạo diễn Hoàng Nhật Nam tình cờ biết có ý kiến cho rằng thiền sư Từ Đạo Hạnh (còn được gọi là Thánh Láng) là một trong 4 vị Tứ bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam, các phường múa rối nước nước ta tôn ông là thủy tổ nghề. Nguồn cảm hứng sáng tạo chợt đến, người đạo diễn chọn thiền sư Từ Đạo Hạnh là nhân vật dẫn truyện xuyên suốt vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ”.

Ý tưởng “Tinh hoa Bắc bộ” được đạo diễn Hoàng Nhật Nam hình thành, phát triển, chia thành 6 phần nội dung chặt chẽ: “Thi ca”, “Cõi Phật”, “Hoài cổ”, “Nhạc họa”, “An vui” và “Ngày hội”. Tại đây, khán giả sẽ cảm nhận được các lĩnh vực nghệ thuật, điêu khắc, kiến trúc, các hoạt động vui chơi, giải trí đến các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tinh thần của con người Việt Nam trong lao động, sản xuất, trong cả cách ăn mặc; và tất nhiên, không thể thiếu được, đó là học vấn, tri thức.

Tuy nhiên, nếu nói về những cảnh trong vở diễn khiến khán giả trầm trồ thán phục, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến cảnh thiền sư Từ Đạo Hạnh xuất hiện, những bông sen vàng nở rộ lấp lánh dưới nước, những người nghệ nhân gắn rối nước trên vai bước đi nhịp nhàng...

Tất cả mang đến câu chuyện nghệ thuật múa rối nước bằng động tác, ánh sáng và sắp đặt; hoặc cảnh mở đầu phần 4 “Nhạc họa”, 4 cô tố nữ bước ra từ tranh vẽ, công nghệ và thực tại được tính toán, đan xen tạo yếu tố làm du khách bất ngờ.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ, để những người nông dân Sài Sơn hiền hậu, chất phác có thể biểu diễn chuyên nghiệp trên sân khấu, anh đã có những buổi trò chuyện, tâm tư với bà con để họ nghe chất giọng của mình, hiểu tâm tư, hiểu những điều người đạo diễn xây dựng và hướng đến.

Vì vậy, dưới ánh đèn sân khấu lớn, trang phục, đạo cụ... những người nông dân đã khác. Họ quên đi bỡ ngỡ, cái “tôi” rụt rè, họ là diễn viên thực thụ, kể lại chính cuộc đời mình thường nhật: xưa, và nay. Nhờ đó, các diễn viên di chuyển trên mặt hồ thành thục với hệ thống đường đi ngầm. Mô hình hoạt cảnh giấu chìm dưới nước phối kết hợp nhuần nhuyễn với âm thanh, ánh sáng, làm nên sự hoàn chỉnh và thành công của “Tinh hoa Bắc bộ”.

“Địa chỉ đỏ” hấp dẫn du khách khi đến với Thủ đô

Không chỉ làm minh chứng cho nỗ lực của những người làm nghệ thuật trên đất Việt, vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ” còn mở ra những tiềm năng phát triển du lịch cho địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung

Trước hết, “Tinh hoa Bắc bộ” đáp ứng nhu cầu những người sinh sống và làm việc đô thị, với tốc độ phát triển “chóng mặt”, khói bụi và bận rộn bủa vây, họ có mong muốn tìm về bình yên và “gợi nhớ những điều lâu lắm rồi bản thân mình quên mất”.

Đến với vở diễn này, ngay từ lối đi vào cổng, du khách sẽ ngỡ ngàng khi bắt gặp những bụi chuối, mái tranh, những quán xá lúp xúp xinh xắn bán bánh giò, bánh nếp, kẹo dồi, kẹo lạc, xôi gói lá sen lá chuối thơm nồng... Du khách có thể check-in bằng những tấm ảnh chụp cùng liền anh liền chị miền quan họ hay anh chàng Trạng nguyên hay cùng con cái tham gia các trò chơi dân gian thú vị như ô ăn quan, bịt mắt bắt dê... Qua vở diễn, khán giả có cơ hội ghi nhớ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “công cha nghĩa mẹ”, không khí ngày mùa, ngày hội...

Bên cạnh đó, vở diễn còn làm “cầu nối” hợp lý và hợp tình đối với khách du lịch quốc tế chưa am hiểu về văn hóa Việt Nam có nhu cầu vừa trải nghiệm thiên nhiên, ẩm thực, vừa thưởng thức nghệ thuật.

Sân khấu thực cảnh đã góp phần khiến địa phương và nhà đầu tư khai thác tốt hơn tài nguyên du lịch, thêm phong phú các sản phẩm du lịch sẵn có của các công ty lữ hành. Đây cũng là một địa chỉ  mới cho các du khách khi quay lại Việt Nam ưu ái lựa chọn.

Chị Nguyễn Thị Hà (37 tuổi), một người nông dân xã Sài Sơn tham gia vở diễn cho biết, bên cạnh các du khách trong nước, lượng khách nước ngoài đến xem vở diễn cũng ngày một nhiều lên. Những tràng vỗ tay không ngớt, nụ cười thân thiện của họ đã trở thành sự cổ vũ, động lực cho chị cùng các diễn viên ngày một tự tin, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, đến với vở diễn với niềm đam mê và niềm vui lan tỏa văn hóa cộng đồng.

“Du khách chọn thưởng thức “Tinh hoa Bắc bộ” khi đến với Thủ đô Hà Nội là vinh dự của chúng tôi, chúng tôi cũng coi việc tham gia vở diễn như một “nghề tay trái”, nên hy vọng du khách sẽ ngày càng đến xem đông hơn nữa”, chị Nguyễn Thị Hà nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Biểu diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” sẽ diễn ra vào tháng 10/2017
Biểu diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” sẽ diễn ra vào tháng 10/2017

VOV.VN - Chương trình biểu diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam được đầu tư hơn 500 tỉ đồng.

Biểu diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” sẽ diễn ra vào tháng 10/2017

Biểu diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” sẽ diễn ra vào tháng 10/2017

VOV.VN - Chương trình biểu diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam được đầu tư hơn 500 tỉ đồng.