Lời thề Vị Xuyên

VOV.VN - Những người lính Vị Xuyên sẽ tiếp tục truyền lại cho con cháu mai sau “lời thề Vị Xuyên”: "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Ngày 14/12/2017, gia đình, bà con làng xóm gần xa ở thôn Phú Diễn, xã Phú Diễn (nay là phường Phú Diễn) quận Bắc Từ Liêm Hà Nội tổ chức trọng thể lễ đón hài cốt liệt sĩ Đình Văn Chung về với quê hương. Đông đảo đồng đội của liệt sĩ Đình Văn Chung thuộc sư đoàn 356 chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) đã về dự.

Ban liên lạc Cựu chiến binh sư đoàn 356 viếng Liệt sĩ Chung.
Linh cữu liệt sĩ Đình Văn Chung phủ quốc kỳ, được các cựu chiến binh túc trực.

Ngày 11/7/2016, khi các cựu binh sư đoàn 356 tổ chức khánh thành đài tưởng niệm liệt sĩ ở khu vực điểm cao 468 thuộc thôn Nậm Ngặt xã Thanh Thuỷ huyện Vị Xuyên Hà Giang và làm lễ “giỗ trận Vị Xuyên”, người chị ruột của Chung lên dự và đeo một tấm băng rôn nhờ tìm phần mộ của liệt sĩ Đình Văn Chung.

Sau đó tôi cùng gia đình và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang bắt đầu cuộc tìm kiếm.

Nguyễn Văn Kim, chiến sĩ liên lạc, bạn chiến đấu cùng liệt sĩ Chung ở đại đội 12 tiểu đoàn 3 trung đoàn 876 kể: Chung to cao, đẹp giai, ở đơn vị cối 82. Bọn tôi vẫn gọi là "Chung kều”.

Với anh, "đi tìm đồng đội” là tâm nguyện, là lời thề của cựu binh sư đoàn 356 với người đã ngã xuống.

Linh cữu liệt sĩ Đình Văn Chung đước các cựu chiến binh túc trực.
Tháng 5/1984, tôi có mặt ở Vị Xuyên Hà Giang, làm nhiệm vụ của một phóng viên chiến trường. Lúc đó cuộc phản công của bộ đội ta giành lại những cao điểm ở khu vực xã Thanh Thuỷ bị quân Trung Quốc lấn chiếm đang được chuẩn bị tích cực.

Trận chiến Vị Xuyên giằng dai từ tháng 4/1984 đến năm 1989 mới chấm dứt. Khu vực đồi núi từ ngã ba Thanh Thuỷ lên đến điểm cao 1509 diễn ra các trận đánh ác liệt với những cái tên “lò vôi thế kỷ”, “đồi thịt băm”... không phai mờ trong ký ức người lính Vị Xuyên.

Nhưng trận chiến để lại nước mắt nhiều nhất cho người dân Vị Xuyên và thị xã Hà Giang, trong lớp lớp cán bộ chiến sĩ sư đoàn 356 chính là trận chiến ngày 12/7/1984 với hàng trăm chiến sĩ hy sinh và đau đớn thay, nhiều năm sau vẫn không được chôn cất, di thể lẩn khuất trong khe núi, thung sâu.

 "Vệ đây đồng đội ơi"...ngày 11/7/2016, "giỗ trận Vị Xuyên". Nhạc sĩ Trương quý Hải (người đầu cắt tóc ngắn) cùng các đồng đội tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh.
Ngày 11/7/2016, tất cả chúng tôi đều khóc khi nhạc sĩ Trương Quý Hải, vốn là lính 356 cất tiếng ca cùng với  mọi người, bài hát “Về đây đồng đội ơi” do anh sáng tác.

Trương Quý Hải kể: Lần đầu tiên cất tiếng ca, Hải như thấy, cảm thấy rất rõ anh linh của đồng đội đang tụ về đài hương. Đêm ấy trời mưa như trút.

Tôi không được thắp nén hương kính viếng anh linh các liệt sĩ trong ngày hôm ấy. Nhưng giỗ trận Vị Xuyên năm sau (2016) chứng kiến sau lễ giỗ, đêm ấy trời mưa như trút.

Nhìn núi chồng núi, thung sâu nối tiếp thung sâu, tôi cứ mường tượng cảnh chiến sĩ ta, từ một vị trí thấp hơn, bất lợi về mặt tác chiến, lớp lớp xông lên giành lấy điểm cao, quyết không để quân xâm lược chiếm giữ. Xương máu anh em đổ xuống tạo thành bức trường thành vô hình, một cửa ải khiến quân địch phải khiếp sợ. Và trận chiến Vị Xuyên đã để lại nỗi đắng cay trong lòng quân xâm lược. Đắng cay vì hao quân tổn tướng, huy động lính chủ lực của hầu hết các đại quân khu với hoả lực phi pháo tối đa, đã không chiếm được một tấc đất của người Việt.

Tôi định đặt tên cho bài viết của mình là “Nước mắt Vị Xuyên”. Bởi dòng nước mắt lặn sâu vào tim cứ chực trào ra khi nghĩ về những người đã ngã xuống. Bởi những người lính Vị Xuyên mà tôi quen biết, cứ nhắc đến “Vị Xuyên” là rưng rưng nước mắt. Cuộc sống của nhiều người trong họ còn gian nan lắm. Một người lính Vị Xuyên chạy xe máy chở tôn đã gây ra cái chết của một cậu bé ngay giữa lòng Hà Nội, chút xíu nữa thì lâm vào vòng lao lý. Có những thương binh nhà không có đủ một bộ ấm chén lành lặn. Có anh nằm ở trại điều dưỡng, bệnh nặng gửi lại cho một đồng đội con gà tre mình nuôi làm bầu bạn, với lời nhắn nhủ “sợ tớ không qua khỏi”.

Trần Côn Sơn, chiến sĩ trung đội thông tin tiểu đoàn 1 trung đoàn 876, là người được gửi gắm nuôi con gà tre. Sơn, sau thời gian đi xuất khẩu lao động trở về, lưu lạc mãi cuối cùng định cư ở đất Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội, dạt ra tận mép sông Hồng, dựng một gian nhà gianh làm nơi anh em trong đơn vị có chỗ đi lại… Gian khổ vất vả như thế, nhưng mọi người vẫn bảo nhau: đời ta đã giữ được biên cương, phải truyền đến con cháu đời sau tiếp tục gìn giữ. Hôm nay, khi cùng tôi lên Phú Diễn đón Đình Văn Chung về với quê hương, Sơn lại nhắc đến lời thề ấy.

Tôi có cái may mắn là đã được đi trực thăng quần đảo trên khu vực vòng cung núi đá khu vực ải Chi Lăng, thấy thế đất hiểm yếu đúng như lời người xưa dạy và “sát khí bốc lên ngùn ngụt”. Và cũng chính vì vậy càng tin rằng những liệt sĩ Vị Xuyên hôm nay, thân xác dẫu còn vương trong khe đá thung sâu, nhưng anh linh các anh vẫn vương vấn nơi biên cương, tạo thành một sức mạnh vô hình chống lại dã tâm của kẻ xâm lược.

Đầu tháng 11 vừa qua, tôi đã có một cuộc “về nguồn” đi hết các cột mốc chủ quyền trên đường tuần tra biên giới từ Hoành Bồ (Quảng Ninh) về tới Chi Ma (Lạng Sơn) rồi ghé thăm ải Chi Lăng, một lần nữa chiêm ngưỡng chân dung người anh hùng vô danh. “Anh” vẫn còn đó, vẫn ngày đêm cảnh giác chăm chú nhìn ra đường cái quan. Và như nhắc con cháu hôm nay rằng: phải cảnh giác…

Như vậy không thể là “Nước mắt Vị Xuyên”.

Mà phải là “Lời thề Vị Xuyên”.

Lời thề Vị Xuyên là lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Lời thề Vị Xuyên là lời thề “Vì nhân dân quên mình. Vì Tổ quốc hy sinh”.

“Về đây đồng đội ơi”. Hôm đó những người còn sống đã nói với người đã khuất : đồi thịt băm” “lò vôi thế kỷ” đã xanh lại rồi. Sự hy sinh của các anh không uổng. Tổ quốc, nhân dân ghi nhớ trận chiến Vị Xuyên bảo vệ Tổ quốc của các anh.

Chúng tôi, những người lính Vị Xuyên, thề tiếp tục chiến đấu trên trận địa mới. Không chịu đói nghèo. Vươn lên làm giầu. Chúng tôi, những người lính Vị Xuyên, sẽ tiếp tục truyền lại cho con cháu mai sau “lời thề Vị Xuyên”: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Về đây đồng đội ơi, cả một rẻo biên cương , đâu cũng là quê hương…/.

Tháng 7 ở Vị Xuyên

VOV.VN - Tháng 7,người Việt Nam lại hướng lòng mình về những nơi biểu trưng cho quá khứ hào hùng, sự hy sinh lẫm liệt vì đất nước.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dâng hương tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên
Dâng hương tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên

VOV.VN -Tại lễ tưởng niệm, những cựu chiến binh của Sư đoàn 356 ngày nào đã không thể kìm được nước mắt khi nghĩ đến những đồng đội đã anh dũng hy sinh.

Dâng hương tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên

Dâng hương tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên

VOV.VN -Tại lễ tưởng niệm, những cựu chiến binh của Sư đoàn 356 ngày nào đã không thể kìm được nước mắt khi nghĩ đến những đồng đội đã anh dũng hy sinh.

Tư Hổ và hành trình 30 năm đạp xe đi tìm hài cốt liệt sỹ  ​
Tư Hổ và hành trình 30 năm đạp xe đi tìm hài cốt liệt sỹ ​

VOV.VN - Ông không nhớ mình đã ngủ lại ở bao nhiêu nghĩa trang liệt sỹ và đã đạp xe bao nhiêu cây số để đi tìm hài cốt đồng đội...

Tư Hổ và hành trình 30 năm đạp xe đi tìm hài cốt liệt sỹ  ​

Tư Hổ và hành trình 30 năm đạp xe đi tìm hài cốt liệt sỹ ​

VOV.VN - Ông không nhớ mình đã ngủ lại ở bao nhiêu nghĩa trang liệt sỹ và đã đạp xe bao nhiêu cây số để đi tìm hài cốt đồng đội...

“Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của các anh hùng liệt sỹ“
“Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của các anh hùng liệt sỹ“

VOV.VN- Tổng Bí thư nhấn mạnh: Sự hy sinh, cống hiến của các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, thương binh mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người.

“Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của các anh hùng liệt sỹ“

“Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của các anh hùng liệt sỹ“

VOV.VN- Tổng Bí thư nhấn mạnh: Sự hy sinh, cống hiến của các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, thương binh mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người.