Vụ "quái thú" chắn lăng Ngô Quyền: Xem xét lại việc tu bổ

VOV.VN -Mục tiêu cuối cùng của bảo tồn là tôn vinh di tích gốc, tôn vinh công lao vị Vua và phải hợp với ý nguyện của lòng dân, của dòng họ.

Như VOV online đã thông tin, dự án tu bổ đền và lăng Ngô Quyền mới chỉ đi được 6 tháng, tuy vậy, những biện pháp cải tạo đang vấp phải không ít phản ứng trái chiều xung quanh việc đặt bức bình phong có hình con thú “lạ” chắn trước lăng Ngô Quyền.

Bức bình phong có tạo hình là một con thú dữ tợn, thiếu thẩm mỹ là điều khiến người dân địa phương và dòng họ Ngô tỏ ra rất bức xúc. Nhà nghiên cứu văn hóa, GS Trần Lâm Biền sau khi xem bức hình cũng nhận xét: Nó giống như một con báo lai chó sói, không giống con hổ tâm linh ngự trị trên bình phong.

Bình phong là "yếu tố mới" được xây mới hoàn toàn bằng xi măng chắn hết tầm nhìn của lăng (Ảnh: Quang Trung)

PV VOV online đã có cuộc trao đổi với ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội.

Cần xem xét lại công tác triển khai tu bổ lăng Ngô Quyền

PV: Dự án tu bổ, tôn tạo lăng Ngô Quyền trong đó có việc xây dựng bình phong và nhà sinh hoạt của người thủ từ vấp phải nhiều phản ứng trái chiều của dư luận. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Ông Trương Minh Tiến: Sau khi nhận được thông tin dư luận phản ánh, Sở VHTT&DL với tư cách cơ quan tham mưu cho UBND thành phố quản lý Nhà nước về những di sản trên địa bàn thành phố, nhất là công tác tu bổ, tôn tạo di tích cũng đã cử cán bộ thuộc Ban quản lý di tích danh thắng xuống làm việc với Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm - chủ đầu tư của dự án tu bổ, tôn tạo lăng Ngô Quyền.

Kết quả bước đầu cho thấy rằng dự án đã được UBND thị xã Sơn Tây phê duyệt theo đúng trình tự thủ tục quy định của Luật Di sản. Trước khi phê duyệt, chủ đầu tư cũng tổ chức cuộc hội thảo lấy ý kiến của đại diện cấp chính quyền, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân. Sau đó, trình tự thỏa thuận cũng đã được Bộ VHTT&DL thỏa thuận dự án.


Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội

Dự án được phê duyệt triển khai từ năm 2013 – 2016, gồm có rất nhiều hạng mục. Cho đến thời điểm này, dự án mới triển khai được khoảng 6 tháng, chủ đầu tư mới thực hiện 1 số hạng mục, trong đó đặc biệt dư luận phản ứng với bức bình phong và công trình chỗ sinh hoạt của cụ từ.

Sau khi kiểm tra, đại diện của Sở, đại diện Ban quản lý làng cổ Đường Lâm khẳng định các hạng mục này nằm trong dự án đã được phê duyệt. Đối với hạng mục nhà sinh hoạt dành cho thủ từ, trên thực tế, anh em đã khẳng định rằng nó không cao hơn so với đền. Trong thiết kế nó thấp hơn khoảng độ nửa mét, làm theo đúng thiết kế phê duyệt.

Bức bình phong trong dự án đã có, nhưng thiết kế trong dự án chưa chi tiết. Khi dự án tu bổ thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục đầu tư, nhất là dự án đã được sự cho phép của cấp cao nhất về quyết định cấp di sản là Bộ VHTT&DL thì nó phải được triển khai theo đúng quy định của Luật Di sản, Luật Xây dựng. Trong quá trình xây dựng, công trình đang trong giai đoạn thi công chưa hoàn thiện, vì vậy nó đã nhận được sự góp ý của nhân dân, dòng họ Ngô.

Về góc độ của ngành, qua kết quả kiểm tra bước đầu, chúng tôi cũng sẽ có văn bản đề nghị UBND thị xã Sơn Tây phải xem xét lại công tác triển khai này như thế nào. Nếu dự án đã thực hiện theo đúng quy định mà sau đó có ý kiến của nhân dân, của dòng họ thì ta vẫn có thể kiến nghị, đề xuất thay đổi. Bởi mục tiêu của chúng ta là làm thế nào cho công trình tu bổ xong phải là một công trình tôn vinh di tích gốc, nhất là đối với lăng Ngô Quyền phải tôn vinh thân thế, sự nghiệp của Cụ và cũng là hợp với ý nguyện của nhân dân, nhất là dòng họ. Đấy là mục tiêu cuối cùng của bảo tồn.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng bức bình phong không hợp lý là do thiếu hiểu biết, nhằm thanh toán cho hết tiền của nhà tài trợ. Trách nhiệm của Sở VHTT&DL trong vấn đề này là như thế nào?

Ông Trương Minh Tiến: Chúng tôi chưa nhận được ý kiến phản hồi của dòng họ Ngô, kể cả bằng lời lẫn văn bản báo cáo. Qua nghe dư luận phản ánh, chúng tôi sẽ trao đổi với UBND thị xã Sơn Tây để họ có trách nhiệm tập hợp lại toàn bộ những vấn đề đã, đang làm và tới đây sẽ phải làm. Kể các các ý kiến của nhân dân và dòng họ, thị xã Sơn Tây phải tập hợp lại để báo cáo với Sở, với thành phố và Bộ. Trên cơ sở đó, chúng tôi mới có căn cứ xem xét, tham mưu cho Ủy ban thành phố để Bộ Văn hóa xử lý vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án này.

Chưa có Ban giám sát cộng đồng - qui định bắt buộc của công trình

PV: Quy định bắt buộc của công trình là phải có ban giám sát cộng đồng với sự tham gia của đại diện người dân. Dòng họ Ngô đóng góp 30% tổng kinh phí của dự án có được tham gia giám sát hay không?

Ông Trương Minh Tiến: Ban giám sát cộng đồng là một trong những quy định bắt buộc của các công trình xây dựng. Thành phần ban giám sát cộng đồng theo quy định của Chính phủ phải do UBND xã cử ra 1 ban giám sát cộng đồng, thay mặt cho các tầng lớp nhân dân ở đó tham gia giám sát.

Qua trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL di tích Đường Lâm cho biết, trong BQL dự án có thành phần đại diện của UBND xã Đường Lâm, của thôn, và đại diện dòng họ là ông Ngô Vui. Ngoài ra, đại diện dòng họ thuê thêm 1 kiến trúc sư liên tục theo dõi giám sát dự án này.

Tuy vậy, ông Sơn cũng cho biết hiện chưa thành lập danh sách ban giám sát cộng đồng.

PV: Bức bình phong đã nhận được nhiều phản hồi tiêu cực cả từ phía nhân dân, dòng họ và một số nhà nghiên cứu. Vậy nếu dòng họ đề nghị Cục Di sản thay đổi dự án đã được phê duyệt liệu có được không?

Ông Trương Minh Tiến: Bức bình phong có liên quan đến quy định của Luật, khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chính thức, coi như công trình phải xây dựng. Nhưng trong trường hợp nếu như khi triển khai thấy có những điều cần chỉnh sửa bổ sung, vẫn có thể báo cáo lại cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh lại.

Ngoài ra, bức bình phong xuất phát từ lý do vừa là kiến trúc, vừa liên quan đến yếu tố tâm linh, nếu dòng họ có ý kiến, cơ quan chức năng cần có tính toán, xem xét lại. Bởi suy cho cùng, công trình làm xong vừa phục vụ đông đảo nhân dân, vừa tôn vinh được công trạng của cụ Ngô Quyền, vừa tạo ra điểm đến, tạo ra niềm tự hào cho dòng họ Ngô. Trong quá trình làm cần phải có tiếp thu, xem xét ý kiến, kiến nghị của nhân dân và dòng họ.

Về quy trình, dòng họ Ngô nếu họ đã có ý kiến chính thức, phải cử đại diện bằng văn bản, bằng đơn gửi đến cấp có thẩm quyền mà ở đây là UBND thị xã Sơn Tây là chủ quản đầu tư của công trình này. Trên cơ sở đó UBND thị xã Sơn Tây sẽ tiếp nhận đơn, chỉ đạo xem xét cụ thể làm các thủ tục tiếp theo nếu như nhận thấy cần thiết phải thay đổi.

Về góc độ của Sở, chúng tôi đánh giá rất cao những ý kiến phản hồi kịp thời của người dân, thể hiện tinh thần trách nhiệm về các công trình tu bổ trên địa bàn thành phố. Đây cũng là mong muốn của chúng ta, hướng đến một công trình hoàn thiện.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên