Vua Bà Quan họ và hội Lim

VOV.VN -Tưởng nhớ công ơn của người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật quan họ, hàng năm vào ngày 6 tháng 2, bà con làng Viêm Xá cúng giỗ Đức Vua.

Đức Vua Bà, còn gọi là Vương Mẫu, ở làng Viêm Xá, xã Hòa Long (tổng Châm Khê), huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh xa xưa là người đầu tiên có công sáng tác và dạy cho dân làng hát quan họ. Đức vua Bà, là danh hiệu được triều đình phong tặng.

Tưởng nhớ công ơn của người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật quan họ, hàng năm vào ngày 6 tháng 2, bà con làng Viêm Xá cúng giỗ Đức Vua. Dân làng chuẩn bị những thứ đặc sản cầu kỳ như bánh dợm, bánh khúc, bánh chưng… để cúng tại nhà. Trước khi cúng tại nhà, họ soạn một mâm hoa quả, vàng hương và tiền công đức ít nhiều tùy tâm để dâng Vua Bà. 

Bánh dợm làm bằng bột nếp trắng tinh, chính giữa có nhân bằng đỗ xanh màu vàng thơm, vừa đẹp, vừa ngon. Bánh khúc bằng xôi nếp quyện vào những lá khúc được giã nhỏ. Bánh chưng màu xanh lá lúa, xanh từ trong ruột bánh, vì họ giã lá gừng trộn vào nếp, trông đẹp, thơm ngon, độc đáo, ăn một miếng, nhớ mãi.

Bạn bè, bà con, liền anh, liền chị hẹn nhau trong ngày hội này hát đối đáp quan họ. Các gia đình đều chuẩn bị đón khách liền anh, liền chị gặp gỡ giao duyên và thi hát.

Bắc Ninh là vùng văn hóa Kinh Bắc có nhiều làng quan họ. Ngày hội các làng quan họ tập trung về Viêm Xá để dâng hương cúng tế và hát đối đáp.

Hội Lim - Đến hẹn lại lên
Mở đầu lễ hội Viêm Xá là màn trình diễn của Đức Vua Bà và một dàn múa ném cầu cho nhau trong ngày xuân trẩy hội. Tục truyền Đức Vua Bà dự hội thấy vui, nhưng muốn cho dân làng được vui hơn, Bà nghĩ ra việc soạn lời, cách hát dạy cho mọi người cùng tham gia. 

Những ngày Tết, thường “hát canh” qua đêm. Lời hát, điệu hát đằm thắm tình người được gìn giữ, chắp nối và truyền tụng đời này qua đời khác. Lễ hội dâng hương Đức Vua Bà là dịp con cháu không chỉ nhắc lại mà sáng tạo tiếp làm cho quan họ ngày càng phát triển. 

Trong ngày lễ, Đức Vua Bà mặc áo màu vàng, thêu thùa công phu, đầu đội khăn xếp vàng, tay cầm quạt long tiên kiểu hoàng hậu. Người đóng vai Đức Vua Bà có dáng người cân đối, mặt tròn trái xoan, phúc hậu. Điều đặc biệt là dân làng rất tự hào về nhân vật này, vì họ đã họp bình chọn mấy tháng kỹ càng mới giao vai diễn trọng đại, thiêng liêng này. 

Tiêu chuẩn bình chọn phải là gia đình mấy đời nội ngoại trong sáng về đạo đức, mẫu mực về cuộc sống, siêng năng trong lao động, sáng tạo trong làm ăn, kinh tế khá giả. Tiêu chuẩn hiện nay là tích cực tham gia mọi công tác xã hội, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đương nhiên là phải biết hát quan họ.

Màn trình diễn tại sân vận động lớn, bên cạnh hồ nước trong, gió mát, sóng lăn tăn, in hình những dãy cờ đủ màu sắc cắm chung quanh hồ. Đến lượt rước các kiệu vàng: đi trước là kiệu rước tượng Bác Hồ màu trắng, khói hương và lễ vật trang trọng.

Đây là một sáng tạo mới vừa tốt, vừa đẹp, vừa có đức, hài hòa với nguyện vọng, tâm hồn, tình cảm của mọi người. Sau đó là kiệu Đức Vua Bà. Trên kiệu có hương hoa, còn Đức Vua Bà thì đi bộ, bên cạnh có hai vệ nữ, đằng sau có một đoàn nữ đi hàng đôi, ăn mặc toàn màu vàng, đính kim tuyến. 

Thứ ba là một kiệu, như một tướng đi hậu vệ. Xen vào kiệu đầu tiên là đoàn các cụ ăn mặc áo dài xanh cánh sẻ, đầu đội khăn xếp, cầm cờ ngũ sắc, thể hiện ngũ hành; kim, mộc, thủy, hỏa thổ. Điều đó muốn nói đến cuộc sống con người luôn phải hài hòa trong vũ trụ. 

Xen vào sau kiệu Đức Vua Bà là đoàn quân ăn mặc đồ chiến trận, cầm vũ khí kiểu cổ, sơn son thiếp vàng. Những vũ khí đó đều chạm trổ bốn con: long, ly, qui, phượng gắn bó mật thiết với con người để chiến thắng các thế lực ác quỷ, tàn bạo.


Lễ hội làng Viêm Xá là một sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Và cũng là ngày giỗ Đức Vua Bà, thủy tổ dân ca quan họ Bắc Ninh đã tạo nên dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn mọi người miền quê Kinh Bắc. Sau lễ hội, ai cũng cảm thấy trong lòng thanh thản, tinh thần hướng về cội nguồn đẹp đẽ để phát huy tích cực trong đời sống đổi mới hôm nay.

Làng Lim là một trong những làng quan họ của tỉnh Bắc Ninh (và cả tỉnh Bắc Giang). Làng Lim là tên Nôm, tên chữ Hán của Làng là Lũng Giàng, cách Thủ đô Hà Nội 26km, làng nằm giữa các làng quan họ bao gồm các làng nằm bên triền sông Đuống và dọc hai bên quốc lộ số 1 với những thảm lúa xanh bao bọc.

Cha ông dặn lại con cái, năm nào làng được mùa thì mở hội từ ngày 12 đến 18 tháng Giêng. Năm nào làng mất mùa thì mở hội 1 ngày vào ngày 13 tháng Giêng. Ngày 13 được chọn là ngày lễ bắt buộc vì đó là ngày tưởng niệm một trong ba vị thần Thành hoàng của làng được thờ ở đình Lim. 

Năm nay hội làng Lim quan họ mở 2 ngày (13 và 14 tháng Giêng), do dân làng Lim xã Vân Tương huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh đứng ra tổ chức, có sự tham gia của dân làng Lũng Sơn, Dệ Đông và các liền anh liền chị của nhiều làng quan họ.

Từ mấy hôm trước làng Lim và các làng quan họ rậm rịch vào hội. Ngày 13 tháng Giêng, sau lễ khai mạc là lễ rước. Dân làng tổ chức tế nam quan ở trước sân đình Lim cũ. Lễ thật trang nghiêm, lời văn nhắc công đức các vị Thành hoàng, sau đó là cầu cho mưa thuận gió hòa, dân khang, vật thịnh.

Hội Lim làng quan họ có đấu vật, đánh cờ người (sau gần 100 năm cờ người mới được khôi phục ở đất này). Nhưng vui nhất, thu hút, quyến rũ, được khách thập phương trẩy hội nhất là hát quan họ. Nhiều làng quan họ cử liền anh liền chị về dự. Liền anh mặc quần trắng, chân đi hài, mặc áo dài màu đen hoặc màu tía, bên ngoài áo dài màu đỏ, đầu đội khăn xếp, tay cầm ô đen.

Các liền chị áo mớ ba mớ bảy, nón thúng quai thao, má trái đào, môi hồng chúm chím. Lời mời chào đon đả, nhẹ nhàng mà ngọt ngào. Trầu cau càng làm cho má hồng thêm thắm. Liền anh liền chị thay nhau hát. Lời ca không nhạc đệm, mộc mạc nhưng đằm thắm, trữ tình.

Dưới chân đồi Lim không xa, phía bên kia đường là hát quan họ dưới nước. Liền anh liền chị ngồi tựa mạn thuyền. Ao xuân nước trong veo, mặt nước lăn tăn gợn sóng soi bóng con thuyền. Tiếng hát liền anh liền chị vút cao. Thỉnh thoảng thuyền ghé vào bờ đón nhận tiền thưởng. 

Thuyền đi trên con sông Tiêu Tương xưa. Con sông của chàng Trương Chi với tình khúc Trương Chi bất hủ của nhạc sĩ Văn Cao. Con sông giờ đã bị ngăn đập thành những chiếc ao. Con thuyền chậm chạp lướt trên mặt ao để cho vang lên lời ca điệu hát, dặt dìu. 

Ngược lên một chút là con dốc nhỏ, với cây đa cổ thụ nơi phát xuất của bài hát “Trèo lên quán dốc, ngồi gốc cây đa”. Con dốc còn đó nhưng cây đa cổ thụ xum xuê ríu rít tiếng chim chuyền cành giờ chỉ còn trong ký ức.

Những liền anh, liền chị duyên dáng lời ca ngọt ngào ấy không phải là những ca sĩ chuyên nghiệp. Họ là những người nông dân sản xuất giỏi, một số người trong đó là “triệu phú”. Họ đến hội với tâm hồn nghệ sĩ, để rồi sau hội trở về với đồng ruộng, với mùa màng và đợi mùa hội năm sau. 

Đến dự hội Lim chúng ta được thưởng thức lời ca điệu hát của cả ba thế hệ. Có những cụ ông, cụ bà ngoài 60-70 tuổi, râu tóc bạc phơ nhưng say sưa hát đối đáp. Chất quan họ thấm đượm vào máu thịt của họ. Lại có những tốp nam thanh nữ tú còn rất trẻ nhưng lời ca luyến láy tỏ ra lão luyện.

Đứng trền đồi Lim trong nắng mới mùa xuân nhưng đủ làm sáng bừng lên những cánh đồng lúa xuân bén rễ, mượt mà như nhung lụa, ta nhận thấy làng Lũng Giang và những làng xóm xung quanh san sát mái ngói đỏ tươi, không còn nhà tranh vách đất, đường thôn, ngõ xóm lát gạch sạch sẽ. 

Làng Lim – quan họ không còn gia đình nghèo đói. Cuộc sống ấm no thanh bình cũng là nguồn mạch chắp cánh cho lời ca quan họ bay cao, bay xa.

Chúng tôi đã đến với Hội Lim, đến với Vua Bà nhiều lần. Cùng vui với nhiều du khách ngoại quốc, với bà con Việt Kiều về thăm Tổ quốc… Tôi nhớ có năm Hội người mù Hà Nội tổ chức đi nghe quan họ.  

Những cô gái mù còn rất trẻ, ăn mặc đẹp, lắng tai nghe lời hát quan họ, nhiều cô đã khóc vì xúc động, họ ao ước trong cuộc đời một lần được nhìn thấy liền anh, liền chị. Họ hát quan họ khá hay. Tôi hỏi học ở đâu ? Các cô bảo nghe Đài TNVN, học qua Đài.

Chiều tối mà hội vẫn chưa tan. Lời ca giã bạn đã vang lên…

Hội Lim – chào nhé! Đến hẹn lại lên, đúng hẹn lại về.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Clip: Quan họ và nhạc sàn “đá” nhau ở Hội Lim 2015
Clip: Quan họ và nhạc sàn “đá” nhau ở Hội Lim 2015

VOV.VN - Nếu trên sân khấu chính là màn trình diễn Quan họ, thì ngay bên cạnh đó, khu vực Trò chơi bịt mắt đập niêu lại mở nhạc sàn với công suất lớn.

Clip: Quan họ và nhạc sàn “đá” nhau ở Hội Lim 2015

Clip: Quan họ và nhạc sàn “đá” nhau ở Hội Lim 2015

VOV.VN - Nếu trên sân khấu chính là màn trình diễn Quan họ, thì ngay bên cạnh đó, khu vực Trò chơi bịt mắt đập niêu lại mở nhạc sàn với công suất lớn.

Hội Lim 2015: Liền chị, liền anh vẫn ngả nón...hứng tiền
Hội Lim 2015: Liền chị, liền anh vẫn ngả nón...hứng tiền

VOV.VN - Dù trời mưa phùn và nhiều sương mù, nhưng từ sáng sớm hàng nghìn người đã đổ về Hội Lim (Bắc Ninh) trẩy hội.

Hội Lim 2015: Liền chị, liền anh vẫn ngả nón...hứng tiền

Hội Lim 2015: Liền chị, liền anh vẫn ngả nón...hứng tiền

VOV.VN - Dù trời mưa phùn và nhiều sương mù, nhưng từ sáng sớm hàng nghìn người đã đổ về Hội Lim (Bắc Ninh) trẩy hội.