Bài ca xúc động mừng sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VOV.VN - Nhạc sĩ Đào Hữu Thi đã dành trọn tình cảm của mình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp để viết bài hát "Anh Văn của đồng đội".

Nhạc sĩ Đào Hữu Thi tác giả của những ca khúc nổi tiếng như: Đường Trường Sơn trăm ngả; Tình em gửi trọn con đường; Nỗi nhớ cựu chiến binh; Hát mãi với Trường Sơn; Những dấu chân huyền thoại…Ông thường được đồng đội gọi với cái tên rất trìu mến là “nhạc sĩ của Trường Sơn”…

Nhiều năm trong quân ngũ, thấu hiểu lý tưởng của người chiến sĩ và theo suốt cuộc đời ông là hình tượng “người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam” -  Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Điều đó đã thôi thúc ông sáng tác bài hát “Anh Văn của đồng đội”.


Nhạc sĩ Đào Hữu Thi
Nhân kỷ niệm 103 năm ngày sinh của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/2013), phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Đào Hữu Thi về sáng tác mới này.

PV: Thưa nhạc sĩ Đào Hữu Thi, xuất phát từ ý tưởng nào để ông viết bài hát về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

NS Đào Hữu Thi: Tôi đã có 23 năm sống cuộc đời chiến sĩ rồi mới là nhạc sĩ. Lúc nào tôi cũng nghĩ tới việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người chiến sĩ và thấu hiểu hơn ai hết cuộc sống của người lính. Vì thế, tôi đã viết nhiều bài hát về Trường Sơn và về người lính.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người lính vĩ đại của dân tộc, ngay từ lúc tôi còn nhỏ thì hình tượng Đại tướng đã để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng về tính nhân văn là tinh thần dân tộc cao cả. Tất cả những tình cảm đó cứ lớn dần lên trong tôi khiến tôi đau đáu nghĩ rằng “phải có tác phẩm viết về Đại tướng”.

Đối với tôi khi là một chiến sĩ thì Đại tướng không chỉ là vị lãnh đạo của tôi, của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bày tỏ tình cảm, nghĩa tình sự mến mộ của mình với vị Tổng tư lệnh đáng kính thì tôi nghĩ chỉ có thể bày tỏ được bằng âm nhạc. Đó chính là lý do tôi viết nên ca khúc “Anh Văn của đồng đội”.

PV: Để khắc họa chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ không đơn giản. Vậy nhạc sĩ đã lựa chọn những hình ảnh nào, những câu nói ấn tượng nào để truyển tải qua ca khúc này?

NS Đào Hữu Thi: Mùa hè năm 2012, tôi đã có cuộc hành trình thăm lại chiến trường xưa, vượt hàng ngàn cây số qua Trường Sơn mà tiếng hát và nước mắt hòa lẫn trong suốt chặng đường. Nhìn vào con đường nào, cánh rừng nào, con suối nào, ngọn núi nào…..tôi cũng thấy đầy ắp những kỷ niệm vui, buồn của ngày ấy.

Đến con đường 20 Quyết thắng - con đường đã một thời gian khổ, ác liệt máu lửa nhất đấy là tọa độ của B52, tôi nhớ tháng 3/1973 khi đi khảo sát tuyến đường Trường Sơn, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã đến trọng điểm này kiểm tra, nghiên cứu và đề ra chiến lược, chiến thuật khai thông tuyến đường Đông và Tây Trường Sơn.

Hình ảnh rất cảm động mà cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ khi Đại tướng đến trọng điểm đó, các cô gái thanh niên xung phong đang mở đường, trực chiến họ đã khóc và nói với Đại Tướng rằng: “Thưa Đại Tướng, ở đây ác liệt lắm, Đại Tướng đi nhanh lên!”. Những tình cảm đó khiến Đại Tướng rất xúc động.

Tôi thầm nghĩ rằng một tổng tư lệnh đã sống trong lòng các chiến sĩ với tình cảm sâu nặng như vậy. Một vị đại tướng duy nhất trên thế giới mà từ tướng lĩnh đến binh nhì họ đều gọi với cái tên thân mật là “Anh Văn – Anh cả của Quân đội”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra một cung đường vận tải chiến lược Tây Trường Sơn - mùa khô 1972 - 1973 (ảnh tư liệu)

PV: Có lẽ xuất phát từ những kỷ niệm khó quên về Người anh cả của Quân đội mà hình tượng một vị Đại tướng đã được nhạc sĩ xây dựng trong bài hát rất gần gũi, thân quen và bình dị. Vậy thủ pháp sử dụng ca từ đã được nhạc sĩ lựa chọn như thế nào?

NS Đào Hữu Thi: Ý tưởng viết bài hát về Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã theo tôi nhiều năm nên khi thực hiện tôi đã trăn trở rất nhiều. Bởi đây là một nhân vật kiệt xuất, đã nói đến nhân vật lịch sử thì không thể nào viết nửa chừng được nói như thế nào để từ đầu đến cuối tác phẩm phải  khái quát được tinh thần, bản chất, tính anh hùng khí phách của một vị tướng.

Cho nên, lời bài hát của tôi có câu là “Cả cuộc đời dâng trọn nước non. Đã vượt lên những tháng năm dẫu thăng trầm lịch sử”… “Dấu chân anh giăng khắp mọi chiến trường..” là vì thế.

Bởi tất cả những việc gì mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho, “Anh Văn” luôn hoàn thành một cách rất xuất sắc.  Nhớ đến Đại Tướng là chúng ta nhớ ngay đến đại thắng mùa xuân năm 1975 với mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Trong bài hát, tôi đã dụng ý đưa người nghe đi theo những bước chân của “Anh Văn”, theo những năm tháng lịch sử. Hình ảnh Bác Hồ luôn tỏa sáng trong anh, bởi lúc nào “Anh Văn” cũng nghĩ đến Bác Hồ, cũng nghĩ đến tư tưởng Hồ Chí Minh.


Nghe bài hát "Anh Văn của đồng đội"

Tôi cũng có liên hệ anh với ánh Sao Khuê tỏa sáng khắp muôn nơi, đặc biệt là ngôi sao vàng 5 cánh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là tất cả những hình tượng đặc biệt là hồn cốt của dân tộc ta nhưng cũng rất thân quen gần gũi.

PV: “Anh Văn của đồng đội” được ông viết theo thể hành khúc. Phải chăng, do người lính luôn gắn với các cuộc hành quân?

NS Đào Hữu Thi: Vâng! Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã dẫn dắt các đoàn quân từ 34 chiến sĩ, đi đến chiến dịch Điện Biên Phủ rồi mùa xuân năm 1975. Từ vũ khí thô sơ cho đến vũ khí hiện đại là máy bay và tên lửa.

Vì viết về một vị tướng nên tôi đã cân nhắc từng nốt nhạc từng câu từ và âm nhạc của tôi sử dụng là thể loại hành khúc -  ngợi ca một người anh hùng, thể hiện sẽ là đơn ca cho rõ từng lời từng ý để khi công chúng nghe, công chúng hình dung ra được cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khi hoàn thành tác phẩm này, tôi rất hạnh phúc, xúc động và nghĩ rằng “mình chỉ như một giọt nước trong đại dương tình cảm mênh mông mà nhân dân giành cho Đại tướng kính mến”.

Tôi hy vọng rằng khi bài hát “Anh Văn của đồng đội” được vang lên trên làn sóng Đài TNVN sẽ được nhân dân và các chiến sĩ trên cả nước yêu mến đón nhận.

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên