Đảm bảo chất lượng và hiệu quả các kỳ thi cuối cấp năm 2020, cách nào?

VOV.VN -Các trường cần có những phương án, giải pháp để đảm bảo chất lượng cũng như hiệu quả các các kỳ thi

Kỳ thi vào lớp 10 và kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần trong khi học sinh vẫn đang nghỉ học vì dịch Covid-19, vì thế các trường cũng cần có những phương án, giải pháp để đảm bảo chất lượng cũng như hiệu quả các các kỳ thi này. Nhất là khi có một số đề xuất cắt giảm chương trình hoặc một số môn thi trong hai kỳ thi quan trọng cuối cấp năm 2020. 

Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TPHCM lập các kênh học trực tuyến để giáo viên dạy bài học mới và sửa bài tập cho học sinh.

Thầy Nguyễn Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở (THCS) Huỳnh Tấn Phát (Quận 7) cho biết, mặc dù học sinh nghỉ học để chống dịch nhưng công việc ôn tập cho các em ở nhà hiện nay vẫn triển khai theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM. Có nội dung cho các em tự học ở nhà và có nội dung cho tự học qua mạng để đảm bảo kiến thức, nhất là học sinh lớp 9. Cũng theo thầy Dũng, nếu tháng 4 này đi học lại, kết thúc năm học là cuối tháng 6 thì vẫn đủ thời gian chuyển tải kiến thức cho các em lớp 9 thi vào lớp 10. Còn trường hợp bất khả kháng thời gian học ngắn, tất cả các nội dung cơ bản các trường vẫn đảm bảo để các em tuyển sinh vào lớp 10, còn phần nào không cần thiết thì chúng ta có thể không đưa vào đề thi.

Thầy Nguyễn Đức Dũng nói: "Để đảm bảo chất lượng thi vào lớp 10, nếu đi học lại, nhà trường sẽ dạy học theo chủ đề, những chủ đề nào quan trọng, cốt lõi nhất của chương trình lớp 9 thì nhà trường triển khai dạy cho các em để các em nắm được, đủ năng lực các em đi thi”.

Còn tại Trường Trung học phổ thông (THPT) Gia Định, quận Bình Thạnh, nhà trường cũng đề ra kế hoạch học tập tại nhà, giảng dạy online cho các em học sinh các khối. Đối với lớp 12, nhà trường tập trung hơn, lập các kênh học trực tuyến để giáo viên quay hình dạy bài học mới và sửa bài tập cho các em học sinh, chia ra từng phân khu lớp dạy học trên trang trực tuyến theo định hướng của Sở GD-ĐT TP HCM. Ngoài ra nhà trường cũng thông tin cho học sinh lịch giảng dạy trên đài truyền hình chương trình liên kết với Sở Giáo dục và Đào tạo để các em có thêm kênh ôn tập.

Về việc đảm đảm bảo chất lượng kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, bà Nguyễn Ngọc Khánh Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, thời gian học rút ngắn lại thì đề thi có thể tập trung kiến thức ở lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12, còn kiến thức trong kỳ học 2 lớp 12 có thể giảm nhẹ lại mà vẫn đánh giá được năng lực học sinh chứ không nên bỏ môn hay thay đổi cấu trúc đề thi.

Những kiến thức các em học lớp 11, kỳ 1 lớp 12 tập trung vào đấy. Nếu giảm bớt môn thì cũng khó cho các trường đại học trong việc đánh giá, chọn lựa năng lực của các em học sinh phù hợp với ngành nghề. Cho nên giảm tải nội dung cho các em thi sẽ tốt hơn là việc giảm bớt môn”.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Luật TP HCM, giải pháp hiện nay là trong thời gian học sinh nghỉ ở nhà, phải được đẩy mạnh học trực tuyến cho tốt, nâng cao tinh thần tự học. Giáo viên và học sinh phải cố gắng, tích cực chứ không có nghĩa không lên lớp thì học sinh không học được. Trường hợp xấu nhất mới nghĩ đến chuyện giảm tải nội dung chứ không thể bỏ bớt môn thi nào vì nó ảnh hưởng đến học sinh cũng như xét tuyển đầu vào của các trường đại học. 

Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Hoàng Hải nói: “Học sinh đã chọn từ những lớp dưới những tổ hợp môn mà học sinh đi theo học rồi, giờ bỏ cái đó các trường đại học biết lấy từ đâu, các em học không cân bằng. Giảm tải cũng phải cẩn trọng, đề thi THPT Quốc gia cũng phải cho ra làm sao được vấn đề cốt lõi. Không mở rộng ra nhưng cũng không giảm đi mất kiến thức của học sinh cần phải có”.

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Huy, Đại học Bách khoa TP HCM cho rằng, nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp rất thiếu kiến thức xã hội, kỹ năng sống cho nên kỳ thi THPT quốc gia rất cần các môn xã hội, kỹ năng chứ không chỉ là mấy môn chính. Đó cũng là cơ sở để các trường đại học xét tuyển nên không đồng tình ý kiến bỏ bớt môn thi. Trong lúc nghỉ dài do dịch bệnh, các trường cần tăng cường cho học sinh tự học và có thể giảm tải nội dung thi để các kỳ thi sắp tới đạt hiệu quả cao. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Huy nói: “Không nên bỏ môn nào cả mà cần phải học, học để hiểu để biết. Hiện nay, đại học tuyển sinh viên vô họ phải xét, phải đánh giá năng lực, đánh giá kỹ năng mềm của học sinh cộng với một số điểm tốt nghiệp nữa thì mới đậu được. Những môn đó là cần thiết, chẳng hạn như môn giáo dục công dân, đạo đức”.

Theo Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục – Đào tạo, kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ được tổ chức với phương thức ổn định như năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh của dịch Covid-19, Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới và sẽ nghiên cứu giảm tải chương trình để vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục vừa phù hợp với điều kiện dạy học của các nhà trường trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mùa dịch Covid-19: Học trực tuyến thế nào cho thực chất, hiệu quả?
Mùa dịch Covid-19: Học trực tuyến thế nào cho thực chất, hiệu quả?

VOV.VN - Học online là giải pháp thích hợp trong mùa dịch Covid-19. Tuy nhiên, quá trình này vẫn bị hạn chế bởi không gian, thời gian, đòi hỏi học sinh chủ động.

Mùa dịch Covid-19: Học trực tuyến thế nào cho thực chất, hiệu quả?

Mùa dịch Covid-19: Học trực tuyến thế nào cho thực chất, hiệu quả?

VOV.VN - Học online là giải pháp thích hợp trong mùa dịch Covid-19. Tuy nhiên, quá trình này vẫn bị hạn chế bởi không gian, thời gian, đòi hỏi học sinh chủ động.

Học trực tuyến: “Bộ phải tổ chức lại, không thể mạnh ai nấy làm”
Học trực tuyến: “Bộ phải tổ chức lại, không thể mạnh ai nấy làm”

VOV.VN -PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng Bộ GD-ĐT cần tổ chức lại chương trình học trực tuyến cho cụ thể, bài bản, không thể để nơi học nơi không như hiện nay.

Học trực tuyến: “Bộ phải tổ chức lại, không thể mạnh ai nấy làm”

Học trực tuyến: “Bộ phải tổ chức lại, không thể mạnh ai nấy làm”

VOV.VN -PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng Bộ GD-ĐT cần tổ chức lại chương trình học trực tuyến cho cụ thể, bài bản, không thể để nơi học nơi không như hiện nay.

Bộ GD-ĐT đề xuất miễn bảo hiểm cơ bản cho giáo viên vì dịch Covid-19
Bộ GD-ĐT đề xuất miễn bảo hiểm cơ bản cho giáo viên vì dịch Covid-19

VOV.VN - Ngày 18/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các biện pháp, chính sách để ứng phó với dịch Covid-19.

Bộ GD-ĐT đề xuất miễn bảo hiểm cơ bản cho giáo viên vì dịch Covid-19

Bộ GD-ĐT đề xuất miễn bảo hiểm cơ bản cho giáo viên vì dịch Covid-19

VOV.VN - Ngày 18/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các biện pháp, chính sách để ứng phó với dịch Covid-19.