Nghe nhạc online sẽ phải trả tiền từ 2013

(VOV) - Từ năm 2013 đồng loạt các web nghe nhạc trực tuyến trong cả nước sẽ tiến hành thu phí tải nhạc và nghe nhạc.

Trong năm 2013, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sẽ phối hợp cùng các trang mạng nghe nhạc thực hiện đồng loạt thu phí tải và nghe nhạc trực tuyến – Đó là khẳng định của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại buổi họp báo Tổng kết 10 năm hoạt động (2002-2012) của Trung tâm hôm nay (03/01), tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi họp báo luật sư Phạm Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc khu vực phía Bắc cho biết ngày 26/12/2012 Trung tâm đã họp với 13 web nghe nhạc trực tuyến lớn nhất Việt Nam về tiến trình thu phí tải và nghe nhạc số. Được biết từ 1/11/2012 đến 26/12/2012 số tiền tải nhạc về từ 5 web nghe nhạc: Zing, Nhaccuatui, Nhac.vui.vn (24h), Socbay.com, Nghenhac.info và Go.vn. chỉ dừng ở mức dưới 20 triệu đồng. Nguyên nhân được xác định là do trục trặc từ các kênh thanh toán và do người nghe nhạc còn có sự lựa chọn giữa web tải nhạc miễn phí và web thu phí. Để siết chặt hoạt động thu phí này, từ năm 2013 đồng loạt các web nghe nhạc trực tuyến trong cả nước sẽ tiến hành thu phí tải nhạc và nghe nhạc. Mức phí nghe 1 bản nhạc số bước đầu được xác định chỉ bằng 10% số tiền tải 1 bản nhạc số.

Chiến dịch "Nghe có ý thức" kêu gọi sự ủng hộ của người nghe đối với việc thu phí tải nhạc, nghe nhạc (ảnh minh họa)

“Số tiền thu được còn khiêm tốn nhưng trước mắt cũng thấy công chúng đón nhận việc chung tay xây dựng văn hóa âm nhạc có bản quyền. Từ việc bán thử nghiệm những tác phẩm, album đầu tiên thì trong năm 2013 các trang mạng sẽ chung tay để thực hiện bán đồng loạt. Như vậy người sử dụng sẽ không cón sự lựa chọn tác phẩm phải trả tiền và không phải trả tiền, cũng như là trang mạng thu phí và không thu phí” - bà Phạm Thanh Thủy cho biết.

Được biết, năm 2012, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu được gần 47 tỷ đồng tiền bản quyền, chi trả các hoạt động và phân phối cho các tác giả, người giữ bản quyền âm nhạc. Tuy nhiên, theo ước tính của những nhà quản lý, con số này chỉ đạt được 20% số tiền các đối tượng sử dụng phải trả cho tác giả, người giữ bản quyền âm nhạc. Trong đó, tại khu vực phía Bắc số tiến tác quyền thu được từ hoạt động biểu diễn vẫn còn hạn chế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên