Nhạc sĩ Cầm Phong ra đi: Đã ngừng im một “cây đàn gió”

VOV.VN - Nhỏ nhẹ, dịu dàng và đa cảm, cây đàn gió Cầm Phong lướt nhẹ những giai điệu trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Cầm Phong-Tác giả của nhiều bài ca nổi tiếng như: Đà Nẵng thân yêu những ngày bão táp - Thơ Lưu Trùng Dương, Người lái đò trên sông Pôkô - Thơ Mai Trang…

Ngày ấy, 1/11/1946, trong số 8 anh em cùng nhạc sĩ Đỗ Nhuận lập ra Đội kịch Sao Vàng tòng quân xuống mặt trận Hải Phòng có một chàng nghệ sĩ trẻ chơi đàn gió quê ở Chương Mỹ, Hà Đông (bây giờ là Hà Nội ). Chàng nghệ sĩ tên là Đỗ Lạc đang “tuổi mười bảy bẻ gẫy sừng trâu”. Do họ Đỗ mà chàng được Đỗ Nhuận nhận làm em kết nghĩa và chơi đàn gió mà chàng có cái tên Cầm Phong khi sáng tác sau này.

Cùng đội ca kịch Sao Vàng phiêu du với thần hứng “Đoàn Lữ Nhạc” như một sáng tác mới mẻ của Đỗ Nhuận. Đỗ Lạc đã tham gia biết bao cuộc biểu diễn trong những ngày đầu trường kỳ kháng chiến. Khi đội ca kịch Sao Vàng về Phòng Chính trị Liên khu I thì Đỗ Lạc thành diễn viên Đội Tuyên truyền. Mùa thu 1948, Đỗ Lạc rời quân ngũ về làm biên tập viên âm nhạc tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Và ông đã gắn bó với sự nghiệp ca nhạc trên làn sóng điện cho tới ngày về hưu. Ông là một trong những sáng lập viên của Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Hòa bình, với bút danh Cầm Phong, Đỗ Lạc đã được biết đến qua “Tiếng hát trong rừng hoa ban” với âm hưởng ngọt ngào, thấm đượm phong vị dân ca Tây Bắc trữ tình, duyên dáng.

Nhưng phải đến khi cả nước sục sôi chống Mỹ, bút pháp Cầm Phong mới được khẳng định ở một vị trí đáng kể. Không bao giờ quên những ngày đầu hừng hực khí thế “Sẵn sàng chiến đấu”, cặp song ca Trần Khánh-Trần Thụ đã chất ngất một giai điệu Cầm Phong: “Từng ngọn lúa, mầm cây xanh non, từng gốc chè, đồi sắn với nương khoai-máu xương ta đã đổ ra dân ta quyết giữ gìn- Từng nhà máy, xóm thôn đã thành chiến lũy…”

Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 68, lại nghe giọng nam trung Mạnh Hà hào sảng “Đà Nẵng thân yêu những ngày bão táp” ( Thơ Lưu Trùng dương): “ Ôi thuốc súng căm hờn từ lâu nén chặt trong lòng ta nay đã vút bay cao… Hỡi Ngũ Hành Sơn đang tiến bước- Hỡi Sông Hàn đang cuộn sóng….”. Bản tráng ca là một tác phẩm vạm vỡ về thành phố Đà Nẵng có thể sánh với “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi.

Song từ cái động trong động, Cầm Phong lại tìm tới cái tĩnh trong động ở “Người lái đò trên sông Pô Kô” (Thơ Mai Trang). Lòng ngập tràn cảm xúc khi đứng trước dòng sông Pô Kô, cảm thấy hình bóng con đò của A Sanh cứ thấp thoáng đâu đó trong giai điệu Cầm Phong “Hỡi PôKô ơi! Dòng sông mênh mông - Đôi bờ cây xanh biếc- Nước chảy xiết đôi dòng…”. Bao người lính Tây Nguyên đã vịn vào bài ca này mà đi tới.

Nhỏ nhẹ, dịu dàng và đa cảm, cây đàn gió Cầm Phong cứ thế lướt nhẹ những giai điệu trong lịch sử âm nhạc Việt Nam thành một tên tuổi xứng đáng giải thưởng Âm nhạc Nhà nước. Và lặng lẽ ngừng im. Nhưng những tác phẩm âm nhạc của ông vẫn luôn có được một vị trí đáng trân trọng trong nền ca khúc cách mạng Việt Nam,ngân vang cùng năm tháng./.

Phong Cầm tên khai sinh của ông là Đỗ Lạc, sinh ngày 11/ 6/1929, quê ở Chương Mỹ, Hà Nội. Nguyên Trưởng ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.  Ông mất 2005.

Đã xuất bản: Tập 6 ca khúc của Cầm Phong (Nxb.Văn hóa, 1982). Tuyển chọn ca khúc Cầm Phong, Album Cầm Phong.

Được tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba (1961), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất (1985), Huân chương Chiến thắng hạng Hai (1959), Huy chương Vì sự nghiệp Phát thanh (1996), Huy chương Vì sự nghiệp Truyền hình (1997), Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam (1990).


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên