Nhớ nhạc sĩ Lưu Cầu và những kỷ niệm khó quên...

(VOV) - Những kỷ niệm khó quên của nhạc sĩ Dân Huyền về người anh, người đồng nghiệp - nhạc sĩ Lưu Cầu từng công tác tại Đài TNVN.

Khi mới về Đài Tiếng nói Việt nam (TNVN) tôi được phân công cùng nhạc sĩ Lưu Cầu biên soạn chương trình “Tiếng hát gửi về Nam”. Anh động viên tôi “Làm biên tập tức là tập biên, cứ viết nhiều thành quen”. Vốn là biên tập viên của Đài Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp, nên anh đã rất tận tình chỉ bảo tôi nhiều điều trong cách viết chương trình, cách chọn bài hát.

Tôi không rành về Nam Bộ nên anh đã giúp tôi về tư liệu “đất và người” trong đó. Làm được chương trình “Tiếng hát gửi về Nam” lúc ấy là rất khó. Khó ở chỗ viết thế nào để đồng bào chiến sĩ miền nam “vô bụng” được – như lời anh nói. Là một biên tập trẻ tôi phải cố gắng học hỏi để khỏi phụ lòng các bậc nhạc sĩ đàn anh như Lưu Cầu, Phạm Tuyên, Hồ Bắc, Lưu Bách Thụ… đã hàng ngày hướng dẫn cho tôi.

Tôi nhớ năm 1969 sau khi nhà thơ Trần Nhật Lam đưa bài thơ viết về Bác Hồ cho nhạc sĩ Lưu Cầu phổ nhạc, anh Cầu nhờ tôi mang về Đoàn ca nhạc của Đài và đề nghị chị Tuyết Thanh (Nghệ sĩ ưu tú) hát. Sau đó không lâu chúng tôi phát hiện ra giọng chị Ngọc Bé (nhà ở phố Phạm Đình Hồ) có chất giọng rất trong sáng, Lưu Cầu lại nhờ tôi và nhạc sĩ Triều Dâng mang bài hát đến nhà để Ngọc Bé tập và hẹn ngày thu thanh.

Nhạc sĩ Lưu Cầu (ảnh: internet)

Sau khi nghe “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” dẫu núi có mòn, mà sông kia có cạn… Miền Nam ơi… Miền Nam nhớ mãi ơn Người…anh rất thỏa mãn, liền tặng cho tôi và Triều Dâng 2 gói thuốc lá “Điện Biên” bao bạc, nhờ công “phát hiện”.

Ngày đó, chúng tôi hay tới nhà anh Lưu Cầu ở phố Bà Triệu gần phố Hồ Xuân Hương để chơi. Anh Lưu Cầu không những chỉ cho tôi vài nốt nhạc đượm chất Nam Bộ để tôi “làm vốn”, mà anh còn hay cho tôi lọ “Đậu hũ” (Đậu phụ muối) trước khi ra về. Lúc đầu hơi khó ăn, nhưng sau quen dần thành “nghiện”. Cái tình của nhạc sĩ Lưu Cầu là vậy.

Là một nhạc sĩ có tiếng từ lâu với bài hát “Khu rừng miền Đông” trong những năm đầu cách mạng thành công ở Nam Bộ. Sau ngày tập kết ra Hà Nội, Lưu Cầu vào học Trường Âm Nhạc Việt nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1958  ông về công tác tại Ban Âm nhạc, Đài TNVN.  Thính giả của Đài thời kỳ này đã rất quen thuộc bài hát  “Quê tôi” của ông:

“Chiều nay bên bờ hồ Tây tôi cất tiếng ca

 Mặt hồ êm đềm bao la  

Tiếng hát vang đến quê hương làng nhà  

Miền Nam tiếng ai hò ơ man mác dòng kênh

Rẫy khoai bên rừng U Minh

Đây chính nơi quê hương mẹ tôi sinh…”.

Qua giọng nam cao NSND Quốc Hương (và NSƯT Trần Thụ) ca khúc này đã nói hộ lòng người tập kết ra Bắc và mong được sớm trở về góp phần chiến đấu với quê hương. Ca khúc này như vẽ lên được bức tranh của giải đất “Thành đồng Tổ Quốc” và rất phổ biến trên làn sóng phát thanh. Cùng với “Quê tôi”, Lưu Cầu còn viết tiểu phẩm khí nhạc cho violon mang tên “Quê hương”  do NSƯT Phan Phúc (chồng NSND Tuyết Mai) trình bày.

Cùng với các nhạc sĩ ở Đài TNVN, Lưu Cầu cũng sáng tác rất nhanh, đáp ứng mọi yêu cầu về thời sự chính trị. Với hai hành khúc gần nhau đã như một đối xứng thể hiện được nhiệm vụ cấp bách của thời cuộc: “Lửa căm thù rực cháy khắp hai miền” và “Miền Nam ơi! Chúng tôi đã sẵn sàng”.

"Miền Nam kêu gọi ta

Vượt Trường Sơn bay vọng ra

Ôi tiếng quê hương như thúc giục chúng ta…”.
 

Nghe bài hát “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”:


Viết về thanh niên xung phong Lưu Cầu có “Về đây với đường tàu”: Bạn thanh niên ta ơi! Tiếng ca cất cao rồi – Mặc cho bom Mỹ rơi – Tiếng cười vẫn tươi… Sau đó ông viết tiếp bài “Tiếng hát người nữ du kích Củ Chi”. Cả hai bài này đều do nghệ sĩ ưu tú Bích Liên hát.

Một hợp xướng nhỏ, nhưng mang nội dung lớn cũng đã đi vào lòng người, đó là “Bài ca đất nước anh hùng”, giai điệu rất trầm hùng dễ nhớ, dễ thuộc:

“Một ngày đầu thu lịch sử

Ta đứng lên vui mừng đón chào Người

Tổ quốc ơi sao rực rỡ

Xin kính dâng Người cả cuộc đời….

Lòng đầy tự hào, dân tộc ta vinh quang

Điện Biên chiến thắng năm xưa

Xóa tan mây mờ đen tối

Cờ quân giải phóng tung bay

Trên khắp phố phường miền Nam…”



Đất nước thống nhất, nhạc sĩ Lưu Cầu trở về TP HCM và ông vẫn tiếp tục viết. Bên cạnh ca khúc hợp xướng, Lưu Cầu còn viết nhạc cho phim tài liệu, phim truyện.. Với những cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam và cho đất nước, ông vinh dự được nhận Huân chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I (2001).

Mới hôm nào nhạc sĩ Lưu Cầu ra Hà Nội và đến trụ sở Đài TNVN thăm chúng tôi cùng món quà là những trái cây miệt vườn Nam Bộ thơm ngọt. Vậy mà hôm nay, ông đã vĩnh biệt trần gian để về với tổ tiên, về với “thế giới người hiền” khi ông vừa tròn 83 tuổi. Các nhạc sĩ, những phóng viên, biên tập viên ở Đài TNVN nhớ mãi gương mặt cười tươi và những hình ảnh khó quên của một nhạc sĩ đồng nghiệp rất giàu tình cảm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhớ nhạc sỹ Hoàng Hiệp - “ông hoàng” phổ thơ...
Nhớ nhạc sỹ Hoàng Hiệp - “ông hoàng” phổ thơ...

(VOV) - Những kỷ niệm sâu sắc và xúc động của nhạc sỹ Dân Huyền về nhạc sỹ Hoàng Hiệp - một người anh, người đồng nghiệp đáng kính.

Nhớ nhạc sỹ Hoàng Hiệp - “ông hoàng” phổ thơ...

Nhớ nhạc sỹ Hoàng Hiệp - “ông hoàng” phổ thơ...

(VOV) - Những kỷ niệm sâu sắc và xúc động của nhạc sỹ Dân Huyền về nhạc sỹ Hoàng Hiệp - một người anh, người đồng nghiệp đáng kính.

Vĩnh biệt nhạc sĩ của “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”
Vĩnh biệt nhạc sĩ của “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”

(VOV) - Là người con của đất Sóc Trăng, mới 17 tuổi, nhạc sĩ Lưu Cầu đã thoát ly gia đình đi kháng chiến, trở thành nhạc sĩ nổi tiếng…

Vĩnh biệt nhạc sĩ của “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”

Vĩnh biệt nhạc sĩ của “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”

(VOV) - Là người con của đất Sóc Trăng, mới 17 tuổi, nhạc sĩ Lưu Cầu đã thoát ly gia đình đi kháng chiến, trở thành nhạc sĩ nổi tiếng…