NS Thanh Phúc vẹn nguyên hồi ức "Hà Nội chiến thắng B52"

(VOV) - Nhạc sỹ Thanh Phúc viết ca khúc “Hà Nội chiến thắng” và “Trong vườn Bách Thảo” ghi lại trận “Điện Biên Phủ trên không” bằng âm nhạc.

Chúng tôi đến thăm nhạc sĩ Thanh Phúc một sáng mùa đông, trong căn nhà nhỏ ấm cúng ngập tràn hạnh phúc tại khu tập thể Thành Công, Hà Nội - căn nhà nhỏ nơi ông và người vợ yêu dấu của mình đã cùng nhau chia sẻ bao thăng trầm của cuộc sống và cùng nuôi dạy các con trưởng thành. Chính ngôi nhà hạnh phúc này cũng là nơi nuôi dưỡng tầm hồn, nguồn cảm xúc để ông viết nên những ca khúc để đời.

Trưởng thành trong quân ngũ, nhạc sĩ Thanh Phúc đã có rất nhiều trải nghiệm từ cuộc sống chiến đấu và tất cả đã được ông đúc kết gửi gắm trong  những sáng tác của mình.....Đặc biệt với thời khắc lịch sử trong trận chiến 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, lúc đó ông đang là phóng viên, biên tập viên làm nhiệm vụ đưa tin chiến đấu cho chương trình phát thanh Quân đội nhân dân của Đài Tiếng Nói Việt Nam. Là “chiến sĩ thông tin”, chứng kiến thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc bằng niềm tự hào bằng tình yêu Hà Nội cháy bỏng ông đã sáng tác ngay 2 ca khúc “Hà Nội chiến thắng” và “Trong vườn Bách Thảo” ghi dấu ấn về 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”.

Câu chuyện của nhạc sĩ Thanh Phúc với chúng tôi bắt đầu với ký ức về thời trai trẻ, đặc biệt là kỷ niệm của 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” gắn với sự ra đời của hai ca khúc “Hà Nội chiến thắng” và “Trong vườn Bách Thảo”.

PV: Thưa nhạc sĩ Thanh Phúc, đúng thời điểm cách đây 40 năm, lúc đó nhạc sĩ mới 39 tuổi và ông đang là phóng viên, biên tập viên của chương trình phát thanh Quân đội nhân dân. Vậy, không khí làm việc lúc đó như thế nào?

NS Thanh Phúc: Ngày đó biên chế của chương trình phát thanh Quân đội nhân dân ít so với các đơn vị khác của Đài cho nên phóng viên âm nhạc như chúng tôi vẫn phải làm việc như những phóng viên thời sự. Chúng tôi vẫn làm tin, tin thời sự, tin chiến thắng của các đơn vị, quân khu, quân chủng gửi về và từ Miền Nam gửi ra.

Nhạc sĩ cũng làm tin và trực tin 24/24h. Ngày đó tôi còn nhớ, tôi và nhạc sĩ Văn An thường nằm trực tin ở gốc cây sấu cạnh hầm trú ẩn to nhất của Đài và mỗi khi có B52 thì chúng tôi phải xuống hầm trú ẩn. Khi B52 phá hoại xong rồi thì tất cả lại lên và tìm những nơi nào B52 đã phá hoại để đến mà làm tin.

Nhạc sỹ Thanh Phúc và phóng viên VOV


Lúc đó cả Hà Nội rầm rộ, sôi động và mỗi người một dòng suy nghĩ, người dân khác, anh bộ đội khác và nhạc sĩ chúng tôi nghĩ khác nhưng trên tất cả vẫn là vì công việc của mình và chỉ nghĩ đến công việc của mình mà thôi. Quả thật lúc đó tôi không nghĩ được đến gia đình, không biết vợ con thế nào hay khu vực nhà mình ở ra sao, không kịp nghĩ đến nữa và đấy là đặc điểm của thời khắc đó. Nhiệm vụ của nhà báo là phải làm những việc trực tiếp, việc đi trước  kịp tính thời sự  để đáp ứng thông tin cho nhân dân cả nước.

PV: Trong bầu không khí chiến đấu căng thẳng như thế, nhạc sĩ đã kịp viết hai ca khúc “Hà Nội chiến thắng” và một ca khúc dành cho thiếu nhi có tên là “Trong vườn Bách Thảo”? Ông có thể kể lại hoàn cảnh sáng tác 2 ca khúc này?

NS Thanh Phúc: Vâng, với bài “Hà Nội chiến thắng”, tôi nghĩ là mình đánh không phải là đánh với B52, B52 chẳng qua chỉ là vũ khí, là công cụ trực tiếp của Mỹ thôi còn quân và dân ta đánh với đế quốc Mỹ nên tầm bài hát nó phải khác đi và không phải cứ mô tả cụ thể B52. Tôi viết bài “Hà Nội chiến thắng” là muốn nói rằng Việt Nam chiến thắng.

Đế quốc Mỹ đã đổ bao tấn bom tấn đạn xuống nước mình rồi và cuối cùng phải mang cả B52 cũng không thể đánh thắng được Việt Nam và tôi muốn nói Việt Nam chiến thắng là như thế. Chúng ta chiến thắng không phải bằng kỹ thuật bằng công nghệ mà chúng ta chiến thắng bằng lòng dũng cảm, bằng tất cả trí tuệ thông minh sẵn có của người Việt Nam. Đó là truyền thống đánh thắng giặc ngoại xâm của chúng ta được lưu truyền từ bao đời nay và đó cũng là thông điệp, nội dung của “Hà Nội chiến thắng”.

Nhạc sĩ Thanh Phúc tác giả của hơn 300 ca khúc, trong số đó có 5 ca khúc được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996 đó là: Người Mèo ơn Đảng (1956), Hà Giang quê tôi (1972), Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi (1972), Bài hát Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng (1975), Nhớ giọng hát Bác Hồ (1969).

Còn bài “Trong vườn Bách Thảo”, tôi sáng tác là vì rất yêu trẻ em. Tôi không có tuổi thơ học trò, đi bộ đội từ năm 13 tuổi nên tôi đã dành rất nhiều tình cảm cho thiếu nhi và rất thích viết cho thiếu nhi. Nhiều bài hát tôi đã viết cho thiếu nhi như: Nhớ giọng hát Bác Hồ, Mùa xuân em đến trường trồng cây….

Bài hát này viết là để dành cho thiếu nhi, để các cháu biết về thời khắc lịch sử của Hà Nội, của đất nước. Vì B52 nó đồ sộ, nó to như thế, đế quốc Mỹ mang cả nghìn tấn bom đạn không thắng được mình nên mình rất tự hào và cần phải lưu truyền niềm tự hào đó đến với các em bằng niềm vui chiến thắng.

Khi hai bài hát này được vang lên trên sóng Đài Tiếng Nói Việt Nam, tôi vẫn nhớ lúc đó không khí rất sôi động và mọi người đón nhận rất nồng nhiệt, góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. 

PV: Khi viết “Hà Nội chiến thắng”, lúc đó cuộc chiến 12 ngày đêm vẫn đang diễn ra, đất nước vẫn chưa thống nhất. Vậy niềm tin nào khiến nhạc sĩ Thanh Phúc khẳng định Hà Nội sẽ chiến thắng như tựa đề bài hát?

NS Thanh Phúc: Bài “Hà Nội chiến thắng” tôi sáng tác ở tầm khái quát hơn với những ca từ như:

“Hà Nội ơi, Tháp Rùa xưa, soi bóng nước Hồ Gươm.

Nắng Ba Đình lung linh ngời non nước.

Hà Nội ơi, tình Bắc Nam một nhà.

Có Huế, Sài Gòn cùng chung tay viết trang lịch sử.

Ôi kiêu hãnh Thủ đô ta anh hùng. 

Rồng Thăng Long cuộn lửa thiêu cháy pháo đài bay giữa trời Hà Nội.

Thủ đô ta đó,  ngàn năm văn hiến là chiến thắng hôm nay...”


Tôi đã viết với niềm tin chiến thắng như vậy. Bởi tôi có lý do để tin Hà Nội sẽ chiến thắng. Vì từ xưa đến nay, nước Việt Nam ta chưa thua kẻ thù ngoại xâm nào, từ thực dân Pháp, phát xít Nhật…rồi đến đế quốc Mỹ - “pháo đài bay” là con chủ bài cuối cùng của Mỹ, mà sự thật thời điểm đó Mỹ cuồng quá rồi mới phải dùng đến “pháo đài bay” nhưng cũng không dọa được ta đâu. Toàn dân, toàn quân ta luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết chiến, quyết thắng. Với niềm tin đó tôi đã viết nên “Hà Nội chiến thắng”.

PV:
Từ niềm tin đó, quân và dân Thủ đô Hà Nội anh dũng đã làm nên chiến thắng oai hùng. Thưa nhạc sĩ, với tư cách là một nhân chứng sống trong trận “Điện Biên Phủ trên không” cách đây 40 năm, nhạc sĩ muốn nhắn gửi điều gì đến thế hệ trẻ hôm nay?

NS Thanh Phúc: Tôi là một người lính từ lúc 13 tuổi cho đến khi về hưu vẫn giữ vững phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ. Đó chính là niềm tin chiến thắng. Tôi mong rằng thế hệ trẻ hôm nay cũng hãy nêu cao tinh thần đó. Chúng ta hãy luôn sống với niềm tin chiến thắng, chiến thắng trong mọi lĩnh vực, mọi công việc của cuộc sống.

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Thanh Phúc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên