Nửa thế kỷ những ca khúc chiến thắng Khe Sanh

VOV.VN - Cảm hứng chiến thằng Đường 9 - Khe Sanh còn kéo dài nhiều năm sau này, và có rất nhiều ca khúc được sáng tác mỗi năm kỷ niệm chiến thắng.

Trong diễn văn nhậm chức của Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 1/2009 có một dòng nhắc đến trận chiến Khe Sanh năm 1968. Trong các tour du lịch ở Việt Nam, người Mỹ thường không bỏ qua khu vực được gọi là DMZ- Khe Sanh… Và trong nhiều tài liệu về chiến tranh Việt Nam được giải mật của Bộ Quốc phòng Mỹ, trận chiến Khe Sanh năm 1968 được ví như một Điện Biên Phủ thứ 2 của Việt Nam.

Khe Sanh, một thung lũng thuộc tỉnh Quảng Trị, ở bên đường 9 cách biên giới Việt - Lào chừng 10km. Trận chiến Khe Sanh đã chiếm được chú ý của truyền thông quốc tế và công luận ở Mỹ vào thời đó. 25% thời lượng phim chiếu trên chương trình truyền hình buổi tối trong tháng 2 và tháng 3/1968 dành tường thuật tình hình chiến sự ở Khe Sanh. Riêng kênh CBS, tỷ lệ này là 50%.

Ngày 9/7/1968, sau 170 ngày đêm chiến đấu anh dũng, mưu trí và kiên cường, quân chủ lực Quân Giải phóng miền Nam đã phá vỡ phòng tuyến đường 9 của quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn, nối thông tuyến đường mòn Hồ Chí Minh và đường 9 qua Lào.

Nữ dân quân người Pako tham gia chiến dịch- Ảnh: Liệt sĩ nhà báo Đinh Thúy.

Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Quân Giải phóng miền Nam kiêu hãnh tung bay trên sân bay cứ điểm Tà Cơn, đập tan tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Khe Sanh đã được gọi là “Khe tử” của lính Mỹ.

Đây là một kỳ tích chiến trận được ví là "Điện Biên Phủ thứ 2" như lời của truyền thông nước ngoài bình luận. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara đã cay đắng thừa nhận: "Tuy chúng ta đã ném cả danh dự của nước Mỹ ra để giữ Khe Sanh và buộc Hội đồng Tham mưu Tổng liên quân cam kết bằng máu, nhưng cuối cùng phải rút chạy"...

Hãng Reuters, ngày 27/6/1968, viết: "Khe Sanh được ghi vào lịch sử chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như là một nơi phải trả với giá đắt nhất bằng máu". Chiến thắng Khe Sanh đã góp phần buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam ở Hội nghị Paris.

Và song hành với chiến dịch, với từng bước chân quân Giải phóng, từng trận chiến, nhiều văn nghệ sĩ đã vào chiến trường, ở mặt trận đường 9- Khe Sanh. Đặc biệt là các nhạc sĩ, họ vừa hành quân vừa sáng tác những ca khúc “nóng bỏng” hơi thuốc súng đạn bom, khích lệ tinh thần quân và dân đường 9 - Khe Sanh và những vùng mới giải phóng.

Trước tiên phải kể đến hai nhạc sĩ Huy Thục và Lê Lan. Ngay từ những ngày bước chân đến chiến trường Quảng Trị, tham gia các trận đánh và mừng vui với chiến thắng, nhạc sĩ Huy Thục đã viết “Tiếng hát trên đường quê hương”: “Ai đã đến miền quê em Quảng Trị - Thừa Thiên/ Qua đường 9 tình Gio Linh lắng nghe giọng hò…/ Mừng vui nghe tin thắng trận/ Sông Ba Long bay bổng lời ca...”. Nhạc sĩ Lê Lan thì viết “Đường về Khe Sanh”: “... Đây Khe Sanh chôn vùi giặc Mỹ/ Bao xác quân thù tràn ngập thung sâu...” 

Tin chiến thắng “Một thắng 20 của tiểu đội Bùi Ngọc Đủ” ở đồi Không Tên bên suối La La đã khiến Huy Thục hứng khởi viết ngay trong hai ngày hoàn thành ca khuc “Ơi! Dòng suối La La”. Nhạc sĩ Lê Lan cũng hưởng ứng bằng ca khúc vui nhộn hài hước, đậm chất lạc quan của người lính Giải phóng quân “Tiểu đội ta đạt ba danh hiệu”.

Rồi như cảm hứng bất tận trên bước đường hành quân, hay qua những vùng giải phóng của người dân tộc Pako, Vân Kiều…, nhạc sĩ Huy Thục liên tiếp sáng tác các ca khúc: “Cô gái Pa Kô”, “Chào đường 9 anh hùng”. Đặc biệt, sau trận Gio An, nhìn hình ảnh  người Vân Kiều vừa tải đạn vừa đánh đàn Ta Lư đón tin chiến thắng, ông đã viết ca khúc “Tiếng đàn Ta Lư”, được hoàn thành ngay tại đại đội 1 công binh khi vừa mở đường xong.

Ca khúc viết trong tầm bom đạn mà thánh thót, nhịp nhàng chất dân ca Vân Kiều với nhịp nhanh, tươi sáng. “Tiếng đàn Ta Lư” trong mùa xuân 1968 với tiếng hát nghệ sĩ quân đội Tường Vy trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực sự là một nguồn năng lượng lớn thúc giục những người lính ở mặt trận Khe Sanh, làm nức lòng cả nước.

Cuối xuân 1968, nghệ sĩ Tường Vy đã trình diễn “Tiếng đàn Ta Lư” báo cáo Bác Hồ và tác giả bài hát được tặng Huân chương Chiến Công hạng Nhì vào tháng 6.1969. Cùng với các tác phẩm trên, Huy Thục còn viết hành khúc 1 đoạn tặng đại đội đánh cao điểm 1009 Động Tri “Trung đoàn dũng sĩ Gio An”,  ca cảnh “Khe Sanh” với 11 đoạn hát. Đến năm 1968, ông lại viết ca khúc “Cô gái Pa Kô đi tải đạn” cho nghệ sĩ Ngọc Minh làm nhạc múa.

Và chính những giai điệu các ca khúc về đường 9- Khe Sanh đã làm nên tên tuổi nhạc sĩ Huy Thục trong lòng mỗi người yêu nhạc cách mạng Việt Nam, và các ca khúc này của ông không chỉ 50 năm, mà sẽ sống mãi cùng năm tháng trong lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam

Bên cạnh hai nhạc sĩ quân đội, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng gửi vào chiến trường nhạc sĩ Văn Dung. Sau nhiều đêm đi trên những con đường đầy bom đạn, tắm mình trong không khí chiến trường bom đạn ác liệt, cảm nhận được sự hy sinh gian khổ của người chiến sĩ nơi tuyến đầu, gặp gỡ ngắn ngủi và thầm lặng với các chiến sĩ giải phóng quân bên dòng Bến Hải, khi các anh chuẩn bị vượt sông vào trận chiến bên Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Việt...

Hình tượng người chiến sĩ giải phóng quân đã được hai nhạc sĩ Văn Dung và Triều Dâng khắc họa thật sống động trong “Giải phóng quân ta ra đi”: “Xuyên màn đêm ta đi vượt núi băng rừng/ Qua dốc cao suối sâu đoàn ta mau dồn bước/ Vì quê hương yêu dấu chờ ta bao năm tháng...”, ca ngợi những đoàn quân vượt Trường Sơn vào chiến trường.

Tháng 5/1968, quân ta chuẩn bị đánh lớn ở Khe Sanh, tin lan truyền như một Điện Biên Phủ của thời chống Mỹ, nhạc sĩ trong và ngoài quân đội cùng hướng về Khe Sanh với những suy nghĩ sáng tạo, nhạc sĩ Văn Dung đã viết ca khúc “Tiến về Khe Sanh” với một nhịp điệu hào sảng, giai điệu lạc quan, phơi phới:

“Núi chắn trùng trùng, chim bay mỏi cánh/ Quân băng ngàn núi, đêm vượt rừng sâu / Rừng Trường Sơn đêm đêm xôn xao nghe đoàn quân đi/ Về Khe Sanh quê hương bấy lâu mong chờ hôm nay/… Đồn Làng Vây hôm nao nơi đây quân giặc phơi thây/ Trời Tà Cơn reo vui khắp nơi bóng cờ sao bay/ Vững bước ta đi lên, biển Đông đã sáng/ Tiếng súng ta vang vang, rền trời Khe Sanh”. Và khi chiếc dịch toàn thắng, ông viết “Bài ca đường 9 chiến thắng”.

Cùng với các nhạc sĩ kể trên, còn có những ca khúc khác cũng xuất hiện vào thời điểm chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, suốt 6 tháng ròng từ mùa xuân đến hết mùa hè. Ca ngợi toàn cuộc Tổng tấn công nổi dậy xuân 1968, trong đó có mặt trận Khe Sanh, nhạc sĩ Tân Huyền viết ca khúc “Kèn chiến thắng gọi ta đi”.

Ca ngợi người lính đường dây có ca khúc “Đường dây ai rải” của nhạc sĩ Văn An. Ca ngợi người pháo thủ có ca khúc “Nghe tiếng pháo Khe Sanh” của nhạc sĩ Đức Nhuận. Ca ngợi nữ du kích đánh xe tăng có ca khúc “Nữ du kích Trị- Thiên đánh xe tăng” của nhạc sĩ Thái Quý.

Nhạc sĩ Huỳnh Văn Yên thì dùng nhịp hò khoan chèo thuyền trên sông Ba Lòng ca ngợi chiến thắng qua ca khúc “Chèo thuyền trên sông Ba Lòng”. Nhạc sĩ Trần Hoàn khi ấy ở tuyên huấn Khu uỷ Trị - Thiên với bút danh Hồ Thuận An cũng sáng tác ca khúc “Sét nổ vang trời Trị - Thiên - Huế”. Nhạc sĩ Minh Tân thì hóm hỉnh ví von qua ca khúc “Con cá biển vui nhảy lên rừng”…

Cảm hứng chiến thằng Đường 9 - Khe Sanh còn kéo dài nhiều năm sau này, và có rất nhiều ca khúc được sáng tác mỗi năm kỷ niệm chiến thắng. Nhưng những ca khúc  được sáng tác “nóng bỏng” mùi thuốc súng, hơi bom đạn chiến trường từ nửa thế kỷ trước mãi là giai điệu đi cùng năm tháng và sống trong trái tim công chúng yêu nhạc cách mạng Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khe Sanh, miền đất chết hồi sinh
Khe Sanh, miền đất chết hồi sinh

VOV.VN -Vùng đất chiến trường ác liệt Khe Sanh ngày nào nay đang trở thành biểu tượng sống động cho sự hồi sinh và hội nhập mạnh mẽ. 

Khe Sanh, miền đất chết hồi sinh

Khe Sanh, miền đất chết hồi sinh

VOV.VN -Vùng đất chiến trường ác liệt Khe Sanh ngày nào nay đang trở thành biểu tượng sống động cho sự hồi sinh và hội nhập mạnh mẽ. 

Xúc động chương trình giao lưu “Nghĩa tình Khe Sanh"
Xúc động chương trình giao lưu “Nghĩa tình Khe Sanh"

VOV.VN -Trong khuôn khổ chương trình, đoàn công tác của Quốc hội đã trao tổng số tiền 450 triệu đồng hỗ trợ xây dựng trường mầm non Linh Thượng, huyện Gio Linh.

Xúc động chương trình giao lưu “Nghĩa tình Khe Sanh"

Xúc động chương trình giao lưu “Nghĩa tình Khe Sanh"

VOV.VN -Trong khuôn khổ chương trình, đoàn công tác của Quốc hội đã trao tổng số tiền 450 triệu đồng hỗ trợ xây dựng trường mầm non Linh Thượng, huyện Gio Linh.

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Giải phóng Hướng Hóa
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Giải phóng Hướng Hóa

VOV.VN - Cách đây 50 năm, tiếng pháo mở màn cho chiến dịch lịch sử Đường 9 - Khe Sanh của quân ta rền vang...

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Giải phóng Hướng Hóa

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Giải phóng Hướng Hóa

VOV.VN - Cách đây 50 năm, tiếng pháo mở màn cho chiến dịch lịch sử Đường 9 - Khe Sanh của quân ta rền vang...