Phí nghe nhạc online không thu trực tiếp từ người nghe

(VOV) - “Số tiền phí rất nhỏ và công chúng cũng rất có ý thức xây dựng văn hóa bản quyền...” - luật sư Phạm Thanh Thủy cho biết.

Việc thu phí tải nhạc online đã được một số website nghe nhạc trực tuyến tiến hành thử nghiệm từ ngay 1/11/2012. Tuy nhiên sau hơn một tháng thu phí số tiền thu về quá khiêm tốn khiến nhiều người nghi ngờ tính khả thi của việc này. Nhưng sự việc lại được hâm nóng khi Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khẳng định việc thu phí tải nhạc và nghe nhạc online sẽ là mục tiêu trọng điểm của Trung tâm trong năm 2013.

Về vấn đề này, PV VOV có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khu vực phía Bắc.

P.V: Vừa qua, Trung tâm có sự kêu gọi các website liên kết lại với nhau để hình thành thói quen nghe nhạc có bản quyền tức là tải và nghe nhạc trực tuyến phải trả phí vậy kết quả đến nay là như thế nào, thưa bà?

L.S Phạm Thanh Thủy: Số tiền thu được không quá 20 triệu. Con số khá là khiêm tốn. Tuy nhiên trước mắt chúng tôi cũng thấy rằng công chúng sẵn sàng xây dựng văn hóa âm nhạc có bản quyền. 

P.V: Theo bà nguyên nhân nào khiến số tiền thu về lại ít như vậy?

L.S Phạm Thanh Thủy: Đó là có sự trục trặc từ các kênh thanh toán, chúng chưa được xuyên suốt.

P.V: Lâu nay, công chúng có thói quen nghe nhạc miễn phí và các nhà mạng khi thấy không thể thu phí từ công chúng nên xoay theo chiều hướng chiều lòng khán giả và thu phí từ quảng cáo trên trang. Có ý kiến cho rằng, khi tiến hành thu phí tải nhạc và nghe nhạc online sẽ có một số khán giả từ chối sử dụng các trang nghe nhạc, như thế nguồn thu từ quảng cáo của các trang này theo đó mà giảm đi. Vậy Trung tâm có gặp khó khăn gì trong việc thuyết phục các trang mạng thực hiện thu phí này không?

L.S Phạm Thanh Thủy: Về phía Trung tâm, tôi nghĩ không có khó khăn gì cả. Bởi theo luật khi các website nghe nhạc chưa thu được tiền từ khán giả họ đã phải thực hiện quyền tác giả. Do đó, việc thu phí hay không thu phí đó là cơ chế của nhà chủ sở hữu website đối với người sử dụng. Đó là bài toàn kinh doanh riêng của từ nhà mạng.

Việc thu phí tải nhạc và nghe nhạc không phải là nguyên nhân khiến công chúng xa rời các trang mạng nghe nhạc (ảnh minh họa: Thanh Niên)

Tuy nhiên, bàn thân tôi thì cho rằng không thể nói việc thu phí tải và nghe nhạc sẽ là nguyên nhân khiến công chúng rời xa các trang mạng nghe nhạc, bởi số tiền phí rất nhỏ và công chúng cũng rất có ý thức xây dựng văn hóa bản quyền.

P.V: Tức phí tác quyền sẽ thu từ các website nghe nhạc chứ không thu trực tiếp từ người nghe nhạc?

L.S Phạm Thanh Thủy: Đúng thế. Mối quan hệ giữa Trung tâm và các website là trực tiếp còn đối với khách hàng là gián tiếp. Thực ra khách hàng phải trả tiền bản quyền những sẽ trả thông qua các website.

P.V: Trung tâm sẽ quản lý việc thu phí này thông qua hệ thống nào?

L.S Phạm Thanh Thủy: Chúng tôi sẽ làm việc với từng website. Xem xét cơ chế bán nhạc, thu tiền của họ như thế nào và sẽ đối chiếu trên số tiền họ thu được. Họ sẽ trích lại một phần để trả tiền tác quyền.

P.V: Vậy thời gian tới, việc thu phí tải nhạc và nghe nhạc trực tuyến sẽ được thực hiện như thế nào?

L.S Phạm Thanh Thủy: Trong năm 2013, từ việc bán thử nghiệm những tác phẩm, abum đầu tiên, các website sẽ đồng loạt thực hiện bán nhạc trực tuyến. Như vậy người nghe nhạc sẽ không có sự lựa chọn giữa tác phẩm phải trả tiền và tác phẩm không phải trả tiền cũng như website nghe nhạc thu phí và website miễn phí.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, tất cả đều phải có một lộ trình, ngay trong thời gian tới thì công việc này sẽ chưa thể tiến hành triệt để về mức giá cũng như các tiêu chí khác. Tôi hy vọng các website sẽ làm tốt hơn thời gian vừa qua.

P.V: Xin cảm ơn bà./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên