Đấu giá gas, ai hưởng lợi?

Giá gas và quản lý Nhà nước về mặt hàng này đã được bàn nhiều nhưng vẫn là vấn đề gây nóng.

Cơ chế giá, định giá, đấu giá... đối với mặt hàng này vẫn chưa minh bạch, và người dùng chưa được hưởng lợi.

Giá gas trong nước không phải chịu thuế nhập khẩu, các chi phí bảo hiểm, vận tải... tính ra thấp hơn giá gas nhập khẩu khoảng 100 USD/tấn, nhưng vẫn được bán theo giá quốc tế. Đây là một bất hợp lý. Theo các doanh nghiệp đầu mối gas lớn trên thị trường hiện nay, giá bán mặt hàng khí đốt hóa lỏng như PetroVietnam gas, Saigon Petro, Vinagas… áp dụng giảm 2.900 đồng/kg kể từ ngày 1/5.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Giá gas Việt Nam rất không bình thường. Theo số liệu hải quan, các DN trong nước ít nhập gas khi giá gas thấp mà lại nhập nhiều khi giá gas cao. Vì vậy làm cho giá gas trên thị trường nội địa cao hơn hẳn so với thị trường thế giới.

TS. Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả: Đấu giá bao giờ cũng có sự cạnh tranh lớn, nhưng đã đấu thì phải đấu thực, còn đấu không đúng bản chất sẽ gây tác hại rất lớn. Đấu thực, tức là mọi cái đều phải bí mật, tất cả các tiêu chí của từng đối tác không có sự thông đồng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Đấu giá 100% sẽ tốt nếu TCty gas không làm nhiệm vụ phân phối nữa. Bởi vì, họ vẫn bán lẻ mà lại đi đấu giá với công ty mẹ thì chắc chắn cũng phải có những ưu đãi nhất định và như vậy, việc đấu giá sẽ trở thành hình thức.

Đây là mức giảm mạnh thứ 2 kể từ đầu năm, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng lợi, tức giá gas bán lẻ tới tay người tiêu dùng vẫn cao, đó là chưa kể đến việc chênh lệch giá bán của mỗi đại lý bán lẻ mỗi khác và chi phí vận chuyển tới người tiêu dùng ở xa hay gần đại lý.

Hiện nay lượng gas sản xuất trong nước từ hai nguồn Dinh Cố và Dung Quất khoảng 640.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ. Như vậy, ngoài công cụ giảm thuế nhập khẩu, Nhà nước đã có lượng gas không nhỏ để có thể góp phần điều tiết giá trong thời điểm giá biến động mạnh hiện nay. Đây là nguồn gas giá rẻ, doanh nghiệp nào cũng muốn tiếp cận nên phải tổ chức đấu thầu.

Tuy nhiên, thực tế việc đấu giá gas sản xuất trong nước đang cho thấy sự bất hợp lý. Đó là, mặc dù việc đấu giá được thực hiện công khai nhưng thực chất chỉ có 150.000 tấn gas (50% sản lượng của Nhà máy Dung Quất) và 200.000 tấn (70% sản lượng của Nhà máy Dinh Cố) được đem đấu giá, phần còn lại được ưu tiên phân phối cho các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) với lý do là để doanh nghiệp xây dựng hệ thống phân phối, bán lẻ và để đảm bảo lượng tiêu thụ ổn định trong nước những lúc hàng ế.

PVN đang nghiên cứu việc xây dựng lộ trình đấu giá 100% lượng gas hiện có trên cơ sở đánh giá khả năng đảm bảo an toàn, vận hành sản xuất.

Từ câu chuyện đấu giá gas, liệu có tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để có giá gas tốt nhất tới tay người tiêu dùng?

Với lượng gas được đấu giá trong đợt đấu giá gần đây, các đơn vị trúng thầu lại chủ yếu là các công ty thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) - trực thuộc PVN. Chưa kể hiện nay PV Gas cũng là đơn vị nhập khẩu lớn nhất, các doanh nghiệp khác chủ yếu mua lại hàng từ PV Gas. Do đó, tính cả nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu, PV Gas đang chiếm tới 80% thị phần phân phối gas. Nhiều câu hỏi đặt ra là, các công ty con của PV Gas sau khi được ưu tiên nguồn hàng này có thật sự phát triển hệ thống bán lẻ, hay họ lại đi bán sỉ cho đơn vị khác hưởng chênh lệch?

PV Gas đang là nhà nhập khẩu gas lớn nhất và bán sỉ cho những doanh nghiệp đầu mối gas khác. Do đó, ở những thời điểm có nguy cơ tồn hàng, PV Gas hoàn toàn có thể điều phối lượng nhập khẩu để đảm bảo gas trong nước vẫn được tiêu thụ bình thường, chứ không thể có tình trạng gas sản xuất ra ế không có người mua. Vì vậy, lý do này không thật sự thuyết phục. Và việc không thực hiện đấu giá toàn bộ gas sản xuất trong nước đã khiến dư luận đặt vấn đề về việc ai được lợi?

Với các yếu tố trên, thật khó để có một thị trường gas công bằng và quyền lợi của hàng chục triệu người tiêu dùng được xem trọng. Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, về nguyên tắc, một doanh nghiệp chỉ chiếm 30% thị phần đã được gọi là độc quyền. Khi đó Nhà nước phải có sự can thiệp, không thể để cho doanh nghiệp được tự quyết định giá mà phải thực hiện đấu thầu, nhưng đấu thầu không đúng bản chất thì gây tác hại rất lớn.

Theo đề xuất của các thành viên Hiệp hội Gas Việt Nam, để loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh, phải có biện pháp chống liên kết, thông đồng trong khâu định giá gas; chống độc quyền bằng cách đấu thầu công khai 100% lượng gas sản xuất trong nước./.

Chuyện minh bạch thị trường

Trở lại những cuộc đấu giá nguồn gas trong nước vừa qua, gần như hoàn toàn do các doanh nghiệp Nhà nước chi phối. Điều đó cũng có nghĩa là, nguồn gas trong nước hiện chỉ do PV Gas phân phối cho các đơn vị thành viên và trực thuộc. Các đơn vị nắm ưu thế nguồn hàng của PV Gas sẽ thoải mái bỏ giá cao trong cuộc đấu giá để mua bằng được hàng. Đây chính là cánh cửa hẹp cho các doanh nghiệp khác tham gia đấu giá có thể trúng thầu. Và khi đã gần như giữ trọn 100% nguồn hàng trong nước, cộng với nguồn nhập khẩu, PV Gas hiện nay có thể điều tiết giá thị trường trong nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá gas của Việt Nam chí ít cũng phải bằng hoặc thấp hơn giá gas của thế giới. Bởi vì nó không bao gồm thuế nhập khẩu, không bao gồm các chi phí chuyên chở, nên phải bảo đảm cho giá gas đấu thầu đáp ứng tiêu chuẩn đó. Về việc này, cơ quan quản lý cạnh tranh nên vào cuộc để xem xét việc đấu thầu có thực sự công bằng, công khai, minh bạch và có bảo đảm đúng yêu cầu cạnh tranh hay không. Đồng thời, tách bạch giá gas sản xuất trong nước với giá gas nhập khẩu, tránh gộp chung để một vài doanh nghiệp được hưởng lợi, còn quyền lợi của hàng chục triệu người tiêu dùng lại bị bỏ qua./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên