Chủ tịch nước khảo sát, kiểm tra đê biển tại Bến Tre

(VOV) -Chủ tịch nước đi kiểm tra, khảo sát thực tế về tình hình nước biển dâng và công tác phòng chống của địa phương.

Ngày 30/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác Trung ương đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Bến Tre.     

Ngay khi tới Bến Tre, Chủ tịch nước và đoàn công tác đã trực tiếp đi khảo sát tuyến đê biển Ba Tri và công trình Cống-Đập Ba Lai, một trong công trình ngăn mặt và ngọt hóa Bắc Bến Tre. Đây là các công trình đặc biệt quan trọng nhằm hạn chế tác động của nước biển dâng. Bởi theo dự  báo, tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ ảnh hưởng lớn đến vùng ĐBSCL, trong đó tỉnh Bến Tre với địa thế sát biển, sông rạch chằng chịt, địa hình thấp, Bến Tre sẽ là một trong địa bàn chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Dự báo nếu đến năm 2020, mực nước biển dâng 12cm thì tỉnh Bến Tre sẽ bị ngập hơn 272km2 chiếm 12,24% tổng diện tích làm ảnh hưởng đến gần 98.000 người. Nước biển dâng cũng sẽ làm toàn bộ diện tích lúa nước sẽ bị mất mùa. Các công trình dân sinh, đê điều, giao thông sẽ bị tác động mạnh bởi triều cường.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trực tiếp kiểm tra đê biển  (Ảnh: Hoàng Dũng).

Là tỉnh được chọn làm điểm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu Bến Tre đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, tập trung mạnh cho đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, xây dựng hệ thống đê sông, đê biển, đê bao cục bộ, trong đó các công trình đê biển Ba Tri và Cống-Đập Ba Lai đã cơ bản hoàn thành nhằm ngăn ngặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Khảo sát thực địa tại 2 công trình này, Chủ tịch nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Việc hoàn thành Cống-Đập Ba Lai ngăn cửa sông Ba Lai, biến thành hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của 5 huyện và thành phố khu vực Bắc Bến Tre có ý nghĩa rất lớn. Với dự án đê biển Ba Tri nói riêng và đê biển, đê bao cục bộ khác  kết hợp với hệ thống thủy lợi sẽ giúp ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, rửa phèn cải tạo đất phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.

Báo cáo với Chủ tịch nước tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt chiều nay, lãnh đạo tỉnh Bến Tre cho rằng diễn biến của biến đổi khí hậu đã và đang tác động nhanh hơn kịch bản trung ương dự báo đến năm 2050, bởi ngay trong mùa khô năm 2013 này, ranh mặn 4/oo đã xâm nhập khoảng 50km trên sông Hàm Luông; 45km trên sông Cửa Đại và 52km trên sông Cổ Chiên; độ mặn 1/oo đã xâm nhập gần như toàn tỉnh, song song với tình hình xâm mặn thì tình trạng xói lở đất biển cũng diễn ra nghiêm trọng, tác động trực tiếp tới 63.000 hộ dân với 259.000 nhân khẩu thiếu nước ngọt sinh hoạt, hàng trăm diện tích lúa bị mất trắng, năng suất rau màu, cây trái, thủy sản giảm.

Trước tình trạng đó, tỉnh Bến Tre đã tập trung đầu tư mạnh cho hệ thống thủy lợi, và đê biển, đê bao cục bộ. Hiện toàn tỉnh có 50 kênh trục với chiều dài 227 km, 78 công trình thủy lợi như Châu Bình-Vàm Hồ, Cầu sập, Công-Đâp Ba Lai...đã hoàn thành; 396 km đê biển, đê bao cục bộ đã phát huy tốt hiệu quả ngăn mặn trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho bà con. Tuy nhiên các đại biểu cho rằng, hiện thống thủy lợi Bến Tre chưa được đầu tư đồng bộ, còn chắp vá, hệ thống cống, đập lớn chưa được đầu tư nên một số huyện như Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành, vùng nam Mỏ Cày vẫn bị nhiễm mặn nặng nề.

Phát biểu tại buổi làm việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối phó với biến đổi khí hậu và cho rằng việc nhận thức và thực hiện công tác đối phó với biến đổi khí hậu không phải bây giờ mới làm mà chúng ta đã và đang triển khai mạnh thời gian qua. Chủ tịch nước cho rằng thực tế hiện nay diễn biến nhanh hơn rất nhiều so với dự báo điều đó đòi hỏi phải có giải pháp đối phó kịp thời.

Chủ tịch nước đến thăm một số hộ dân có nhà bị sạt lở được bố trí tái định cư tại xã Tân Thiềng huyện Chợ Lách

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng trong đầu tư cần phải rà soát quy hoạch, có sự lựa chọn công trình trọng điểm để đầu tư, tránh dàn trải, khắc phục nhưng tồn tại trong thủ tục để thu hút nhiều nguồn lực cùng đầu tư vào các công trình dự án.

“Trên cơ sở thực tiễn có rồi, cần thúc đẩy các dự án nhanh hơn. Các đồng chí cũng phải điều chỉnh quy hoạch phù hợp. Cân đối vốn để các dự án. Và rà soát luật lệ xem cần sửa gì không để sửa luôn, tránh để muộn và không thể đổ lỗi cho khách quan như biến đổi khí hậu hay suy thoái kinh tế”. – Chủ tịch nước nói.

Hoan nghênh tỉnh Bến Tre đã tập trung cho hoàn thiện cơ sở hạ tầng,  chăm lo đời sống cho người dân, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần tiếp tục chú ý hơn nữa việc đầu tư các công trình đê biển, hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp. Bên cạnh đó cần làm tốt hơn công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo đối tượng chính sách, công tác cán bộ, chuyển dịch kinh tế đúng hướng nhằm đưa Bến Tre có bước phát triển trong thời gian tới.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Bến Tre, Chủ tịch nước cũng đã đến thăm một số hộ dân có nhà bị sạt lở được bố trí tái định cư tại xã Tân Thiềng huyện Chợ Lách, thăm hỏi và tặng quà cho 5 hộ gia đình chính sách gặp khó khăn ở xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại. Chủ tịch nước cũng đã đến thăm Khu di tích “Căn cứ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định” tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc. Ghi lưu bút tại đây, Chủ tịch nước bày tỏ xúc động nhớ lại những năm tháng gian khổ, đấu tranh ác liệt của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trong vùng Khu ủy Sài Gòn-Gia Định hoạt động.

Chủ tịch nước nhấn mạnh “Năm tháng sẽ qua đi nhưng công lao của các đồng chí lãnh đạo hoạt động lúc bấy giờ cũng như công sức, đóng góp của đồng bào sẽ không bao giờ phai mờ trong lịch sử đấu tranh của quân và dân Sài Gòn-Gia Định và địa phương. Tổ quốc đời đời ghi nhớ công lao của những người đã xả thân vì nước”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên