Bộ phim "Sống cùng lịch sử": Minh họa lịch sử khiên cưỡng!

VOV.VN - Phim chỉ là liên tiếp những câu chuyện minh họa về các anh hùng Tô Vĩnh
Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót với tiết tấu chậm chạp, thừa thãi.

“Sống trong lịch sử” – bộ phim được làm với kinh phí 21 tỷ đồng nhưng không bán được vé khi ra rạp đang gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, rất ít người được xem bộ phim này để biết chất lượng nghệ thuật thực sự của nó ra sao? Bài viết sau đây là góc nhìn của nhà báo Trinh Nguyễn – một người “may mắn” được xem bộ phim này:

Hình ảnh trong phim "Sống cùng lịch sử"
Bộ ba đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, biên kịch Đoàn Minh Tuấn và biên tập Hoàng Nhuận Cầm đã rất thuộc cách làm việc của nhau sau nhiều năm dài sát cánh. “Sống cùng lịch sử” - bộ phim kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ - chỉ là lần nữa họ cùng chiến hào. Nhóm làm phim cũng rất tự tin.

“Nếu các anh chị xem phim mà không khóc, chúng tôi sẽ hoàn lại tiền”, biên kịch Đoàn Minh Tuấn nói. Và nước mắt, đúng là đã rơi thật. Nước mắt đã rơi đặc biệt nhiều vào cuối phim với liên tiếp tư liệu hình ảnh về lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Dường như, một lần nữa, Đại tướng đã “cứu” Điện Biên Phủ, dù chỉ trong phim. Bởi bất chấp những đại cảnh dày công, những cú lia máy tốt, hóa trang sinh động, diễn viên không hề non nớt, phim chỉ là liên tiếp những câu chuyện minh họa về các anh hùng Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót với tiết tấu chậm chạp, thừa thãi.

Bản thân các nhân vật này không hề có thêm màu sắc, chi tiết, sự cá nhân hóa tính cách. Chỉ chằn chặn như trong chuyện kể lịch sử phổ thông. "Tôi không nghĩ mình sẽ muốn xem lại phim lần thứ hai”, một nhà nghiên cứu điện ảnh nói.

Thậm chí, ngay từ đầu phim, khán giả đã phải chứng kiến sự lãng phí cảnh quay, lãng phí thời gian. Một thiếu nữ đã phải cởi quần áo tắm, để người yêu ngắm qua kính cửa. Rồi họ hôn nhau qua tấm kính mờ, rúc rích chạy ra phòng ngoài, nhắn tin qua lại rất lâu để giễu người bạn mê nhạc cách mạng. Để rồi, tất cả chỉ đi đến quyết định, nào chúng ta cùng phượt lên Điện Biên.

Ba bạn trẻ trước khi quyết định đi phượt lên Điện Biên

Hơn 10 phút đầu phim đã trôi qua, kề cà, trong khi chỉ cần vài hình ảnh và câu thoại là sáng tỏ mọi chuyện. “Đoạn đó là được thêm vào”, biên kịch Đoàn Minh Tuấn nói.

Cũng phải nói thêm, bộ phim 21 tỷ đồng này được thanh toán theo quy định Nhà nước dựa trên số mét phim nhựa.

“Làm phim lịch sử rất khó. Mà ngại nhất làm phim lịch sử như cái gì có sẵn, đặt hàng, tuyên truyền, vạch theo một đường vạch sẵn. Như thế nó khó thú vị, vì sự khám phá mới làm phim lịch sử thú vị”, đạo diễn Phan Đăng Di nói.

Cũng theo đạo diễn này, đã có một bệnh chung của phim lịch sử Việt Nam. “Số phận chung của phim lịch sử Việt Nam là hoặc mô phạm cứng nhắc hoặc hời hợt theo một cách mình không thể hiểu được. Người ta làm lịch sử một cách khiên cưỡng. Không nhìn theo hướng có rút được gì trong đó”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên