Sức hút từ các phim truyền hình dài hàng nghìn tập

Nội dung biến hóa, tình tiết thắt mở bất ngờ bám sát cuộc sống là một trong những lý do khiến khán giả mê mẩn các tác phẩm dài kỷ lục của màn ảnh nhỏ.

Trước Cô dâu 8 tuổi, bộ phim Night Market Life (Đời sống chợ đêm) tạo hiệu ứng dư luận rộng rãi ở Đài Loan và các quốc gia, vùng lãnh thổ Đông Nam Á. Khi được mua về phát sóng trên kênh truyền hình Vĩnh Long, Đời sống chợ đêm phiên bản Việt có thời lượng trên 1.000 tập - mỗi tập dài 60 phút. Phim gây sốt với giới nội trợ Việt Nam sau khi lên sóng.

Chiếu từ 1985 tới nay, phim Australia - Neighbours - đã đi qua 7.120 tập và thành phim truyền hình chiếu lâu nhất xứ chuột túi. Trong khi đó, phim truyền hình Anh - Coronation Street - phát sóng từ năm 1960 tới nay có trên 8.660 tập, được mọi người dân xứ sương mù biết đến. Còn tác phẩm của truyền hình Mỹ - Guiding Light - được sách kỷ lục Guinness công nhận là phim truyền hình dài tập nhất thế giới. Lên sóng truyền hình từ năm 1952 và kết thúc vào năm 2009, bộ phim này dài tổng cộng 18.262 tập.

Cảnh trong phim "Cô dâu 8 tuổi"

Có nhiều lý do giúp Soap Opera kéo dài qua hàng thập kỷ, thậm chí tới nửa thế kỷ mà vẫn ăn khách.

Trước đây, Soap Opera đạt được thời hoàng kim – những năm 1950 đến cuối thập niên 1990 - nhờ công nghệ kỹ thuật số chưa bùng nổ, cũng như các hình thức giải trí ngoài tivi chưa đa dạng. "Người xem có ít lựa chọn hơn khiến cho phim nghìn tập gây sức hút", Sam Schechner nhận định trên tờ The Wall Street Journal.

Phim Soap Opera hấp dẫn bởi sự phức tạp, bất ngờ với tuyến truyện như những bài toán đố. Các tuyến truyện của "kịch xà phòng" không được phát triển song song mà chằng chéo, luôn để ngỏ để có thể kéo dài trong nhiều năm. Phim thường xuyên có những bước ngoặt bất ngờ khiến người xem ngạc nhiên hoặc những pha kịch tính lâm ly liên quan trực tiếp tới số phận các nhân vật chính. Trong phim Cô dâu 8 tuổi, công chúng màn ảnh nhỏ hồi hộp theo dõi những chịu đựng của nhân vật nữ chính - cô dâu bé nhỏ - trước những dày vò hà khắc của nhân vật bà nội chồng ác nghiệt.

H. Wesley Kenny, giám đốc sản xuất Mỹ của phim General Hospital, chia sẻ với The New York Times: “Phim Soap Opera mở ra không gian cho giới nội trợ được thư giãn ngoài những áp lực và công việc nhà nhàm tẻ. Bởi vậy, các tác phẩm này thường tạo ra những tình huống thật lâm ly, bi đát, thậm chí quá lố nhằm lôi kéo cảm xúc của khán giả". Ông H. Wesley Kenny chia sẻ rằng việc theo dõi những tình tiết éo le này thường mang đến hai loại thái độ cho người xem - một là thấy đồng cảm bởi chúng từng xảy ra với họ trong đời, hai là thấy may mắn vì chúng không xảy ra với họ.

Ngoài câu chuyện chính, Soap Opera được công chúng quan tâm rộng rãi còn bởi đề cập những vấn đề chung nhức nhối hoặc nhiều vấn nạn trong xã hội, từ đó tạo động lực thay đổi xã hội. Chuyện về vấn nạn tảo hôn ở Ấn Độ trong Cô dâu 8 tuổi, chuyện đời sống con người dính dáng mafia Italy trong Un Posto al Sole  hay chuyện đời sống khu phố người lao động Đài Loan trong Đời sống chợ đêm khiến khán giả ở quốc gia đó - cùng giới tính, hoàn cảnh và tầng lớp - thấy liên quan trực tiếp tới bản thân. Người xem không chỉ theo dõi nhân vật yêu thích mà còn quan tâm đến cách vượt qua số phận, cách giải các khúc mắc, vấn đề trong cuộc sống.

Một trong những lý do khác liên quan tới vùng lãnh thổ, được Sam Schechner lý giải. Ông cho rằng phim Soap Opera ngày nay tìm được mảnh đất màu mỡ ở những quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á đang phát triển bởi nhiều khán giả nữ ở những khu vực này vẫn làm nội trợ, ít đi làm bên ngoài như những quốc gia đã phát triển ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ.

Cảnh trong phim Coronation Street.

Đoàn Minh Tuấn - nhà biên kịch kiêm Phó tổng biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh - cho biết có lý do riêng để công chúng ở Việt Nam yêu thích các phim Soap Opera nghìn tập nước ngoài. Ông khẳng định: "Người lao động hoặc người ở nông thôn nước ta hiện vẫn theo nhịp điệu mùa màng nên sống chậm. Họ xem phim cũng theo tiết tấu chậm, để được thưởng thức cảnh giọt nước mắt rơi lâu, ngắm từng cái vòng, từng đôi khuyên tai của nhân vật, chiêm ngưỡng cái áo diễn viên mang, cái khăn diễn viên quàng". 

Ông Đoàn Minh Tuấn cho rằng phim Soap Opera nước ngoài không chỉ là người bạn tâm tình trong gia đình Việt mà còn là cửa sổ văn hóa để khán giả vốn chỉ dành thời gian trong bốn bức tường gia đình được “du lịch đến nước ngoài” - một cách tiện lợi nhất qua màn ảnh nhỏ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên