Sẽ nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng yêu cầu, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tính toán sản xuất và tìm kiếm thị trường, đặc biệt là phải có sự liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Thái Nguyên, chiều 20/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác trung ương đã làm việc với Ban thường vụ tỉnh ủy Thái Nguyên về tình hình kinh tế-xã hội  trên địa bàn.

Báo cáo với Chủ tịch nước, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, những năm Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo sát sao, đoàn kết sáng tạo nên đưa đưa Thái Nguyên trở thành phát triển tỉnh phát triển nhất nhì trong 6 tỉnh của khu vực Đông Bắc Bộ. Đặc biệt, năm 2011, mặc dù kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành kinh tế xã hội tốc độ tăng trưởng GDP vẫn đạt 9,36%, thu ngân sách đạt hơn 3.600 tỷ tăng 39,5%; giá trị xuất khẩu tăng gần 36%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 4% so với năm 2010; văn hóa giáo dục có bước phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo; trật tự an toà an xã hội và an ninh quốc phòng được giữ vững.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại đó là đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước được nâng lên nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; chương trình xây dựng nông thôn mới còn bất cập về tổ chức và nguồn lực còn hạn chế;  suy giảm kinh tế cũng tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn và đặc biệt cần có sự đầu tư tương xứng để đưa Thái Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm Bắc Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết 37-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 1/7/2004.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh những kết quả mà tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong những năm qua. Nhấn mạnh vị trí quan trọng của Thái Nguyên trong khu vực Đông Bắc Bộ, Chủ tịch nước cho rằng Thái Nguyên cần chủ động trong phát triển kinh tế xã hội để trở thành vùng kinh tế trọng điểm trong khu vực theo tinh thần Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, cùng với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, Thái Nguyên phải chủ động hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn nhất là đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn để thúc đẩy phát triển qua đó góp phần ổn định kinh tế xã hội.

Đề cập vấn đề xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch nước cho rằng đây không phải là lần đầu tiên chúng ta thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới mà đã từng làm, nhưng cách làm lần là nhà nước và nhân cùng làm, trong đó phải phát huy được vai trò làm chủ của người dân, chỉ khi huy động được sức dân, người dân cùng làm, giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới mới thực sự thành công.

**Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã đến thăm Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và gặp gỡ, lắng nghe những kiến nghị của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Chủ tịch nước hoan nghênh các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn và chia sẻ với các doanh nghiệp trong bối cảnh suy giảm kinh tế trong nước và thế giới, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng với lượng hàng tồn kho lớn, các doanh nghiệp khó tiếp cận được với các nguồn vốn do lãi suất cao.

Chủ tịch nước khẳng định: Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và quyết tâm năm 2012 đưa lạm phát về 1 con số. Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu để có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tính toán sản xuất và tìm kiếm thị trường, đặc biệt là phải có sự liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên