Bác sĩ bị côn đồ vây đánh: Bao giờ hết cảnh này?

VOV.VN -Chừng nào, người bệnh và thân nhân không có lòng tin với bác sĩ thì sẽ vẫn còn những vụ gây rối trong bệnh viện.

Bệnh nhân chết, người nhà lao vào đập phá bệnh viện, đánh bác sĩ… Đây dường như không còn là chuyện hiếm. Chỉ trong hơn một tháng vừa qua, hai vụ “náo loạn” bệnh viện đã xảy ra, cộng với nhiều vụ việc trước đó, khiến nhiều bác sĩ sống và làm việc trong sợ hãi, không biết sẽ bị “ăn đòn” lúc nào.

Những chiếc máy trị giá tiền tỷ bị người nhà bệnh nhân phá hỏng ở Bệnh viện Hà Tĩnh (ảnh vnn)

Gần đây nhất, vào ngày 23/9, 2 nhóm giang hồ gây ra vụ hỗn chiến tại Bệnh viện Nhân dân Gia định (TP HCM). Hỗn chiến xảy ra giữa hai nhóm người nhưng lại được lôi vào khu vực cấp cứu của bệnh viện để giải quyết. Sau một hồi gây náo loạn, nhóm côn đồ quay lại đòi xử bác sĩ. Vì lo sợ “chẳng phải đầu cũng phải tai” nên các bác sĩ phải trốn trong các phòng và khóa chặt cửa. Suốt hơn một tiếng trốn nhóm giang hồ, toàn bộ công việc trong khoa cấp cứu bị đình trệ. Tình hình chỉ trở lại ổn định sau khi 30 cảnh sát của Công an quận Bình Thạnh được tăng cường đến trấn áp.

Thực tế hiện nay, bệnh viện nào cũng có đội bảo vệ hoặc các bệnh viện hợp đồng với các công ty bảo vệ để đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng lại không có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với các tình huống gây rối nên lực lượng bảo vệ này không thể kiểm soát được nếu xảy ra chuyện có nhiều kẻ cùng đến gây rối một lúc. Trong trường hợp ở Bệnh viện Nhân dân Gia định, lực lượng công an cũng đã có mặt nhưng phải mất cả tiếng đồng hồ tình hình mới được kiểm soát.

Còn với trường hợp xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh hôm 13/8, bệnh nhân bị sốc thuốc chết, người nhà bệnh nhân đập phá bệnh viện, đánh bác sĩ. Vẫn biết những sai sót, biến cố trong y khoa là điều khó tránh khỏi. Không bác sĩ nào khi hành nghề lại mong có tai biến hoặc bệnh nhân của mình chết. Nhiều bác sĩ đầu ngành, có chuyên môn giỏi, uy tín trong ngành, đã tâm sự về những day dứt, ám ảnh khi họ nỗ lực cứu một bệnh nhân mà không thành. Đó thực sự là bài học xương máu để họ tiếp tục làm công việc cứu người.

Một bác sĩ làm ở khoa hồi sức cấp cứu tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội chia sẻ, những thông tin về chuyện y đức, phong bì nọ kia... xảy ra thời gian qua khiến nhiều người nhà bệnh nhân nghĩ rằng vào bất cứ bệnh viện nào, gặp bác sĩ là phải đưa phong bì. Điều này gây cản trở rất lớn cho công việc cấp cứu người bệnh. Người nhà bệnh nhân khi chưa “lo lót” được cho bác sĩ thì chưa yên tâm, cứ loanh quanh, thò thụt ở khu vực cấp cứu.

Câu chuyện sau đây sẽ nói lên phần nào những “lệch pha” giữa bác sĩ và người nhà bệnh nhân. Một bác sĩ ở Hà Nội kể lại câu chuyện cách nay đã 2 năm. Hai cháu bé cùng được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Cháu bé thứ nhất có thể trạng, biểu hiện bên ngoài nhanh nhẹn, khỏe mạnh hơn nhưng theo chẩn đoán của bác sĩ thì bệnh của bé này lại nặng hơn cháu bé thứ hai đang nằm mê mệt vì sốt cao. Chính vì thế, kíp trực đã tập trung cấp cứu cho cháu bé thứ nhất. Người nhà của cháu bé thứ hai thấy vậy đã xông vào lăng mạ bác sĩ rằng không đưa phong bì nên mới để “con ông” nằm thế này. Dù được giải thích cặn kẽ nhưng phụ huynh này vẫn không chịu ra khỏi phòng cấp cứu và liên tục gây ồn ảnh hưởng đến công việc của phòng cấp cứu.

Sau khi việc cấp cứu cho cháu bé thứ nhất đã tạm ổn thì kíp trực chuyển sang cấp cứu cho cháu bé thứ hai. Cháu bé này sau đó qua cơn nguy kịch và được chuyển sang chuyên khoa điều trị. Đáng tiếc là cháu bé có thể trạng có vẻ tốt hơn kia lại không qua khỏi.

Làm bác sĩ, đặc biệt ở khoa cấp cứu, lúc nào cũng là ở tuyến đầu. Gặp những ca bệnh hiểm, nếu người nhà bệnh nhân thực sự bình tĩnh, chia sẻ và cư xử có văn hóa thì bác sĩ mới có thể tập trung vào chuyên môn một cách cao nhất. Nếu hơi một tí mà người nhà bệnh nhân đã “sửng cồ” lên thì sẽ chẳng bác sĩ nào toàn tâm, toàn ý vào công việc được.

Bệnh viện ở Việt Nam luôn trong tình trạng quá tải. Cũng có nghĩa là bác sĩ luôn trong tình trạng “căng như dây đàn” để cứu chữa bệnh nhân. Giờ đây, với những gì đã xảy ra họ phải cân nhắc giữa việc cứu người bằng hết tâm lực và sự an nguy tính mạng của mình. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám và chữa bệnh.

Ngoài ra, bệnh viện là nơi đến đón tiếp tất cả người dân đến để khám chữa bệnh chứ không phải là một công sở chỉ đón tiếp những đối tượng nhất định. Chẳng có gì giữ cho môi trường bệnh viện được yên tĩnh bằng chính ý thức người dân. Không thể đem những mâu thuẫn ngoài xã hội vào bệnh viện để giải quyết. Vì ở đây, còn biết bao bệnh nhân khác cần được tĩnh dưỡng nghỉ ngơi, điều trị.

Theo nhiều bác sĩ có thâm niên, kinh nghiệm trong nghề, để cải thiện chất lượng điều trị và ngăn chặn sai sót y khoa thì cần có giải pháp loại bỏ “văn hoá buộc tội” ra khỏi các cơ sở y tế; xây dựng một môi trường tin tưởng, hỗ trợ lẫn nhau giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và bác sĩ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Côn đồ hung hãn đánh bác sĩ ngay trong bệnh viện
Côn đồ hung hãn đánh bác sĩ ngay trong bệnh viện

4 thanh niên bất ngờ lao tới chửi bới, đấm đá, vác ghế và ấm đun nước đập bác sĩ đến khi vị bác sĩ này gục xuống thì cả nhóm mới bỏ đi.  

Côn đồ hung hãn đánh bác sĩ ngay trong bệnh viện

Côn đồ hung hãn đánh bác sĩ ngay trong bệnh viện

4 thanh niên bất ngờ lao tới chửi bới, đấm đá, vác ghế và ấm đun nước đập bác sĩ đến khi vị bác sĩ này gục xuống thì cả nhóm mới bỏ đi.  

Khởi tố vụ đập phá bệnh viện, đánh bác sĩ ở Hà Tĩnh
Khởi tố vụ đập phá bệnh viện, đánh bác sĩ ở Hà Tĩnh

Vụ việc bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, cơ quan điều tra vừa có quyết định đem vụ án ra khởi tố.

Khởi tố vụ đập phá bệnh viện, đánh bác sĩ ở Hà Tĩnh

Khởi tố vụ đập phá bệnh viện, đánh bác sĩ ở Hà Tĩnh

Vụ việc bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, cơ quan điều tra vừa có quyết định đem vụ án ra khởi tố.