GS Trần Văn Khê đã kết thúc chuyến du ngoạn trong âm nhạc dân tộc Việt

VOV.VN - Sáng 24/6, GS Trần Văn Khê đã trút hơi thở cuối cùng, để lại nhiều nuối tiếc cho những người yêu mến âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê là một trong những nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam. Ông là người Việt Nam đầu tiên đạt Tiến sĩ ngành Âm nhạc học tại Pháp và từng là giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp). Trong suốt 94 năm cuộc đời, GS Trần Văn Khê luôn chú trọng đến việc nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc dân tộc Việt Nam cũng như góp công quảng bá âm nhạc, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Đến với âm nhạc nhờ “duyên trời”

Sinh ngày 24/7/2921 tại làng Đông Hòa, tổng Thuận Bình, tỉnh Mỹ Tho (nay là huyện Châu Thành, Tiền Giang), GS Trần Văn Khê có may mắn khi được đắm mình trong âm nhạc cổ truyền từ khi còn trong bụng mẹ. Gia đình bốn đời làm âm nhạc đã giúp GS Trần Văn Khê hình thành lên lòng yêu âm nhạc truyền thống.

Giáo sư Trần Văn Khê (Ảnh: GĐ&XH)

GS Trần Văn Khê từng tâm sự rằng: “Nhờ trời tôi được sinh ra trong một gia đình, hai bên nội ngoại đến tôi - bốn đời đều là nhạc sĩ. Lúc tôi còn ở trong bụng mẹ đã được cậu Năm tôi thổi sáo cho nghe mỗi ngày. Vừa mở mắt chào đời đã được nghe tiếng sáo của cậu Năm tôi. Từ nhỏ đến lớn, khi biết nói là biết ca. Từ 6 tuổi đã biết đàn cò (đàn nhị), đàn kìm (đàn nguyệt), 12 tuổi đàn tranh, 7 tuổi đã theo gánh hát cải lương của cô Ba tôi là bà Trần Ngọc Viện lập ra. Do đó, việc tôi gắn bó với âm nhạc truyền thống đúng là nhờ “duyên trời” vậy”.

Cuộc sống của Trần Văn Khê cứ trôi qua chỉ bằng lời ca tiếng nhạc. Thế rồi, biến cố xảy đến với gia đình ông. Mẹ mất khi ông mới 9 tuổi, một năm sau, cha ông vì thương nhớ vợ nên cũng qua đời. Mồ côi từ khi rất sớm, ông cùng với hai người em phải sống nương nhờ cô Ba. Cứ nghĩ, mối duyên với âm nhạc của ông sẽ mất từ đây, nhưng được sự thương yêu của cô Ba, ông cùng với hai em đều được cô cho học võ, học đàn kìm bên cạnh việc học văn hóa.

Trong suốt thời gian còn đi học tại trường, Trần Văn Khê thể hiện là một học sinh giỏi, ưu tú và được cấp học bổng. Năm 1934, ông là 1 trong hai người duy nhất đậu bằng chữ Hán. Năm 1938, ông được thưởng chuyến du lịch từ Sài Gòn đến Hà Nội vì học giỏi. Nhờ đậu tú tài phần nhất năm 1940, thủ khoa phần nhì năm 1941, ông được thưởng chuyến đi đến Campuchia.

Thời gian này, ông cùng Lưu Hữu Phước, Võ Văn Quan lập dàn nhạc của trường, và dàn nhạc của học sinh trong câu lạc bộ học sinh mang tên là Scola Club của hội SAMIPIC. Ông là người chỉ huy hai dàn nhạc đó.

Năm 1942, Trần Văn Khê ra Hà Nội học Y khoa. Tại đây, cùng với Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ… hoạt động trong khuôn khổ của Tổng hội Sinh viên. Do thể hiện một trình độ cảm nhạc xuất sắc, ông được cử làm nhạc trưởng của dàn nhạc trường, nhân giới thiệu những bài hát của Lưu Hữu Phước.

Sau đó một năm, Trần Văn Khê cưới vợ. Vì một số biến cố, ông xin thôi học để trở về miền Nam. Từng rẽ sang ngành khác nhưng cuối cùng, Trần Văn Khê cũng không thể vứt bỏ âm nhạc. Đến năm 1949, Trần Văn Khê có cơ duyên sang Pháp du học. Đến tháng 6/1958, ông đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne.

Từ năm 1963, ông dạy trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương. Ông là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế khác.

(Ảnh: Thanh niên)

Chuyến du ngoạn bằng âm nhạc

Trong suốt cuộc đời mình, giáo sư Trần Văn Khê luôn đau đáu, làm sao để âm nhạc truyền thống Việt Nam không chỉ được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến mà còn dành được sự yêu mến của chính những người Việt Nam.

Chính vì vậy, GS đã bỏ rất nhiều công sức và việc nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam cũng như dạy học, tham gia hàng trăm hội thảo khoa học, diễn thuyết, nói chuyện về âm nhạc khắp nơi. Đặc biệt, trong thời gian ở Pháp, ông luôn dành được sự kính trọng từ các bạn đồng nghiệp bởi sự thấu hiểu âm nhạc Việt Nam một cách sâu sắc. Giáo sư cũng luôn tận dụng mọi dịp để về nước tiếp xúc và làm việc với giới chuyên môn trong nước, tiếp tục công việc sưu tầm các thể loại âm nhạc.

Sau 56 năm ở Pháp, năm 2006, GS Trần Văn Khê về định cư tại TP HCM. Dù đã ở độ tuổi 85 nhưng ông vẫn không hề nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Ông cùng các cộng sự xây dựng Thư viện Trần Văn Khê dành cho những ai muốn tìm tòi về nhạc cổ truyền. Cũng tại đây, hàng trăm buổi nói chuyện chuyên đề, biểu diễn nghệ thuật được ông chủ trì, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả thành phố suốt gần mười năm qua.

Năm 2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên trở thành di sản văn hóa thế giới. Giáo sư Tô Ngọc Thanh khẳng định đó là một phần công sức lớn của Trần Văn Khê. Giáo sư Khê còn là cố vấn đặc biệt cho Ủy ban thành lập hồ sơ về Đờn ca tài tử Nam Bộ để gửi UNESCO. Năm 2013, Đờn ca tài tử được tổ chức này công nhận Di sản văn hóa phi vật thể.

Nếu phải kể về chặng đường hoạt động âm nhạc của mình, GS Trần Văn Khê chỉ gói gọn trong cụm từ “Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam”. Đây cũng là nhan đề cuốn sách do chính ông viết. Ông không đặt nặng những vấn đề học thuật, lý thuyết mà chỉ muốn làm một hướng dẫn viên, giúp cho không chỉ người Việt mà cả những người nước ngoài đều có thể ngao du trong vườn nhạc của dân tộc Việt.

GS Trần Văn Khê từng chia sẻ: “Cuộc du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam sẽ theo con đường đời của một con người trong xã hội Việt Nam từ lúc sơ sinh đến lúc trở về cõi vĩnh hằng. Mỗi một thể loại nhạc đều có vẻ đẹp độc đáo, nét đặc thù và sự  hấp dẫn rất riêng… Chỉ cần thử tìm hiểu, sẽ thấy yêu quý thêm những gì cha ông chúng ta truyền lại từ đời này sang đời khác bằng tâm ý. Âm nhạc chính là một trong những di sản rất lớn của chúng ta, và qua âm nhạc, người Việt có thể thêm được cho mình lòng tự hào dân tộc”.

Và ngày 24/6/2015, chặng đường du ngoạn âm nhạc của GS Trần Văn Khê đã kết thúc. Theo di nguyện của ông, tất cả những hiện vật liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của ông từ Pháp mang về Việt Nam như: sách vở, báo chí, đĩa hát các loại, phim ảnh, nhạc khí, máy ghi hình, máy ghi âm, tranh, hình ảnh... được giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm Trần Văn Khê với hy vọng chúng dược dùng vào việc bảo tồn và phổ biến văn hóa truyền thống Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giáo sư Trần Văn Khê nhập viện
Giáo sư Trần Văn Khê nhập viện

Giáo sư Trần Văn Khê đã vào Bệnh viện nhân dân Gia Định từ 2 tuần qua.

Giáo sư Trần Văn Khê nhập viện

Giáo sư Trần Văn Khê nhập viện

Giáo sư Trần Văn Khê đã vào Bệnh viện nhân dân Gia Định từ 2 tuần qua.

Giáo sư Trần Văn Khê qua đời
Giáo sư Trần Văn Khê qua đời

Rạng sáng 24/6, người nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu của làng nhạc dân tộc Việt Nam - GS Trần Văn Khê qua đời tuổi ở 94 sau gần một tháng chữa trị.

Giáo sư Trần Văn Khê qua đời

Giáo sư Trần Văn Khê qua đời

Rạng sáng 24/6, người nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu của làng nhạc dân tộc Việt Nam - GS Trần Văn Khê qua đời tuổi ở 94 sau gần một tháng chữa trị.

Giáo sư Trần Văn Khê đã bệnh rất nặng trước khi nhập viện
Giáo sư Trần Văn Khê đã bệnh rất nặng trước khi nhập viện

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Hải - con trai của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê chia sẻ về bệnh tình hiện tại của cha ông.

Giáo sư Trần Văn Khê đã bệnh rất nặng trước khi nhập viện

Giáo sư Trần Văn Khê đã bệnh rất nặng trước khi nhập viện

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Hải - con trai của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê chia sẻ về bệnh tình hiện tại của cha ông.

Giáo sư Trần Văn Khê nói chuyện với học sinh
Giáo sư Trần Văn Khê nói chuyện với học sinh

Cuộc nói chuyện với mục đích đem đến cho các em học sinh những giá trị đúng trong văn hóa ứng xử, hạn chế những suy nghĩ lệch lạc, chệch hướng.  

Giáo sư Trần Văn Khê nói chuyện với học sinh

Giáo sư Trần Văn Khê nói chuyện với học sinh

Cuộc nói chuyện với mục đích đem đến cho các em học sinh những giá trị đúng trong văn hóa ứng xử, hạn chế những suy nghĩ lệch lạc, chệch hướng.