Hôm nay Hà Nội có chỉ số ô nhiễm thứ nhì thế giới: Chuyên gia y tế cảnh báo
VOV.VN - Không khí ô nhiễm dày đặc khiến bụi bẩn, những chất độc tính đi sâu xuyên qua màng lọc của phổi, hòa với máu gây ra các bệnh nguy hiểm.
Sáng 5/10, cơ quan môi trường Mỹ ghi nhận, tại Hà Nội có nơi chỉ số ô nhiễm cao thứ nhì thế giới. Số liệu này được ghi nhận bởi một hệ thống máy theo dõi đặt tại tòa Đại sứ quán Mỹ ở số 7 Láng Hạ (Ba Đình, Hà Nội). Số liệu sau đó được tổng hợp và công bố bởi Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ.
Trong bảng xếp hạng chỉ số ô nhiễm không khí, ở mức ô nhiễm ở Hà Nội có nơi đo được là 245. Với chỉ số này, Hà Nội đang là thành phố ô nhiễm thứ nhì thế giới. Chỉ số ô nhiễm của Hà Nội chỉ thấp hơn thành phố Ardhali Bazar của Ấn Độ (471) và cao hơn rất nhiều so với những thành phố còn lại có số liệu được thống kê.
Danh sách những thành phố ô nhiễm nhất được đo sáng nay. |
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho hay: Với chỉ số ô nhiễm không khí cao như vậy, sức khỏe của người sẽ bị ảnh hưởng toàn diện.
PGS Dinh khẳng định, không khí bị ô nhiễm, mắt sẽ là bộ phận “chịu trận” đầu tiên bởi đây là nơi tiếp xúc trực tiếp đầu tiên với bụi bặm. “Tình trạng viêm giác mạc, đau mắt, giảm thị lực sẽ xảy ra”, PGS Dinh nói.
Tiếp theo sẽ là mũi, bởi đây là cửa ngõ của đường hô hấp. Bụi bẩn, chất độc đi vào qua mũi sẽ tác động đến tai, vòm họng, đường hô hấp và đặc biệt là phổi. “Khi đó sẽ sinh ra các bệnh nhẹ thì sổ mũi, nặng hơn thì viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang và nặng nhất là hen suyễn”.
“Những năm trở lại đây số người dân sống ở các thành phố lớn mắc các bệnh về đường hô hấp ngày càng gia tăng, nguyên nhân chủ yếu do ô nhiễm không khí”, PGS Dinh cho biết.
“Khi đó sẽ sinh ra các bệnh nhẹ thì sổ mũi, nặng hơn thì viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang và nặng nhất là hen suyễn”. |
Không khí ô nhiễm dày đặc khiến bụi bẩn, những chất độc tính đi sâu xuyên qua màng lọc của phổi, hòa với máu và ngấm vào các thành mạch gây nên tình trạng xơ vữa. Từ đó gây ra các bệnh nguy hiểm khác như đột quỵ, suy tim, cao huyết áp…
“Sống trong môi trường không khí ô nhiễm như vậy, thần kinh cũng bị ảnh hưởng bởi các tác động liên quan của các cơ quan trong cơ thể. Con người lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng, stress, học tập và làm việc không thể hiệu quả được”, bà Dinh phân tích.
Ô nhiễm không khí cao như hiện nay là tác nhân trực tiếp gây các bệnh về da liễu như mụn, dị ứng, viêm gan. Vi khuẩn, virus, nấm mốc… cũng có trong thành phần không khí ô nhiễm nên tiếp xúc dài lâu cũng có thể mắc bệnh.
Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí còn gây ra các bệnh tiêu hóa như tiêu chảy, đau bao tử… do nguồn thức ăn, môi trường sống không được bảo đảm.
PGS Dinh cho rằng, người dân phải có các biện pháp tự bảo vệ mình trước những tác động xấu từ không khí: “Cần nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường; còn các cơ quan chức năng phải ngăn ngừa các vấn đề tác động xấu đến bầu không khí từ gốc”.
Trước những diễn biến xấu về tình trạng ô nhiễm môi trường ở Thủ đô như hiện nay, PGS Dinh cũng khuyên người dân cần có các nguyên tắc sống: Đeo khẩu trang, kính chắn mũi mỗi khi ra đường. Rửa mũi bằng các rửa mắt bằng nước muối sinh lý khi ra ngoài và hạn chế ra đường vào mỗi giờ cao điểm./.