Bút ký “Không phải cuối cùng”

VOV.VN -Đến nay, hai tổ máy của thuỷ điện Lai Châu đã phát điện. Điều đó có nghĩa là cái điều rất khó ấy, đã được vượt qua.

Vào tháng 11 tới, tổ máy số 3 Nhà máy thuỷ điện (NMTĐ) Lai Châu sẽ phát điện. Đây là tổ máy cuối cùng của nhà máy. Và NMTĐ Lai Châu cũng là NMTĐ cuối cùng trên bậc thang sông Đà, sau Hoà Bình- Sơn La. “Cuối cùng” của “cuối cùng”. Nhưng không phải mọi việc chấm dứt ở đây. Bút ký “Không phải “cuối cùng”” của Trương Cộng Hoà nói về việc này…      

Trong gian máy NMTĐ Lai Châu.

9h15p ngày 6/9/2016. Trong gian máy NMTĐ Lai Châu một hồi còi rú lên, ngắn gọn. Đáp lại, từ trên hai cầu trục, một hồi còi khác, vang động… Có tiếng lạo xạo của những sợi cáp chuyển động từng mi li mét một. Quả Rô-to nặng 1000 tấn cũng nhích lên từng mi li mét… Chỉ huy việc lắp đặt quả rô-to tổ máy số 3, tổ máy cuối cùng của NMTĐ Lai Châu là kỹ sư Nguyễn Đình Tinh, Giám đốc Ban điều hành LILAMA dự án thuỷ điện Lai Châu. Tinh người thấp nhỏ, cứ thoăn thoắt chạy đi chạy lại, khi thì chui vào dưới đáy quả rô-to vừa được nhấc lên khoảng 1 mét, đang được neo lại để kiểm tra, làm vệ sinh công nghiệp, khi thì trao đổi với đồng nghiệp đang cặm cụi bên chiếc máy đo…

Tôi biết Tinh từ hồi anh mới lên Lai Châu mấy năm trước, thay Chỉ huy trưởng công trường lắp máy Nguyễn Thế Trinh. Tinh vừa hoàn thành việc lắp máy ở NMTĐ Huội Quảng, được điều quay trở lại công trường. Dáng lam lũ còn hơn công nhân… Nghĩ cũng vui: một anh chàng bé loắt choắt, chỉ huy hai chiếc cầu trục mỗi chiếc sức nâng hơn ngàn tấn, nâng một cỗ sắt thép khổng lồ có đường kính 15,587m, chiều cao 2,816m. Vậy mà đâu vào đấy…

Được nhấc lên tới độ cao xấp xỉ 3 mét, quả rô-to bắt đầu đi theo chiều ngang, từ bãi lắp ráp cho tới vị trí của tổ máy số 3… Có vài chục mét thôi, bên dưới là 2 tổ máy đang vận hành. Nhìn quả rô-to với những vành răng cưa lởm chởm như một khúc uốn của con rồng, lừ lừ trôi, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, cái đầu hói nhọn lấm tấm mồ hôi, nói với tôi: “Nói dại, nó mà rơi thì…”. Tôi lườm ông rất nhanh, quả quyết: “Rơi thế nào được. Đây là quả rô-to ngàn tấn thứ 9 rồi”. Lại nhớ câu nói chắc nịch của Giám đốc Lắp máy 10 Hoà Bình Đặng Văn Vỵ: “Tổ máy số 1 Thuỷ điện Hoà Bình, bấm nút là khởi động. Bấm nút là phát điện”. Mà quả đúng như vậy. 8 tổ máy Hoà Bình, 6 tổ máy Sơn La, 3 tổ máy Lai Châu, đều do Lắp máy 10 đảm nhiệm. Lớp đi trước truyền kinh nghiệm cho lớp sau. Và truyền cả lửa nữa chứ. Anh hùng lao động Nguyễn Thế Trinh, nguyên Chỉ huy trưởng công trường lắp máy Sơn La, khẳng định với tôi như vậy. Hôm nay ông cũng có mặt, nhưng ở vòng ngoài, điềm tĩnh nhìn anh em thao tác.

10h45ph, quả rô- to đã treo trên vị trí tổ máy số 3. Mấy chục công nhân, trong tay mỗi người là một thanh gỗ mỏng mảnh, cử động liên tục theo chiều thẳng đứng, đưa quả rô-to vào đúng vị trí… Bên dưới là 16 cái chốt hãm đang chờ đợi. Một hồi còi từ kỹ sư Tinh rúc lên lanh lảnh… Một hồi còi trầm đục đáp lại…”Khực”. Quả rô-to đã nằm yên. Tiếng vỗ tay vang dậy. Tôi nhìn Nguyễn Văn Thọ: “Anh thấy thế nào?”. Lần đầu tiên chứng kiến việc lắp đặt một khối máy siêu trường siêu trọng, đòi hỏi độ chính xác tới từng mi li mét, Thọ giơ hai tay lên trời: “Tuyệt”.

Nguyên Giám đốc đầu tiên của NMTĐ Hoà Bình Bùi Thức Khiết, nguyên Giám đốc đầu tiên Ban quản lý dự án thuỷ điện Sơn La Vũ Đức Thin, Giám đốc Ban quản lý dự án thuỷ điện Sơn La - Lai Châu Phạm Hồng Phương, Giám đốc Công ty thuỷ điện Sơn La Hoàng Trọng Nam… tặng hoa cho kíp thợ lắp máy vừa hoàn thành xuất sắc công việc.   Các phóng viên báo chí xúm vào phỏng vấn Phạm Hồng Phương về thời gian phát điện tổ máy số 3, việc NMTĐ Lai Châu hoàn thành trước thời hạn một năm, làm lợi bao nhiêu tiền cho đất nước… Không khí hân hoan tràn ngập gian máy.

Khi thuỷ điện Sơn La bắt đầu xây dựng, tôi chưa biết Phạm Hồng Phương. Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, khoa Điện ngành Hệ thống, năm 2001 Phương được điều về Ban quản lý dự án thuỷ điện Sơn La, bắt đầu những tháng năm lăn lộn với công trường. Sau này biết nhau, được Phương tâm sự mới biết chàng trai quê đất Hải Dương này có một bệ phóng khá vững chắc: ông cụ thân sinh cũng làm trong ngành điện, và cô vợ cũng là người của Ban quản lý… Nhưng chuyện vợ con là chuyện về sau. Chứ tuổi trẻ, mới ra trường, được điều ngay lên một công trường xa thế, vất vả thế, làm sao không phải đấu tranh với chính mình để vượt qua?

Ngày ấy, đoạn đường Sơn La - Mường La chưa được nâng cấp, mỗi ngày chỉ có một chuyến xe khách vào – ra... Giám đốc Vũ Đức Thìn và anh em còn ở chen chúc trong mấy gian nhà cấp 4 thuê ở bến phà Tạ Bú, nghe tiếng máy phà chạy xình xịch mà nhớ quê nhà. Phương kể: Khi mới lên công trường, được giao việc thẩm định, thẩm tra, kiểm tra hồ sơ thiết kế hệ thống điện của công trường. Tôi để ý thấy Phương rành rọt nói từng công đoạn của công việc, không vì người nghe là người ngoài ngành mà cắt bớt cho đỡ dài: thẩm định - thẩm tra - kiểm tra…T uần tự, không thể đốt cháy giai đoạn được. Đó là tác phong buộc phải có của những kỹ sư làm trong một dự án thuỷ điện lớn như Sơn La. Phương dần dần định hình cho mình được một phong cách làm việc: tỉ mỉ, thận trọng.

“Cái không được học ở trong trường thì nhiều lắm”, Phương khẳng định. “Mình phải học trong thực tế thôi”. Chàng kỹ sư trẻ này có thời gian được giao việc giải phóng mặt bằng cho hơn 80 km đường dây tải điện. Qua đất nhà dân rất nhiều. Phải gặp gỡ, bàn bạc, thuyết phục làm sao để dân hiểu, dân tin và đồng ý cho thi công, trong khi biên bản giữa hai bên chưa được ký kết. Bài học đầu tiên với Phương là bài học “gần dân”.

Tôi có dịp quen biết, làm việc với hai ông xếp tiền nhiệm của Phương: Vũ Đức Thìn và Nguyễn Hồng Hà. Thìn và Hà đều là người trầm tính, nhưng làm việc và xử lý công việc thì kiên quyết, mạnh bạo. Đặc biệt là mối quan hệ hài hoà, đồng thuận giữa chủ đầu tư và các đơn vị thi công (bên B). Vũ Đức Thìn luôn tâm niệm: mình chỉ là người được nhà nước giao quản lý tiền. A và B trên công trường đều vì một mục đích lớn: trị thuỷ sông Đà và từ dòng vàng trắng này, làm ra điện cho Tổ quốc. Cho nên cả hai bên chung lưng đấu cật mà làm, cùng nhau tháo gỡ khó khăn để công trình hoàn thành đúng tiến độ. Cả hai ông đều được công trường đề nghị Đảng và Nhà nước  tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lao động”. Kể như vậy là để nhấn mạnh rằng Phạm Hồng Phương đã học tập được rất nhiều gương tốt của người đi trước.

Những công trường xây dựng NMTĐ lớn như Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu có hàng chục đơn vị phối thuộc, hàng nghìn phần việc phải hoàn thành. Ban quản lý phải điều phối, sắp xếp sao cho các nhà thầu cùng làm việc có hiệu quả. Phần việc nào hoàn thành trước, buộc phải hoàn thành trước, phần việc nào hoàn thành sau… Tổng sơ đồ tiến độ lập rồi, nhưng chỉ huy, điều hành như thế nào, không hề đơn giản. Mười lăm năm làm việc trong Ban quản lý dự án thuỷ điện, khi được hỏi bí quyết thành công, Phạm Hồng Phương chi nói ngắn gọn với tôi như thế này: Nghĩ ra - dám làm - tạo đồng thuận và kiểm tra-giám sát chu đáo. Tôi hiểu đó không chỉ là bí quyết thành công của một người.Mà là của cả một tập thể.

Trong một dịp cùng nhau “ôn nghèo gợi khổ”, tôi hỏi Phạm Hồng Phương: nhiều người nghĩ NMTĐ Sơn La to như thế, đã xong. Thuỷ điện Lai Châu có 3 tổ máy, công suất chỉ bằng một nửa, thiết bị như nhau, chắc dễ làm hơn? Phương nhìn tôi thông cảm, giải thích cặn kẽ: “theo cảm tính thì như vậy, anh ạ. Nhưng thực tế thì khối lượng đất đá đào dắp của Lai Châu xấp xỉ Sơn La. Và điều khó hơn, rất khó, là toàn bộ công trình thuỷ điện Lai Châu nằm trong vùng ngập nước của lòng hồ Sơn La. Khi thiết kế nhà máy, người ta đã tính đến phương án đắp hai đê quây thượng lưu và hạ lưu công trường, các công trình kênh và cống dẫn dòng, đập thuỷ điẹn, đập tràn xả lũ, nhà máy nằm trong hai cái đê quây đó. Cường độ lao động rất cao. Nhiều phần việc phải xong trước khi mực nước lòng hồ Sơn La đạt cao độ thiết kế.”

Đến nay, hai tổ máy của thuỷ điện Lai Châu đã phát điện. Điều đó có nghĩa là cái điều rất khó ấy, đã được vượt qua.

Sáng 6/9, khi quả rô-to cuối cùng của NMTĐ Lai Châu đã nằm yên trong sta-to của tổ máy số 3, chúng tôi ra ngoài gian máy, lặng yên nhìn dòng nước từ đập tràn xả lũ tung bọt trắng xoá. Nước cao, nhà máy xả bớt. Con đập sừng sững nằm chắn ngang dòng sông Đà, trên cao mây trời xanh ngắt. Đã qua rồi, những ngày đêm đào hố móng, bạt vách núi mở rộng lòng sông. Đã qua rồi những ngày đêm đổ bê tông đầm lăn đập thuỷ điện. Đã qua rồi những ngày lắp máy gian khổ, đi trên công trường sơ ý chạm tay vào sắt thép công trình, nóng giẫy… Gợi lại chuyện xưa, tôi nhắc Phương: “Giai đoạn đầu, sao công trường vất vả thế? Bên B nhao nhác vì không có tiền? Từ Hà Nội, mỗi lần tôi điện lên hỏi, anh em đều kêu”. Phương cười rất tươi, nhắc lại: “Anh vừa nói cái điều rất khó ấy,công trường đã vượt qua…

Những năm 2010-2011, đất nước ta gặp nhiều khó khăn…Công trường cũng vậy. Tháng 1/2011 khởi công. Yêu cầu đặt ra là tháng 4/2012 phải thi công xong toàn bộ hệ thống dẫn dòng, theo kịp tiến độ ngập nước của lòng hồ Sơn La. Tiền không có. Giám đốc Ban quản lý dự án phải ký xác nhận giấy nợ từng xe xi măng, từng xe chở dầu cho các B, để người bán chắc chắn rằng mình sẽ được thanh toán. Đến tháng 7/2011, mới vay được nguồn vốn 6000 tỉ đồng. Thời gian chỉ còn lại 6 tháng. Cả A và B căng sức lên mà làm. Và điều khó khăn nhất đã được vượt qua.

Trò chuyện với Phương dịp này, tôi lại nhớ hồi tháng 3 năm nay, lên công trường, Phương hồ hởi thông báo một tin vui: toàn bộ thiết bị của tổ máy số 2 và 3 đã về đến công trường. Như vậy là việc phát điện hai tổ máy trong năm nay đảm bảo đúng tiến độ. Phương đã công bố một sơ đồ tối thiểu của công việc. Điều còn lại là sự dốc sức đồng lòng của cả mọi người, Ngắn gọn vậy thôi, nhưng ai cũng hiểu. Cũng trong dịp ấy, tôi nhận thấy ở Phương phảng phất phong cách Thái Phụng Nê, người đã tham gia xây dựng và chỉ đạo xây dựng hầu hết các nhà máy thuỷ điện lớn của đất nước. Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê  là người đã truyền biết bao cảm hứng cho đội ngũ xây dựng thuỷ điện của đất nước. Trò chuyện với Phương, tôi thấy anh có khả năng truyền cảm hứng  công việc cho người đối thoại. Trước hết từ sự tận tâm đối với công việc, để người đối thoại hiểu mình, tin mình.  Sau nữa, từ những lập luận rành rọt, khoa học và chính xác.

Cũng là một sự tình cờ: NMTĐ Lai Châu sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, 2016, sớm hơn một năm so với tiến độ đề ra. Năm nay, cũng là tròn 20 năm thành lập Ban quản lý dự án thuỷ điện Sơn La – Lai Châu. Hai mươi năm, hai công trình lớn. Nhiều thế hệ cán bộ của Ban quản lý đã nghỉ hưu. Nhưng cũng có rất nhiều kỹ sư trẻ, nhiệt huyết với công việc, đang trưởng thành, đang ở độ chín. Kết thúc sự nghiệp ở tuổi 20 đang tràn đầy sức trẻ và kinh nghiệm đầy mình như vậy, có phải là đáng tiếc lắm không?

Nhà báo thì không thể “cầm đèn chạy trước ô tô”. Nhưng tôi được biết Tập đoàn điện lực Việt Nam đang lên phương án mở rộng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà, và nhà máy thuỷ điện I-a Ly trên sông Sê-san ở Gia Lai-Kon Tum. Mà thành phần nòng cốt của Ban quản lý dự án, chính là những cán bộ - kỹ sư vừa hoàn thành xây dựng hai nhà máy thuỷ điện Sơn La và Lai Châu.

Vì thế, tôi chọn câu “Không phải cuối cùng” làm nhan đề cho bài bút ký của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tổ máy số 1 công trình thuỷ điện Lai Châu sẵn sàng khởi động
Tổ máy số 1 công trình thuỷ điện Lai Châu sẵn sàng khởi động

VOV.VN - Công trình thuỷ điện Lai Châu trên sông Đà vừa tiến hành ngập nước hạ lưu và ngập nước thượng lưu tổ máy số 1, sẵn sàng khởi động.

Tổ máy số 1 công trình thuỷ điện Lai Châu sẵn sàng khởi động

Tổ máy số 1 công trình thuỷ điện Lai Châu sẵn sàng khởi động

VOV.VN - Công trình thuỷ điện Lai Châu trên sông Đà vừa tiến hành ngập nước hạ lưu và ngập nước thượng lưu tổ máy số 1, sẵn sàng khởi động.

Thắp sáng niềm tin trên dòng sông Đà
Thắp sáng niềm tin trên dòng sông Đà

VOV.VN -Trong gian máy NMTĐ Lai Châu, trên xà ngang của một chiếc cầu trục có hàng chữ lớn "Thắp sáng niềm tin”.

Thắp sáng niềm tin trên dòng sông Đà

Thắp sáng niềm tin trên dòng sông Đà

VOV.VN -Trong gian máy NMTĐ Lai Châu, trên xà ngang của một chiếc cầu trục có hàng chữ lớn "Thắp sáng niềm tin”.

Vàng trắng sông Đà
Vàng trắng sông Đà

VOV.VN - Sự nghiệp trị thuỷ sông Đà kết thúc. Dòng sông đen đã làm ra vàng trắng. Nhưng điều đáng quý hơn là dòng chảy cuồn cuộn những con người anh hùng.

Vàng trắng sông Đà

Vàng trắng sông Đà

VOV.VN - Sự nghiệp trị thuỷ sông Đà kết thúc. Dòng sông đen đã làm ra vàng trắng. Nhưng điều đáng quý hơn là dòng chảy cuồn cuộn những con người anh hùng.