Chốt gió

Truyện ngắn của Trần Mạnh Hà

Chiếc lưỡi gió thè ra trượt dài theo từng hẻm đá sâu hun hút rồi phả thốc lên đồi. Gió rú rít, gầm gè, xoáy cuộn tưởng có thể hất tung cái chòi gác nhỏ bé, chơ vơ... Bỗng bất thần hiện ra một bàn tay khổng lồ vô hình chặn giữ, chiếc lưỡi gió rụt dần, co lại, tan loãng ra... Chỉ còn tiếng vi vu nhè nhẹ…

Thế mà đã ba năm. Ba năm kể từ ngày tôi vác ba lô ngược dốc. Con đường mòn vắt vẻo như sợi dây thừng. Tiếng gió thổi âm âm. Ba năm. Một khoảng thời gian không dài nhưng ăm ắp kỷ niệm. Nó tựa cuộn phim câm chập chờn trong ký ức...

*

*     *

Buổi chiều tôi đưa anh Hải xuống núi. Bây giờ trời đang chớm đông. Những vạt rừng co ro trong cái lạnh leo heo. Anh Hải chậm rãi bước, bờ vai trĩu xuống. Tôi lóng ngóng đi bên cạnh. Chiếc ba lô bạc phếch nhàu nhĩ bám đầy bụi. Con Jôn lúp cúp chạy theo, đôi mắt chớp buồn. Nó đã bao lần phải chứng kiến cảnh ra đi của những người thân. Hai bên đường, đôi vạt sim mua ngả màu tím tái. Lơ thơ những chiếc lá bạc phơ, se quắt. Dưới khe sâu, vọng lên thứ âm thanh trầm trầm của nước. Sau những trận mưa dầm, nước từ muôn con lạch nhỏ trào tuôn không ngớt. Phía xa xa, đối diện hút tầm mắt là những vạt rừng dẻ xanh lịm. Thấp thoáng ẩn chìm đâu đó vài nóc nhà tí xíu tựa hồ như thứ đồ chơi trẻ con.

Xuống hết con dốc thứ nhất, anh Hải vẫy tôi dừng lại nghỉ. Chúng tôi ngồi bệt xuống vạt cỏ may bông đâm tua tủa. Con Jôn rúc vào giữa hai người, giương đôi mắt đen láy chờ đợi. Anh Hải xoa đầu nó, khẽ khàng: “Jôn ở lại ngoan, ít lâu nữa tao trở lại. Đừng buồn, còn có mọi người mà…”. Rồi ngoảnh sang tôi, anh cười, nụ cười hơi gượng gạo: “Thôi em ở lại, hãy cố gắng lên. Cuộc đời không phụ mình đâu. Anh tin em sẽ làm tốt công việc…”. Tôi cúi đầu: “Dạ, anh đừng lo, em sẽ cố gắng. Chỉ mong anh…”. Tôi bỏ lửng câu nói, lòng dâng lên một nỗi nghẹn ứ. Im lặng. Thời gian ngưng lại trong buổi chiều vàng vọt. Tôi chợt thấy hồn mình hoang mang, trống trải…

Sau ba tháng huấn luyện thao trường Sơn Tây, vào một buổi sáng, tôi cùng ba mươi hai chiến sĩ hăm hở leo lên chiếc xe ca quân sự lên đường nhận nhiệm vụ mới. Nơi đến thì chưa rõ chỉ thấy kháo nhau là vào một đơn vị miền Trung. Tôi cũng dân miền Trung, nơi mấy thằng bạn tân binh đặt cho cái biệt danh là dân “cá gỗ”. Nhưng cũng chẳng lấy làm phiền hà vì điều ấy. Lính cứ tếu táo cho vui, chết ai đâu mà sợ, vả lại quê nào mà chẳng có những giai thoại. Xã tôi có năm thằng cùng nhập ngũ thì phân đi ba đơn vị. May mắn, tôi và Dũng, hai thằng cùng làng được về một nơi.

Quê tôi bên một dòng sông nhỏ. Mùa nắng, nước lững lờ xanh ngăn ngắt. Mùa mưa, nước cuộn lên đỏ quạch phù sa. Ở đó, trên cái rẻo đất nhô ra chỏn vỏn mấy nóc nhà. Trước đây, gia đình tôi nằm trong làng. Tôi lọt lòng và được quây bọc giữa vòng tay hai người phụ nữ. Bà nội và mẹ. Ông nội mất lúc cha tôi còn là một gã trai làng lệch nghệch.

Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ, quãng lên năm. Bóng dáng mẹ như một vệt mờ trong ký ức. Nó hiện hữu bằng bức ảnh trắng đen ngả màu trên bàn thờ. Hồi đó, cha tôi còn chiến trận bên đất Camphuchia. Vào cữ giữa thu, trời làm mưa dầm dề không ngớt. Nước sông dâng lên tràn bờ. Tôi bị sốt nặng. Mẹ tất tả đạp xe mấy chục cây số để bốc thuốc. Khi về, chắc trời lạnh, đường trơn, lại nhịn đói từ sáng sớm nên lúc chỉ còn cách làng một quãng ngắn thì bị trượt xuống sông. Dòng nước xiết lạnh đã cướp đi mạng sống của mẹ. Mãi tận xế chiều mọi người mới vớt được xác trôi xuống tận làng bên dưới…

Mấy năm sau thì cha tôi về. Một buổi sớm mùa đông ảm đạm. Dáng người gầy gò trong bộ quân phục bạc màu. Gương mặt xanh xao, đôi mắt sâu mệt mỏi. Cha tôi vẫn thường xuyên bị những cơn sốt rét hành hạ. Năm tôi mười ba tuổi thì bà mất sau một trận ốm thập tử nhất sinh. Căn nhà nhỏ cha làm nơi thờ tự hương khói. Cha vào xã xin được mảnh đất hoang ngoài bờ sông cất một căn lều nhỏ. Cha đưa tôi ra đấy, lâu lâu mới trở vào làng. Người vốn dĩ ít nói nay gần như câm lặng. Chiều chiều, cha lặng lẽ ra bờ sông ngồi, dáng khắc khổ cô đơn nhìn vệt nước buồn chảy. Có vẻ như bao nỗi khổ đau, cay đắng, người thầm gửi cho dòng sông trôi xuôi…

*

*     *

Ngày thứ năm sau khi đến đơn vị mới, tôi được điều về làm công vụ cho thủ trưởng Tài. Vác ba lô lên, trong lòng hồi hộp lắm. Mới tò te làm lính, cứ bảo gặp thủ trưởng là lại thấy sờ sợ. Cũng chỉ cảm giác vậy thôi chứ việc gì đâu mà sợ. Thủ trưởng Tài vóc người đậm, chắc như cây gỗ nghiến. Gương mặt thoạt nhìn rất nghiêm khắc. Cặp môi hơi nhợt mà sau này tôi biết là do có thời gian dài thủ trưởng công tác ở một đơn vị đóng quân vùng rừng thiêng nước độc nên bị nhiễm phải căn bệnh gì đó. Căn bệnh khá lạ, nó ngủ lim dim trong cơ thể, lâu lâu lại thức dậy hành hạ ông. Thủ trưởng hỏi tôi về gia cảnh, nghe xong ông trầm ngâm một chút rồi nhỏ nhẹ: “Cứ yên tâm công tác, còn gì khó khăn, khúc mắc thì đề đạt lên nghe chưa. Đừng làm gì để cha ở nhà buồn.”. 

Công việc của một anh lính công vụ nhàn nhạt, đơn điệu. Cũng chỉ loanh quanh, luẩn quẩn khu vực nhà các thủ trưởng. Thằng Dũng về đội bảo vệ. Thỉnh thoảng gặp, nó cười khì khì: “Răng rồi ông bạn, về với các thủ trưởng sướng chớ! Học được chi hay không? Số cậu là may mắn đó!”. Tôi gãi đầu, gãi tai: “Ờ…ờ..thì cũng rứa mà. Mà mi nhiều chuyện vui thì kể nghe coi. Tau thấy mi mặt hí hửng gớm!”. Dũng gặc gặc cái đầu tóc rễ tre lởm chởm: “Vui lắm! Hì.. hì..Bọn tau đi tuần đêm tuần ngày vất vả chớ, nhưng mà vui. Hôm nào rảnh, tau kể cho mi nghe…”. Tôi thấy nó nói mà lòng băn khoăn. Ai cũng bảo tôi được các thủ trưởng ưu ái. Thế nhưng tôi thì lại ước ao được như bọn nó. Nghe nói vác súng đi tuần cũng nhiều điều thú vị. Đơn vị trải rộng trên diện tích mấy chục cây số vuông, rải rác dọc theo những trảng đồi cao và vách đá dựng đứng. Các đại đội bảo vệ nằm xen kẽ ở từng khu vực. Cây rừng trùng điệp, bạt ngàn xanh. Hồi mới đến, tôi choáng ngợp trước vẻ hùng vĩ và thơ mộng của những cánh rừng. Tôi thường hay tưởng tượng tới những điều kỳ thú khi khám phá sự bí mật ở thiên nhiên. Tơ mơ sáng, cả đơn vị bỗng bừng tỉnh bởi tiếng hót của vô số loài chim rừng. Chúng sà xuống, thậm chí nhảy cả vào lan can từng phòng vểnh những con mắt nhìn ngờ nghệch. Ở quê tôi khác, cây cối ít nên chim chóc cũng ít. Tôi chỉ biết làm bạn với lũ trẻ chăn trâu suốt ngày lao tùm tũm dưới bến…

Tôi viết thư về cho cha, nửa tháng sau thì nhận được hồi âm. Trong thư cha nhắc nhở đủ điều. Cuối thư, cha bảo cô Liễu gửi lời hỏi thăm. Cô Liễu là hàng xóm nhà tôi. Sau ngày cha làm nhà ngoài bờ sông được vài năm thì gia đình cô Liễu cũng xin miếng đất ra ở riêng gần đó. Lúc ấy, chồng cô Liễu đang ngồi tù. Chồng cô mang án mười hai năm, đã thụ được ba năm. Chồng cô đi tù vì tội buôn bán thuốc phiện. Cô Liễu da trắng, tóc dài, người mây mẩy. Hình như cái nắng không đủ sức làm da cô sạm đen hay tại đêm đêm cô thường xuống sông tắm, dòng nước gột rửa, kỳ cọ cô đến trắng ngần như củ sắn mới bóc vỏ. Đến mùa, cha tôi cày giúp nhà cô. Nửa buổi, cô xách ấm chè đặc cùng mớ khoai, rá lạc ra đồng. Cô giục cha con tôi nghỉ. Hai má đỏ chín vì nắng, cô ngồi bên ve vẩy quạt cho chúng tôi, miệng cười tủm tỉm khi nhìn những bắp chân, bắp tay cuồn cuộn lấm bùn của cha…

Nhà có hai mẹ con, cái Hạnh ít hơn tôi hai tuổi, người kẹp nhép lại dài như cây sậy. Nó thường hay sang nhờ tôi giải hộ toán. Tuy không được giỏi nhưng tôi cũng võ vẽ bày cho nó được. Vả lại, hơn những hai lớp mà không bày được thì nó cười cho ê mặt.

Ở gần sông lại trống trải bốn bề nên sợ nhất là mùa bão. Gió ngoài sông quật ngược lên làm kèo cột, cửa giả rung bần bật. Mỗi lần bão đến cha tôi lại chong đèn thức suốt đêm. Cha nhìn ngọn đèn trầm tĩnh, chờ đợi. Cái đài radiô nhỏ chốc chốc kêu rèn rẹn thông báo bản tin thời tiết. Tiếng mưa sầm sập lẫn tiếng sét nổ xé trời làm tôi giật nẩy mình chồm dậy.

Có lần, bão đổ bộ vào ban ngày. Gió mưa gào rú mờ mịt từ sáng sớm. Đến trưa thì bắt đầu ngớt. Đây chính là lúc tâm bão đi qua. Gió rít mạnh khủng khiếp. Cột kèo rung lên kèn kẹt. Mái tranh thốc ngược bay phấp phới. Cha đi đi lại lại như sắp sửa bước vào trận đấu. Bỗng nghe tiếng cô Liễu kêu thất thanh từ bên vườn vọng sang. Cha dặn tôi trông chừng rồi phóng ra ngoài trời…

Một lúc lâu, gió bắt đầu giảm. Chắc bão đã dần qua. Đợi mãi không thấy bóng dáng cha, tôi đứng ngồi phấp phỏng. Thế là tôi đội mưa vọt sang. Cửa nhà trên mở toang.

Tôi lủi xuống bếp. Chái bếp nhỏ làm bằng tre bị gió cuộn lên lắc lư, chao đảo. Cha đây rồi. Cả cô Liễu nữa. Hai người đang gò lưng kéo sợi dây chão buộc ốp vào xà nhà. Cha dùng chân trụ, tay ghìm dây xiết chặt vào cọc tre đóng ngập trong đất. Cô Liễu vít xuống, người cô nhấp nhổm đè ập vào lưng cha tôi. Toàn thân cô ướt nhèm, da thịt tròn căng, lồ lộ. Sợ cha quát, tôi nép vào cánh cửa nhìn he hé. Buộc xong nút dây cuối cùng, cha xoay người đứng dậy. Bất ngờ, cô Liễu ôm chầm lấy cha. Cha bối rối, ngượng ngập. Tôi nghe rõ được cả tiếng nói lào phào của cô: “Anh… anh ơi… Mẹ con em mang ơn anh nhiều lắm. Em... Mà… mà em cũng thương anh…”. Cha tôi thở mạnh. Đôi mắt cha không dám nhìn cô Liễu, mà cúi gằm. Rồi cha nắm lấy vai cô ẩy nhẹ ra. Cô Liễu ngồi thụp xuống bưng mặt khóc. Cha nhẹ nhàng: “Thôi đừng khóc Liễu ạ. Anh hiểu được tình cảm của em. Nhưng mà… Rồi còn chồng em, còn các con…”. Cô Liễu không nói gì, cúi đầu thút thít…

*

* *

Buổi sáng, thủ trưởng Tài gọi tôi lên phòng. Chắc có việc gì đó. Hoá ra là bảo tôi mang chú chó nhỏ ba tháng tuổi lên chốt. “Anh em trên ấy cũng muốn nuôi một con chó cho vui cửa vui nhà. Cậu mang lên, chọn con đẹp nhất ấy. Đến chiều thì về. Cứ theo đường tuần vòng ngoài mà đi một mạch. Khi nào đến nơi hẵng biết!”. Nói rồi thủ trưởng nháy mắt cười.

Cún nhỏ mà tôi có nhiệm vụ mang đi là lứa con đầu tiên của Mích mẹ. Mích mẹ rất đẹp. Lông nó màu mun, ức nở, đùi thon, thế ngồi như sư tử cái, nhưng rất hiền lành. Từ ngày lên làm công vụ, tôi kiêm luôn việc chăm sóc nó.

Ba chú cún mũm mĩm, tôi chọn lấy một con đẹp nhất có bộ lông màu đen tuyền. Cún con này tôi đặt tên là Jôn.

Chốt là dãy nhà cấp bốn đóng chênh vênh trên đỉnh một ngọn đồi. Ở đó, có một tiểu đội làm nhiệm vụ chốt giữ, tuần tra vòng ngoài trên quãng đường biên giáp ranh giữa đơn vị và nhân dân địa phương. Tuyến đường dài khoảng năm kilômét. Từ dưới chân dốc nhìn lên, chốt trông như một cái chuồng chim bồ câu. Tôi thắt chặt giày, xốc quân phục, vai đeo sọt đựng cún con và bắt đầu ngược dốc. Thỉnh thoảng cún lại kêu ăng ẳng. Chắc nó nhớ mẹ. Cũng có thể nó nhìn thấy cảnh sắc hai bên đường lạ lẫm quá. Hơn một tiếng vừa leo vừa nghỉ, thở ra cả bằng mũi, mồm và…hai tai thì tôi mới lên tới đỉnh.

Thực ra ngôi nhà khá lớn chứ không phải như tôi nghĩ. Nó được xây kiên cố, vững chãi và rộng đến năm gian. Cổng làm bằng những thanh gỗ tròn đóng rất đẹp. Bên trong, thấp thoáng một vườn rau xanh tốt. Mấy con gà chạy loăng quăng. Có cả tiếng hót lảnh lót của chú chim khướu bên hè nhà.

Tôi đang đứng lơ ngơ thì bỗng có tiếng ai đó làm tôi giật mình: “Lính mới à? Làm chi mà ngẩn tò te rứa. Chắc mê rồi đúng không? Vào nhà đi em!”. Hoá ra có người đứng sau lưng tự lúc nào mà tôi không biết. Người đó cỡ tuổi xấp xỉ ba mươi, mặc quân phục, vai đeo quân hàm trung uý. Tôi lúng túng: “Dạ, em từ dưới ban chỉ huy lên. Thủ trưởng Tài bảo mang cho các anh…”. Tôi đang lựa lời nói sao cho văn vẻ, chẳng lẽ lại bảo là mang cho các anh con chó. Anh trung uý đã cười khà khà: “Biết rồi! Vô nhà đi, thủ trưởng Tài có điện cho anh hồi sáng. Anh là Hải! Hải tiểu đội trưởng! Em chắc mệt, chưa leo dốc khi mô đúng không? Lính mới thế là khá đấy!”.

Hôm đó, mãi nhập nhoạng tôi mới xuống núi.

*

*  *

Cái lý do để tôi xin lên chốt cũng có một phần tham dự của con Jôn. Tuy nhiên, thần tượng của tôi lại là anh Hải. Đã không dưới vài lần tôi được nghe kể về anh. Anh từng vô số lần lập thành tích, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Ví dụ như anh đã ba lần phục bắt được những tay săn thú đột nhập vào khu vực rừng cấm của đơn vị. Rồi việc anh băng xuống khe nước chảy xiết để cứu một đứa trẻ tìm trâu đi lạc vào rừng. Một lần, anh Hải có việc xuống ban chỉ huy, gặp tôi trước sân, anh vồn vã: “Con Jôn lớn lắm rồi. Nó nhớ cậu đó, khi mô rảnh, xin thủ trưởng lên chốt chơi nha”. Tối về phòng nằm gác tay lên trán, tôi nghĩ lung lắm. Thằng Dũng đã chuyển ra đại đội cảnh vệ. Nó sướng thật, mới gần một năm mà đã biết hết nơi này nơi nọ. Tôi thì cứ quanh quẩn mãi ở cái chân công vụ. Viết thư cho bạn bè không biết kể thế nào. Ai lại bảo là đun nước, rửa ấm… chán chết đi được! Mấy lần thủ trưởng Tài gặp có hỏi: “Đã chán làm lính công vụ chưa. Có muốn về đâu thì cứ nói, đừng ngại gì cả.”. Hình như thủ trưởng cũng đoán được phần nào cái ý nghĩ trong tôi. Đêm ấy, tôi tự hỏi sao mình không xin lên chốt nhỉ. Lần trước, tôi đã cảm thấy khoan khoái vì bị hớp hồn bởi không gian trong suốt thanh sạch cùng vẻ đẹp hùng vĩ của núi đồi. Tôi mê mẩn đến nỗi mà anh Hải giục mấy lần tôi mới chịu về. Vả lại, người ta nói đi lính là để thử sức trai. Sợ khó khăn, gian khổ thì đâu phải là người lính. Phải lên trên đó để biết sức mình tận đâu. Phải phấn đấu để được như anh Hải, để được mọi người nhìn mình bằng ánh mắt tin yêu, cảm phục. Trước hết là để thằng Dũng nó lác mắt lên cái đã!  

Mấy hôm sau tôi háo hức vác ba lô ngược dốc. Thủ trưởng Tài sau khi nghe đề đạt nguyện vọng của tôi thì vỗ vai thân mật: “Được đấy, trên đó cũng đang thiếu người. Cậu Hải có xin bổ sung nhưng chưa điều động kịp. Lên đó, nhớ giữ gìn sức khoẻ, trên cao, gió máy thất thường, lại phải đi tuần đêm…”. Tôi chợt hiểu, thủ trưởng lo lắng, dặn dò tôi như với một người con. Mười mấy năm gắn bó cùng mảnh đất này, đơn vị là tổ ấm, là quê hương thứ hai của ông vậy.

Vào những mùa đông, cả một vùng đồi núi bao la mù mịt một màu sương xám lạnh. Buổi sáng, đến tám chín giờ mà chưa rõ mặt người. Xế chiều, độ ba bốn giờ, ánh ngày đã chìm khuất sau lớp sương núi. Giá lạnh theo gió từ trong các hẻm sâu ùa lên, quấn chặt, hú dài, rỉ riết…

Cơm sáng xong, anh Hải rủ tôi xuống thăm bác Vương. Từ chốt trượt xuống dốc về phía tây khoảng hai cây số thì đến. Bác Vương lên đây lập trại độ chừng dăm năm. Bác là cựu chiến binh. Nói là trại cho oách chứ thực ra chỉ là cái chòi nhỏ nép cạnh một cửa hang lớn. Hang này gọi là hang “chỉ huy”. Ngày trước, hồi chống Mỹ, khoảng năm bảy mốt, bảy hai có một đại đội thông tin về đây. Họ lấy hang đá này làm trung tâm chỉ huy cho các bộ phận lẻ nằm rải rác quanh vùng. Phải nói cái hang có một vị trí đắc địa. Nếu đứng ở cửa hang nhìn ra thì bên phải là dãy núi đá cao sừng sững, trước mặt là những triền đồi nhấp nhô xanh ngút cây rừng, bên trái, ngay gần hang là con suối nhỏ trong vắt rì rầm chảy.     

Bác Vương rót cho chúng tôi mỗi người một chén rượu thuốc bắc nhỏ xíu, khẽ khàng: “Rượu tốt thì phải uống ít thôi. Như rứa thì nó mới ngấm dần vô cơ thể, có tác dụng các chú ạ.”. Anh Hải cười nhỏ nhẹ: “Bữa mô, bác phải để cho cháu một chai bác nhé. Bác có loại nào hay hay không…”- Anh Hải chợt thoáng đỏ mặt: “Cái loại bồi bổ ấy đấy. Cháu lấy vợ ba năm rồi mà chưa có con. Không biết có phải do ít về nhà hay tại cái khoản ấy…”. Anh Hải bỏ lửng câu nói, vẻ mặt anh hơi trầm xuống, buồn buồn. Bác Vương tư lự: “Ờ…cũng phải phấn đấu có đứa con cho nó vui. Đàn bà xa chồng mà không có con thì buồn lắm. Để rồi khi mô về phép bác cho bài thuốc dùng thử…”

Buổi tối hôm ấy, Lúc tôi đi tuần ca 21 giờ về thì thấy anh Hải ngồi như bức tượng đá phía sau chốt. Sương khuya từng lớp mù mịt phủ xuống đôi vai mảnh khảnh của anh. Hình như anh không quan tâm đến mọi sự. Cái dáng mờ mờ tạc vào đêm một dấu chấm than cô lẻ. Tôi định hỏi điều gì đó nhưng thấy mình vô duyên lại thôi. Chắc anh đang có tâm sự. Đúng vậy! Khi tôi khẽ khàng nằm xuống bên cạnh Ngọc, thằng bạn lính cùng nhập ngũ, quê ngoài bắc, bỗng dưng nó nhỏm dậy rồi ghé sát vào tai tôi: “Anh Hải đang có chuyện buồn gia đình.” - “Sao? Chuyện buồn chi, mi nói tao nghe coi?”- “Tao cũng chỉ láng máng. Lúc chập tối, tao đang dọn đồ trong bếp thì có điện của anh Hải. Tao không nghe trộm nhưng rõ là tiếng anh trả lời giận dữ lắm. Hình như có chuyện gì đó ở quê. Lúc sau lên, tao thấy vẻ mặt anh tái nhợt, đôi mắt vằn đỏ. Tao không dám hỏi, rồi anh ra ngồi ngoài sương từ đó…”.

Chuyện buồn này mấy ngày sau anh mới kể cho tôi nghe.

*

*  *

Anh Hải nhắc: “Đêm nay cậu đi tuần ca 23 giờ với mình.”. Tính anh vui vẻ, xởi lởi nhưng mấy hôm nay anh bỗng trầm hẳn xuống. Tôi lặng lẽ nhìn anh gật đầu. Chúng tôi ra khỏi chốt xuống theo con dốc phía ngoài. Đường tuần dài ba kilômét. Trời hanh khô. Không gian mù mịt sương bao phủ. Đang giữa mùa trăng nhưng chỉ thấy nhờ nhợ một khoảnh đùng đục trên cao. Ở đây, những ngày quang đãng, nhất là vào mùa hè, ánh trăng trông tuyệt đẹp. Nó toả ra một lớp sáng kiêu sa, lộng lẫy, dát xuống những khoảng rừng, bờ cỏ, bụi cây, thứ sợi tơ ảo mờ nhóng nhánh. Khắp đất trời lạc vào một cõi tiên. Thi thoảng, đâu đó vọng lại tiếng con mang lạc mẹ toác trong đêm sâu khắc khoải, mơ hồ...

Xuống chân dốc, chúng tôi dừng lại. Đường tuần phía này đến đây là hết. Từ đó trở về phía dưới kia là một cung đường khác, do bộ phận khác đảm nhiệm. Chúng tôi ngồi nghỉ trên một tảng đá lớn. Và ở đó, anh Hải đã kể về nỗi đau mà anh đang nén chặt trong lòng…

…Thằng đồ tể chết tiệt chợ quê làm cái việc đốn mạt đó. Ở góc làng quạnh quẽ bé như bàn tay thì không người nào lạ gì hắn. Mặt dày, mày rậm, môi trề như môi cá chép. Hắn là một tay nổi tiếng về chim gái. Không biết bao cô có chồng cũng như chưa chồng từng rơi vào vòng tay khăm khẳm mùi phân lợn. Tất cả mọi người trong nhà hắn xem như con ở, kể cả mẹ đẻ. Cũng bởi hắn lắm tiền, nhiều của, tính tình lại gian ngoan, độc địa. Mỗi ngày hắn xả thịt ba con lợn. Trừ ăn uống phả phê cũng lời lãi, dư dôi mấy trăm nghìn. Ở làng số tiền như thế là to lắm. Kế sách mà hắn thường dùng là đánh vào tâm lý chung của những người phụ nữ. Lúc đầu, hắn mồi chài, ve vãn họ bằng việc bán rẻ hơn chút ít mỗi khi ghé vào phản thịt nhà hắn. Cũng dễ hiểu thôi. Có thể người ta chê bai, dè bỉu sau lưng nhưng khi được bán rẻ rồi hứa hẹn tặng vài thứ đồ lặt vặt là mấy cô nàng lại bỗng chốc xiêu lòng.Thế rồi từ đó hắn lặng lẽ nhích dần tới đích. Khi đã ngã ngửa ra thì mới hay mình dại dột, mình bị lừa. Hối không kịp. Có cô hắn cho ễnh bụng nhưng rồi làm gì được đâu. Vác con đến đòi trả ư? Không chứng cứ, hắn đuổi thẳng cẳng khỏi cửa. Đòi hắn tiền nuôi con ư? Hắn cười khì khì bảo cứ ngồi đó mà đợi. Có mấy cô gái trẻ bị lừa phải lang bạt vào nam để may ra còn tìm được tấm chồng. Vợ anh Hải không nằm ngoài lệ đó. Mà nàng thuộc loại khá xinh mới chết, đôi mắt lá răm nhìn ai cũng như đong đưa, lúng liếng. Thế là từ quen lần lần, hắn đâm ra dạn dĩ. Nhiều lúc hắn nửa nạc, nữa mỡ. Cô nàng càng tránh thì hắn càng xáp lại. Nhìn con mồi béo bở nhởn nhơ, lượn lờ trước mắt mà không làm ăn được thì ức lắm. Ngày đêm hắn tính kế, lập mưu. Cơ hội đến. Một lần có đám cưới ở làng. Bữa ấy, hắn cùng mấy thằng đệ tử ngon ngọt ép được nàng uống liền mấy chén rượu. Trong trạng thái lơ mơ, hắn rủ rê nàng đi chơi thị trấn huyện. Chẳng hiểu mọi thứ tiếp diễn ra sao ở ngoài đó…

Chuyện đồn đại như những ngọn gió nồm len lỏi đêm đêm. Đất lề quê thói. Cái tội gian dâm nặng lắm, đáng chém chớ chẳng vừa. Thằng con ông chú hậm hực: “Anh Hải, anh về mà coi. Gia đình ta ê cả mặt !”. Gọi điện cho vợ, chỉ nghe thấy tiếng khóc tức tưởi… Cô ta đã phản bội anh? Người ta bảo đàn bà nông nổi, nhẹ dạ, dễ bị mờ mắt trước vật chất phù phiếm. Hay còn vì những điều khác nữa? Trong lòng anh tràn ngập những nghi ngờ. Vài ba tháng anh mới có dịp về, anh biết cái khao khát của đàn bà dữ dội lắm…??

Từ ấy, anh Hải dường như thay đổi hẳn. Bản tính năng nổ nhiệt huyết ở anh bỗng dưng biến mất. Anh lầm lũi làm việc, sinh hoạt như kẻ mất hồn. Nhiều đêm anh ngồi chết lặng trong màn sương buốt lạnh. Có lần, trong giấc ngủ, bỗng anh chồm dậy thét lên kinh hoàng: “Gi…ết…giết tất cả. Đồ…ồ…phản…bội…”. Tôi hoảng quá nhao đến ôm chặt lấy anh. Người anh đầm đìa mồ hôi, đôi mắt trắng dã trừng trừng…

Tôi thay anh cắt đặt việc tuần gác của tiểu đội. Được cái mấy anh em cũng tín nhiệm và ai làm việc nấy một cách tự giác. Tôi cũng lựa lúc khi chỉ còn hai anh em để an ủi anh. Nhưng việc làm của tôi hơi thừa. Có lẽ, anh nghĩ tôi là một thằng thanh niên mặt còn búng ra sữa thì làm sao có thể đi phân tích, khuyên nhủ, nói chuyện gia đình. Tôi  thấy mình bất lực. Tôi linh tính một điều gì đó không hay.

Đêm, lúc tôi gác ca 3 giờ sáng về đến lưng chừng núi thì bỗng phát hiện một bóng đen đang trượt xuôi xuống dốc. Trời sáng lờ mờ. Trên tay hắn hình như còn cả một cái túi xách nhỏ. Đường biên quãng này được ngăn cách bằng lớp dây thép gai nên kẻ gian đôi lúc vẫn liều lĩnh vượt vào. Không chừng hôm nay tôi tóm được con mồi lớn. Lập công này, chắc chắn sẽ được tuyên dương trước đơn vị và sau đó là 10 ngày phép. Tôi xiết chặt báng súng, tay phải sờ vào cò, chờ đợi…

“Đứng lại! giơ tay lên! Không được động đậy…!” - “Anh…anh đây! … Hải… đây… mà…”

Tôi đứng sững như trời trồng: “Anh đi đâu vậy?” - “Ờ… ờ… anh... đi... kiểm… tra…” - “Nhưng mà…?” - Tôi đã nhận ra là anh nói dối. Trên tay anh vẫn cầm chiếc túi xách. Và tôi thầm hiểu, anh đang xuống núi, anh bỏ về nhà…

Sau lần ngăn được anh Hải, tôi phải nhờ thêm sự giúp đỡ của bác Vương. Tôi nghĩ rằng người như  bác nói thì anh sẽ nghe ra? Tôi sợ anh làm những điều dại dột. Dầu sao thì anh vẫn là một người còn trẻ. Sự nghiệp còn dài. Một phút nóng giận, một lúc không làm chủ được mình sẽ huỷ hoại cả cuộc đời.

Bác Vương làm được điều đó. Sự từng trải, hiểu đời của bác đã xoa dịu trong anh những đổ vỡ, tuyệt vọng. Bác chỉ cho anh nhìn nhận mọi việc một cách thấu đáo hơn, khoan dung hơn. 

Anh xuống ban chỉ huy xin nghỉ phép. Anh muốn giải quyết ổn thoả mọi chuyện. Trước mỗi người, đang còn một khoảng dài tương lai... Nếu ngã thì phải biết đứng dậy mà đi…

Một tuần sau tôi tiễn anh Hải xuống núi…

*

*  *

Tôi nhận được thư Hạnh báo tin em đỗ vào trường cao đẳng sư phạm tỉnh. Trong thư còn có cả tấm hình em chụp trước cổng trường. Trông em chẳng còn giống cô bé gầy nhom hồi nào. Mái tóc dài buông bờ vai thanh tú. Khuôn mặt bầu bĩnh cùng đôi mắt trong veo. Ồ… cô bé trông cũng dễ thương đáo để. Em hỏi tôi đã có người yêu chưa, nếu chưa thì để em làm mối. Lại nhờ tôi giới thiệu cho một người lính. Em bảo rất có cảm tình với lính và muốn dịp nào đó được lên thăm tôi. Tôi bất chợt cười thầm. Sao mình khù khờ quá vậy. Em bật đèn xanh cho tôi rồi đó... Em bảo cả hai nhà đều khoẻ. Cha em sẽ ra trại đợt đặc xá năm nay. Lại bảo tôi sao không thuyết phục cha lấy vợ để có bầu có bạn lúc tuổi già. Việc này thì đành chịu. Đã mấy lần tôi viết thư có xa gần nhắc đến. Rồi dịp ông lặn lội lên đơn vị thăm tôi. Nhưng cha chỉ cười nhẹ, đôi mắt ngước nhìn khoảng trời xa vắng…

Tôi thương cha ở trong căn nhà cô đơn, quạnh quẽ. Nơi đó, cha phải vượt qua những mùa mưa bão gầm rú, những mùa đông lê thê buốt lạnh. Cha bảo tôi không nên bận tâm nhiều. Cha hiểu và muốn sống theo cách của ông. Tôi chạnh buồn nghĩ, dòng sông chảy qua nhà cứ trẻ mãi còn ông thì mái tóc ngày càng bạc thêm, thưa đi và bóng dáng se dần còm cõi…

Một buổi sáng tôi nhận được hai cú điện vui. Thằng Dũng báo tin nó sắp cưới vợ. Mới tháng trước còn kêu chán vì tìm không ra người yêu vậy mà. Nó bảo vợ tương lai chính là cô giáo Phương nó quen lần giao lưu văn nghệ giữa đơn vị và mấy xã lân cận. À…tôi nhớ ra rồi, cô giáo Phương có dáng người mảnh mai, lại hát hay, múa dẻo. Cái thằng lờ ngờ, lộc ngộc thế mà đào hoa. Ai bảo đẹp trai gái mới yêu là sai toét.  Thằng này tài thật! Nghe nói lâu nay cũng có khối anh lao vào tán tỉnh nhưng cô giáo chưa ưng ý anh nào. Cũng mừng cho nó. Hai vợ chồng được sống gần nhau thì còn gì bằng.

Còn anh Hải báo tin vợ vừa sinh một đứa con gái kháu khỉnh giống anh như lột. Câu chuyện của anh hoá ra không phức tạp như lâu nay tôi vẫn nghĩ. Cái gã đồ tể dâm ô đó chưa làm gì được nàng. Hôm đó, hắn có chở nàng ra thị trấn thật. Khi hắn sắp sửa đưa con mồi vào nhà nghỉ thì cũng là lúc nàng bừng tỉnh, hiểu ra cơ sự nên vội vàng xuống xe và nhất quyết về. Lúc ấy, có mấy người làng đi chợ gặp hai người đang giằng co và câu chuyện được thêu dệt. Chuyện bé xé ra to là việc thường tình. Anh đã ra thị trấn, đến nhà nghỉ đó điều tra hư thực. Cuối cùng thì cái án oan treo lơ lửng trên đầu vợ cũng được xoá.

Anh bảo lúc nào rảnh rỗi xuống dưới này thì ghé chơi. Anh chuyển qua đội bảo vệ vòng trong sau khi tôi đi học ít tháng. Tôi thấy mừng cho anh. Thế là anh đã tìm lại được hạnh phúc của mình.

Trong một lần lên kiểm tra chốt thủ trưởng Tài, vỗ vai tôi ôn tồn: “Tốt lắm! Tôi nghe nhiều người khen về cậu. Thật không phụ là con một người lính. Sắp tới, đơn vị gửi một số anh em đi đào tạo lớp trung đội trưởng, nếu có nguyện vọng phục vụ lâu dài thì làm đơn nhé!”. Tôi mừng nhưng có chút phân vân giữa việc ở lại hay về. Tôi viết thư cho cha, người bảo tuỳ tôi lựa chọn. Lại bảo là rất vui nếu như tôi tự xác định tương lai của mình. Tôi hiểu hàm ý mà cha muốn nói. Thế là tôi bàn với thằng Dũng cùng làm đơn. Mấy tháng sau thì chúng tôi được lệnh đi học và hơn một năm nữa mới quay trở lại đơn vị.

*

*  *

 …Những buổi chiều đẹp trời là khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong ngày. Trên chốt nhìn xuống thấy cả một vùng đất mênh mang, rộng lớn. Từ đây, ta mới hiểu hết ý nghĩa tầm cao… Những quả đồi bát úp nhấp nhô trải dài ngút ngát. Những xóm nhỏ yên bình lơ thơ đôi ngọn khói mong manh. Những mảng xanh trùng điệp vẽ nên bức tranh dung dị. Xanh thẫm của rừng, xanh nhạt của ngô, khoai và xanh mờ của lúa vừa bám rễ…Rồi những ngọn gió hào phóng… Những ngọn gió từ thăm thẳm trời cao chẳng bao giờ ngơi ngớt thổi. Tiếng gió lúc thâm trầm, khi rạo rực, lúc lơi lả, ngả nghiêng….Tiếng gió mà mỗi bận đi xa, tôi lại thấy nhớ nôn nao, da diết…

Chợt có tiếng đàn Gita bập bùng trong khu nhà chốt vọng ra. Bóng con Jôn sủa ung oăng đuổi đàn chim rừng đâu đó… /.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên