Đọc “Bạn bè một thuở” của Phạm Quang Long

VOV.VN - “Bạn bè một thuở” của Phạm Quang Long là cuốn sách thuộc chương trình” đầu tư sáng tác văn học” của Bộ Quốc phòng nước ta.

Vào dịp kỷ niệm lần thứ 63 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2017), Nhà xuất bản Lao Động cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết “Bạn bè một thuở” của Phạm Quang Long. Đây là cuốn sách thuộc chương trình “đầu tư sáng tác văn học” của bộ Quốc phòng nước ta.

Phạm Quang Long là Tiến sĩ Ngữ Văn, Giáo sư trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội). Trước cuốn tiểu thuyết này, ông đã có một tập kịch bản văn học, với 8 vở kịch, được in chung trong cuốn “Nợ núi sông” (Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội) và cuốn tiểu thuyết có tiếng vang “Lạc giữa cõi người”.

Cuốn tiểu thuyết "Bạn bè một thưở" của Phạm Quang Long.

“Bạn bè một thuở” dường như là một lời tri ân với những người bạn bộ đội của ông, bạn thủa thiếu thời chăn trâu cắt cỏ, bạn thời đại học “xếp bút nghiên lên  đường đánh Mỹ”. Nhân vật chính là Thắng, một lính trinh sát.

Cùng với Thắng là Thành (cán bộ chỉ huy), Bảo, Hậu, Sổng, Hiếu…những đồng đội cùng vào sống ra chết trong chiến đấu. Và sau này cùng sát cánh với Thắng trong “trận chiến” thời bình vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Không có dịp trở thành người lính thực thụ, nhưng qua bạn bè đồng nghiệp, Phạm Quang Long đã có những chương kể chuyện đời lính, những cuộc chiến đấu của họ khá thành thục và hấp dẫn.

Câu chuyện bắt đầu với sự hy sinh của Hậu, một bạn chiến đấu mà Thắng rất quý. Hậu chỉ còn một mẹ già. Sau ngày đất nước thống nhất, Thắng không về quê cũ sinh sống mà về quê Hậu, xin làm con và phụng dưỡng mẹ Hậu cho đến khi bà qua đời. 

Và cũng từ đấy, người lính Cụ Hồ tiếp tục cuộc chiến đấu mới: làm kinh tế, khẳng định chỗ đứng của mình trong hoàn cảnh mới. Quá khứ (những cuộc chiến đấu) và hiện tại đan xen trong cuộc sống của Thắng.

Đặc biệt là khi phải đối phó với ý đồ muốn chiếm đoạt trang trại đang ăn nên làm ra của anh, vốn là một vùng đầm ao chiêm trũng, phải mất bao công sức mới cải tạo được. Kẻ chủ mưu trong vụ này Ý, Chủ tịch xã cùng với vài kẻ tay chân như Đáng…

Cốt truyện vắn tắt như vậy, nhưng “Bạn bè một thuở” là một xã hội nông thôn Việt Nam hiện nay thu nhỏ với những người nông dân chân chất muốn làm giàu chính đáng cho gia đình, cho quê hương, với những con “mọt dân” thời nay chỉ muốn “ngồi mát ăn bát vàng” thi nhau đục khoét của công, chèn ép dân lành.  

Với những “cát tặc” có người chống lưng, coi người nghèo như mẻ. Ngòi bút của Phạm Quang Long khắc hoạ khá sắc nét một con sâu mọt như thế.

Hãy đọc đoạn văn tả tâm trạng của Ý khi gã rắp tâm chiếm đoạt trang trại của Thắng: “Ý căm không vì miếng đất mà Ý căm ghét Thắng là vì cái thằng ở tận đẩu tận đâu, tự dưng nhảy vào, phá vỡ những dự định của Ý.

Xưa nay, Ý chưa chịu thua ai ở cái làng này bao giờ, chưa tính lọt cái gì bao giờ”… “thằng đầu đường xó chợ. Họ hàng chả phải, nhân ngãi thì không. Thế mà nó như cái nợ đời ám ảnh mình mấy chục năm rồi”… Sành ăn uống (gỏi cá mè, thịt chó, rượu ba kích chè tươi hãm)… lang chạ với Mây, một ả đàn bà hừng hực sức sống nhưng cũng biết “chùi mép rất kỹ”.

Đó là chân dung của Ý. Ý chịu thua keo đầu với Thắng vì trong hợp đồng  cho thuê đất, trót ghi một câu tưởng “vô thưởng vô phạt”: “theo Luật Đất đai…”. Ý ủ mưu làm cho Thắng thất bại trong làm ăn bằng cách cho người đổ vào ao cá giống của Thắng vài con cá quả.

Cũng từ đây tác giả cho xuất hiện Định, một người họ hàng vai trên với Ý, nguyên là bộ đội đào ngũ về làng, nay kiếm sống bằng “phản thịt lợn” ở góc chợ, biết đủ chuyện trong làng ngoài xóm, bày mưu tính kế “ăn đất” với Ý bằng các thủ đoạn “đổi đất lấy hạ tầng” vẽ ra các dự án làm đường, làm chợ… và lăm le nhảy ra làm chức “trưởng thôn”…

Đối lập với những kẻ như Ý - Định là Thắng và bạn bè của anh. Hãy nghe Phạm Quang Long kể về “niềm yêu” của Thắng: “Cây mẫu đơn, bụi ngâu già và hai cây lan là mấy cây anh thích nhất… Phải nói rằng giống ngâu ướp trà thơm kín đáo, không nồng, không gắt mà sao uống vào cứ thấy một cái gì đó  rất khó tả, không kể ra được như mùi sen, hương nhài nhưng xa mấy cũng không quên được.

Nó là gì, anh cũng không biết nhưng ngồi nhâm nhi chén trà ướp ngâu, anh như thấy tiếng giọt gianh mùa thu rơi tí tách ngoài sân, nhè nhẹ từng giọt, tiếng những con chão chàng, ễnh ương chờ mưa, những con đom đóm lập loè những vũ điệu kỳ ảo trong những đêm tối trời hay cả mùi ẩm và nồng của ruộng ngấu bốc lên những ngày nắng tháng 6 tháng 7 ở những chân ruộng người ta cày vặn rạ đang hoai dần dưới lớp bùn và nắng nóng ràn rạt khiến nước như muốn sôi lên như luộc…”.

Chính vì tình yêu với đồng ruộng, rộng ra là với quê hương đất nước như thế mà Thắng và biết bao người Việt Nam như Thắng ra đi cầm súng chiến đấu, và khi trở về chỉ muốn sống trên mảnh đất quê mình.

Đã là sinh viên, đã là ông giáo sư mấy chục năm ở thị thành, nhưng qua những trang viết “Bạn bè một thuở”, tôi thấy Phạm Quang Long còn gắn bó với “con trâu cái cày” lắm. Và ông “yêu” bạn bè một thủa lắm.

Tôi mạo muội nói thêm rằng trong “bạn bè một thuở” của ông, có cả người tốt và người chưa tốt. Ý tuy thế vẫn chưa phải là kẻ “táng tận lương tâm”, vẫn còn nhớ mình có một người vợ chịu thương chịu khó. Định vẫn không thôi day dứt về chuyện “lộn về”, vẫn cưu mang mẹ con cô Nhàng, người vợ lính năm xưa đã “phải lòng” Định – chàng trai mới lớn, đã “cho” Định biết “mùi đời” trước khi Định đi bộ đội…

Rồi những người thương binh bị kẻ xấu lợi dụng, kích động đi đầu trong những vụ lộn xộn ở nông thôn, vẫn biết nghe theo lẽ phải khi gặp những đồng đội xưa chung màu áo lính.

Đấy là những người tạm bị liệt vào “dòng phụ” bên cạnh những người thuộc “dòng chính” như Thắng. Cái cách mà Thành, chỉ huy cũ của Thắng - Bảo nay là người phụ trách một tỉnh xử lý vụ “cát tặc” vu cáo Bảo, nay là Trưởng Công an một huyện, là một cách xử lý thông minh và đầy tình đồng đội.

Và tôi cứ trăn trở mãi nhận xét của Thành về mối quan hệ giữa Bảo với Giám đốc Công an tỉnh: Cả hai đều là người tốt, sao không gặp nhau được nhỉ? Ôi chao là mối quan hệ phức tạp giữa con người với con người. Dường như Phạm Quang Long  “thở dài” khi viết những dòng này?

Chân dung GS. TS Phạm Quang Long. Ảnh: Thành Long/documentary.vn

Vốn sống về đồng quê, về “Bạn bè một thuở” đã giúp Phạm Quang Long có những trang, những chương đọc không thấy chán. Đây là một cuốn tiểu thuyết vê người lính “đọc được” trong bối cảnh có những cuốn sách đọc xong thấy “ngột ngạt” bày bán trên thị trường hiện nay.

Tôi nhớ mãi gần cuối câu chuyện, khi Bảo tiễn những người lính thương binh về “Đám lưng áo lính nhấp nhô trước mắt anh. Cái màu áo ai đã khoác lên người thì trong hoàn cảnh nào nó cũng mang chất lính. Sao anh thấy yêu cái màu áo ấy đến thế… Chao ơi, cái màu áo lính”.

Dường như cuốn tiểu thuyết “Bạn bè một thuở” mới chỉ tạm dừng. Vì phần kết hơi đột ngột. Để bạn đọc có thể chờ tới mùa sau, xin trích ra đây một đoạn văn của một người “thương nhớ đồng quê” mà viết nên những câu chuyện: “bạn bè ngày xửa ngày xưa”:

“…Thắng chợt thấy mình đang sống ở quê. Mùa thu rồi. Những cánh đồng trải dài từ rìa làng ra đến tận bờ sông lúa đã chin vàng, mỗi khi gió thổi lại nhấp nhô như những đợt sóng. Những vạt lúa nếp đổ màu vàng tươi hơn những trà lúa tẻ. Những mảnh ruộng cấy lúa nếp như những đám màu vàng rơm xen vào, điệp vào những mảng vàng xộm khác, nhưng mùi thơm của nó cứ trở đi, trở lại, thoang thoảng trong gió thu đã bớt nồng hơn hồi mới trổ đòng nhiều…”.

Đồng quê thương nhớ ơi…bạn bè một thủa… ơi./.

          

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đọc bút ký “Cõi học và người thầy” của GS Hà Minh Đức
Đọc bút ký “Cõi học và người thầy” của GS Hà Minh Đức

VOV.VN - GS, NGND Hà Minh Đức là người đầu tiên kể lại tương đối đầy đủ “chân dung các giáo sư ngành KHXH" của nước ta trong bút ký "Cõi học và người thầy".

Đọc bút ký “Cõi học và người thầy” của GS Hà Minh Đức

Đọc bút ký “Cõi học và người thầy” của GS Hà Minh Đức

VOV.VN - GS, NGND Hà Minh Đức là người đầu tiên kể lại tương đối đầy đủ “chân dung các giáo sư ngành KHXH" của nước ta trong bút ký "Cõi học và người thầy".

Đọc tuyển tập những tác phẩm của nhà văn, nhà thơ Mai Phương
Đọc tuyển tập những tác phẩm của nhà văn, nhà thơ Mai Phương

VOV.VN - Vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, có một phóng viên đài truyền thanh đất mỏ, thường lặn lội đạp xe lên gửi tin - bài cho Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đọc tuyển tập những tác phẩm của nhà văn, nhà thơ Mai Phương

Đọc tuyển tập những tác phẩm của nhà văn, nhà thơ Mai Phương

VOV.VN - Vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, có một phóng viên đài truyền thanh đất mỏ, thường lặn lội đạp xe lên gửi tin - bài cho Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đọc “Ánh đèn lò” để hiểu về vùng mỏ Quảng Ninh
Đọc “Ánh đèn lò” để hiểu về vùng mỏ Quảng Ninh

VOV.VN - Đã có nhiều tác giả viết về vùng mỏ Quảng Ninh, nhưng Vũ Thảo Ngọc là nhà văn nữ đầu tiên xuất thân từ thợ mỏ lộ thiên, viết tiểu thuyết về THỢ LÒ.

Đọc “Ánh đèn lò” để hiểu về vùng mỏ Quảng Ninh

Đọc “Ánh đèn lò” để hiểu về vùng mỏ Quảng Ninh

VOV.VN - Đã có nhiều tác giả viết về vùng mỏ Quảng Ninh, nhưng Vũ Thảo Ngọc là nhà văn nữ đầu tiên xuất thân từ thợ mỏ lộ thiên, viết tiểu thuyết về THỢ LÒ.