Đọc cuốn Hồi ký “Khi Tổ quốc gọi tên mình” của Nguyễn Long Trảo

VOV.VN - Qua hồi ký “Khi Tổ quốc gọi tên mình”, chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống và con người Nam Bộ, “đất phương Nam” “Thành đồng Tổ quốc”. 

Trong hội sách mùa thu Hà Nội năm nay, tôi chợt thấy một cuốn sách nghe cái tên  rất kêu: “Khi Tổ quốc gọi tên mình”, hồi ký của  Nguyễn Long Trảo. Lật giở vài trang, tôi quyết định mang về tủ sách nhà mình. Và tôi thầm cảm ơn hội sách hôm ấy “tặng” tôi một cuốn sách hay.

Bìa cuốn sách "Khi Tổ quốc gọi tên mình"

Nguyễn Long Trảo sinh ra trong một gia đình theo đạo Tin Lành, thuộc “lớp nghèo thành thị”, quê chính ở xã Mỹ Trà, huyện Cao Lãnh tỉnh Sa Đéc (nay thuộc Đồng Tháp). Ông là con thứ bảy, được đặt tên là “Trảo” tức “móng rồng” nên thường được gọi là Tám Trảo, còn có tên gọi khác là Tám Phiên.

Cũng chính từ tên “Phiên” mà ông muốn đặt tên cho tập hồi ký của mình là “Phiên tặc” với dụng ý định danh tính cách thời trai trẻ của mình. Cuối cùng thì ông phải đồng ý với đề nghị của bạn bè và nhà xuất bản về tên gọi của cuốn sách.

Là một người đọc, tôi thấy tên gọi cuốn hồi ký “Khi Tổ quốc gọi tên mình” hoàn toàn đúng với cuộc đời của Nguyễn Long Trảo. Và ông hoàn toàn có thể tự hào nói như vậy.

Sống trong một gia đình nghèo, nhưng cậu bé Trảo được gia đình cố nuôi ăn học. Và phải nói là ông đã học giỏi như mong đợi. Điều quan trọng là khi bắt đầu hiểu biết, ông đã sớm tìm ra lẽ phải, manh nha có những hành động yêu nước do ảnh hưởng của người anh và một số thanh niên yêu nước sớm tham gia hoạt động cách mạng.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, rồi “Nam Bộ kháng chiến”. Ông gia nhập bộ đội, rồi được đi học tại khoá đầu tiên phân hiệu Nam Bộ của trường lục quân Trần Quốc Tuấn. Tốt nghiệp, ông xung phong về “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết (tháng 7/1954), cùng với nhiều đồng đội, ông tập kết ra Bắc.

Sau đó ông được đi học ở Trung Quốc, vừa học tiếng vừa làm phiên dịch, vừa phiên dịch vừa “tranh thủ” học thêm những kiến thức quân sự, trở thành một cán bộ kỹ thuật giỏi của Cục Quân khí. Ông vừa tham gia hướng dẫn, quản lý khí tài chiến đấu, vừa trực tiếp sửa chữa khí tài chiến đấu cho các đơn vị bộ đội.

Sau ngày đất nước thống nhất, trở về quê hương, ông giải ngũ, tham gia làm kinh tế, là cán bộ “tham mưu” cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của quê nhà Đồng Tháp và thành phố Hồ Chí Minh. Rồi về hưu khi đang là Phó Chánh Văn phòng Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh.

Vắn tắt cuộc đời của” Phiên tặc Trần Long Trảo” là vậy.

Nhưng có đọc mới thấy cả cuốn hồi ký là một bức tranh sống động, khắc hoạ đậm nét Đất và Người Nam Bộ, vùng đất và người đã được khái quát bằng một cụm từ rất hay, rất đẹp “Hào khí Đồng Nai”.

Chân dung Cựu chiến binh Nguyễn Long Trảo. Ảnh: Tuổi trẻ

Không phải là một nhà văn, nhớ gì ghi nấy, nhưng Nguyễn Long Trảo khi viết về tuổi thơ với đủ các trò nghịch ngợm, rồi những ngày nhập ngũ đánh giặc, đi suốt đất Nam Bộ, tái hiện được cả một vùng đất Nam Bộ với những phong tục tập quán, thiên nhiên và con người hào sảng.

Tôi có ấn tượng rằng ông là người đầu tiên nói về tác động từ sự cai trị của nước Pháp thực dân với mảnh đất Nam Kỳ với một cái nhìn “ rất thật”. Ông kể: năm học lớp Nhất, vào đầu năm 1944 có chuyện tỉnh trưởng Sa Đéc (là một người Pháp) đến thanh tra nhà trường và đã tỏ ra rất hài lòng khi Đào Công Tăng, một học sinh trả lời (bằng tiếng Pháp rất chuẩn)… “Tôi muốn dâng hiến cả cuộc đời tôi cho nước Pháp”.

Ông bình thêm: “Vào thời kỳ đó, khi người Pháp còn cai trị đất nước, khi mọi người, ngoại trừ những người cộng sản, còn luôn tung hô: “Nước Pháp muôn năm, thống chế Pétain muôn năm!”, thì câu trả lời đó được khen ngợi thật quá đúng với thời cuộc.

Và cũng không mấy ai thắc mắc khi bị bắt học thuộc lòng câu: “Tổ tiên chúng ta là người Gô loa”, mà người Gô loa lại là tổ tiên của người Pháp, với biệt danh nước Pháp là: “Con gà trống Gô loa”. Cho nên trên chừng mực nào đó có thể nói rằng người Pháp đã thành công trong muu đồ nô dịch, làm cho dân tộc Việt nam đi đến mất gốc”.

Ông viết tiếp: “Sau Cách mạng tháng Tám, khi đất nước Việt Nam được độc lập, dân tộc Việt Nam không còn là nô lệ của người Pháp thì những chuyện như trên đã trở thành quá khứ, một quá khứ mà nhiều khi nghĩ lại chính tôi cũng giật mình.

Bởi thấy rằng nếu không có cuộc Cách mạng tháng Tám do những người cộng sản tiền bối lãnh đạo thì mình đâu có cách nào được trực tiếp tham gia vào công cuộc đấu tranh để giành và bảo vệ nền độc lập của dân tộc, để rồi từ một thiếu niên thuộc tầng lớp nghèo và khi đó cũng rất mong có dịp trả lời “xuất sắc” như Đào Công Tăng, lại có thể được giác ngộ và từng bước trưởng thành?

Cái chất “anh Hai Nam Bộ” thể hiện rất rõ qua cuộc đời làm lính của Nguyễn Long Trảo. Ra Hà Nội lần đầu thấy Hồ Gươm – Tháp Rùa, thấy chùa Một Cột, chê và thất vọng. Sống với người dân Sầm Sơn (Thanh Hoá), tham gia cải cách ruộng đất, thấy “miền Bắc nghèo quá”…Nhưng càng sống lâu càng thấm thía cái “nghĩa đồng bào”. Rồi đi học ở Trung Quốc, thoáng một mối tình với một cô y tá Trung Quốc…

Về nước, ông làm lính thợ, một mình đi xe đạp vào khu 4 chữa khí tài quân sự, chứng kiến cả một dân tộc ra trận… Lấy vợ sinh con, đưa con đi sơ tán, vừa đánh giặc vừa chăm con, Nguyễn Long Trảo luôn sống đúng với chính mình, chính vì thế ông không ngại hy sinh, gian khổ.

Trở về quê hương miền Nam sau giải phóng, ông sống tình nghĩa với họ hàng, bạn bè, dù họ có những lúc phải làm việc cho chế độ cũ. Lặn lội đi tìm, vào “ trại” thăm đưá cháu gọi bằng cậu đang  bị giam giữ cải tạo…Việc gì thấy đúng với lương tâm, thấy đúng với đạo làm người là ông làm, bất chấp  “hậu quả” có thể đến với mình.

Ngày 10/10/1977, ông nhận quyết định chuyển ngành, kết thúc cuộc đời binh nghiệp tròn trịa 27 năm, rời quân ngũ với biết bao cảm xúc hoài niệm! Nói về việc này, ông viết: “Sở dĩ tôi xin ra khỏi quân đội vì tôi nhập ngũ chỉ cốt để đánh giặc cứu nước, làm “trai thời loạn”, nay giặc đã đánh xong, đất nước đã được giải phóng, đã được hưởng “độc lập, tự do, hạnh phúc” mà cứ ở mãi trong quân đội… “lính thời bình” thật chán chết…”.

Ở trận địa mới, Nguyễn Long Trảo cũng có nhiều chuyện để kể. Những nhà viết sử có thể tìm thấy ở ông - một cán bộ “được đào tạo bài bản”, những câu chuyện rất sinh động về một thời Việt Nam chập chững bước vào xây dựng kinh tế với đúng nghĩa của nó. Với biết bao ấu trĩ, biết bao sai lầm, với những “người của một thời” như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Võ Trần Chí… mà Nguyễn Long Trảo đã từng là người giúp việc.

Nhớ về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông kể lại có lần hỏi ông Sáu Dân về chuyện sao ông dám làm nhiều việc, dám chịu trách nhiệm, ông Võ Văn Kiệt chỉ trả lời một câu ngắn gọn: “Không sợ mất ghế”. Có lẽ đó cũng chính là con người Nguyễn Long Trảo trong suốt giai đoạn làm lính và làm cán bộ kinh tế.

Như ông tự bạch: “Tôi ghi lại những dòng Hồi ký này thể theo mong muốn của con gái Bạch Dương… Bất chợt tôi có sự so sánh là nhiều người đã tình nguyện hiến xác cho nghiên cứu khoa học, còn tôi thì lại phơi bày cả cuộc đời mình trên trang sách, nếu nó có thể mang được sự khơi gợi nào đó đến với người đọc thì đấy lại là một việc làm hữu ích của tôi trong những năm tháng còn lại của cuộc đời”.

Là một người đọc, người viết bài này cảm ơn Cựu chiến binh Nguyễn Long Trảo đã cho đọc một cuốn hồi ký rất hấp dẫn qua lời kể rất mộc mạc, cùng với ông “trở về quê cũ, gặp những con người của đời thường bình dị, rất đỗi quen thuộc, thân thương”.

Qua hồi ký của ông, chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống và con người Nam Bộ, “đất phương Nam” “Thành đồng Tổ quốc”. Ông đã kể rất hay cuộc sống ở bưng biền Đồng Tháp hồi 9 năm, kể về Hoàng Việt đã viết bài ca “Nhạc rừng” ra sao ở miền Đông, kể rất sinh động chuyện bộ đội ta từ miền Đông Nam Bộ rút về miền Trung Nam Bộ, chuẩn bị tập kết ra Bắc   như thế nào, cũng như lời từ biệt “hai năm trở về” giữa người ở người đi, hiểu thêm về những người phụ nữ miền Nam đã “thương” thì “thương” đến suốt đời…

Thưa ông, thật là hữu ích với chúng tôi và cả thế hệ trẻ khi được đọc những dòng ông nói về Tổ quốc, về Nhân dân, về Đảng mà ông yêu quý. Đây là tâm sự  từ đáy lòng của một người lính thuộc thế hệ đàn em của ông, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thành Hưng (Đại học Quốc gia Hà Nội), người đã viết “Lời giới thiệu” cho tập Hồi ký này:

“Tôi vẫn nhận thức được rằng cái Đảng này đang có rất nhiều khuyết điểm và vận mệnh của Đảng đang còn là thử thách ở phía trước, nhưng tất cả những ai nếu xét thấy mình còn là một đảng viên chân chính, thì chí ít cũng phải trong khả năng của mình, đem hết sức mình để xây dựng nó, làm cho nó trong sạch hơn, chớ tuyệt nhiên không thể khuấy cho đục hơn, bôi nhọ nó làm cho nó xấu hơn”.

Đọc những dòng trên, tôi (Phạm Thành Hưng) giật mình. Tôi lo rằng đó là những dòng ông viết về tôi. Nhưng căn cứ vào cấu trúc bản thảo và thời điểm tôi và ông gặp nhau, tôi biết ông viết những dòng trên đã lâu, trước khi gặp tôi. Thế rồi, lại đến lượt tôi thở dài, nhưng là tiếng thở dài nhẹ nhõm để đi đến một niềm tin. Ông đã giữ tôi không xiêu ngã trên một con đường cùng đi và…trong bản thảo hồi ký này vẫn phập phồng trái tim người Cộng sản”.

Tôi xin mượn lời kết lời giới thiệu của Phạm Thành Hưng, một người lính sinh viên 6971, để kết thúc bài viết này…

“Chắc chắn các độc giả đầu tiên sẽ là những người “cùng chung khúc quân hành” với người kể chuyện. Cuốn sách sẽ đánh thức trong họ ký ức sống động về một cuộc trường chinh dân tộc mà mình là người đã từng tham dự và chứng kiến, qua đó cũng có thể tự hào rằng mình đã có một thời sống đẹp.

Đối với các cháu thanh niên, học sinh, sinh viên, thì cuốn hồi ký này đã ghi lại hành trình cuộc đời của một con người cụ thể từng sống dưới chế độ thực dân thuộc địa, đã được giác ngộ tham gia cách mạng rồi từng bước trở thành cán bộ, đảng viên. Một con đường có đi ắt đến, chỉ duy nhất một yêu cầu: có một tình yêu nồng nàn đối với Tổ quốc”.

Nhớ đến câu thơ của Xuân Diệu trong những ngày đầu Việt Nam độc lập:

          “Tình yêu Tổ quốc như ngọn núi dòng sông

            Đến lúc tột cùng là dòng huyết chảy…”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đọc tuyển tập những tác phẩm của nhà văn, nhà thơ Mai Phương
Đọc tuyển tập những tác phẩm của nhà văn, nhà thơ Mai Phương

VOV.VN - Vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, có một phóng viên đài truyền thanh đất mỏ, thường lặn lội đạp xe lên gửi tin - bài cho Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đọc tuyển tập những tác phẩm của nhà văn, nhà thơ Mai Phương

Đọc tuyển tập những tác phẩm của nhà văn, nhà thơ Mai Phương

VOV.VN - Vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, có một phóng viên đài truyền thanh đất mỏ, thường lặn lội đạp xe lên gửi tin - bài cho Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đọc “Bạn bè một thuở” của Phạm Quang Long
Đọc “Bạn bè một thuở” của Phạm Quang Long

VOV.VN - “Bạn bè một thuở” của Phạm Quang Long là cuốn sách thuộc chương trình” đầu tư sáng tác văn học” của Bộ Quốc phòng nước ta.

Đọc “Bạn bè một thuở” của Phạm Quang Long

Đọc “Bạn bè một thuở” của Phạm Quang Long

VOV.VN - “Bạn bè một thuở” của Phạm Quang Long là cuốn sách thuộc chương trình” đầu tư sáng tác văn học” của Bộ Quốc phòng nước ta.

Đọc bút ký “Cõi học và người thầy” của GS Hà Minh Đức
Đọc bút ký “Cõi học và người thầy” của GS Hà Minh Đức

VOV.VN - GS, NGND Hà Minh Đức là người đầu tiên kể lại tương đối đầy đủ “chân dung các giáo sư ngành KHXH" của nước ta trong bút ký "Cõi học và người thầy".

Đọc bút ký “Cõi học và người thầy” của GS Hà Minh Đức

Đọc bút ký “Cõi học và người thầy” của GS Hà Minh Đức

VOV.VN - GS, NGND Hà Minh Đức là người đầu tiên kể lại tương đối đầy đủ “chân dung các giáo sư ngành KHXH" của nước ta trong bút ký "Cõi học và người thầy".

Đọc “Ánh đèn lò” để hiểu về vùng mỏ Quảng Ninh
Đọc “Ánh đèn lò” để hiểu về vùng mỏ Quảng Ninh

VOV.VN - Đã có nhiều tác giả viết về vùng mỏ Quảng Ninh, nhưng Vũ Thảo Ngọc là nhà văn nữ đầu tiên xuất thân từ thợ mỏ lộ thiên, viết tiểu thuyết về THỢ LÒ.

Đọc “Ánh đèn lò” để hiểu về vùng mỏ Quảng Ninh

Đọc “Ánh đèn lò” để hiểu về vùng mỏ Quảng Ninh

VOV.VN - Đã có nhiều tác giả viết về vùng mỏ Quảng Ninh, nhưng Vũ Thảo Ngọc là nhà văn nữ đầu tiên xuất thân từ thợ mỏ lộ thiên, viết tiểu thuyết về THỢ LÒ.