Loạt bài Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa từ cứ liệu lịch sử:

Đội Hoàng Sa thời phong kiến đã xác lập chủ quyền biển đảo ra sao?

VOV.VN - Đội quân này thay mặt cho Nhà nước phong kiến phát triển thêm lực lượng hải quân, nhằm quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Vào tháng 3 năm nay, PGS.TS Trần Nam Tiến (sinh năm 1976) đã cho ra mắt cuốn sách của mình mang tên “Đội Hoàng Sa trong lịch sử xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam”, do NXB Văn hóa – Văn nghệ phát hành. Đây không phải cuốn sách đầu tiên của ông nằm trong công trình nghiên cứu về lịch sử, khoa học của Việt Nam. Nhưng cuốn sách lần này ra đời thu hút sự chú ý của độc giả trong bối cảnh “nóng” về vấn đề chủ quyền biển đảo. 

Bìa cuốn sách “Đội Hoàng Sa trong lịch sử xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam”

Không chỉ là một nhà nghiên cứu, PGS.TS Trần Nam Tiến còn là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo, đồng thời là giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Phóng viên VOV online đã phỏng vấn PGS.TS Trần Nam Tiến về cuốn sách cũng như về một số vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo hiện tại.

PV: Thưa PGS.TS Trần Nam Tiến, ông có thể tóm lược qua về nội dung chính của cuốn sách “Đội Hoàng Sa trong lịch sử xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam”?Cụ thể, đội Hoàng Sa đã thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo ra sao?

PGS.TS Trần Nam Tiến: Cuốn sách tập trung nói về đội Hoàng Sa, một đội hùng binh rất nổi tiếng trong lịch sử xác lập chủ quyền trên biển của Việt Nam. Nội dung cuốn sách giới thiệu quá trình ra đời và phát triển của đội Hoàng Sa với tư cách là một lực lượng chuyên trách được Nhà nước phong kiến thành lập để thực hiện nhiệm vụ quan trọng được giao lúc bấy giờ, là xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta, đặc biệt là dưới thời các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn. Lực lượng của đội này chủ yếu là những người dân đến từ đảo Lý Sơn, hay còn gọi là Cù Lao Ré. 


PGS.TS Trần Nam Tiến
Đội Hoàng Sa được chúa Nguyễn giao nhiệm vụ ra khai thác ở quần đảo Hoàng Sa rồi sau đó tới Trường Sa, và thay mặt cho Nhà nước phong kiến lúc đó để phát triển thêm lực lượng, nhằm quản lý hai quần đảo. Mục tiêu chính là săn tìm báu vật, khai thác, bảo vệ các quần đảo. Đội quân được phát triển dưới hình thức là bán quân sự để thực thi các nhiệm vụ. Khi nghiên cứu, tôi nhận thấy thấy rằng đây là một hình thức bảo vệ chủ quyền rất đặc sắc của cha ông ta trước đây. Điều đó cho thấy nước ta đã có ý thức xác lập chủ quyền từ rất sớm, đặc biệt với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thông qua đội Hoàng Sa. 

Ngoài ra, cuốn sách còn có những chi tiết quan trọng mà tôi muốn nhắm tới, đó là lực lượng đội Hoàng Sa trong tâm thức của người Việt xưa cho tới người Việt ngày nay. Tôi muốn đặt ra mối liên hệ với thực tiễn hiện nay, để cho độc giả thấy mặc dù là một hình ảnh đã tồn tại trong lịch sử nhưng ý nghĩa và vai trò của họ vẫn còn cho đến tận bây giờ. Qua đó, người đọc có thể tiếp nhận được những kiến thức cơ bản nhất về chủ quyền biển đảo và việc xác lập, thực thi chủ quyền trong lịch sử nước ta.

PV: Ông xuất phát từ ý tưởng nào để viết nên cuốn sách này? Ý tưởng đó đã bắt đầu từ khi nào và thời gian thực hiện kéo dài trong bao lâu?

PGS.TS Trần Nam Tiến: Tôi đã nung nấu ý tưởng về cuốn sách từ năm 2007 – 2008, khi vấn đề biển đảo bắt đầu có tính thời sự. Nhất là từ khi tôi được đảm nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM từ năm 2009, với mục tiêu phát huy kiến thức biển đảo cho người dân, xã hội hóa kiến thức đó, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu các đề tài về biển đảo mang tính phổ thông, và có liên quan cả đến vấn đề xác lập chủ quyền biển đảo. 

Trong đó, tôi rất chú ý đến đội Hoàng Sa. Có thể nói, đây là đối tượng đã được truyền thông, báo chí dành sự quan tâm đến từ trước khi cuốn sách ra đời, nhưng ở thời điểm đó, tôi chưa thấy có công trình nghiên cứu cụ thể nào về đối tượng này, được thể hiện qua sách. Bởi trong bối cảnh Nhà nước phong kiến xác lập chủ quyền của nước ta tại vùng biển, đặc biệt là ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì vai trò của đội Hoàng Sa là chủ yếu và gần như là duy nhất. Đó là lý do thôi thúc tôi viết nên cuốn sách, để có một tập hợp tư liệu mang tính phổ thông nhất về đối tượng này, giúp cho bạn đọc có cái nhìn hiểu rõ hơn về sự ra đời của đội Hoàng Sa cho đến quá trình phát triển và sứ mệnh lịch sử của họ. Đồng thời, để thấy dấu ấn của đội Hoàng Sa trong thời hiện đại này vẫn còn rất lớn. 

PV: Trong quá trình nghiên cứu để viết sách, ông đã thu thập từ các nguồn tư liệu nào, và ông có gặp những khó khăn gì? 

PGS.TS Trần Nam Tiến: Nội dung cuốn sách được tôi nghiên cứu, thu thập từ 3 loại tư liệu cơ bản. Thứ nhất là tư liệu chính thống, từ các bộ sử lớn của nhà Nguyễn vẫn được lưu giữ đến bây giờ như: “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam nhất thống chí”… Thứ hai là tư liệu đến từ các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, thông qua các bài viết, công trình đã công bố từ rất sớm của họ. Thứ ba là loại tư liệu mà tôi cũng đánh giá rất cao ở sự phong phú, đó là nguồn lưu trữ đến từ người dân, đặc biệt là người dân đảo Lý Sơn. Có những sắc phong, sắc chỉ, sắc lệnh được Nhà nước phong kiến ban ra vẫn còn được người dân lưu giữ. 

Những ghi chép về đội Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn nằm trong sách "Đại Nam thực lục"

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là ở việc tập hợp các tư liệu, bao gồm tư liệu lưu trữ và cả các tư liệu mới được công bố. Chưa kể, trong đó còn bao gồm cả những tư liệu chính thức và không chính thức. Thậm chí, có các tư liệu mang nguồn gốc, quá trình lưu trữ và những dấu mốc lịch sử khác nhau nên tôi đã gặp nhiều trở ngại trong việc tìm ra được tư liệu chuẩn xác nhất. Quá trình nghiên cứu có lúc còn bị tạm ngừng vì các tư liệu có nhiều điểm không khớp nhau, phải sưu tầm, tra cứu lại, mất rất nhiều thời gian. Vì thế, tôi đã cố gắng xây dựng và sắp xếp một hệ thống tư liệu hoàn chỉnh. Tôi phải kết hợp việc thu thập các loại tư liệu này cùng quá trình thực địa, nghiên cứu tại các địa phương. 

PV: Là một giảng viên, ông có sử dụng những tư liệu nghiên cứu trong cuốn sách của mình để giảng dạy cho các sinh viên không? Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc tuyên truyền nhận thức vấn đề chủ quyền biển đảo tới sinh viên, cũng như những người trẻ tuổi trong bối cảnh hiện tại?

PGS.TS Trần Nam Tiến: Đây cũng là sự kết hợp mà tôi đặt ra trong quá trình nghiên cứu, tôi vốn phụ trách giảng dạy các vấn đề liên quan đến Việt Nam và quan hệ quốc tế. Do đó, những cuốn sách mà tôi công bố không nằm ngoài mục đích giảng dạy cho sinh viên có thêm kiến thức, giúp sinh viên có cái nhìn tích cực về sự phát triển của Việt Nam xưa và nay, và đặc biệt là các vấn đề biển đảo. Trong quá trình giảng dạy tôi luôn kết hợp, đưa nghiên cứu của tôi vào các bài giảng để cho sinh viên có điều kiện tiếp cận sát hơn, cụ thể hơn để củng cố và mở rộng thêm kiến thức.

Tượng đài đội Hoàng Sa cũng cần được gìn giữ trong lòng những thế hệ sau

Những hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cần thể hiện thêm tính chủ động trong tìm tòi và nhận thức từ các sinh viên, cũng như những người trẻ tuổi. Theo tôi, nhiều bài viết, tuyên truyền, các buổi phát động vẫn còn mang tính một chiều, hầu hết còn bị động. Trong khi tài liệu trên mạng rất nhiều và khó kiểm soát nguồn sẽ khiến những người trẻ tuổi không có sự lựa chọn tư liệu đúng đắn. Vì thế, bên cạnh việc phát huy các kênh thông tin tuyên truyền, chúng ta cần để cho những người trẻ tuổi bày tỏ sự quan tâm, cống hiến của họ thông qua các buổi nói chuyện, diễn đàn… 

Quan trọng là nên đưa họ đến với thực tế sinh động để cảm nhận trực tiếp. Các bạn được nghe nhiều, đọc nhiều nhưng ít người thấy được người dân biển đảo sống như thế nào, bảo vệ Tổ quốc ra sao… Nếu những người trẻ có cơ hội đến Hoàng Sa, Trường Sa, đứng trên mảnh đất quan trọng của quê hương, họ sẽ thấy rõ niềm tự hào và ý thức chủ quyền mạnh mẽ dường nào.

PV: Xin cảm ơn PGS.TS Trần Nam Tiến./.

Đội Hoàng Sa là tên gọi chung của đội tàu hàng hải do chính quyền chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong lập ra từ thế kỷ XVII. Nhiệm vụ ban đầu của đội là hàng năm đi thuyền từ Quảng Ngãi ra các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa để khai thác hải sản, thu nhặt hàng hóa bị trôi dạt vào đảo hoặc từ các tàu buôn bị đắm. 
Đội Hoàng Sa không chỉ hoạt động ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa mà còn kiêm quản các đội khác như đội Bắc Hải ở Trường Sa với nhiệm vụ tương tự. Vì thế, phạm vi hoạt động của đội Hoàng Sa rộng khắp tại các đảo trên biển Đông cho tới các đảo ở phía Nam đất nước. 

Cùng trong loạt bài:
Bài 1: Bản đồ cổ và chính sử Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa
Bài 2: Châu bản triều Nguyễn: Minh chứng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Bài 3: Bản đồ cổ Việt Nam – chứng cứ “thép” về chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa
Bài 4: Sử liệu cổ Việt Nam khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Bài 5: Thế giới đã thừa nhận Hoàng Sa, Trường là của Việt Nam ra sao? 
Bài 6: SGK Trung Quốc thừa nhận biên giới chỉ đến đảo Hải Nam
Bài 7: Nhà nước Phong kiến Việt Nam đã đưa Hoàng Sa vào SKG dạy cho trẻ nhỏ
Bài 8: Clip: Nhà nước Phong kiến Việt Nam dạy trẻ nhỏ về chủ quyền Hoàng Sa thế nào?

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên