Không gian thơ của nhà thơ - nhà báo Trương Hữu Lợi

VOV.VN - Đọc thơ Trương Hữu Lợi sẽ nhận thấy một
hồn thơ vừa dằn vặt, tự vấn mình trước “bến mê” cuộc đời, vừa khao khát
một nhịp cầu yêu thương chia sẻ.

Tiếp xúc với nhà thơ, nhà báo Trương Hữu Lợi sẽ thấy ông hiền, thật hiền. Gần như ông không bao giờ to tiếng, nặng lời với ai. Lúc nào cũng từ tốn, giản dị. Với người không ưa mình, ông thường tránh va chạm. Với người có thể giãi bày, chia sẻ thì ông như trẻ lại trong phong thái cởi mở, vừa ân cần vừa nồng nhiệt. Nếu chạm vào mạch tâm tình, ông sẽ kể say sưa về quãng thời gian học phổ thông ở trường cấp 2 Bắc Lý và cấp 3 Lý Nhân (Hà Nam), về 6 năm học Ngữ văn ở trường Đại học Tổng hợp Loddi (Ba Lan), về hơn 10 năm làm phóng viên nông nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Quãng thời gian nào cũng đầy ắp hoài niệm mà không phải ai cũng có được trong cuộc đời. Trường cấp 2 Bắc Lý - ngôi trường anh hùng nổi tiếng cả nước trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ngày hôm nay vẫn dành một góc lưu niệm mang tên Trương Hữu Lợi - người học trò chăm ngoan, học giỏi từng vinh dự được gặp Bác Hồ. Chính bản thân ông có lẽ cũng không thể ngờ được rằng ngôi trường ấy đã trở thành một huyền thoại (“Huyền thoại Bắc Lý” - hồi ký của nhà thơ Trương Hữu Lợi), là dòng hồi nhớ ngọt ngào nâng đỡ ông trong những năm tháng tha hương, trong những vui buồn xô đẩy kiếp người.

Nhà thơ Trương Hữu Lợi giao lưu với độc giả (Ảnh: Tiền Phong)

Tốt nghiệp đại học, về nước năm 1972 - thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, ông được biên chế về Đài Tiếng nói Việt Nam, trở thành phóng viên nông nghiệp. Vốn xuất thân từ đồng ruộng, nghề nghiệp mới này thêm cơ hội để ông đến với bà con nông thôn, nhất là ở hai tỉnh Hà Nam và Nam Định, nhiều lần thức trắng đêm cùng bà con đi bắt sâu hại lúa, trò chuyện, tìm hiểu cách làm, hướng đi, nguyện vọng của bà con.

Ông là một trong những nhà báo đầu tiên phát hiện ra mô hình khoán sản phẩm trong nông nghiệp ở cơ sở, có nhiều bài viết phản ánh, phân tích, động viên kịp thời, góp phần vào việc ra đời Chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến hình thức khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động”, phát huy tinh thần làm chủ của người nông dân đối với đồng ruộng.

Khoảng thời gian làm phóng viên nông nghiệp đã giúp ông thấm thía rằng người làm báo không chỉ cần trình độ mà còn đòi hỏi sự say mê, lăn lộn với thực tế cuộc sống, không ngừng tìm tòi phát hiện ra những nhân tố mới, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy mà khi chuyển về Ban Văn nghệ của Đài TNVN, nhà thơ Trương Hữu Lợi lại không ngừng tạo nên những nhịp cầu kết nối với thính giả, cộng tác viên, không ngần ngại làm những chương trình tưởng rất đơn giản bình thường như “Văn nghệ thiếu nhi”, “Kể chuyện cổ tích và Hát ru” dành cho các bé tuổi mẫu giáo.

Nhà thơ Trương Hữu Lợi cùng vợ và các cháu

Khi bàn đến những vấn đề liên quan đến nghiệp vụ báo chí, ông trở thành một nhà hùng biện thuyết phục người nghe, không phải ở ngôn từ to tát mà ở sự chân thành trong nét mặt, ngữ điệu, cả độ vang của thanh âm. Nhìn ông lúc đó vừa sâu sắc vừa hồn nhiên, hồn nhiên bởi cách diễn đạt, bởi cách nhìn cuộc sống và con người của ông luôn nồng hậu. Tôi chưa bao giờ nghe ông nói không tốt về ai, dù người đó từng làm ông tổn thương. Lúc vui chuyện, có ai nhắc đến tên, thì ông vui vẻ phụ họa bằng cách lắc mái đầu muối tiêu, vừa chép miệng “tay đó chán lắm”, rồi nhanh chóng nhấp một ngụm trà hoặc rút một điếu thuốc từ bao Souvenir luôn kè kè trong túi áo.

Ông uống trà và hút thuốc lá nhiều, đôi khi không phải do thèm mà như một thói quen. Trà và thuốc lá là bạn của ông trong nhiều đêm mất ngủ vì đeo đuổi một ý thơ. Trở về với thơ, dường như nhà thơ Trương Hữu Lợi được trút bỏ bao nhiêu muộn phiền, bao dè dặt nhiều khi là ẩn ức. Nhưng điều ý nghĩa nhất mà ông nhận được từ thơ, ấy là thơ đã cho ông được sống với khát vọng, thứ khát vọng nồng nhiệt nhen lên từ “Cõi hoang”, “Hoa lạnh”, “Suối quên”.

Cho tôi về bên suối

Đêm rừng xanh lửa cháy bập bùng

Cõi hoang xa trong trẻo thiên đường

Chúng tôi quây quần hát múa dưới trăng

Cho tôi về bên suối

Ngả lòng tay trìu mến bạn bè

Tôi đã đi thanh thản kiếp người

Cho tôi về nơi ấy…

                               Nguồn trong

(Trích bài thơ “Cõi hoang”)

Gầy gò, mảnh dẻ, có phần yếu đuối. Đó là cảm nhận của nhiều người về nhà thơ Trương Hữu Lợi. Nhưng đọc thơ ông thì dường như ấn tượng đó bị thay đổi, hay nói cách khác, con người thơ của ông nặng trĩu suy tư - những suy tư không trói buộc được bằng vần điệu, mong vượt thoát trở thành tư tưởng. Ông trăn trở về ý nghĩa của sự tồn tại, về cái giá mà con người phải trả dọc hành trình tìm kiếm văn minh. Không phải ngẫu nhiên mà trong tập thơ “Hoa lạnh”, ông có hai câu đề từ:

Người thơ tâm thành sám hối

Trước những thánh thần lầm lũi ngày đêm

“Thánh thần” trong thơ Trương Hữu Lợi không phải đấng siêu nhiên có quyền lực huyền bí như thế nào. “Thánh thần” chính là nhân dân, là bao người lao động vô danh trong cuộc đời. Tự thân ông luôn cảm thấy có lỗi vì chưa làm được gì nhiều cho họ. Thơ cũng chỉ là “bướm thơ” xa lạ với công chúng.

Tìm gì cho mình

Một đời lặng lẽ

Bóng ai sấp ngửa

Cát bụi mùi trời

Cuộc đời khép mở

Nẻo về xứ quên

(Trích bài thơ “Nẻo về xứ quên”)

“Xứ quên”, “đêm thiêng”, “cõi hoang”, “rừng xanh nguyên sơ”…là những không gian mà người thơ Trương Hữu Lợi hơn một lần tìm kiếm, sáng tạo. Ông khao khát được sống trong một thế giới thuần khiết, thể giới của ban đầu và mãi mãi. Ở đó, con người được hồn nhiên cởi bỏ những chiếc mặt nạ, những đồ vật vướng víu ngụy trang.

Nơi ấy

Không sang hèn

Không kẻ giàu, người khó...

 

Nơi ấy

không quỷ, thần

bình minh ấp hoàng hôn

những linh hồn thanh sạch

những cuộc đời tái sinh…

(Trích bài thơ “Nơi ấy”)

Có lẽ vậy nên ông luôn nâng niu những phút giây bình yên của tình yêu, tình vợ chồng, tình cha con.

Nắng nhạt, chiều rồi, em ơi

Ngọn gió ngả vai anh mà ngủ

Một phút êm đềm rồi thôi…

(Trích bài thơ “Nắng nhạt, chiều rồi, em ơi”)

“Êm đềm”, “lơ phơ”, “mong manh”, “mỏng mảnh”, “run rẩy”…là những từ thường gặp trong thơ ông. Rồi “giọt”: giọt sương mai, giọt yêu thương, giọt hồng, giọt khát… Và còn nữa là “vòng tay nhỏ”, “bàn tay yêu”, “góc bình yên”…

Đọc thơ Trương Hữu Lợi sẽ nhận thấy một hồn thơ vừa dằn vặt, tự vấn mình trước “bến mê” cuộc đời, vừa khao khát một nhịp cầu yêu thương chia sẻ, dẫu nhịp cầu ấy có mong manh và nhiều trắc trở. Ông cần đến thơ như một điểm tựa để con ngựa gầy không khát gục giữa bờ đau, để tiếng hót của chim xanh vượt thoát khỏi nan lồng. Và thơ cũng là một người tình trong quan niệm về tình yêu của người thơ Trương Hữu Lợi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chùm thơ Xuân Ất Mùi 2015
Chùm thơ Xuân Ất Mùi 2015

VOV.VN xin trân trọng giới thiệu chùm thơ Xuân gồm 3 bài của tác giả Nguyễn Chu Nhạc.

Chùm thơ Xuân Ất Mùi 2015

Chùm thơ Xuân Ất Mùi 2015

VOV.VN xin trân trọng giới thiệu chùm thơ Xuân gồm 3 bài của tác giả Nguyễn Chu Nhạc.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói về thời đại của văn blog và facebook
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói về thời đại của văn blog và facebook

VOV.VN - Blog, Facebook cũng có thể được xem như những trang báo tư nhân. Mà loại báo này lại có lượng người đọc rất lớn, có thể “phát hành” trên toàn cầu.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói về thời đại của văn blog và facebook

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói về thời đại của văn blog và facebook

VOV.VN - Blog, Facebook cũng có thể được xem như những trang báo tư nhân. Mà loại báo này lại có lượng người đọc rất lớn, có thể “phát hành” trên toàn cầu.

Đêm thơ quốc tế Hạ Long
Đêm thơ quốc tế Hạ Long

VOV.VN - Đêm thơ là dịp để hoà mình cùng tiền nhân và những vần thơ mới ra đời từ cảm xúc hôm nay trong giai điệu bạn bè

Đêm thơ quốc tế Hạ Long

Đêm thơ quốc tế Hạ Long

VOV.VN - Đêm thơ là dịp để hoà mình cùng tiền nhân và những vần thơ mới ra đời từ cảm xúc hôm nay trong giai điệu bạn bè

Khai mạc hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3
Khai mạc hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3

VOV.VN - Việc chủ động hội nhập văn học được coi như nguyên tắc của sự phát triển và không bị gián đoạn, ngay cả trong thời kì chiến tranh.

Khai mạc hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3

Khai mạc hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3

VOV.VN - Việc chủ động hội nhập văn học được coi như nguyên tắc của sự phát triển và không bị gián đoạn, ngay cả trong thời kì chiến tranh.