Nghe đọc truyện "Cơm vua"

Truyện ngắn của tác giả Đỗ Viết Nhiệm, phát sóng ngày 4/9/2013 trên VOV2

Người tôi như đông cứng, giống như ai đã ép quanh mình bằng những cây nước đá lạnh buốt đến tận xương. Ả ra đi khỏi phòng trong bộ áo dài màu tím, với cái xắc đầm màu da cá sấu quai dài đong đưa bên hông, dáng đi uyển chuyển kiêu sa. Nhìn theo ả mắt tôi bỗng thấy cay cay...

Tôi và nó cùng quê, chơi với nhau lúc mũi còn thò lò, lớn lên cùng học sắp hết cấp ba, tôi đi bộ đội rồi vào Nam chiến đấu. Nó ở lại tiếp tục học, lý do gì tôi không rõ, lần về phép đầu tiên sau chiến tranh tôi tới thăm gia đình nó (Cha nó lúc bấy giờ là một cán bộ lãnh đạo cấp huyện) và được biết, nó đã tốt nghiệp đại học xây dựng hiện đang đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Nghe vậy, tôi rất mừng.

Tôi trở lại đơn vị rồi được cấp trên quan tâm, giới thiệu vào trường văn hoá quân khu ôn luyện để thi đại học. Chiến tranh kết thúc, thần chết không kéo nổi tôi đi, nhưng thân thể thì chẳng còn nguyên vẹn. Đó là lý do vì sao để tôi chọn nghề sử học. Thế là tôi và nó cứ như hai kẻ chạy Maraton về hai

Đầu năm nay, tôi từ Đà Nẵng ra Huế để nghiên cứu bổ sung vào bản báo cáo khoa học về lịch sử các triều đại chúa Nguyễn. Một buổi chiều chạng vạng từ thành nội bước ra tôi đang miên man trong dòng suy tưởng, bỗng nghe một tiếng kít đột ngột, bỏng rát vang lên. Tôi rùng mình sực tỉnh. Cách tôi chừng hai thước, một chiếc xe hơi Toyota đời mới cáu cạnh đứng lù lù trước mặt. Có tiếng tiếng chửi tục ai đó văng ra ác nghiệt rồi cánh cửa bật mở, những người ngồi trong xe đều nhảy xuống. Gã tài xế mặt đỏ rần rần chồm lên như con báo sấn lại gần tôi, đưa cánh tay gân guốc nổi cuồn cuộn vung cao. Tôi chợt nghĩ, “chắc chắn mình sẽ nhận một cú đấm”. Thật may, đúng lúc đó có tiếng ai vang lên, giọng nghe quen quen “dừng lại!”. Rồi người ấy bước lại bên tôi, ánh mắt nhìn săm soi vẻ tự tin lắm.

- Mẹ kiếp … Trọng phải không?

Tôi ngỡ ngàng đến lạnh người. “Đúng nó rồi”. Ngày trước nó nhỏ thó đen đúa đến quê mùa, còn bây giờ dù nó to lớn như tây nhưng không thể nào nhầm lẫn được. Nó giống mẫu người ngoài trái đất, trong các phim viễn tưởng mà tôi đã từng được xem. Đầu to, trán dô, mắt hơi lồi, cái miệng rộng thừa thãi.

- Trời … Trọng đây. Tân hả?

Nó nhấc bổng tôi lên, tôi như đứa trẻ trong vòng tay hộ pháp của nó. Thật không ngờ, không ngờ đến kỳ quặc! Người tài xế ban nãy hung hăng là thế, bây giờ trông cậu ta nem nép rụt rè đến thảm hại. Mặt đờ ra xanh lét như đít nhái, cứ xuýt xoa xin lỗi. Tôi định nói với cậu ta, chính tôi mới là người có lỗi, còn Tân đã bảo “chuyện vặt”. Mọi người rộ lên cùng cười, cái cười như một nhịp cầu nối giữa tôi và họ. Rồi Tân nói như ra lệnh.

- Lên xe!

Tôi không hiểu xe sẽ đi về đâu, sợ anh em phải chờ, nên nói với Tân:

- Mình chưa báo với cơ quan nơi tạm trú.

- Mặc xác cậu . - Tân nháy mắt nhìn tôi và nói tiếp:

- Mình chỉ trả cậu về, khi cậu say bí tỉ.

Tân cười, một điệu cười thật sung mãn. Tân đẩy tôi lên xe và cánh cửa khép lại, nghe nhẹ nhàng như một tiếng phủi áo. Chiếc xe lao đi, rẽ phải qua cầu Tràng Tiền rồi lại rẽ trái. Phố phường đã sáng đèn, nhà hàng mọc lên như nấm với đủ loại bảng hiệu quảng cáo mời chào. Trên dòng sông Hương, lác đác vài ba chiếc thuyền được chế tác hình con rồng màu mè sặc sỡ, có khách đi sớm đã phành phạch tiếng máy rẽ nước ngược Phú Văn Lâu, hướng về phía chùa Thiên Mụ.

Tôi là thằng “ăn theo” ngoài kế hoạch, nhưng Tân là “Sếp” nên mọi người bắt đầu nhìn tôi bằng con mắt nể trọng và cũng từ giờ phút ấy, tôi đi với tư thế là một thượng khách. Mười lăm phút sau, chiếc xe đỗ xịch trước một Hotel loại xịn cao tới mười tầng, nhưng kiểu kiến trúc không giống ai sấc, nửa tây nửa ta. Nhìn từ xa, toà nhà y như mọc lên từ mặt sông. Một tháp ánh sáng lung linh đổ trên mặt nước. Tôi thận trọng đếm trong đầu, phải bước lên chín bậc để vào được phòng lễ tân. Đường có trãi thảm đỏ, không gian bừng sáng như buổi tiếp đón các nguyên thủ quốc gia. Tôi cứ tưởng chỉ từng ấy người trong đoàn của Tân, nhưng không, còn một chục khuôn mặt lạ hoắc đã chờ ở đó. Người nào trông cũng tốt mã, cái bụng chồm chỗm phía trước, giống như đàn bà có chửa tới năm sáu tháng. Tân lễ phép xin lỗi vì sự chậm trễ, rồi tất cả lần lượt bước vào thang máy. Thoáng một cái, chúng tôi đã lên tới tầng mười sân thượng. Một “mê cung”, còn theo cách gọi bây giờ là một “RESTAURANT” sang trọng. Cửa vào hình vòm, có hai chàng lính tốt đỏ cầm giáo đứng canh. Vào trong một không gian khá rộng, mọi thứ được sắp đặt theo trật tự truyền thống. Thế giới như bị đảo lộn về thời gian. Những nét văn hoá cổ xưa được thể hiện gần như tất cả ở đây. Những hàng cột màu sơn đỏ như máu người chết, làm nổi bật hình các con rồng màu vàng tươi, uốn lượn, ẩn hiện như đang bay. Những bức họa tả cảnh sinh hoạt của thần dân. Một chuyến công cán của các quan triều. Một cuộc săn bắn của vua tôi. Một tiệc rượu vịnh thơ bên hồ sen và cảnh các vũ nữ đang múa hát … Các cửa ra vào đều treo đèn lồng rất đẹp. Ngoài kia, dưới trời sao có thể coi đó là một vườn thượng uyển. Những cây đại thụ thấp bé, tán tầng cao thấp, mỗi cây chứa đựng một hàm nghĩa triết lý sâu sắc không sao kể xiết. Vinh quy bái tổ, Phúc Lộc Thọ, Bảo mẫu … tới long chầu, hổ phục … Đồ sành sứ cũng đa dạng, với nhiều màu men, làm ta liên tưởng tới sự thịnh hành cách chơi qua các triều đại xưa. Vàng da lươn, xanh lam, xanh lục, hoạtiết đủ loài muông thú, hoa lá xanh tươi. Đứng ở đây, ngỡ mình đang trên thượng giới, dưới kia là trần gian. Tân lấy làm hãnh diện khi chọn nơi này để đãi khách. Cứ nhìn sắc mặt tươi hơn hớn của Tân là tôi biết. Tân lên tiếng. “Dạ, thưa các vị. Thật lấy làm vinh hạnh cho công ty xây lắp và kiến thiết cơ bản Đại Lợi chúng tôi. Một công ty có bề dày gần hai chục năm lăn lộn với thị trường, chúng tôi đã thi công bao nhiêu công trình nổi tiếng đòi hỏi kỹ thuật cao. Uy tín của công ty chẳng những trong nước, còn vươn ra nước ngoài ở Lào và Campuchia. Có được điều ấy, là nhờ chúng tôi có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo năng động và các chuyên gia cao cấp. Ở tận Sài Gòn đã nghe quý danh các vị từ lâu, nay ra Huế mới có dịp gặp nhau. Vâng, đúng như vậy, cơ chế mới làm cho chúng ta nhanh chóng hội nhập, tôi tin sự hợp tác của hai bên khởi đầu tốt đẹp và lâu dài bền vững”. Nói tới đây nó dừng một lát, môi khẽ nở nụ cười ý vị đưa ánh mắt nhìn sang đoàn chúng tôi, rồi lần lượt Tân giới thiệu. Những khuôn mặt no tròn và nở căng như quả bóng gật gù, chìa cánh tay mũm mĩm cho nhau bắt. Đứng cạnh tô là vị giám đốc phía bên đối tác có đôi mắt lươn hấp háy, khi biết tôi là nhà viết sử, gã thổ lộ: “Ồ … thật thú vị, một sự trùng phùng hiếm có”. Khẩu khí ban đầu của Tân có sức hấp dẫn lạ lùng mà trong nghề làm sử tôi ít được nghe, được biết. Đúng vậy, và Tân đã bắt đầu bằng một chương mới. Nó hèm một tiếng lấy giọng, đôi mắt sáng ngời bay bổng như một thi sĩ. “Đã lâu rồi đến với Huế mộng mơ”. “Cái thằng lém lỉnh và láu lia như cuội”. Tôi chợt nghĩ. Tân tiếp: “Vâng, thật mộng mơ. Huế thật tuyệt vời. Hôm nay xin quý vị, hãy trút bỏ cái hiện tại để trở về với quá khứ thần tiên. Xin mời quí vị cùng dự bữa “Cơm vua”. Tiếng vỗ tay rần rần hưởng ứng. Ngay lúc đó từ trong phòng bên hơn chục tiếp viên trang phục tỳ nữ diêm dúa bước ra, môi son nét ngài, mỗi người trên tay bê một chồng áo mão dâng lên. Một tỳ nữ lên tiếng, “dạ xin mời” nghe ngọt lịm, như ta vừa thưởng thức một chút mật ong rừng thứ thiệt. Mỗi người chúng tôi lấy một bộ. Trang phục kiểu cổ, áo rộng thùng thình, trước áo đều có chữ “vạn”,  người có chữ “thọ”, đầu đội khăn đóng. Trong chốc lát mọi người đã trở thành những ông quan văn, quan võ, thuộc dòng dõi “hoàng thân quốc thích” của nhà vua. Ôi, thật là một cảnh sống động hiển hiện ngay trước mắt tôi, mà bao nhiêu năm làm nghề viết sử tôi chỉ loay hoay đi tìm trên những phiến đá, mảng tường, trang viết giấy đã ố vàng nhạt nhòa bút tích vì thời gian. Những ông quan già đẹp mê hồn, bởi cái núc ních thường nhật hoá ra lại rất hợp với bộ cánh quan triều đang mặc. Chỉ tội cái thân tôi, nó lạc lõng như chiếc gậy tre, khoác trên mình túm vải loè xoè giống một cái hình nộm ngoài đồng mà người quê tôi vẫn làm để dọa các loài chim, chuột, vào mùa lúa chín. Rồi tiếng nhạc cổ vang lên. Tiếng leng reng của loại chuông kiệu vọng ra. Giọng ai đó cất lên đặc sệt chất Huế, “Hoàng thượng giáng lâm”. Vua và Hoàng hậu xuất hiện. Một hình ảnh như thật, oai phong lẫm liệt mà ta thường thấy trên sân khấu tuồng. Vua mặc áo bào, mang giày cửu. Sau vua là Hoàng hậu áo dài gấm thướt tha lấp lánh ngọc ngà châu báu, lược dắt, trâm cài, chân đi giày cườm. Tiếp nữa là một đoàn tuỳ tùng hộ giá, người cầm lộng che, kẻ cầm quạt lông công phe phẩy. Chúng tôi cúi chào, nhường lối cho nhà vua đi trước, rồi nhập đoàn cùng tiến vào đại sảnh.

Phòng “Yến” bàn ghế được sắp đặt theo hình chữ U (toàn đồ cổ), Vua và Hoàng hậu ngồi ở phía trước, hai bên có lính bảo vệ, tôi tớ phục vụ đứng phía sau, góc phải là ban nhạc cung đình. Hai bên tả hữu là các quan triều. Khi nhà Vua và các quan đã yên vị, “Mệ” với cương vị là quan đầu triều đang ở tuổi hồi xuân, son phấn làm cho Mệ trẻ lại đến vài ba tuổi. Mặt Mệ tươi hơn hớn, cuí chào Hoàng thượng, Hoàng hậu, rồi quay sang các quan lên tiếng: “Thưa chư vị, đất kinh thành vốn nổi tiếng với các món ăn, bằng tài nghệ tuyệt vời của các bậc cao niên từng phục vụ lâu năm cho Hoàng thượng, đã biến các sản vật bình thường trong thiên hạ đâu đâu cũng có, thành các món bổ dưỡng ngon về chất vị, đẹp về thẩm mỹ mà không nơi nào sánh kịp. Nay nhân tiết trời mát mẻ chuyển từ hạ sang xuân, nghĩ tới công lao của các vị vì sơn hà xã tắc, Hoàng thượng cùng Hoàng hậu mở yến tiệc ban thưởng. Thật không có gì vinh hạnh cho bằng, mời các vị nâng ly cạn chén”. Mệ vừa dứt lời, một đoàn tỳ nữ xiêm áo như tiên từ trong bước ra tay cầm bình tửu, đến bên bàn từng vị quan triều nghiêng người rót rượu. Đó là thứ rượu “Minh Mạng thang” có cách đây hơn một trăm năm, rượu màu hồng nhạt, hương thơm nưng nức, dùng để khai vị. Rượu đầy, Vua cùng Hoàng hậu nâng ly “mời các khanh”. Các quan triều lễ phép nâng ly hướng về Hoàng thượng hô “vạn tuế, vạn vạn tuế”. Mọi người nhấp môi. Ban nhạc bắt đầu dạo khúc tứ đại cảnh, tiếp theo là hò mái nhì, hò giã gạo …

Mệ quan đầu triều, điều khiển đoàn tỳ nữ phục vụ theo thực đơn nem công, chả phượng, tôm phích bột, ba ba hấp thuốc bắc, chim câu hầm sâm, heo sữa quay, súp yến, … Các tỳ nữ mặt còn non choẹt, nhưng được Mệ huấn luyện công phu đi đứng thướt tha như đàn bươm bướm.

Cứ thế, hết rượu ta đến rượu tây chính hiệu Napoleon của Pháp. Các món ăn ê hề thừa bứa, mặt bàn như chiến trận ngổn ngang các vật dụng. Gió tạt từ dòng Hương Giang thổi vào mát rượi của đêm đất cố đô xưa huyễn hoặc. Một vài thân hình liêu xiêu, nhão nhoẹt. Những “ông quan” có tửu lượng kha khá chụm đầu vào nhau to nhỏ, gật gù đắc ý. Buổi tiệc yến kéo dài tới gần bốn tiếng đồng hồ, ban nhạc cổ dường như đã rã rời khi dạo lại khúc tứ đại cảnh. Hoàng thượng che miệng khẽ ngáp, mắt lim dim gần như muốn ngủ. Đã đến lúc phải kết thúc. Mệ quan đầu triều đứng dậy, cung kính mời các quan phát biểu “cảm tưởng”. Mọi người nhìn nhau cùng đứng dậy, hô “Hoàng thượng vạn tuế”. Tiếng chuông lại leng reng và tiếng quan hộ giá vang lên “Hoàng thượng hồi trào”.

Tân, thả tôi vào một phòng Hotel cách đấy không xa. Tôi ngủ lịm đi tới sáng. Bỗng tôi giật mình, nghe tiếng nước chảy từ trong phòng tắm vọng ra, tiếng nước xè xè vẻ ấm ức, lúc nhanh lúc chậm. Tôi cảm nhận có người đang ở trong đó. Tôi đoán: “Chắc là Tân”. Tôi yên trí như vậy. Chỉ có cậu ta mới đưa tôi về đây. Cậu ta muốn “nhốt” tôi cho chắc chắn, vì cả hai gặp nhau nhưng chưa nói được điều gì. Buổi sáng trời se lạnh, tôi lười nhác chưa vội tung chăn, toàn thân ê ẩm “ngấm đòn” tối qua. Công việc của tôi, quỹ thời gian tại Huế còn rất ít. Nhưng không sao, tôi có thói quen khi tinh thần thanh thoát thì năng lực sáng tạo càng trở nên phi thường, mọi rối rắm dù khó tới đâu tôi đều thực hiện chỉ trong chốc lát. Thế là tôi chờ đợi. Tôi kéo chăn lên cao định ngủ thêm chút nữa, nhưng lòng chộn rộn không tài nào ngủ được. Tôi nhổm dậy, nói vọng vào:

- Sao dậy sớm thế hả? - Tiếng nước ngừng chảy, một giọng cười e é vọng ra. Cửa phòng tắm bật mở. “Trời ơi, cái gì thế này”. Mắt tôi loè nhòe như nhìn qua cửa kính. Một pho tượng khoả thân di động đang bước lại gần tôi, miệng tủm tỉm cười.

- Thiếp đây.

- Thiếp nào?

- Ứ ừ . Lại còn thiếp nào nữa? Hỏi vậy thiếp buồn chết … Thiếp có nhiệm vụ phục vụ “Đại quan”.

- Quan nào?

- Ôi “chàng”, quên thiếp rồi sao? Đêm qua chàng đi dự yến về phải không? Thiếp được lệnh chăm sóc chàng, nhưng chàng thực quá nhiều tửu để thiếp buồn thâu đêm, bây giờ thiếp bắt đền chàng đấy.

Nói rồi, cái thân thể nồng nỗng cứ thế đổ sụp xuống, tụp hụp vào mặt tôi. Thì ra thế, tôi đã hiểu. Chẳng nhẽ thằng Tân … Tôi đẩy ả và định vùng dậy. Nhưng khốn nạn quá, người tôi trần truồng như nhộng. Tối qua tôi say đến nông nổi này sao? Tôi vơ vội cái chăn chặn về phía trước, còn ả nhìn tôi cười rũ rượi.

- Cô cút đi, để tôi…

- Anh cho em về? - Ả đổi giọng “tỳ thiếp” bằng từ “em” một cách sống sượng.

- Đúng, cô đi ngay cho tôi nhờ.

- Thanh you! Bye bye!

- Dừng lại!

- Chịu hả?

- Không.

Tôi lần trong túi áo ném cho ả năm mươi ngàn đồng tiền xanh. “Ố, tiền”. Ả cầm năm mươi ngàn đồng trên tay ngắm nghía, lật qua lật lại, tưởng như ả chưa từng nhìn thấy tiền bao giờ, rồi ả phá lên cười. Một cái cười khinh bạc, mỉa mai, tôi nghe như xối vào óc. Bỗng bất ngờ, ả vo tròn tờ năm mươi ngàn ném vào mặt tôi, viên bạc nhỏ tí tròn như viên bi, nhưng cảm giác nó nặng bằng một hòn đá tảng đè lên ngực tôi đến ngẹt thở. Ả lại cười, nhưng nước mắt ả trào ra rơi lả chã. Nhìn ả, trái tim tôi thắt lại thấy mình như người có lỗi. Ý nghĩ đó chợt làm tôi bừng tỉnh, nhận ra mình thật tầm thường, lâu nay tôi cứ mặc cảm “tất cả cái lũ người như ả đều là thứ thối tha”. Thì ra, không phải hoàn toàn như thế. Ả vơ vội áo quần mặc vào, rồi vừa đi vừa nói:

- Ông cũng là một tên quan triều mạt hạng. Ông Tân đã thanh toán với tôi hôm qua.

Người tôi như đông cứng, giống như ai đã ép quanh mình bằng những cây nước đálạnh buốt đến tận xương. Ả ra đi khỏi phòng trong bộ áo dài màu tím, với cái xắc đầm màu da cá sấu quai dài đong đưa bên hông, dáng đi uyển chuyển kiêu sa. Nhìn theo ả mắt tôi bỗng thấy cay cay. Ả lại bắt đầu một ngày mới, có điều, chắc chắn cái nghề không bao giờ ả muốn nhưng số phận lại bắt ả phải dấn thân vào.

Tôi nhảy khỏi giường, mặc vội bộ đồ nhàu nát còn vương mùi chốn lạc tiên. Tôi bổ nhào ra cửa định đi tìm Tân. Nhưng tìm nó ở đâu? Tôi bả lả quay vào gieo mình xuống chiếc ghế sô pha cạnh giường, đầu tôi như muốn vỡ tung ra nhiều mảnh. Đang bế tắc, tôi sực nhớ trong phòng có máy điện thoại. “Đúng rồi, tôi sẽ gọi hỏi phòng lễ tân”. Nhưng khi tôi chưa kịp cầm tổ hợp, bỗng tiếng chuông đã vang lên và bên kia đầu dây, giọng Tân óng mượt trườn qua nghe rõ mồn một.

- Hello! Trọng đấy phải không? Trước hết xin lỗi cậu, tối hôm qua khi về đến khách sạn thì cậu đã say bí tỉ, nên Tân nhờ người ở lại chăm sóc giúp mình. Sáng nay định gọi cậu cùng đi ăn sáng nhưng nghĩ chắc cậu còn mệt, để cậu ngủ thêm rồi ăn sau. Mình phải đi làm việc, vì kế hoạch hai bên đã bàn. Xin báo để cậu mừng, sáng nay sẽ là một ngày rất quan trọng của công ty mình. Tân chính thức ký được hợp đồng thi công xây dựng một nhà máy mới, có giá trị đầu tư gần trăm tỷ đồng. Cái thằng cha mập lùn mắt lươn, ngồi gần cậu tối hôm qua trong tiệc yến cậu còn nhớ không? Hắn ta là một con cáo già đấy! Nhưng mình đã giăng bẫy, hà hà … và bẫy đã sập. Hãy tha lỗi cho tội bất nhã của Tân nhé. Cậu cứ yên tâm nghỉ ở đấy. Tối nay chúng ta sẽ đi du thuyền vãn cảnh sông Hương.

Thì ra thế. Người tôi mồ hôi tóa ra rìn rịn. Tôi thảng thốt gào lên trong máy.

- Không, không … cậu là thằng …

- Trọng, cậu hãy bình tĩnh nghe mình nói đây. Cậu là người từng trãi qua chiến tranh, cậu hiểu thế nào là giá trị đích thực của từng giọt máu đã đổ. Còn bây giờ, cậu có thể lỳ đi vì quá khứ, nhưng hãy coi chừng nếu cậu xảy chân trong hiện tại thì cậu sẽ ân hận suốt đời trong tương lai. Cậu rất đa cảm trước mỗi số phận éo le của những cuộc đời. Mình đã nhận ra ở cậu điều đó và thật hạnh phúc vì còn có được một người bạn như cậu. Nhưng, cậu hiểu cho hành động của mình chỉ là bắt buộc.

- Vì sao?

- Đơn giản chỉ là sự tồn tại.

- Như trên chiến trường?

- Gần như thế.

- Không còn cách nào khác?

- Không. Hãy tha lỗi cho mình. – Tiếng Tân thì thầm. – Rồi đến một lúc nào đó những trò ma mị ấy sẽ chấm dứt. Nhưng lúc này, mình cần phải làm như vậy. Chỉ mong cậu hiểu là đủ. Tân cũng chẳng vui sướng gì trong cuộc múa may này.

Tôi lặng đi một lát, rồi nói với Tân.

- Hãy lo cho công việc của cậu và cố giữ mình!

Tôi cúp máy, người rã rời hụt hẫng. Tôi như rơi tõm vào giữa đại dương mênh mông. “Mẹ kiếp, chẳng nhẽ lại thế này sao? Vì sự tồn tại của một công ty người ta có thể làm tất cả? Rồi mai đây cứ cái vết trượt ấy?”.

Tôi bước đến bên cửa sổ, nhìn ra xa, bên kia dòng Hương Giang là khu đại nội.  Một thời có những ông vua./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Góc nhìn Trung Quốc, Hoa Kỳ qua sách mới "Lý Quang Diệu"
Góc nhìn Trung Quốc, Hoa Kỳ qua sách mới "Lý Quang Diệu"

VOV.VN - Cuốn sách trình bày những nhận định thấu đáo của ông Lý Quang Diệu về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới.

Góc nhìn Trung Quốc, Hoa Kỳ qua sách mới "Lý Quang Diệu"

Góc nhìn Trung Quốc, Hoa Kỳ qua sách mới "Lý Quang Diệu"

VOV.VN - Cuốn sách trình bày những nhận định thấu đáo của ông Lý Quang Diệu về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới.

Nhà văn Thái Lan giới thiệu sách tại Việt Nam
Nhà văn Thái Lan giới thiệu sách tại Việt Nam

VOV.VN - Nhà văn Thái Lan Prabhassorn Sevikul vừa có buổi giới thiệu sách tại Hà Nội nhân dịp ra mắt tự truyện mang tên “Chai thời gian”.

Nhà văn Thái Lan giới thiệu sách tại Việt Nam

Nhà văn Thái Lan giới thiệu sách tại Việt Nam

VOV.VN - Nhà văn Thái Lan Prabhassorn Sevikul vừa có buổi giới thiệu sách tại Hà Nội nhân dịp ra mắt tự truyện mang tên “Chai thời gian”.

 Ra mắt bộ sách “Những truyện hay viết cho thiếu nhi”
Ra mắt bộ sách “Những truyện hay viết cho thiếu nhi”

VOV.VN - Độc giả sẽ được gặp lại những tác phẩm đồng thoại trong kho tàng sách văn học dành cho thiếu nhi.

 Ra mắt bộ sách “Những truyện hay viết cho thiếu nhi”

Ra mắt bộ sách “Những truyện hay viết cho thiếu nhi”

VOV.VN - Độc giả sẽ được gặp lại những tác phẩm đồng thoại trong kho tàng sách văn học dành cho thiếu nhi.

Trần Lập ra tự truyện về mảng tối của nhạc Rock
Trần Lập ra tự truyện về mảng tối của nhạc Rock

VOV.VN - Trong cuốn tự truyện “Bên kia Bức Tường”, Trần Lập đã kể lại câu chuyện chân thật về những ngày tháng rong ruổi với nhạc Rock.

Trần Lập ra tự truyện về mảng tối của nhạc Rock

Trần Lập ra tự truyện về mảng tối của nhạc Rock

VOV.VN - Trong cuốn tự truyện “Bên kia Bức Tường”, Trần Lập đã kể lại câu chuyện chân thật về những ngày tháng rong ruổi với nhạc Rock.

GS Ngô Bảo Châu ra mắt 3 tựa sách trong “Cánh cửa mở rộng”
GS Ngô Bảo Châu ra mắt 3 tựa sách trong “Cánh cửa mở rộng”

VOV.VN - “Cánh cửa mở rộng” là sự kết hợp giữa GS Ngô Bảo Châu và NXB Trẻ để đem đến những tựa sách ý nghĩa cho bạn đọc.

GS Ngô Bảo Châu ra mắt 3 tựa sách trong “Cánh cửa mở rộng”

GS Ngô Bảo Châu ra mắt 3 tựa sách trong “Cánh cửa mở rộng”

VOV.VN - “Cánh cửa mở rộng” là sự kết hợp giữa GS Ngô Bảo Châu và NXB Trẻ để đem đến những tựa sách ý nghĩa cho bạn đọc.

Nhà văn Di Li: "Hành tung của tôi nhuốm màu trinh thám"
Nhà văn Di Li: "Hành tung của tôi nhuốm màu trinh thám"

VOV.VN -“Không có thể loại văn học nào tạo được cho tôi cảm xúc, ngoài truyện trinh thám” - nhà văn Di Li chia sẻ.

Nhà văn Di Li: "Hành tung của tôi nhuốm màu trinh thám"

Nhà văn Di Li: "Hành tung của tôi nhuốm màu trinh thám"

VOV.VN -“Không có thể loại văn học nào tạo được cho tôi cảm xúc, ngoài truyện trinh thám” - nhà văn Di Li chia sẻ.