Nọc rắn

Truyện ngắn của Lê Minh Nhựt

Tôi không có tên hay tôi cố tình không có tên, thì cũng vẫn vậy. Từ đầu xóm trên đến cuối xóm dưới mọi người đều réo cái nghề cha truyền con nối của gia đình tôi ra để gọi thay cho tên họ: thằng cắm câu cá lóc. Cha tôi là thằng cắm câu cá lóc cha, còn tôi là thằng cắm câu cá lóc con. Vì thế, lâu ngày tên họ cũng tự dưng bỏ chúng tôi mà đi. Có hề chi!

Ngày cha tôi mất, lúc hấp hối bà con láng giềng túm tụm lại hỏi: ông còn trăng trối lại điều gì thì nói để tụi tui nhắn lại với thằng con? Cha tôi lúc đó đờm đã chẹn ngang họng, còn hơi sức đâu để mà nói nữa. Chỉ nhướng con mắt lên gác bếp rồi “đi” luôn. Lúc tôi đi thăm câu về, nghe thuật lại thì tôi biết ông muốn nói điều gì: trên gác bếp còn khoảng một trăm cần câu cắm cá lóc mà cha tôi vừa vót xong chưa kịp căng nhợ, túm lưỡi câu. Cái nhìn ứ nghẹn của cha tôi là bản di chúc, còn mớ cần câu kia là tài sản để lại mà tôi là kẻ thừa kế hợp pháp nhất.

Cái chết của cha tôi quá đột ngột, chẳng ai rõ nguyên nhân nên mặc sức mạnh người nào người nấy thêu dệt tùy theo trí tưởng tượng của mình. Kẻ thì bảo: cha tôi là kẻ phá sơn lâm đâm hà bá, không có nghề nào mà không từ. Cái nghề cắm câu cá lóc ban đêm đã dẫn cha tôi đạp lên vô số gò hoang mả lạng nên bây giờ cô hồn các đảng bám theo báo oán. Người thì lập luận mang tính “khoa học” hơn một chút: chắc là thằng chả móc lưỡi câu trúng tay nhiều lần nên bị phong đòn gánh giựt….

Riêng tôi, sau khi đám ma ông xong được vài ngày thì phát hiện có mùi hôi thối bốc ra đâu đó trong nhà. Ban đầu cứ ngỡ là khi tẩm liệm, người ta bỏ quên một phần nào đó của ông lại nhưng khi tìm kiếm quanh quất hồi lâu tôi phát hiện ra cái bao đựng lúa cột chặt miệng ở dưới sàn. Mùi thối phát ra từ nó. Khi mở miệng bao ra thì thấy trong đó xác một con rắn hổ mang trương phình lên đang bắt đầu giai đoạn phân hủy. Tôi lại nhớ chiều hôm đó ông ước ao phải chi bắt được một con rắn hổ chừng hai ký thôi cũng đủ cho hai cha con mua gạo ăn cả tháng trời. Cầu được ước thấy. Lúc ước ổng quên cái vụ rắn hổ thì phải có nọc nên cũng quên ước luôn thêm một đoạn nữa: bắt được nhưng không bị cắn cho nên cha tôi bị rắn hổ cắn chết. Đó là điều hiển nhiên, ai cũng bàn như vậy.

Thằng cắm câu cá lóc cha chết, nguyên xóm còn lại duy nhất một thằng cắm câu cá lóc con. Nghề này hình như đơn truyền thì phải mà lại truyền nam chớ chưa hề nghe nói truyền nữ bao giờ. Vì thế tôi trở thành của hiếm, mà đã hiếm thì thường là của quý. Quý hiếm quá người ta không dám nhìn bằng hai con mắt mà chỉ nhìn bằng nửa con: nghề ngỗng gì, thứ không có cục đất chọi chim từ thằng cha tới thằng con, chuyên gia đi cắm câu trộm ở ruộng, ở đìa của người khác. May là chết bớt thằng cha chớ nếu không thì hai cha con dám bắt hết cá ở cái xứ này.

Cha tôi chết vì nọc độc của rắn hổ mang, lúc đó tôi cứ ngỡ chỉ có nọc độc của rắn mới giết người một cách tàn độc như vậy nhưng sau này thì tôi hiểu ra rằng: miệng lưỡi con người cũng là một thứ nọc độc, không kém nọc rắn là mấy. Thậm chí còn đau đớn hơn bội phần.

*

*    *

Tôi đi trên những lối mòn của cha tôi đã từng qua. Nó không có dấu vết. Nhưng tôi biết, bàn chân nhợt nhạt nứt nẻ của ông đã từng đặt lên trên đó. Lũ cá sẽ chỉ cho tôi biết nơi nào mà thằng cắm câu cá lóc cha đã từng qua. Tôi đi theo tiếng chúng táp mồi, tiếng sủi tăm của bầy cá lòng ròng đang than thở vì mẹ chúng đã vướng phải lưỡi câu của cha tôi trong một buổi chiều nào đó, giờ con cá lóc mẹ chỉ còn lại bộ xương với cái sọ đầu đong đưa lúc lắc, dính tòn ten trên cây cần câu đầy rêu mốc cắm sát mé đìa. Và tôi thấy dưới mặt nước kia, ngay dưới từng bước chân tôi bì bõm lội qua, không phải là cái bóng của mình mà chính là tấm lưng lom khom của cha tôi mải miết đi tìm những cây cần câu mà mình cuốn còn sót. Cũng tại bờ ruộng này đây, từng cọng cỏ, nhánh lúa vẫn còn lưu lại vết bầm giập của trận quần thảo giữa cha tôi và con rắn hổ mang, bàn chân tôi dò dẫm đặt lên đó để mong tìm chút hơi hám của cuộc đồng ư quy tận.

Vùng lãnh thổ của người cắm câu cá lóc không giới hạn. Nó có thể khu trú trong một mảnh ruộng hoặc có khi trải dài mênh mông vô tận, đan xen với những tay lưới giăng cá rô, những cần câu thả mồi trùn của người khác… nhưng nó ngạo nghễ hơn, đứng ngang hàng với ngọn lúa theo chiều gần như thẳng đứng. Phía ngọn của cần câu được vót mỏng như một phiến lá tạo độ đàn hồi để khi một con cá lóc vô phước nào đấy mắc vào, dù có nặng đến vài ba ký lô cũng khó lòng mà kéo gãy cần cho được. Đoạn cuối của sợi dây câu là một lưỡi câu sắc nhọn móc vào hàm một con nhái, con mồi sống này ngâm phân nửa thân mình dưới nước, phân nửa nhô lên. Hai chân trước của nó túm chặt lấy lưỡi câu lạnh lẽo đang xuyên thấu vào hàm của mình, còn hai chân sau giãy giụa liên tục một cách vô vọng. Tiếng động này sẽ đánh thức cơn thèm khát của lũ cá lóc phàm ăn. Chúng sẽ vạch nước lừ đừ tiến tới. Rầm một tiếng, cả con mồi và kẻ săn mồi đều cầm chắc cái chết. Một kẻ săn mồi khác lại đến. Một cái chết khác lại đang âm thầm áp chặt mà hắn ta không hề hay biết. Sau cái chết là sự hồi sinh, tôi không tin. Như trường hợp của cha tôi chẳng hạn, biết đâu sau ông sẽ lại là tôi. Sau cái chết sẽ chỉ là cái chết mà thôi.

Con nhái nằm trong hai ngón tay cứng như gọng kềm của tôi, nó đã vô phương thoát thân. Cái lưỡi câu sáng loáng nhọn hoắc kề sát cạnh hàm. Khẽ nhích nhẹ đầu ngón tay, thứ vũ khí sát thương đã xuyên thấu qua cạnh hàm con vật khốn khổ. Đôi khi tôi thèm muốn thưởng thức thứ cảm giác đau đớn ấy nên đã cố ý hơi kéo mạnh lưỡi câu để mũi kim loại cắm phập vào tay mình. Máu của tôi rịn ra hòa lẫn với dịch lầy nhầy của loài lưỡng cư, lúc ấy tôi không còn cảm thấy đau đớn nữa mà là một thứ cảm giác sảng khoái tột đỉnh, không gì có thể diễn tả hết cho được. Tôi chỉ biết khi ấy tôi như hóa thân thành một con mồi chờ đợi một kẻ săn mồi vô hình nào đấy, và tôi đang tận hưởng những giây phút sung sướng ngắn ngủi của sự sinh tồn. Hạnh phúc nào bằng. Tôi dám đoan chắc rằng, chưa từng có ai vinh dự được nếm trải thứ cảm giác này cả.

*

*    *

Ả liên tục phun vào tôi hàng loạt tia nọc. Thứ nọc không giết người trong nháy mắt như nọc rắn hổ mang nhưng nó làm tôi lịm dần trong khi huyết quản tôi đang sôi lên sùng sục: nọc người! Tôi lấy làm lạ là tại sao khi đang ở trong cơn phấn khích tột đỉnh này mà ả lại có thể thốt ra những lời ấy, đáng lẽ ra phải là những tiếng rên rỉ khoái lạc mới phải? Tại sao ả lại có thể kêu toáng lên trên bờ đìa đầy rau muống nhưng trống huơ trống hoác này cái tên mà tôi hằng căm thù: thằng cắm câu cá lóc! Giờ đây tôi tưởng chừng như mình không còn là một kẻ đi săn mồi nữa mà chỉ là một con nhái xấu số đang đờ đẫn người trước chiếc lưỡi và hơi thở phì phò của một con hổ mang cái.

Khi cơn khoái lạc qua đi, ả lại trở nên hiền lành, nũng nịu như một chú mèo con. Anh đừng để ý đến những lời em vừa nói nhé! Chỉ khi nào em hạnh phúc thì mới thốt ra những lời nói ấy mà thôi. Lâu lắm rồi em mới tìm lại được thứ cảm giác tuyệt vời này. Thôi, đừng trả công em bằng mấy con cá lóc đó, chẳng thấm thía gì với sự hoang phí của em đâu, anh đem đi phóng sanh đi. Coi như kỷ niệm vậy mà!

Ả ra đi. Trước mắt tôi không còn hình ảnh ngôi nhà với sợi khói mỏng manh là đà trên mái lá vào buổi ban chiều, không còn cái cảnh một người đàn bà lúi húi quét lá ngoài sân chờ tôi đi cắm câu về với mâm cơm còn nóng hổi đậy trong lồng bàn mà tôi đã vẽ ra khi tình cờ chạm mặt ả ở chốn đồng không mông quạnh này. Tất cả đã tan biến kể từ khi ả réo lên: thằng cắm câu cá lóc. Chỉ còn vướng vất lại mùi nọc rắn đang từ từ xâm chiếm lấy tôi và hàng ngàn mũi kim của lũ côn trùng đang châm chích trên trên da thịt, ngược dòng mạch máu xuyên về tận tâm can.

Phóng sanh à? Tôi trút giỏ cá ra. Rắc! Rắc! Rắc! Đôi tay tôi siết chặt. Từng con, từng con một bị tôi bẻ ngược đầu về phía sau, run rẩy giãy giụa khi được thả xuống nước. Đến lúc chết có lẽ chúng vẫn không tài nào hiểu nỗi vì sao cái chết lại đến khi sự sống sắp sửa bắt đầu. Ngay cả bản thân tôi cũng không thể hiểu nỗi tại sao mình lại có hành động kỳ quặc ấy. Một kiểu tế thần sau cuộc truy hoan không như ý muốn hay chăng? Có ai biết không?

Cha tôi có lần kể lại rằng: ông đã nhặt được tôi ở trong một bụi chuối ở ngoài mé sông. Tôi không khóc ré lên như bao đứa trẻ bị bỏ rơi khác mà lại cất giọng cười từng chập từng chập một. Cũng vì cái kiểu cười man rợ đó mà cha tôi đã mang tôi về nuôi, bởi theo suy nghĩ kỳ quặc của ông thì đáng lẽ để cho tôi chết đi nhưng như thế thì quá dễ dàng cho tôi rồi, như thế thì hạnh phúc quá. Cho nên tôi cần phải sống để nếm trải bất tận mùi đời, coi thử xem tôi còn có thể cất giọng cười được nữa hay không. Và quả thật, từ đó đến giờ, cười hay khóc đối với tôi là một thứ xa xí phẩm, thiên hạ có thể dùng như một thứ trang sức nhưng tôi thì không. Vậy tôi là con nuôi? Có thể mà lại không đúng như thế, vì cha tôi không chắc trong số những người đàn bà đã bước vào đời ông có người nào đã trót mang giọt máu hoang dại của ông không, vì thế chưa lần nào tôi nghe ông gọi tôi là thằng con nuôi. Có lẽ ông cũng không dám gọi như thế. Và tôi nghiễm nhiên trở thành đứa con ruột rà của ông từ bụi chuối chui ra. Chuối đẻ ra người, người gọi người bằng cha. Ha ha!

Mãi đến lúc tôi lên tám tuổi, bằng cách nào đó, cha tôi cũng xoay cho tôi được một tấm giấy khai sinh. Tôi vẫn nhớ như in ngày cha cầm tấm giấy mỏng mảnh nhưng chi chít chữ giống như những đàn kiến về nhà. Vẻ mặt ông hân hoan rạng rỡ cứ như vừa trúng đậm được vô số cá sau những ngày dài đói khát. Ông bế thốc tôi lên, xoay vòng vòng trên không bằng đôi tay gân guốc rồi dí sát tờ giấy đầy kiến kia vào mặt tôi và nói như thét: Mày biết đây là cái gì không hả con? Giấy khai sinh đó! Biết không? Biết không? Giấy…khai… sinh… – tôi lắp bắp lặp lại theo lời ông. Đúng rồi, thằng quỷ, là giấy khai sinh. Có ăn được không? Cái bụng tôi thổn thức. Không ăn được, nhưng có cái này thì mày mới là con người, hiểu không hả? Cha giật phắt tờ giấy ra khỏi tay tôi trước khi tôi đưa vào miệng. Vậy cha có cái này không? Không, bởi vậy tao chỉ được phân nửa con người thôi… – giọng cha tôi uất nghẹn. Và từ đó trong tôi luôn có cái ám ảnh về phân nửa còn lại của cha tôi. Đó là gì? Đấy cũng là lý do thôi thúc tôi hay lén ra khỏi nhà vào ban đêm từ thời thơ ấu, lang thang trên những bờ ruộng, đi tìm phân nửa còn lại của cha, định bụng khi tìm gặp tôi sẽ gói ghém nó lại thật cẩn thận. Về đến nhà tôi sẽ đánh thức ông dậy, bảo ông đi rửa mặt cho thật tỉnh táo và ngồi xếp bằng ngay ngắn trên bộ vạt. Tôi sẽ trịnh trọng đưa cho ông bằng cả hai tay cái gói bí mật kia và nói rằng: “Thưa cha, đây là phân nửa còn lại của cha mà con vừa tìm thấy!”. Trí óc non nớt của tôi lúc ấy lại hình dung ra cảnh cha tôi sung sướng, run rẩy cầm phân nửa còn lại của mình lên sờ mó, ngắm nghía, hôn hít. Ông đặt nó vào phía trái tim của mình, rồi bất thần cả người ông vụt sáng. Cha tôi sẽ từ trong vầng sáng rực rỡ ấy bước ra với một thần thái tuyệt vời. Một con người trọn vẹn.

Từ đó đến giờ tôi không ngừng thêu dệt trí tưởng tượng của mình về khung cảnh diễm tuyệt ấy. Bởi vì cho đến ngày cha mất, tôi chưa bao giờ có cơ hội nhìn thấy được phân nửa còn lại của ông.

*

*   *

Mụ hãy cút đi cho khuất mắt tôi, mụ hãy mang cái mùi nọc rắn tồn lưu trên cơ thể mình đi làm mụ mẫm trí não của những kẻ khác. Mụ sẽ nhờ kỹ thuật giám định y khoa tiên tiến nhất để có những bằng chứng về ADN của tôi và mụ, chứng minh mối quan hệ ruột thịt ư? Nực cười, đối với tôi thì điều đó cũng không có nghĩa lý gì cả. Hãy đi đi, đi để có một ngày nào đó rũ xác trên con đường mà mụ đã chọn hoặc chết trong ngập ngụa vòng tay của những gã đàn ông mà mụ từng dan díu. Đừng ở trong ngôi nhà của cha con tôi, rên rỉ than van cái điệp khúc cũ mèm về tình mẫu tử thiêng liêng đến gần hết một đời người mụ mới nhận ra. Tôi chưa bao giờ là con của mụ cả, chưa bao giờ ngậm núm vú nhơ nhớp kia, tôi chỉ là một thằng người từ gốc chuối chui ra nhận một gã đàn ông xa lạ làm cha mình và bú sữa của thiên hạ để lớn lên.

Trong tôi, khái niệm về từ “mẹ” hầu như không hề tồn tại, nếu có thì nó chỉ mập mờ trong tâm trí từ những ngày thôi không còn được cha ẳm đi lòng vòng trong xóm xin xỏ những người đàn bà từng giọt sữa thừa thãi đáng lẽ phải vắt đi cho bớt căng tức bầu vú. Sự bứt rứt của một đứa trẻ vĩnh viễn không còn được nếm mùi sữa (cho dù đó không phải là sữa của chính mẹ ruột của mình) luôn hành hạ bằng những cơn quấy khóc về đêm, bằng những cú nhoài người mỗi khi thoáng thấy bóng một người đàn bà đi ngang qua trước cửa. Khi vị giác của tôi đã quen dần với mùi nước cơm pha đường thì mắt của cha tôi đã trũng sâu sau một thời gian dài mất ngủ vì những cơn khát sữa về đêm của tôi. Khứu giác thời bú thép của tôi gần như không phân biệt được sự khác nhau về mùi của những người đàn bà, mà họ hoàn toàn giống nhau từ cái mùi mồ hôi hăng hăng tỏa ra từ hai nách, mùi hững hờ của vòng tay choàng qua người tôi, cục cằn ấn mạnh miệng tôi vào núm vú của họ rồi gấp gáp giật miệng tôi ra khi giọt sữa đầu tiên vừa tràn vào đầu lưỡi. “Bao nhiêu đó đủ rồi, còn để cho con tôi bú nữa chớ!” và họ giúi trả tôi lại cho người đàn ông đang đứng chờ với ánh mắt hau háu như thể cũng đang khát sữa như thằng nhỏ. Cha tôi bảo đó là cảm giác ghê tởm hiển nhiên của người mẹ khi cho một đứa trẻ dị biệt bú sữa của mình. Tôi không biết mình đã bú sữa của bao nhiêu người đàn bà vào lúc đó nhưng khi lớn lên tôi luôn biết được những đứa con của họ qua ánh mắt hằn học của bọn chúng dành cho tôi – kẻ đã từng bú chung dòng sữa mẹ – nhưng chưa bao giờ được coi là anh em với bọn chúng cả.

Mụ có biết cảm giác của một đứa trẻ khi tiếp nhận vào đầu lưỡi của mình dòng sữa lạnh lẽo không có chút hơi ấm nào của tình mẫu tử không? Cảm giác của một đứa trẻ khi nhận thức được rằng: xung quanh nó chẳng thể có một người đàn bà cho nó gọi bằng mẹ là như thế nào không? Mụ làm gì mà hiểu nổi những điều đó, hay nói cho đúng hơn là mụ đã vứt bỏ cái “quyền được hiểu” ấy từ lâu lắm rồi, có thể đàn bà khắp thế gian đều là mẹ tôi nhưng mụ thì đừng hòng!

Chừng như đã không còn hy vọng gì để lay chuyển lòng dạ sắt đá của tôi nữa nên người đàn bà rút chiếc khăn giấy từ trong ví ra lau lên gương mặt trát đầy son phấn của mình giờ đã nhòe nhoẹt vì nước mắt lẫn nước mũi. Bà ta chậm rãi đi ra chiếc xe bốn bánh bóng lộn đậu ngoài đường lộ, mở cửa bước vào đó. Tôi thấy loáng thoáng trong đó một gã đàn ông đầu bạc trắng, gã này choàng tay qua vòng eo quá khổ của mụ ta, khẽ vỗ về và mụ gục đầu vào ngực của gã thổn thức. Khi chiếc xe lăn bánh, tôi còn kịp nhìn thấy gã đầu bạc ném lại cho tôi một ánh nhìn lạnh lẽo nhưng đầy đe dọa, ánh nhìn ti hí của loài rắn.

Tôi nghe người ta kể lại rằng: khi giết chết một con bất kỳ trong một cặp rắn hổ mang, con còn sống sót kia sẽ quay trở lại trả thù người đã sát hại bạn tình của nó. Tôi không sợ vì kể từ đây tôi đã nhận ra mình cũng có khả năng phun nọc độc của loài rắn. Tôi sẵn sàng chờ đợi cái ngày ấy xảy ra.

Mấy hôm nay lũ cá không còn mắc câu nữa, có lẽ chúng ngửi thấy được mùi gì đó từ cơ thể của tôi nên khi tôi vừa đặt chân xuống nước là bọn chúng đã hoảng hốt bỏ chạy tán loạn như đang khiếp sợ một nỗi ám ảnh vô hình. Những con nhái mồi sống vì thế vẫn còn treo đến sáng, đến khi mặt trời lên chúng đã trở thành những thi thể trắng bệch thõng thượt. Tôi cũng chẳng buồn cuốn câu làm gì mà cứ để mặc ở đấy, đi lang thang cho hết đêm, đến chiều ngày hôm sau lại móc vào một lượt mồi khác. Tuy biết trước là chẳng còn có một con cá lóc nào nữa nhưng tôi vẫn cần mẫn thực hiện lịch trình của mình như một kẻ quẫn trí. Bởi tôi biết nếu trở về vào ban đêm thì thể nào bọn rắn cũng dồn tôi ra khỏi ngôi nhà. Chẳng biết lũ độc xà này chui rúc ở ngóc ngách nào mà vào ban ngày tuyệt nhiên tôi chẳng thấy bóng dáng của chúng, nhưng khi đến đêm thì chúng lại lũ lượt rủ nhau xuất hiện như một lũ âm binh. Chúng ưỡn ẹo trên đòn tay, quấn thành từng vòng trong những chiếc thúng, thậm chí giao hoan ngay cả trên bàn thờ của cha tôi. Còn trên bộ vạt tre làm giường ngủ của cha con tôi thì vô số là những lớp da rắn mới lột, lúc nhúc những rắn con mới nở. Khi trông thấy tôi, chúng ngạo nghễ ngóc cao đầu lên đồng loạt phun phì phì vào tôi những luồng nọc độc tanh tưởi. Tuy không có cảm tình gì với lũ động vật máu lạnh này nhưng tôi cũng không hề cảm thấy ghê tởm chúng, mà là chỉ hơi cảm thấy ngạc nhiên khi chờ mãi chẳng thấy chúng không tung ra một cú đớp nào về phía tôi. Chúng cứ giữ yên tư thế phun nọc đó và nhìn chằm chặp vào tôi như cảnh báo với tôi rằng: vào ban đêm thì chúng mới chính là chủ nhân của ngôi nhà này, tôi chỉ được phép quay về đây vào ban ngày mà thôi.

Như thế cũng tốt, vì dù sao tôi cũng chẳng có việc gì để làm ở nhà vào ban đêm cả. Nhưng tôi thề là sẽ trở về khi nào lại bắt được một con cá lóc trên cánh đồng này và ngày đó tôi sẽ quay về nhà của mình vào ban đêm để giết hết lũ máu lạnh ngạo mạn kia.

*

*   *

Đến kỳ đám giỗ lần đầu tiên sau ngày cha tôi mất, tôi vẫn chưa thực hiện được lời thề trở về nhà vào ban đêm của mình. Khoảng thời gian lang thang ít khi chợp mắt đã làm cho tôi suy nhược đến mức khi soi vào vũng nước tôi không còn nhận ra mình nữa. Hình phản chiếu từ dưới nước gần như là khuôn mẫu của cha tôi lúc gần cuối đời. Điểm khác duy nhất, nếu có chính là ở đôi mắt nhưng nó hình như không phải là đôi mắt của tôi mà chính là đôi mắt của mụ đàn bà đã từng đến nhà, bảo tôi là giọt máu rơi của mụ ta. Vậy là từ trước đến giờ, mọi hình ảnh, thông tin mà tôi tiếp nhận thông qua đôi mắt, kể cả cái cách tôi nhìn mọi vật xung quanh thực ra cũng không phải là của chính tôi mà là của tha nhân. Điều này nó làm cho tôi đau đớn lẫn ê chề nhục nhã. Làm ơn có ai chỉ giùm tôi cách để khước từ đôi mắt không phải của chính mình nhưng lại đang là công cụ để tôi nhận dạng cuộc đời? Làm gì có ai…

Cá không mắc câu thì tôi xoay sở bằng cách nhặt nhạnh mọi thứ có thể ăn được ở xung quanh: từ ngọn rau muống cằn cỗi ở thềm ao cho đến cái bắp chuối non chưa trổ hết buồng; kể cả những con nhái làm mồi câu cũng được tôi tận dụng cốt sao để có thứ bày biện lên bàn thờ ngoài những nén nhang tỏa mùi trầm nhạt nhẽo, vô vị đối với người sống nhưng lại không thể thiếu đối với người chết. Sau khi đã tạm gọi là có hoa có quả cho bữa đám giỗ, tôi trở về nhà, dự định âm thầm nấu nướng để mời cha tôi về thưởng thức. Nhưng khi về đến nhà thì tôi phải nhanh tay giấu “mớ đồ cúng” mà tôi vừa chuẩn bị vào lùm cây vì từ ngoài ngõ đã nghe rộn ràng tiếng cười nói của bà con hàng xóm; tiếng dao chặt thịt chém trên thớt cồm cộp, tiếng chén bát khua nhau lanh canh trên giàn… cả những tiếng cằn nhằn cử nhử của mấy ông già rằng: thằng cắm câu cá lóc con đi đâu mà không thấy về, bữa nay cúng cơm cha nó không lẽ nó quên?...

Khi trông thấy tôi bước vào nhà thì bọn họ vây lại xung quanh hỏi han trách cứ đủ điều cứ như đang la rầy đứa cháu đích tôn duy nhất của dòng họ mải chơi mà quên mất ngày tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Sau đó thì họ giục tôi tắm rửa, thay quần áo mới để thắp nén nhang lên bàn thờ, mọi việc đã xong xuôi chỉ thiếu thành phần quan trọng nhất là tôi mà thôi. Không nói gì, tôi lẳng lặng làm theo để xem họ đang giở trò gì đây. Nhưng đến khi đốt nén nhang định cắm lên bàn thờ thì tôi lại thấy một chân nhang rất mới vừa cháy tàn, có lẽ trước lúc tôi về không lâu lắm. Phảng phất đâu đây tôi còn ngửi được mùi son phấn của mụ đàn bà dạo nọ. Ngay lập tức tôi hiểu ra ngọn ngành cớ sự của sự huyên náo lạ thường này, không cần giữ ý giữ kẽ gì nữa, tôi lập tức rít qua kẽ răng thứ ngôn ngữ nọc độc của mình. Các người hãy cút đi cho khuất mắt tôi, đừng diễn thứ trò vớ vẩn này nữa. Hạ màn được rồi! Thằng cắm câu cá lóc này đã quá ngán ngẩm với thói đạo đức giả của các người rồi. Cút đi!

Tiếp theo đó là sự đổ vỡ cần thiết để khẳng định lời tôi vừa thốt ra hoàn toàn là sự thật chứ không phải do cơn bốc đồng tạo ấn tượng như những cái mồm đang há hốc ra kia lầm tưởng. Sao nó lại biết sự sắp xếp này vậy? Có kẻ nào đã không giữ mồm giữ miệng chăng? Thằng này đúng là thằng trời đánh, làm sao nó có thể sống mà không bị thiên lôi đánh mới lạ? Sau sự ngạc nhiên kèm lẫn phẫn nộ, bầy người kia hậm hực lục tục kéo nhau về nhà của họ và không quên gói ghém sạch sành sanh những thứ mà họ vừa bày biện ra kia. Như vậy cũng tốt, tôi không muốn thấy bóng dáng của bất cứ thứ gì gợi nhớ đến mụ đàn bà đã phá hỏng sự bình lặng trong ngôi nhà của cha con tôi cả.

Đêm nay, lũ rắn sẽ lại kéo về. Mặc xác chúng. Tôi đã quá mệt mỏi, sau khi thắp lên bàn thờ cha tôi một nén nhang muộn mằn trong ngày giỗ thì tôi không còn sức lực nào để đi ra khỏi nhà nữa cả. Thả người xuống bộ vạt tre, tôi chờ đợi lũ rắn. Tôi chờ đợi lũ máu lạnh kia cắm ngập đôi nanh, tiêm vào người tôi dòng nọc độc. Tôi sẽ có một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng huy hoàng để tận hưởng thứ cảm giác tận cùng, hồ dễ thế gian có mấy người nếm trải như cha con tôi?

Đêm đó lũ rắn không đến, tôi ngủ thiếp đi từ lúc nào không hay đến khi trời vừa rạng thì giật mình tỉnh giấc vì tiếng cạo rửa lục đục ở ngoài cầu ao sát chái nhà. Lồm cồm ngồi dậy bước ra ngoài, dưới ánh lờ mờ vàng quạch của những đám mây đầu ngày tôi chực thấy một dáng người ngồi chồm hỗm ở ngoài cầu ao đang ngồi kỳ cọ rửa ráy mớ nồi niêu xoong chảo dơ dáy mà ngày hôm qua người ta lôi ra nấu nướng. Lại chuyện quái quỷ gì nữa đây?

Thức rồi hả? Từ hôm qua tới giờ chắc chưa ăn uống gì, có cái bánh bao để trong khạp gạo đó, nguội ngắt rồi ăn đỡ đi. Ả khệ nệ bưng mớ nồi niêu đã rửa bước lên nhà. Tự nhiên còn hơn chủ nhà, ả vừa đặt lên giàn chén vừa cằn nhằn: nhà không có đàn bà, bừa bộn dơ dáy thấy mà ghê. Cái này là cái ổ chuột, ổ rắn chớ nhà cửa nỗi gì!

Nói xong không để cho tôi kịp phản ứng lại, ả chộp luôn cây chổi huơ sồn sột mảnh sân phủ đầy lá rụng. Làm gì mà đứng trợn tròng trợn trắng vậy cha nội? Không nhận ra tôi à?

Làm sao mà tôi có thể không nhận ra ả cho được, làm sao tôi có thể tẩy sạch trong trí não của mình cái bữa trên bờ đìa đầy rau muống dạo nọ. Cô trở lại đây làm gì?

Thì đây nè, không thấy à? Trở lại để đòi nợ anh chớ còn gì nữa, nhạy thấy sợ! Ả đứng thẳng người lên ưỡn cái bụng lúp xúp ra trước mặt tôi, trông ả tiều tụy đi nhiều nhưng duy có cặp mắt thì rạng rỡ sung sướng, ả cứ đứng như thế, như chờ đợi điều gì đó từ phía tôi. Làm sao tôi biết được ả đang chờ đợi điều gì? Điều gì mà tôi có thể cho ả? Thế cho nên tôi giả lảng, cầm ca đi múc nước rửa mặt mặc cho bộ mặt của ả xìu xuống thảm não, niềm rạng rỡ sung sướng trong cặp mắt của ả như vơi đi ít nhiều.

Tôi tính kỹ lắm rồi, sau lần đó thì tắt kinh luôn và không còn thằng nào làm nữa. Hết đát rồi, cùng đường kiếm ăn, không chốn nương thân nên quay trở lại đây! Giọng của ả thống thiết nhưng bộ mặt thì cứ nhâng nhâng trơ tráo một cách đáng ghét. Dù vậy nhưng bữa cơm mà ả nấu sáng nay thì không thể nói là không ngon cho được. Lâu lắm rồi tôi không được ăn một bữa ngon như thế này, nào có gì chỉ mấy con cá mà ả câu từ con mương sau nhà đem đi kho tiêu với mấy cọng rau hái quanh hè làm canh. Ăn một chén nữa đi - ả đưa tay về phía tôi rồi lúi húi cạo nhè nhẹ xoong cơm, được gần nửa chén. Tôi vét hết gạo trong khạp, nấu được có bao nhiêu đây, anh ăn đi tôi no rồi! Giọng ả ngượng ngập, chậm rãi nhai từng hạt cơm cháy. Tôi đặt chén cơm xuống trước mặt ả. Thôi, tôi cũng no, cô cứ ăn đi, ăn để có sức…Tôi bỏ lửng câu nói và nhìn xuống chiếc bụng đang nhô lên phập phồng theo nhịp thở của ả. Chỉ thế thôi nhưng tôi lại thấy mắt ả rân rấn nước.

Kể từ đêm đó trở đi, bọn rắn không còn về nữa. Lũ cá lóc đã mắc câu trở lại và có phần còn nhiều hơn lúc trước. Mụ đàn bà kia thỉnh thoảng tạt vào nhà, thừa lúc tôi không để ý cũng đặt tay lên bụng của ả, áp tai nghe ngóng, hỏi han vài câu về chuyện sinh nở. Không nghe nhắc gì đến chuyện ruột rà huyết thống với tôi nữa. Mặc mụ ta, ngày sinh của ả cũng gần kề, tôi thì có biết gì đến chuyện vượt cạn của đàn bà, có mụ tới lui cũng đỡ phần nào, riêng việc thắp nhang lên bàn thờ của cha tôi thì tôi tuyệt đối cấm.

Tuy nhiên, khoảng hai đêm trở lại đây tôi thường xuyên nằm chiêm bao. Tôi lại thấy cảnh cha con tôi lúc trước ì ọp ngoài đồng suốt đêm để săn lũ cá lóc; nhưng khi cận cảnh lại thì người tôi nhìn thấy là cha tôi lại hóa ra tôi, còn tôi thì nhập nhòe tan biến lúc như có lúc lại như không. Có khi chỉ là một đứa bé chừng năm sáu tuổi lẽo đẽo theo sau, tập tành móc từng con nhái vào chiếc lưỡi câu nhọn hoắc. Có lúc cả cánh đồng bỗng như đông đặc lại, rồi hốt nhiên nổi lên trận cuồng phong tanh tưởi toàn nọc độc của loài rắn hổ mang; đứa bé - tôi kia bất lực nhìn tôi bị chiếc miệng đỏ lòm đầy máu của con độc xà từ từ nuốt chửng.

Tôi choàng dậy, toàn thân ướt đẫm mồ hôi. Những lúc ấy ả vẫn say sưa ngủ, hoàn toàn không hề hay biết gì về giấc mơ kinh hoàng mà tôi vừa trải qua. Tôi nhẹ nhàng đặt tay lên chiếc bụng tròn trĩnh đang nâng lên hạ xuống đều đặn theo nhịp thở của ả, cảm giác tò mò về một thế giới bí ẩn bên dưới lớp da bụng kia phần nào cũng giúp tôi bình tâm đôi chút.

Không bao lâu nữa, trong ngôi nhà này, một đứa trẻ sẽ chào đời…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên