Phùng Quán đã trở thành nhà văn như thế nào?

VOV.VN -  Phùng Quán là nhà văn của những trang viết mộc mạc nhưng làm cho người đọc phải khóc vì xúc động.

Thực ra tên của cuốn sách là “Tôi đã trở thành NHÀ VĂN như thế nào” của tác giả “Vượt Côn Đảo” – nhà văn Phùng Quán (1932 – 1995). Đây là di cảo của cố nhà văn mà bà quả phụ Phùng Quán (nhũ danh Vũ Bội Trâm) tìm thấy. Cuốn sách được nhà xuất bản Văn hoá – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh xuất bản trong quý II/2018.

Bà Vũ Bội Trâm kể: mới đây, khi xếp dọn tủ sách, vô tình thấy một quyển sổ đã cũ trong vô số những cuốn sổ tay ghi chép của Phùng Quán. Giở ra đọc thì thấy đó là những trang sách viết về khúc quanh của cuộc đời Phùng Quán. Từ một người lính trinh sát của đại đoàn Bình Trị Thiên, mới học đến lớp 4 trường làng, đã bước vào con đường văn nghiệp  không phải bằng một bài thơ, một bài báo hay một truyện ngắn... Mà bằng cả một cuốn tiểu thuyết dày hơn 200 trang (khổ 13x20,5 NXB Văn học 2016). Và viết về một đề tài nóng “Vượt Côn Đảo”.

Bìa cuốn sách "Vượt Côn Đảo" của nhà văn Phùng Quán.

Khi đọc cuốn sách của Phùng Quán “Tôi đã trở thành nhà văn  như thế nào” tôi cứ mường tượng tới chú bé Mừng (nhân vật chính trong tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” của ông) đầu quân làm chiến sĩ liên lạc của mặt trận Huế ngày đầu chống Pháp quay trở lại xâm lược nước ta đầu năm 1946. Khi các bạn cùng trang lứa còn rụt rè, thì Mừng đã xung phong nhảy từ mặt cầu cao khoảng 3 mét xuống lòng sông. Mừng trở thành chiến sĩ Vệ quốc đoàn bắt đầu từ cú nhảy ấy.

Phùng Quán cũng vậy. Ông “trở thành nhà văn” khi liều mạng viết cuốn “Vượt Côn Đảo” dù chỉ mới gặp và nghe các anh các chị  bộ đội, dân quân du kích… bị thực dân Pháp bắt giam ở Côn Đảo, trở về sau khi Hiệp định Giơ -ne-vơ được ký kết, kể lại chuyện đánh chiếm đảo, đóng thuyền vượt  biển. Thấy chuyện nào cũng hào hứng, cảm động… Và thế là ông viết.

Phải nói là trước và sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” , Phùng Quán toàn gặp những người tốt. Đang là lính trinh sát, được nhà văn Thanh Tịnh chấm làm cái việc “cờ đèn kèn trống” chuẩn bị sân khấu cho đội văn nghệ. Vốn người khoẻ mạnh nhanh nhẹn, ông được phân vào lực lượng báo chí chào đón những đồng đội đồng chí của mình bị giặc Pháp bắt và được trao trả trên bãi biển Sầm Sơn Thanh Hoá. Nhiệm vụ chính là “phá quấy” ngăn không cho phóng viên phương Tây (chủ yếu là Pháp) quay được những cảnh bất lợi cho ta.

Phùng Quán trở thành nhà văn khi "liều mạng" viết cuốn “Vượt Côn Đảo” 

Ông bắt đầu thấy “phải viết “ câu chuyện vượt Côn Đảo từ ngày ấy. Những trang bản thảo đầu tiên lại được một nữ sinh tuổi vừa đôi tám đọc, sửa cho những lỗi chính tả, khuyến khích bằng những củ khoai nướng thơm phức và đặc biệt là cô gái thú nhận: “em đã khóc” khi đọc những trang viết đó.

Có lẽ, những trang văn còn mộc mạc nhưng làm cho một người đọc còn ít tuổi khóc vì xúc động, chính là điều thôi thúc Phùng Quán tiếp tục “đánh vật” trên những trang giấy của mình. Mở đầu cuốn hồi ký này, Phùng Quán đã hóm hỉnh nhắc đến một nhân vật đã vô tình làm thay đổi đời ông. Đó là cột cây số  trên quốc lộ 1 với dòng chữ mờ mờ “Hà Nội 157 km”. Lúc đó bộ đội ta mới vào Hà Nội 11 ngày.

Vậy là thay vì đi xuôi về phương Nam để về đơn vị cũ sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Sầm Sơn, Phùng Quán đi ngược ra Hà Nội, chỉ là để thoả chí tò mò… Biết bao câu chuyện cảm động mà anh bộ đội Phùng Quán với cái mũ nan bọc vải dù, chiếc áo nhà binh 2 túi (áo của chiến sĩ), gặp trên đường đi bộ ra Thủ đô. Toàn là những tấm lòng ngưỡng mộ. May mắn sao, chân ướt chân ráo tới ga Hàng Cỏ tính chuyện ngủ đêm thì gặp ngay nhà thơ Hoàng Cầm cùng đoàn văn công Tổng cục chính trị đang biểu diễn. Đây là người mà Phùng Quán đã gặp khi đang phục vụ sân khấu cho đoàn văn công ở núi Hồng (Tuyên Quang) trước ngày khai mạc chiến dịch Điện Biên Phủ. Thế là Hoàng Cầm kéo Phùng Quán về nơi đóng quân của đơn vị (số 8 Lý Nam Đế) “để tranh thủ đi xem Hà Nội một hai hôm” rồi trở về đơn vị.

Đọc đến đoạn này, thấy mừng cho Phùng Quán, thấy vui vì thấy ngày ấy sao chúng ta sống với nhau trong trẻo thế ? Những Khắc Tuệ, Thanh Phúc, Thanh Nga, Kim Ngọc… những người cùng trang lứa với Phùng Quán đã vui vẻ chào đón ông, cùng phá lên cười vui vẻ khi nghe Phùng Quán bộc bạch vì sao lại “vô kỷ luật” như vậy.

Lại còn vui nữa khi Phùng Quán “líu ríu mang ba lô” theo Hoàng Cầm đi lối cửa Đông tới phòng Văn nghệ Quân đội lúc đó đang ở trong thành Hà Nội. Các nhà văn, các nhà làm phim thời nay… hãy đọc đoạn tả thực của Phùng Quán về nơi làm việc của phòng Văn nghệ quân đội tháng 10/1954:

“… Phòng Văn nghệ quân đội chiếm tầng trên một trong những ngôi nhà trông như pháo đài. Hai đầu hồi nhà có hai cầu thang bê tông rộng thênh thang, tay vịn bằng sắt. Các bậc cầu thang đều mòn vẹt lở loét vì những bàn chân lính đi giày đinh lên xuống cả trên nửa thế kỷ… Phòng làm việc ở ngay gian thứ ba… Có hai người mặc quân phục đang ngồi làm việc trước bàn giấy… Cả hai anh dáng rất thư sinh và rất trẻ… Một người cao gầy, cẳng chân cẳng tay rất dài, gương mặt xương xương,miệng tươi cười nhưng nghiêm nghị, cặp mắt thật sáng. Một anh thấp nhỏ hơn, nét mặt hoà nhã, đôn hậu. Anh hút thuốc, điếu thuốc cắm vào cái đầu lọc bằng ngà hay xương gì đó.

Anh Hoàng Cầm giới thiệu hai anh với tôi. Anh chỉ người cao gầy "Đây là nhà văn Vũ Tú Nam, hiện phụ trách phòng Văn nghệ Quân đội và đây là nhà văn Từ Bích Hoàng, phụ trách tờ Sinh hoạt Văn nghệ Quân đội... Còn đây là chú Phùng Quán ở đoàn văn công Quân khu 4 do anh Thanh Tịnh làm trưởng đoàn. Chú ta được điều đi làm công tác trao trả tù binh ở Sầm Sơn. Hết đợt công tác, chú ta đi bộ về đây xin Cục Tuyên huấn giấy tờ để trở về đơn vị cũ đóng quân ở Khu 4”.

Tôi ngước nhìn anh Hoàng Cầm và thầm cảm ơn anh đã gỡ bí cho hành động vô kỷ luật của tôi” (trang 90 – 91). Cùng với sự đón tiếp ân cần, sự chăm sóc chu đáo của người anh và cao hơn cả là sự nâng niu, quý trọng những mầm mống nghệ thuật từ tầng lớp “công – nông – binh”, nhà văn Vũ Tú Nam đã khuyến khích Phùng Quán “thử liều mạng như trong chiến đấu” viết tiếp cuốn tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo”. Còn với đơn vị cũ của Phùng Quán “ mình sẽ báo cáo lên Cục, gửi công văn về sư đoàn đề nghị cho Quán ở lại đây một thời gian để viết truyện”. Con đường để Phùng Quán trở thành nhà văn quân đội bắt đầu từ những tấm lòng cao cả như vậy.

Và Phùng Quán tạm dẹp việc đi thăm Hà Nội, bắt đầu chiến đấu trên một mặt trận mới với vũ khí là trang giấy trắng, cái bút và sự thôi thúc phải kể lại sự tích anh hùng của những người anh hùng. Ông đã “nằm chùm hum trên chiếc chiếu cá nhân, trải trên nền xi măng, viết liên miên suốt từ tháng 10 đến cuối tháng 11/1954, viết kín hon 200 trang giấy”.

Đến khi soạn “Tôi đã trở thành NHÀ VĂN như thế nào”, vốn nghề nghiệp của Phùng Quán đã cao. Vì vậy ông viết rất có nghề, tuy chuyện nọ xọ chuyện kia nhưng đều là những khúc chuyển có chủ ý khiến mạch truyện đỡ tẻ nhạt. Nào là cái đêm hồi hộp ngóng ông Vũ Tú Nam đọc bản thảo. Nào là câu chuyện đưa sách sang nhà in... Nhiều chuyện lý thú: nhận làm “quân bưu” đưa bản in sang nhà in, người nhà in thích cuốn "Vượt Côn Đảo” mà không biết anh liên lạc hiền lành làm đủ thứ việc kia là tác giả, được mời nói chuyện với nữ sinh trường Trưng Vương (Hà Nội)...

Trong phần mở đầu tập sách của Phùng Quán “Tôi đã trở thành NHÀ VĂN như thế nào”, với nhan đề “Nhớ Phùng Quán”, nhà văn Vũ Tú Nam kể lại: “Ngày 5 tháng 11 năm 1954 tôi đã ghi trong nhật ký: “Đọc xong bản thảo Vượt Côn Đảo của Phùng Quán vừa viết xong, rất khá, những tư liệu thật quý, được viết một cách thông minh, giàu tâm huyết. Thấy tin ở khả năng Phùng Quán, một chàng trai mà lúc đầu mình thấy có gì đó yếu đuối, nhất là anh lại nói giọng Huế hơi ỏn ẻn”.

Tháng 9/2007, Vũ Tú Nam nhớ lại: Khi Vượt Côn Đảo được in ra, nhiều người đọc hoan nghênh. Sau đấy đã nổ ra một cuộc tranh luận về cuốn sách rất sôi nổi. Anh chị em kháng chiến về - trong đó có tôi - rất biểu dương Phùng Quán... Nhiều nhà văn bênh vực Phùng Quán, nhưng cũng thấy cuốn sách còn sơ lược, giản đơn, được cái là ngòi bút lãng mạn của Phùng Quán đưa đẩy rất lưu loát.

Kẻ viết bài giới thiệu cuốn sách này đọc “Vượt Côn Đảo” của Phùng Quán tại Thư viện Quốc Gia trên đường Tràng Thi – Hà Nội trong những năm bom Mỹ  rơi trên bầu trời Hà Nội. Từng ấy năm cho đến hôm nay, khi đọc “Tôi đã trở thành NHÀ VĂN như thế nào”, lại tìm đọc cuốn tiểu thuyết này. Hai lần đọc cách nhau mấy chục năm trời, với biết bao biến cố trong lịch sử và trong đời người,thấy rằng quả là “cuốn sách còn sơ lược, giản đơn” nhưng thấy rõ nó đã được viết với tất cả nhiệt tình của một người lính trẻ, mạch truyện hấp dẫn, lôi cuốn. Vẫn là một cuốn sách “đọc được” với những ai trân trọng lịch sử dân tộc,lịch sử đất nước. Thấy rõ Phùng Quán đã huy động tất cả vốn sống của một người lính Cụ Hồ cầm súng từ năm 13 tuổi, để hiểu, để viết về những người tù cộng sản “vượt Côn Đảo” - Vượt lên sự đàn áp, kìm kẹp của quân thù để về với cuộc chiến đấu.

Cũng cần nói thêm rằng câu chuyện về chị Võ Thị Sáu tại nhà tù Côn Đảo đã là một sự thôi thúc Phùng Quán hoàn thành tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” – và bắt đầu dấn thân vào một cuộc chiến đấu mới mà chông gai còn ác liệt hơn cả khi cầm súng. Để cho đến hôm nay, tên tuổi của ông sống mãi với thời gian.

Thưa cùng bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ tuổi, đọc “Tôi đã trở thành NHÀ VĂN như thế nào” song song với đọc tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” của Phùng Quán, là một điều rất thú vị. Xin hãy bớt thời gian “chát chít” "phây phiếc” mà lần dở hai tập sách mỏng. Đọc xong, chúng ta sẽ muốn tìm đọc hết những tác phẩm của Phùng Quán, mà trước hết là cuốn tiểu thuyết mang tính tự truyện “Tuổi thơ dữ dội”.

Trọn đời, người lính Phùng Quán khắc ghi lời dạy của một bậc đàn anh: Người chiến sĩ khi đã quyết định dấn thân thì phải dấn thân đến cùng, không quay đầu lại, không rẽ ngang rẽ tắt, không được thối lui, không được bỏ cuộc. Không có sự hèn hạ nào đáng ghê tởm hơn là sự hèn hạ bỏ cuộc.

Có một chuyện vui khi gia đình cố nhà văn Phùng Quán in tập sách “ Tôi đã trở thành NHÀ VĂN như thế nào”. Đó là việc đi tìm cô gái nhỏ dễ thương ở Sầm Sơn , người đã đọc những trang bản thảo đầu tiên của “Vượt Côn Đảo” và “bắt” Phùng Quán không được lùi bước. Đó là cô Nhủ mà trong sách in nhầm là cô Như. Thu Dịu trên báo “Tuổi trẻ cuối tuần” 16/11/2007, viết: Tôi cho bác Nhủ xem tấm ảnh nhà thơ Phùng Quán... Bác Nhủ nói ngay: “Đúng là anh Quán thời trẻ”. Bác Nhủ kể thêm: “ Ban ngày, anh Quán cùng anh em tham gia công tác trao trả, tối về lại thức rất khuya ghi ghi chép chép. Bác hỏi mới biết anh ấy viết lại những chuyện do anh em tù Côn Đảo kể. Mặc dù bác mới học hết lớp 3 nhưng đọc những trang viết chân thực của anh Quán, bác rất xúc động, vừa đọc vừa khóc.”

Tôi không có cái duyên được gặp Phùng Quán. Để thay lời kết cho bài giới thiệu cuốn sách, xin trích lời của nhà văn Vũ Tú Nam, có lẽ được viết ra trong lần in đầu tiên cuốn “Tôi đã trở thành NHÀ VĂN như thế nào”:

“Hôm nay, nhớ đến Phùng Quán, là nhớ đến bản thảo Vượt Côn Đảo đã gây ấn tượng tốt cho tôi, nhớ đến người bạn trẻ hai mươi hai tuổi, mặc áo bộ đội hai túi, đôi mắt sáng, cặp môi hồng lúc nào cũng sẵn sàng biểu diễn thơ, và mái tóc bồng bềnh rất thi sĩ. Hình ảnh Phùng Quán đọng lại trong tôi là như thế”./.

                         

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giao lưu các nhà văn ASEAN và triển lãm sách ASEAN tại Lào
Giao lưu các nhà văn ASEAN và triển lãm sách ASEAN tại Lào

VOV.VN - Hôm  nay (9/5), Tại Trường Đại học Quốc gia Lào ở Thủ đô Vientiane, đã diễn ra chương trình giao lưu các nhà văn ASEAN và triển lãm sách ASEAN.

Giao lưu các nhà văn ASEAN và triển lãm sách ASEAN tại Lào

Giao lưu các nhà văn ASEAN và triển lãm sách ASEAN tại Lào

VOV.VN - Hôm  nay (9/5), Tại Trường Đại học Quốc gia Lào ở Thủ đô Vientiane, đã diễn ra chương trình giao lưu các nhà văn ASEAN và triển lãm sách ASEAN.

Nữ nhà văn trinh thám Di Li đón tuổi mới với “Bình minh ở Sahara”
Nữ nhà văn trinh thám Di Li đón tuổi mới với “Bình minh ở Sahara”

VOV.VN - Chỉ trong chưa đầy 3 tháng về nước, Di Li đã kịp ra mắt hai cuốn sách: “Những mẩu chuyện hài hước về Nasreddin Hodja” và “Bình minh ở Sahara”.

Nữ nhà văn trinh thám Di Li đón tuổi mới với “Bình minh ở Sahara”

Nữ nhà văn trinh thám Di Li đón tuổi mới với “Bình minh ở Sahara”

VOV.VN - Chỉ trong chưa đầy 3 tháng về nước, Di Li đã kịp ra mắt hai cuốn sách: “Những mẩu chuyện hài hước về Nasreddin Hodja” và “Bình minh ở Sahara”.