Rễ phủ giữa dòng

Truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch

>> Nghe âm thanh tại đây

1. Tôi lớn lên và lăn lộn với núi đồi từ khi chưa tròn bảy tuổi. Tôi thích leo núi và đu mình trên những sợi dây rừng để nhảy từ mỏm đá nọ đến mỏm đá kia. Cũng thích lang thang một mình trên đồi trọc, nghe đất bạc màu cố vặn mình chắt chiu chút nhựa sống cho cây cỏ nhọc nhằn. Tôi thường theo mẹ đi hái thuốc.

 Mẹ bảo đất càng cằn thì cây thuốc càng tốt. Tôi cũng đã từng theo cha đến bên những dòng suối hái rễ cây rừng. Cha bảo rễ cây mọc giữa dòng bao giờ cũng quý, nhất là những chùm rễ mọc trên mỏm đá chia đôi dòng nước. Đó là những chùm rễ rất kiên cường, nó không những giữ cho cây đứng vững trước sự xô đẩy của thác lũ mà còn che phủ cho tảng đá khỏi bị bào giũa dưới dòng chảy tưởng như êm đềm của con suối trong văn vắt kia.
Năm tôi mười bốn tuổi, người dài lêu ngêu, những đốt ngón chân, ngón tay lồi ra khúc khuỷu. Cha tôi bảo: “Hè này cha dẫn con sang ông Khào học sửa xe, biết được cái gì tốt cái ấy, sau này ném đâu cũng sống được con ạ!”. Rồi cha thở dài sườn sượt. Đời cha đã bạc đầu với núi với đồi... Cha là giáo viên, nhưng vừa đi dạy được nửa năm thì có lệnh tổng động viên. Bấy giờ tôi còn chưa chui ra khỏi bụng mẹ. Cha đi biền biệt, hết chiến tranh chưa thấy về. Thị trấn miền núi nhỏ bé, heo hút vài mái nhà thi thoảng lại ồn ã tiếng gào khóc vì có giấy báo tử. Ngày cha tôi bất ngờ xuất hiện trước cổng, đen đúa, già nua, tôi sợ hãi thét lên rồi bỏ chạy. Phải mất đẫy một tháng, tôi mới cho cha bế ẵm, vỗ về. Sau đó, mẹ tôi lần lượt sinh thêm hai em gái nữa, một đứa tai nghễnh ngãng, mũi phồng to như quả cà chua. Còn một đứa còi như cái rãi khoai, lúc nó hoài thai, mẹ tôi ăn rở bằng bấc đèn, đất vách, thậm chí cả ốc sên, vỏ mía. Lúc đẻ ra, nó to bằng cái đèn hoa kỳ, được non một tháng thì không thở được nữa. Cha tôi gói chiếu vác nó lên vai mang ra đồng, chưa kịp đặt xuống đất nó giẫy nẩy lên khóc, tôi nhìn thấy nước rãi nó chảy đầy vai cha tôi. Cha ôm nó về, ngày ngày bắt cóc làm thịt giã nhuyễn, chắt nước cơm, lọc kỹ cho nó ăn, được chục ngày thì da nó bớt thâm. Cha gửi ba mẹ con cho bà rồi dắt tôi lên rừng. Cha bảo, đi hái ít lá thuốc về chữa bệnh cho mẹ. Cái ba lô con cóc cha được phát khi đi biên giới giờ lại đè nặng trên lưng. Lưng cha gầy như cọng bàng giữa trời đông mà cái ba lô thì căng ních khoai khô, sắn khô, lạc rang, gạo rang, chăn chiên, màn, quần áo… cho tôi, hai bên hông còn đeo lúc lỉu cái bi đông nước, một cái xoong và một manh chiếu rách. Tôi đứng với cha, đầu vừa chạm đáy ba lô. Lúc tôi bước ra cửa, mẹ cố bám vào mấy rẻ quạt trên đầu giường ngóc đầu lên gọi, giọng mẹ phều phào trong làn môi khô nứt nẻ. Mẹ giơ đôi tay vằn vện những mạch máu xám xịt khuờ khoạng lên má tôi, định nói với tôi gì đó nhưng không hé môi ra được, hai khoé mắt mẹ lăn dài hai giọt nước nhờ nhợ đỏ. Tôi trân trân nhìn khuôn mặt xám xịt quắt queo của mẹ, sụt sịt khóc: “Con ứ đi nữa đâu, con ở nhà với mẹ…”. Cha tôi trừng mắt. Tôi oà khóc, rúc đầu vào ngực mẹ, tay mẹ lẩy bẩy bấu quanh cổ tôi, ấp tôi vào lòng. Mắt cha trờn trợn, đêm hôm trước cha đã thủ thỉ bảo tôi, bà yếu rồi, không thể trông cả bốn mẹ con, con là con trai, lại lớn nhất nhà, con đi với cha. Tôi vừa nấc vừa đi, cha bế tôi đặt lên miếng gỗ buộc giữa khung xe đạp rồi đạp ngược về phía núi Vàng. Cha cắm cúi đi, mải miết đi, hình như cha khóc, tôi thấy một giọt nước văng vào má, rớt trên môi mằn mặn, chan chát.
Hai cha con tôi giấu xe vào bụi rậm dưới chân núi rồi đi bộ, leo qua bao nhiêu lần quèn, lang thang trong núi, trong thung suốt mười ngày, thì cha đào được vài loại củ và rễ, hái được một bó lá rừng. Cha cho tất cả vào một cái rọ đan bằng dây mơ đeo bên hông. Cha bện dây múc bó lá cho tôi khoác sau lưng. Đó là lần đi rừng lâu nhất và nhiều nhất của tôi. Sau này, mỗi khi có người đến xin thuốc, cha con tôi mới vào rừng. Cha tôi hái thuốc về cho chứ không bán. Cha bảo, cây cỏ của rừng. Cứu được người là phúc phận... Mãi đến khi ba anh em chúng tôi đến tuổi ăn tuổi lớn, lương giáo viên của cha người ta trả bằng phân đạm, săm xe đạp, thậm chí một lô một lốc giầy ba ta cỡ đại mà cả nhà tôi không ai đi vừa, cha mới tìm đến những thầy thuốc trong thị trấn để rao bán thuốc.
2. Tôi nghỉ hè hôm trước thì hôm sau cha dắt sang nhà ông Khào xin cho tôi học sửa xe. Với tôi, ông Khào là một người đáng sợ. Cả thị trấn người ta mang ông ra làm ba bị để doạ trẻ con. Xung quanh ông người ta thêu dệt bao nhiêu là chuyện. Khi nói đến ông đều tỏ ra khinh miệt, rẻ rúng. Người ta chỉ đến nhà ông khi xe hỏng. Hoặc họ sẽ tìm đến ông khi có xác chết vô chủ nào đó trong thị trấn. Ông khâm liệm xác chết một cách cẩn trọng, say sưa, vừa làm vừa trò chuyện với họ như người một nhà. Tôi dám chắc, chỉ cần tôi ở nhà ông một ngày là hôm sau bọn bạn cùng lớp sẽ chả mấy đứa dám chơi cùng tôi. Nhưng ý của cha tôi là ý trời, tôi chỉ làm theo chứ không được phép hỏi. Tôi chưa bao giờ thấy cha bình phẩm gì về ông. Nhiều đêm tôi thức khuya đọc truyện, cứ mười hai giờ đêm, từ phía nhà ông lại vang lên tiếng mõ lốc cốc. Tiếng mõ khi thưa khi nhặt, khi dồn dập, tức tưởi. Có lần, tiếng mõ kêu làm tôi tưởng như ông mang mõ ra đập cho đến nát tươm từng thớ gỗ, rồi có tiếng ông hát. Ông vứt dùi mõ cộc xuống sàn nhà rồi hát, tiếng hát ông ổng như tiếng gào tiếng rú của thú hoang lạc bầy. Nhất là những đêm mưa mùa xuân, gió thổi xuôi chiều, tôi nằm trên gác xép, nghe mưa lây rây phủ bụi trên mái giấy dầu, và tiếng ông hát, tiếng hát vừa như rên rỉ, vừa như gầm thét. Tôi cố lắng tai xem ông hát gì nhưng tôi chịu, tôi căng tai hết cỡ cũng không sao nghe được bất kỳ một âm tiết nào rõ rệt. Hát chán ông mang sáo ra thổi, rồi ông kéo nhị, ông gõ xèng... đủ mọi thứ âm thanh hỗn tạp, nó chỉ kết thúc khi ông mệt nhoài và thường là sau ba giờ sáng.
Tôi đã nhiều lần nhìn thấy ông Khào ngoài đường. Ông thường đội một cái mũ cứng kiểu quý tộc Pháp, mặc áo kẻ ca-rô, quần soóc, đi giầy đinh hoặc tông Thái Lan vẹt gót. Quần áo của ông cũ mèm, khâu vá chằng chịt, nhưng lúc nào ông cũng tỏ ra đường hoàng, đĩnh đạc. Tôi chưa dám nhìn thẳng vào mặt ông bao giờ, nếu có giáp mặt cũng chỉ cúi đầu cong đít chạy cho nhanh. Lúc hai cha con tôi đến cổng nhà ông, tôi thấy nổi da gà.
Nhà ông sát cổng chợ. Trước nhà treo lủng lẳng hai cái lốp xe đạp hỏng trên cây tre cụt ngọn mốc thếch. Cái sân chạt rộng mát dưới bụi trâm bầu, vừa làm chỗ uống nước chè vừa làm nơi sửa xe. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với ông chính là tiếng cười nổ giòn như đại bác. Da ông đỏ, tóc bạc, hàm răng trên đã rụng gần hết, còn hai cái răng nanh dài ngoẵng như răng sói, nó làm môi trên của ông kệnh lên. Thấy tôi thi thoảng liếc nhìn trộm, ông bảo:
- Cái thằng, muốn ông đánh chết hả! Mày ở với ông phải quen với cái răng của ông nghe chưa, ông đếch ăn thịt người đâu mà sợ.
Rồi ông lại cười, tiếng cười trầm đục như tiếng mìn đánh đá.
Quán sửa xe của ông khá đông khách, ông làm việc luôn chân luôn tay. Thi thoảng có một vài khách đàn bà con gái đến, ông đưa họ lên gác hai nói chuyện, ăn ngô rang, khâu giúp ông cái áo bị tuột chỉ, đính hộ cái cúc quần tây… Những vị khách ấy chủ yếu là các bà buôn, phấn son bóng bẩy, quần là áo lượt. Có hôm tôi nhìn thấy một bà bước ra khỏi cửa còn quay lại giúi vào tay ông một nắm tiền, thơm chụt lên má ông một cái rồi hớn hở đi ra, mặt nở như miếng bóng bì mấy bà hàng xén treo lủng lẳng ngoài chợ. Tôi cúi gằm mặt, nhổ nước bọt vào miếng săm rồi ra sức nạo. Ông Khào đến sát sau lưng vỗ vỗ lên vai tôi bảo:
- Nạo vừa vừa thôi, đủ để nó ăn keo thôi ông kễnh ạ!
Tôi lí nhí vâng rồi lấy miếng săm khác nạo tiếp. Tối ấy về nhà tôi không nói không rằng, cứ tưởng tượng thấy cái mặt bà khách lúc chiều mà lộn mửa. Khuya, hai cha con ngồi đóng than tổ ong, cha tôi hỏi:
- Hôm nay ông cho con làm những cái gì?
- Tập nạo săm ạ!
- Ừ, học dần dần, con sang đấy học sửa xe thì cứ chuyên tâm mà học, đừng nhìn ngang ngó dọc làm gì.
- Vầng!
Hai cha con tôi im lặng. Tôi thấy cha nén cái khuôn than uể oải nặng nề, không giống mọi ngày.
Tôi học gần hết hè thì có thể làm cho một cái xe đạp hỏng chuyển động trở lại. Một chiều ông gọi tôi vào trong nhà bảo:
- Mày chịu khó quá, nhưng rồi sau này cũng chẳng dùng đến cái nghề mạt hạng này đâu con ạ. Ông biết cái gì ông sẽ dạy mày bằng hết, từ nay mày không phải sửa xe nữa, ông dạy mày cái này.
Ông đứng lên, mở cánh tủ buýp phê lôi ra một cái hộp gỗ nhỏ, cẩn thận nhấc từng món đồ trong hộp bày lên bàn cho tôi xem.
- Đồ nghề một thời oanh liệt của ông đấy. Ông sẽ dạy mày dần dần...
Mỗi ngày ông lôi ra một món đồ trong hộp, dạy tôi chạm khắc những đường nét hoa văn trên một khối đá xanh mà tôi đoán ông đã mất rất nhiều công sức để mài cắt vuông vức và nhẵn nhụi như vậy. Tôi trầm trồ khen phiến đá đẹp, ông bảo ông đã mất hai đêm để mang nó từ núi về đấy. Tôi say sưa ngắm nghía. Vài hôm sau, tôi thấy nhà ông Cung trưởng công an huyện kêu mất hai cái chân chậu cảnh bằng đá khối Thanh Hoa.
Học việc với ông Khào một thời gian tôi mới hiểu con người ông thật phức tạp. Thời trẻ, ông vốn là một nhà địa chất có tiếng ở vùng Đông Dương. Ông về Ba Trại khai thác than đá. Than ở vùng này không nhiều nhưng là loại than đá quý, nằm ở độ sâu hàng trăm mét. Lần đầu tiên đến đây, ông đã bị những tảng than đá nguyên khối đen óng, trong suốt hút hồn. Ông biết đó không phải là thứ than đá bình thường. Được ông chủ mỏ ưu ái nên ông tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi để thực hiện đam mê của mình. Ông tỉ mẩn chạm trổ, khắc đẽo, cuối cùng đã làm được một bông hoa hồng và một chiếc chân đèn bằng than đá trong suốt, có thể sáng lấp lánh trong ánh trăng. Bông hồng và cái chân đèn đã làm thay đổi cuộc đời ông. Từ một nhà địa chất, ông đột nhiên trở thành nhà điêu khắc, được về chính quốc giới thiệu những tác phẩm độc đáo của mình, và nhất là ông đã có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện với quan toàn quyền. Đời ông gần như đã trở nên huy hoàng khi quan toàn quyền ngỏ ý muốn ông khắc một bức tượng bằng thứ đá kỳ lạ ấy. Ông hì hụi làm, say sưa làm, làm quên ngày quên tháng, đó sẽ không chỉ là một bức tượng đơn thuần hay một tác phẩm nghệ thuật mà hơn thế, nó sẽ là bệ phóng cho tương lai huy hoàng của một anh chàng tư sản thuộc địa trẻ tuổi. Khi ông hoàn thiện xong được một bên mắt bức tượng thì xảy ra sự cố. Ông chủ cuốn gói về Pháp, các đồn điền xung quanh cũng vội vã thu gom tất cả mùa màng của vụ làm ăn cuối rồi rút đi. Khu mỏ bị bóc xới ngổn ngang, nằm trơ trụi giữa ba quả đồi trọc lốc. Đêm trước khi chuyến tàu hàng cuối cùng chở chiến lợi phẩm đi, bọn chúng cào tung con đập ngăn lũ phía thượng nguồn, nước từ trong lòng núi xối xả đổ về, cuốn vào hầm mỏ sâu trong lòng đất toàn bộ cư dân Ba Trại và vô số nông phu người Việt chen chúc trong các lán trại xung quanh, vùi lấp mọi dấu tích của mỏ than quý trong mênh mông nước. Ông may mắn thoát chết cũng bởi vì ông còn chưa kịp hoàn thành xong bức tượng tên toàn quyền bằng than đá. Bức tượng ấy đã cứu sống cái mạng người bèo bọt của ông nhưng đã cướp đi bao nhiêu máu thịt đồng bào ông. Ông đã ném nó vào đường ray khi đoàn tàu rời ga Đồng Cỏ lao đi. Nhìn những mảnh vỡ vụn nát tua tủa toé ra xung quanh găm vào đất những mũi kim sắc lạnh mà tưởng nó đang ném vào ông cả một quả bộc phá khổng lồ...
3. Em gái giáp tôi bị nạn. Nó mười tuổi, sáng nào cũng dậy từ khi sương mù còn quây đặc quanh ánh đèn leo lét của mấy bà buôn rau ngoài chợ, đứng bên rìa quốc lộ chờ những chiếc ô tô chở rau cải bắp từ mạn trong ra dừng lại đổ hàng, rình để nhặt những lá rau rơi mang về cho cả người cả lợn ăn. Nó mải nhặt một lá rau còn lành nguyên vừa văng ra nên bị gió cuốn vào gầm xe. Một bàn chân nó  bẹp dí dưới lốp ô tô. Nhà có gì đáng giá đều mang đi cầm cố để đưa em tôi đi bệnh viện. Bố tôi nằm rịt trên Hà Nội với nó, một mình mẹ tong tả buôn ngược bán xuôi kiếm tiền gửi lên. Hai anh em tôi ở nhà ăn quanh ăn quẩn những gì kiếm được. Tôi đã có thể kiếm tiền bằng nghề sửa xe đạp, ông Khào bảo tôi cứ đi học về thì sang làm với ông, làm được cái nào lấy công cái ấy, ông cho hết. Thi thoảng tôi thấy ông lôi một món đồ quý ra bán, ông bảo ông già rồi, không cần làm nữa, bán hết đi ăn rồi chết lúc nào thì chết. Ông thường bán đồ lúc sáng sớm hoặc tối mịt. Tôi ở với ông mãi rồi quen, tôi không thích ông nhưng không còn sợ ông nữa. Dù sao tôi cũng chịu ơn ông, ông lấy công dạy tôi học nghề chỉ bằng vài quyển sách cũ in tiếng Pháp trong tủ sách của cha tôi, những quyển sách mà với tôi nó chẳng có nghĩa lí gì. Khách nhà ông cũng lạ, nhiều bà hôm nay vào vá săm, mai lại đến bơm xe, ngày kia lại vào căng xích, tra luyn... họ để xe cho tôi làm rồi lên gác với ông. Mỗi khi chủ khách đã lên gác, ông rút cái thang tre bỏ lên trên và dặn tôi, ai hỏi thì bảo ông đi vắng. Nói chuyện chán chê ông mới thả thang trèo xuống, có hôm khách ở đến tận chiều mới về.
Hôm ấy, khách đông, tôi hì hụi làm đến tận khi phố xá loang lổ ánh đèn mới thu dọn đồ nghề. Bước vào trong cửa, tôi thấy ông ngồi thõng thượi trên bậc thang dưới cùng, cái thang gỗ đã mòn vẹt bám xiêu bám vẹo vào lỗ cửa trên gác xép. Ông phều phào bảo tôi:
- Mày đỡ ông lên với, ông đau quá!
Người ông nặng trình trịch, nhũn như bún. Sức thanh niên hoi như tôi phải hì hục đến mươi phút mới lôi ông lên được. Căn gác xép nhỏ bé, leo lét ngọn điện đỏ quạch. Tôi phải khom người để đứng lên kéo ông vào chiếu. Chỗ nằm của ông gọn gàng ngăn nắp, mấy cuốn sách tiếng Pháp của cha tôi được bó cẩn thận bằng lạt giang kê ở góc đầu giường, cạnh mớ chăn gối thoang thoảng mùi hôi hôi khen khét của thuốc lào. Đặt ông nằm ngay ngắn trên tấm chiếu mỏng đã xơ mép cói, nghe tiếng thở yếu ớt của ông, tôi khẽ hỏi:
- Ông đau ở đâu, có phải gọi bác sĩ không?
Ông bật tiếng cười khùng khục trong cổ họng lẫn với tiếng nói phều phào:
- Mày kệ mẹ ông, cái thị trấn này đếch có thằng bác sĩ nào chữa được cho ông đâu, ông nằm một tí, mai ông khỏi. Mày đưa ông cái ống bơ trong kia.
Tôi lấy cho ông cái ống bơ, trong đó là thứ lá cha con tôi vẫn đi hái về bán, mỗi khi tôi bị đi đái dắt mẹ thường đun cho tôi uống. Ông quờ tay nhúm một nhúm cho vào ấm chuyên rồi bảo tôi đổ nước phích vào, để đấy cho ông. Cất ống bơ lá vào chỗ cũ, tôi vô tình nhìn thấy trong bóng tối khoang khuếch lố nhố bao nhiêu là tượng đá xếp chồng đống lên nhau. Tôi cầm lên một bức ngoài cùng, đó là bức tượng người phụ nữ không có mặt, thân tượng thủng một lỗ to huếch hoác, mài giũa trơn bóng. Tôi liếc nhanh qua, hình như tất cả đều na ná nhau, chạm trổ xiêu vẹo vụng về, không bức nào có mặt, cái thì cụt đầu, cái thì chỉ có tóc, cái thì hình chữ nhật, hình lục lăng, hình tam giác.
- Muộn rồi, mày về chả có mẹ mày mong. Mai đi học về sang ông luôn nhá!
Tiếng ông làm tôi giật mình. Tôi khẽ vâng rồi tụt xuống thang.
Những bức tượng không rõ hình thù cứ ám ảnh tôi. Trong góc tối hun hút của cái gác xép thấp lè tè ấy còn có bao nhiêu điều bí ẩn. Con người ông càng lúc càng khiến tôi tò mò. Đêm hôm ấy tôi gần như không ngủ, tôi chờ xem có tiếng mõ hay tiếng hát phật phờ của ông vọng đến không, nhưng bóng đêm huyễn hoặc quanh tôi chỉ chi chít những âm thanh lạo xạo của loài dế và thi thoảng một vệt âm thanh sắc lạnh của còi tàu rít lên rồi biến mất.
4. Mẹ tôi đi chợ về nằm vật lên giường khóc. Bà tôi ngồi một bên, cầm tay mẹ tôi xoa bóp rồi kéo ra cho khỏi co giật. Mẹ tôi vốn yếu thần kinh, chỉ nhìn thấy máu đã ngất xỉu, mẹ cũng không chịu được những cảm xúc mạnh, mỗi lần gặp chuyện đau buồn, chân tay mẹ lại co quắp như người mắc bệnh động kinh. Bà bảo tôi:
- Mày sang hàng xóm vay bò gạo về nấu cháo. Mẹ mày nhịn từ qua đến giờ, kiếm được đồng tiền lại mất sạch rồi.
Tôi luống cuống cầm rá qua ba bốn nhà rồi cũng vay được non bơ gạo. Mẹ tôi đạp xe đi buôn cá khô suốt từ hai giờ sáng đến tận khuya mới về, sáng ra chợ đong được hai bơ gạo, bỏ vào làn rồi mới móc túi trả tiền thì tiền đã không cánh mà bay, áo mẹ rách một vệt dài. Bà hàng xáo xăm xăm xói xói la làng, chửi bới, rủa xỉ, giằng giật đùm gạo khỏi tay mẹ cứ như thể mẹ vừa cướp của bà ta.
Tôi vay gạo về đến ngõ thì gặp ông Khào, mặt hừng hực như lão đồ tể, sặc sụa mùi rượu, ông chắn trước mặt tôi, giúi cho tôi một cục đen đen bảo:
- Mày bỏ vào nồi cháo cho mẹ mày, cao đấy, ăn cái này lại sức nhanh lắm.
Thấy tôi có vẻ sợ, ông dí ngón tay vào đầu tôi chửi:
- Tông sư cha mày, ông thương mày ông cho, mày tưởng ông cho mẹ mày ăn thuốc độc à!
Mẹ tôi nằm lả ra trên tay bà, toàn thân nhũn nhượi. Tôi cố cạy răng mẹ rót từng thìa cháo. Môi mẹ khô trắng, lật bật run. Cái lưỡi gần như cứng đơ, phải cố lắm mẹ mới khẽ cử động để nuốt nước cháo. Hai bên mắt mẹ lăn dài hai giọt nước đục nhờ.
Cha tôi bồng em về, nó bị cưa mất một chân. Lưng cha đeo thêm một ba lô sách cũ. Ở Hà Nội, nhờ mấy người bạn chiến đấu ngày xưa giúp đỡ, cha vừa chăm em, vừa đi mua giấy loại về bán, đó là những cuốn sách cha nhặt nhạnh chọn ra sau mỗi mẻ hàng. Cha tính bỏ nghề dạy học đi buôn nhưng mẹ không cho. Tài sản quý nhất của cả nhà tôi chỉ là cái danh thầy giáo của cha. Nhà tôi lẽ ra cả nghèo lẫn hèn nhưng nhờ cái danh thầy giáo mà chúng tôi chỉ nghèo chứ không hèn.
5. Cha đi dạy trên trường về, bươn bả trồng sắn trồng khoai. Mẹ tôi mở một mẹt hàng bán mấy thứ đồ lặt vặt, vài cốc nước chè xanh, mấy cái kẹo dồi, bao thuốc lá Sa Pa, sau rồi thêm ít sách cũ của cha, cái kim, sợi chỉ, bao diêm, bấc đèn... Tôi vẫn sang ông Khào sửa xe kiếm thêm tiền, cứ ba bốn buổi chiều là tôi gom đủ cho mẹ đong một bơ gạo. Ông Khào tranh thủ nhồi thêm cho tôi cách chạm trổ một bức hình lên đá. Hôm tôi làm được bức truyền thần cho ông chủ tịch xã, không biết ông ta cho bao nhiêu tiền nhưng ông Khào đãi tôi một bữa thịt nạc rim với cơm trắng thơm phức. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được ăn một bữa ăn kỳ diệu và ngon lành đến thế. Thấy ông ngắc ngư cười trong hơi men say lễnh loãng, tôi đánh bạo bảo:
- Ông dạy cháu làm tượng đi, cháu thấy ông làm nhiều tượng, ở trên gác ấy...
Ông cười khành khạch, cười như người bị ma làm. Ông bảo:
- Tông sư bố mày, máu sớm thế hả con... Để ông xem cái chim mày to bằng nào rồi hử...
Tôi đỏ mặt cúi gập người xuống tránh khi ông sắp sửa thò tay vào đũng quần tôi. Ông ngả người ra cười, tôi nghe ông cười như người ta nấc. Hàm răng rụng gần hết của ông phơi ra hốc miệng đen ngòm. Giọng ông phều phào, mắt ông đùng đục, mũi ông phập phù phập phù. Ông kể cho tôi nghe về những bức tượng...
Sau cái ngày người Pháp bỏ đi, ông dật dờ bên hồ bao nhiêu lâu ông cũng không biết. Xung quanh ông, bầu trời lúc đen thẫm như than, lúc đỏ quạch như máu. Ngày cũng như đêm, trên mặt nước lênh lênh loang loang, ông thấy bao nhiêu là người bay lượn, nhảy múa, gào thét, giẫy giụa. Mỗi khi trở trời, nước dưới lòng hồ cuộn lên đen đặc mầu than lẫn vài vệt đỏ máu người. Ông nhặt đá nhặt đất làm một túp lều bên bờ hồ để ở, đêm nào cũng lũ lượt khách đến uống nước chè. Ông kiếm củ sen về thả, chả bao lâu sen lan kín mặt hồ. Đêm đêm ông lại thấy người ta nhảy múa trên những đài sen, tiếng gào thét ít dần, có đêm ông nghe thấy tiếng hát nỉ non…
Rồi một đội nữ thanh niên xung phong về xây dựng nông trường. Núi đồi thay da đổi thịt. Khi cuộc sống ngày thêm khấm khá, máy cày máy kéo reo rôm rả trên khắp các sườn đồi cũng là lúc các cô hết tuổi thanh xuân, ai cũng giật mình thèm làm mẹ... Ông thấy tội thân cho họ, ông vỗ về họ, chăm sóc họ, nhưng rồi cứ cô nào bụng lùm lùm là chuyển đội sản xuất. Họ đến dồn dập vội vàng, họ đi đột ngột bỏ ông trơ lại một mình. Có lần, vô tình ông gặp được một người đàn bà mang con đi chơi. Ông sững người trân trân nhìn đứa bé, chưa kịp hỏi gì thì người đàn bà ấy đã vội quỳ dưới chân ông xin ông đừng nhận con, con ông đang yên ổn học hành, đang hãnh diện về người cha là một anh hùng trong tưởng tượng của cả hai mẹ con nó. Ông không biết nói gì, chỉ thở dài nhìn trời, nhìn đất, chỉ thấy khoang khuếch cái màu than đen ngòm lẫn vài vệt đỏ ngầu như máu. Về nhà, ông mang đá ra ghè-mài-đẽo- giũa để cho ra một mụ đàn bà. Những bức tượng nối tiếp nhau thành hình. Nhưng không cái nào làm ông thỏa mãn…
Ông cứ chạm, cứ khắc mãi miết cho đến khi bải hoải nhận ra trong nhà không còn một hạt gạo. Ông xếp những bức tượng vào một góc, lếch thếch vào chợ kiếm ăn. Hóa ra kẻ chợ mười phần thì đến chín phần rách rưới như ông. Ông đột nhập vào những tòa nhà bê tông cốt thép, chọn cái gì quý giá mang đi...
Kể đến đây, ông Khào đứng lên với tay vào hốc cột. Ông giơ trước mắt tôi một thanh thép mảnh làm từ chiếc nan hoa xe đạp đã mài giũa nhằng nhịt:
- Nó có thể mở được tất cả các loại khoá đấy. Bần cùng, ta phải sống đã, rồi làm gì thì làm.
Ông Khào nói bằng giọng trầm buồn, thoảng như gió. Ông lôi ra từ góc tủ một ổ khóa to, nháy mắt với tôi rồi lùa thanh thép vào lỗ khoá. Những ngón tay ông chầm chậm uốn dẻo, mắt ông nhíu, tai ông nghiêng sát vào ổ khoá lắng nghe. Tạch! Ổ khóa bật. Ông hất hàm với tôi thầm bảo, mày thấy chưa, rồi nhếch cười đứng lên dắt chiếc chìa khóa vạn năng vào hốc cột tối hun tối hút…
 6. Tôi vào học lớp mười. Cha tôi ngã bệnh. Các bệnh viện lắc đầu trả cha tôi về, mẹ tôi bán cái xe đạp Thống Nhất và cái mâm đồng tổ tiên để lại rồi lên Xích Thổ xin thuốc của người Mường. Họ cho một bì thuốc, nhưng bảo mẹ tôi phải tìm lấy cho được cái dây tơ hồng mọc trên cây vả trong rừng sâu, mọc giữa dòng suối thì càng tốt. Phải có dây tơ hồng tươi sắc cùng thì thuốc mới có tác dụng. Mẹ tôi nước mắt lưng tròng. Tôi quỳ xuống xin:
- Con lớn rồi, con đi được.
Tôi đi. Sương mù phủ kín trên đỉnh Quèn Thờ. Ánh mắt héo hắt của mẹ bên cánh cổng tre xộc xệch còn bám mãi sau lưng tôi. Ra khỏi thị trấn, tôi thấy ông Khào đứng bên đường, ông lao vào tôi như một con gấu làm tôi giật mình. Ông chìa đôi cánh tay chi chít sẹo về phía tôi, nói trong hơi thở gấp gáp:
- Ông đi với mày. Ông già nhưng còn khỏe...
Giọng nói của ông làm tôi bật cười cả ra lỗ tai. Chúng tôi lặng lẽ chui vào sương giá. Bấu vào những mỏm đá xám xịt để đi. Tinh mơ ngày thứ hai, tôi trượt chân từ những sợi dây rừng rơi xuống suối. Loài dây leo bò lan khắp rừng nhưng chỉ cần một sợi, khi bị đứt lìa khỏi gốc, chúng ải dần và mục ruỗng bên trong, tôi đã vô tình bấu vào đó để đu sang ngọn cây vả bên kia suối, nơi có những sợi tơ hồng lả lướt, xõa sượi. Tôi chới với giữa dòng chảy cuồn cuộn của con suối đang đổ thác về xuôi, may mắn, tôi quờ được một sợi rễ cây vươn dài ra giữa dòng nước ngầu bọt, bò lên một mỏm đá. Tôi phủ phục trên bộ rễ cây đang phủ kín phiến đá giữa dòng nước đục ngầu, quá trưa mới tỉnh dậy. Ông Khào ngồi một bên, cởi trần trùng trục, bộ quần áo khét đặc mùi thuốc lào của ông đang quấn quanh tôi. Bên cạnh tôi, một bó tơ hồng tươi đã được bọc cẩn thận lẫn trong những cành lá vả đang rỉ nhựa. Ông đút cho tôi miếng cơm nắm bọc trong lá chuối khô, bàn tay run lẩy bẩy và khuôn mặt ông nở ra niềm sung sướng trẻ thơ.
Hai ông cháu ra đến đường mòn dẫn vào thị trấn thì trời đã nhá nhem. Ông Khào dừng lại đặt bàn tay hộ pháp lên vai tôi nói:
- Về lo thuốc thang, khi nào cha mày khỏi thì sang ông dạy tạc tượng.
Tôi bước thấp bước cao, vừa bước vừa ngoái lại nhìn cái bóng xù xì của ông Khào phía cuối đường. Một vài ngọn đèn heo hắt không còn rọi đủ bóng ông nữa. Trời đất thẫm dần.
7. Tôi vừa đun thuốc cho cha vừa đọc sách. Tiếng cha thở nặng nề như kéo đá. Đêm đông đặc quánh, càng gần về sáng, sương muối xuống nhiều càng buốt. Mẹ tôi đạp xe đi Cồn Hải mua hàng chưa về. Hai đứa em tôi đang rúm rít góc giường. Trong nhà trống huơ trống huếch. Miếng cót ép ngoài cửa sổ lật bật vì gió. Tôi cời chậu than sưởi dưới lưng cha, rồi đứng lên... Đêm đen thẫm. Tiếng chó sủa dập dồn ngoài đường cái làm tôi nhớ ông Khào…
Cha tôi nằm bày bạy trên giường thi thoảng nước mắt trào ra giàn giụa trên má. Bây giờ cha đang ngủ, tiếng ngáy nặng nề tức tưởi, hình như cha tôi vừa ngáy vừa nấc. Bắc siêu thuốc lên, chắt ra bát rồi đặt lên bàn cho cha, tôi khẽ gấp quyển sách đút vào đầu giường, rón rén trèo lên gác xép lấy thứ đồ vật mà tôi giấu kĩ trong khe tủ, dắt vào cạp quần, tụt xuống thang ra đường bằng lối cửa sau.
Cha tôi sừng sững giữa cửa:
- Mày đi đâu hả con? Mày...
Tôi lúng búng. Cha rệu rã đổ người vào cánh cửa, mắt cha vằn lửa và đôi môi như dính bết vào nhau. Tôi kịp giơ vai đỡ cha khỏi ngã phịch xuống đất nhưng không ngăn nổi tiếng thở của cha hắt xoáy vào mặt tôi như một cơn lốc tuyết. Tôi loạng choạng đỡ cha về giường, chiếc chìa khoá vạn năng của ông Khào đã nằm gọn trong tay cha lúc nào. Cha tôi ôm ngực nói trong cơn thở dốc:
- Nghèo cho sạch… rách cho thơm… Con giết cha đi rồi muốn làm gì thì làm!
Tôi gào lên trong bóng đêm đặc quánh, ôm chặt lấy cha. Mẹ tôi vẫn chưa về. Lò than sắc thuốc của cha tua tủa ném vào mắt tôi những chùm xạ quang rậm rịt như chùm rễ cây rừng giữa dòng suối mặn đắng đang cuồn cuộn chảy...

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên