Thiên nhiên tuyệt vời trong truyện cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng

VOV.VN - Nhà văn: "Tôi rất vui mừng vì thấy những cuốn sách mình viết cách đây gần nửa thế kỷ đã được in lại cho các cháu nhỏ đọc..."

Mới đây, NXB Kim Đồng (chi nhánh tại TP.HCM) phối hợp với Trường Tiểu học Việt Mỹ đã tổ chức cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa nhà văn Vũ Hùng với các học sinh của trường.

 
Nhà văn Vũ Hùng - người đã gắn bó với văn học thiếu nhi từ những thập niên 60- 80 của thế kỷ trước, hai lần được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng giải thưởng dành cho các tác phẩm xuất sắc viết về thiên nhiên và thú rừng. Ông rất cảm động khi được trò chuyện với các độc giả nhỏ tuổi. Buổi giao lưu diễn ra rất sôi nổi, các cháu nhỏ đặt ra nhiều câu hỏi và nhà văn nhiệt tình chia sẻ, giải đáp.

 
Nhà văn nói với phóng viên: “Tôi rất vui mừng vì thấy những cuốn sách mình viết cách đây gần nửa thế kỷ đã được in lại cho các cháu nhỏ đọc. Điều đó làm tôi không những cảm động mà còn thấy phấn khởi vì những cái tưởng đã bị lãng quên giờ được trở lại…”

Buổi giao lưu này được tổ chức nhân dịp NXB Kim Đồng vừa cho ra mắt 6 cuốn đầu tiên trong bộ 18 tác phẩm chuyển nhượng tác quyền với NXB Kim Đồng của nhà văn Vũ Hùng. 6 cuốn sách gồm: Mái nhà xưa, Giữ lấy bầu mật, Chú ngựa đồng cỏ, Sống giữa bầy voi, Sao sao, Mùa săn trên núi.

Bà Phạm Thị Tuyn- Hiệu trưởng Trường tiểu học Việt Mỹ cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức những chương trình giao lưu như vậy cho học sinh với mục đích gieo mầm văn hóa đọc cho các em”.



Những bài học sâu sắc từ thiên nhiên

Hàng chục năm trước đây, từ những năm 60-80 của thế kỷ trước, nhà văn Vũ Hùng đã được bạn đọc thiếu nhi yêu mến qua những trang viết về thiên nhiên, muông thú. Những đoạn văn tả cảnh thiên nhiên trong các tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng từng lay động trí tưởng tượng và tình cảm của nhiều độc giả nhỏ tuổi.

Thiên nhiên trong văn ông là không gian sống đáng yêu giữa con người với tự nhiên. Ông viết về thiên nhiên của Hà Nội thời đó, rồi thiên nhiên ở những nơi ông từng đi qua trong những năm tháng làm anh bộ đội. Thiên nhiên trong truyện của ông hoang dã, tươi đẹp, đầy cuốn hút và mang lại nhiều bài học bổ ích, sâu sắc về cuộc sống.

Như trong tác phẩm “Sống giữa bầy voi”, ông viết: “Trước đây do lấy những nền tảng của xã hội loài người làm thước đo để suy đoán, tôi đinh ninh luật rừng là luật lệ tàn khốc của sự hỗn độn, của cuộc đấu tranh sinh tồn, một cuộc đấu tranh quyết liệt đến mức không dung tha để giành lấy khoảng không gian và những ưu thế tồn tại: thú dữ ăn thịt thú lành, thú lớn lấn át và tiêu diệt thú bé.

Người ta có thói quen coi luật rừng là luật của sức mạnh. Khi một đội bóng chơi thô bạo, người ta bảo họ chơi "rừng". Khi những kẻ mạnh lấn át kẻ yếu, người ta bảo họ hành động theo "luật rừng".

Hoàn toàn không đúng như vậy.

Luật rừng trước hết là sự khôn ngoan để duy trì sự tồn tại của chính mình và của dòng giống. Mọi loài thú, kể cả những loài có sức mạnh nhất, bao giờ cũng muốn nhìn thấy kẻ khác nhưng lại không muốn kẻ khác nhìn thấy mình. Vì thế không khi nào chúng gây gổ một cách vô ích, để lộ sự có mặt của chúng. Cả đến con cọp, dù có thể xếp vào hàng chúa tể của rừng, cũng luôn hành động khôn ngoan nhưvậy. Nó không khi nào dựa vào sức mạnh để tự cho phép mình làm những điều mù quáng. Nó lảng tránh bầy voi, lảng tránh con beo, con lợn độc, lảng tránh cả con người và chỉ nhận sự đối đầu trong những trường hợp bắt buộc.

Trong rừng không bao giờ thấy có những cuộc chiến tranh cùng loài như trong xã hội loài người. Một bầy voi không bao giờ đánh nhau với một bầy voi. Một gia đình báo không bao giờ xung đột với một gia đình báo khác.

Đôi khi cũng xảy ra tranh giành giữa hai cá thể cùng loài nhưng không bao giờ cuộc xung đột ấy dẫn đến sự tiêu diệt đối thủ. Ngay trong cơn giận dữ, do bản năng bảo tồn dòng giống, chúng cững biết khi nào thì nên thôi.

Khi hai con cọp đánh nhau - chúng không bao giờ đánh nhau để tranh mồi mà đánh nhau để tranh giành con cái - chỉ một lát sau con yếu hơn sẽ nhảy ra ngoài vòng chiến, nằm rạp xuống để tỏ ý khuất phục. Lập tức con mạnh hơn sẽ ngừng lại cho con yếu được tự do bỏ đi.

Khi hai con voi đọ sức để tranh giành thứ bậc trong bầy thì cũng thế: con yếu sẽ lùi lại và buông thõng vòi xuống. Đó là dấu hiệu đầu hàng trong loài voi. Con mạnh hơn thấy dấu hiệu đó sẽ ngừng lại.

Luật rừng thứ hai là sự cố gắng sửa đổi các tập tính, hình thành những thói quen mới để thích nghi với hoàn cảnh sống”. (Trích tác phẩm “Sống giữa bầy voi”).

Khi còn là một cậu bé, Vũ Hùng viết văn như thế nào?
Trong tác phẩm “Mái nhà xưa”, người đọc bất ngờ và thú vị khi khám phá ra rằng thuở nhỏ, nhà văn cũng phải… “đánh vật” với những bài “tập làm văn” chứ không phải bẩm sinh ông đã viết văn hay như thế. Ông kể lại câu chuyện lúc nhỏ mình và các anh chị em trong nhà, tối tối ngồi học bài.

 “Buổi tối trong buồng học bao giờ cũng bắt đầu bằng những trao đổi hào hứng. Những việc xảy ra ở trường lớp đều được nói lại để cùng cười và bình luận.

Một tối chị cả nói:

- Các em có biết trong bài luận về con chó, Hoàng tả  thế nào không?

- Chị nói lại xem nào.

- Nghe này: Con chó nhà tôi có bốn chân. Đầu nó có hai cái tai. Đít nó có cái đuôi.

Mọi người cười rộ. Hoàng phản đối:

- Không đúng thế là gì.

Người anh nói:

- Không còn gì đúng hơn. Không ai viết ngược lại: đầu nó có cái đuôi, đít nó có hai tai. Nhưng để biết con chó của em có hai tai, Hoàng có thể viết: khi thấy tiếng bước chân ai ngoài cổng, con chó vểnh hai cái tai nhọn hoắt lắng nghe. Cách mô tả đó gọi là cách mô tả gián tiếp.

Chị hai cũng nói:

- Nói về cái đuôi, sao em không viết: thấy tôi đi học về, con chó chạy lại, rối rít vẫy đuôi mừng.

- Ờ nhỉ. Thế mà em chẳng nghĩ ra… »
(Trích tác phẩm “Mái nhà xưa”)

Và rồi có lẽ một phần nhờ những buổi trò chuyện cùng các anh chị của mình như thế, mà sau này nhà văn đã đã quan sát một cách tinh tế rồi đưa vào trong văn của mình những đoạn tả cảnh rất tuyệt vời, làm lay động nhiều thế hệ độc giả nhỏ tuổi.

Vài đoạn tả thiên nhiên trong các tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng

*  “Cái vòi của Cu Con thật kì lạ. Gần như không có việc gì mà Cu Con lại không dùng đến vòi. Nó dùng vòi để thở, để đánh hơi và nhận biết lá lành hay độc, để phun bụi đất phủ lên lưng vào lúc trưa nắng, để xì ruồi muỗi, để dò đường và rẽ lối đi trong rừng, để rống gọi, để biểu lộ tâm tình: Cu Con đập vòi chan chát xuống đất khi giận dữ, đu đưa vòi khi thoải mái yên tâm. Vòi còn là vũ khí quan trọng dùng để quật hoặc quấn lấy kẻ thù, ghì nát và quăng đi xa. Nhưng vượt trên tất cả, cái vòi giúp Cu Con tồn tại: Cu Con dùng nó để hít nước khi khát, để bẻ cành hái lá và vơ cỏ lên miệng khi ăn...”

* “Buổi sớm trên đồng cỏ sôi động. Nỗi buồn và nỗi cô đơn của ban đêm mau chóng bị xua tan. Ánh nắng mới lên nhuộm hồng làn sương vương trên những ngọn cây. Sau một đêm ngủ bình yên, bầy chim tỉnh dậy hót vang lừng. Một vài con nai rời bến nước, lững thững tìm về ổ ở khuất đâu đó dưới lùm cây.

Bình minh diễn ra chỉ trong khoảng khắc. Ở đồng cỏ mênh mông cũng giống ngoài biển cả, mặt trời lên nhanh vùn vụt. Thoạt đầu nó chậm rãi nhô lên, đỏ hồng như một trái dưa hấu mới bổ, rồi sau khi vượt khỏi đường chân trời chắn ngang, nó leo mau lên cao và nắng chợt chói chang lúc nào không hay.

Những bầy voi thong thả đi về phía bến nước. Bầy thứ nhất, bầy thứ hai và xa xa là bầy thứ ba. . . Nghe động bước chân từng đàn chim dẽ và cun cút bay vụt lên từ những hàng sậy. Những con cá sấu nhỏbò từ dòng nước lạnh lên phơi mình trên bãi cát, thấy bầy voi rậm rịch đi tới liền theo nhau toài nhanh xuống sông, để lại trên đường những vết trườn. Đàn trâu rừng với con trâu mộng đầu đàn mang đôi sừng nhọn hoắt đang ăn gần bến nước đủng đỉnh bỏ đi xa, nhường chỗ cho những bầy voi.

Bầy thứ nhất xuống bến. Chúng tắm vừa đủ, không kéo dài và sau tiếng rống rền vang của con đầu đàn chúng thong thả đi lên, rẽ sang một đường khác nhường chỗ cho bầy thứ hai.

Sau khi các bầy voi tắm xong, nhịp sống trở lại như trước. Cun cút và chim dẽ bay về những lùm sậy nơi chúng làm tổ. Bọn cá sấu nhỏ lại trườn lên bãi cát phơi mình và đàn trâu thong thả trở về chỗ cũ”.

(Trích tác phẩm “Sống giữa bầy voi”, NXB Kim Đồng. Sách được tặng thưởng năm 1986 của Hội đồng văn học thiếu nhi- Hội Nhà văn Việt Nam)

* “Dọc hàng cây ven đường, con sóc cong cái đuôi sum sê như bông lau, nhảy thoăn thoắt làm rụng xuống những hạt sương. Con bìm bịp thỉnh thoảng lại cất tiếng kêu, đứng ló cái mình nửa nâu nửa đen ra khỏi bụi rậm. Trên cây kỳ nam, bầy khướu bạc má chuyền cành, hót say xưa. Rừng nhộn nhịp đón bình minh.

Bọn trẻ đi men theo bờ suối. Dòng nước róc rách dưới hàng dâu da lũng lẵng những chùm quả đỏ mọng. Một vài cây vả ngả ngọn xuống mặt nước, đưa đẩy những chiếc lá to bản. Lũ trẻ chui vào gốc hái quả chín, bửa ra hút lấy mật ngọt. Chúng ném cùi xuống suối cho trôi bồng bềnh và đứng nhìn đàn cá mương bơi lại, thoăn thoát đuổi theo rỉa mồi.

Khi mặt trời lên được hơn con sào, chúng ra đến nương. Sau vụ gặt, nương trơ đất màu nâu và lởm chởm gốc rạ chưa đốt. Chúng đóng cọc buộc con trống mồi, dòng dây ra xa và ném xuống mặt đất một vốc những hạt thóc vàng. Rồi chui vào nấp sau một búi mua đầy hoa tím, chúng giật dây. Con mồi vỗ cánh cất tiếng gáy o o…

Tưởng tiếng gọi đàn, một bầy gà cỏ từ trong bay lại. Cả một họ nhà gà: gà trống bệ vệ, màu lông đỏ sẫm; gà mái, gà choai và gà con còn chiêm chiếp chưa bay được xa, phải vừa bay vừa chạy. Chúng đỗ quanh đống thóc, trông hoa cả mắt, vừa ăn vừa mổ nhau chí chóe. Tính nết những anh chị gà rừng này chẳng khác gì tính nết bọn gà nhà. Các chị gà mái luôn mồm kêu cục cục, cố len vào giữa đám đông, nhặt từng hạt thóc ngon đem ra nhả cho bầy con. Bọn gà trống tốt mã nhưng tham ăn, tự tiện khoanh cho mình một khoảng rộng, con nào đến gần, chúng chọi cho vài mỏ và đá vụng cho mấy đá”.
(Trích tác phẩm Mùa săn trên núi, NXB Kim Đồng)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phát hành 6 tập truyện muông thú đầy nhân văn của nhà văn Vũ Hùng
Phát hành 6 tập truyện muông thú đầy nhân văn của nhà văn Vũ Hùng

VOV.VN - Sau 25 năm vắng bóng trên văn đàn Việt Nam, nhà văn Vũ Hùng – người 2 lần nhận giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn, đã trở lại.

Phát hành 6 tập truyện muông thú đầy nhân văn của nhà văn Vũ Hùng

Phát hành 6 tập truyện muông thú đầy nhân văn của nhà văn Vũ Hùng

VOV.VN - Sau 25 năm vắng bóng trên văn đàn Việt Nam, nhà văn Vũ Hùng – người 2 lần nhận giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn, đã trở lại.

NXB Kim Đồng tái bản 18 tác phẩm đặc sắc của nhà văn Vũ Hùng
NXB Kim Đồng tái bản 18 tác phẩm đặc sắc của nhà văn Vũ Hùng

VOV.VN -Trong đợt tái bản này, những tác phẩm đã chinh phục bao thế hệ của nhà văn Vũ Hùng sẽ được sống lại với diện mạo mới phù hợp với thị hiếu của độc giả hiện nay.

NXB Kim Đồng tái bản 18 tác phẩm đặc sắc của nhà văn Vũ Hùng

NXB Kim Đồng tái bản 18 tác phẩm đặc sắc của nhà văn Vũ Hùng

VOV.VN -Trong đợt tái bản này, những tác phẩm đã chinh phục bao thế hệ của nhà văn Vũ Hùng sẽ được sống lại với diện mạo mới phù hợp với thị hiếu của độc giả hiện nay.

Nhà văn Vũ Hùng: Thời gian ở Lào đã làm tôi biến đổi!
Nhà văn Vũ Hùng: Thời gian ở Lào đã làm tôi biến đổi!

VOV.VN -Những tác phẩm cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng sẽ được NXB Kim Đồng tái bản, dự định ra mắt vào khoảng cuối năm 2014- đầu năm 2015

Nhà văn Vũ Hùng: Thời gian ở Lào đã làm tôi biến đổi!

Nhà văn Vũ Hùng: Thời gian ở Lào đã làm tôi biến đổi!

VOV.VN -Những tác phẩm cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng sẽ được NXB Kim Đồng tái bản, dự định ra mắt vào khoảng cuối năm 2014- đầu năm 2015