Vợ chồng phó mộc

Truyện ngắn của Trần Văn Thước

Đã hơn mười giờ đêm. Chờ chồng tiễn khách trở vào Miên giục ngay:

- Khuya rồi. Nhà đi nằm nghỉ chứ cả ngày đường sá nắng nôi thế.

Chấn nhìn lên đồng hồ treo tường rồi bước sang ngồi xuống chiếc ghế người khách anh vừa tiễn ra cổng.

- Mình đi ngủ trước đi, mai đón chuyến xe sớm đón con về. Tôi muốn ngồi lại một lúc.

Miên vào buồng toan khép cánh cửa nhưng lại thõng tay để hờ. Ánh mắt Chấn nhìn theo ngoắt đi ngay cùng khoảnh khắc với tiếng bản lề khẽ “kít” lên rồi tắt mau. Dù chỉ là một loáng nhưng ánh nhìn theo ấy cũng đủ làm Miên rộn rạo với cảm giác vừa quen cũ vừa mới lạ. Rồi cái quen cái lạ ấy hòa trộn thành lời thầm trách vui: “Sao toan đóng cửa chứ. Ông “râu tóc” vừa trở về sau chuyến đi không lâu mà đằng đẵng đấy thôi...”.

Miên xoay chiếc gối nằm xuống định quay mặt vào trong nhưng lại quay ra. Nhà vắng ô cửa buồng, như cao lên rộng ra. Cứ tưởng sau cái ngoái theo ấy Chấn sẽ đổi thế ngồi để trong này Miên được trọn vẹn gương mặt, trọn vẹn đôi mắt rất sáng, trẻ trung. Cho thỏa những ngày... Nhưng không! Chấn vẫn thế ngồi như lúc nãy, bờ vai nhô lên khỏi thành ghế tựa, một tầm nhô như sẵn sàng nhún nhịp cho cái cười khẩy, sẵn sàng bật lên phản ứng, sẵn sàng nghiêng nghiêng đón đứa trẻ phóc lên túm mái tóc làm bờm nhong nhong. Bờ vai ấy... ôi chao! Tiếng lòng Miên thốt lên nghèn nghẹn. Bao nhiêu bồi hồi ào ạt dẫn Miên về cái ngày lần đầu tiên được úp mặt lên bờ vai dài rộng kia. Bồi hồi, Miên tính ngược thời gian. Thoắt thế mà đã ngót ba mươi năm bờ vai kia nghiêng nghiêng cho Miên tràn nước mắt...

*

*    *

Đi họp về thấy chị dâu vẫn ngồi ngoài hiên, Miên sà xuống trêu đùa: “Anh đi họp xa chị ở nhà khó ngủ. Quá đúng nhé!”. Chị dâu cầm giữ tay Miên như sợ chạy mất. “Cậu Chấn đến chơi mới về. Hôm nay thì chị thật tin cậu ấy. Chung phận đàn bà, cùng làm dâu một nhà, chị nói thật em đừng giận. Em vui hai ngày làm vợ để rồi ngần ấy năm trời ngóng trông, ngần ấy năm gánh vác việc nhà chồng. Chú Ban đã hy sinh, giờ  em phải nghĩ đến bản thân mình, phải nghĩ đến ngày mai. Sao em cứ tránh mặt cậu Chấn mãi vậy?”. Miên vội chống chế: “Việc đội giống rồi họp hành đoàn hội, chị thấy em còn lúc nào gặp để mà tránh”. Chị dâu bóp nhẹ bàn tay Miên: “Chị đã hỏi mấy cô đội giống, tối mai không có họp hành gì. Chị hẹn cậu Chấn tối mai đến nhà mình...”. Miên không trách chị dâu tự ý định liệu cuộc gặp. Đêm khó ngủ Miên nghĩ nhiều về anh chàng người thôn Thượng. Nghe kể bố anh ta là thợ mộc có tài chạm khắc, đứng chân thợ cả xưởng đồ gỗ trên phố. Hồi cải cách có người tố ông thu thập tin tức làng kháng chiến lên báo sếp bốt phố Phủ. Vì ông ta mà hai lần làng kháng chiến thất bại chống càn. Nhiều người trong làng trên phố đứng ra làm chứng có kẻ đố kỵ nghề nghiệp bày mưu tố thù ông phó. Án tố còn chưa rõ đúng sai thì một sáng sớm người ta thấy ông phó đã chết bên bờ sông Lăng quãng lượn hình vai cày. Năm ấy Chấn mới chín tháng tuổi, là đứa con duy nhất của vợ chồng ông phó. Tuy khác thôn nhưng cùng làng Miên lại hơn vài tuổi nên biết tường tận cậu bé mồ côi. Chấn được tiếng là cậu trò ngoan học giỏi nhưng giấy gọi đi đại học, trung cấp đều bị chính quyền giữ lại. Ở làng, Chấn không được gọi nhập ngũ, không được vào dân quân. Việc tập thể duy nhất Chấn được tin cậy giao phó là trưởng nhóm thợ cày toàn ông già, các bà nạ dòng. Việc nhà nông có thì có vụ, lúc rảnh rang Chấn toòng teng hòm đồ ngồi bên gốc cây gạo đầu chợ Phủ hành nghề chạm khắc bút máy, điếu bát điếu cày. Chấn còn có thú đi câu và làm vườn. Mảnh vườn hai sào, hai mẹ con trồng nhiều loại rau và hoa, ai mua thì bán ai xin cũng cho. Miên chưa gặp nhưng thấy bảo Chấn thường ngồi câu ở quãng sông Lăng lượn hình vai cày, lắm hôm ngồi đấy cả ngày ngắm sông nước chứ không chủ tâm câu cá. Miên cũng được nghe người già nói ám rằng hồn linh ông bố thỉnh thoảng lại gọi đứa con ra ngồi bờ sông chuyện trò.

Chớm tuổi mười chín đã làm vợ nên Miên quá hiểu ý tứ ánh mắt đàn ông. Ban đi bộ đội, vào Nam được vài năm thì hy sinh. Từ đấy Miên càng tỉnh táo, hạn chế những gặp gỡ với người khác giới. Ở làng đến cái răng bừa long cũng nêu chuyện kháo ròng huống hồ những gặp gỡ, chuyện trò của cô vợ liệt sĩ. Với người này, ví như Chấn, Miên khéo léo lảng tránh để giữ cho họ. Với người kia, mà số này thì nhiều, Miên lảng tránh để cảnh cáo họ: nên nhớ cho đây là... Luôn luôn tỉnh táo, cảnh giác vậy mà Miên vẫn nơm nớp bởi kẻ Miên phải cảnh giác nhất, phải lo nhất không ai khác là người anh trai chồng. Rất nhiều ý đồ sàm sỡ, ham muốn chiếm đoạt được phủ đậy tinh vi bằng cung cách lịch lãm, đức độ bề trên, mực thước chu đáo. Đêm mưa anh ta xuống nhà ngang, vào buồng “để anh xem mái nhà có chỗ nào bị ẩm dột…”. Đi họp về khuya, anh ta đẩy cửa vào: “Đến lúc sắp mất mẹ vẫn muốn ở nhà ngang với em. Cho anh nằm đây một lúc cho đỡ nhớ mẹ với chú Ban... Trên nhà bà ấy kêu đèn sáng khó ngủ, anh nhờ bàn viết của em để làm cái báo cáo...”. Suốt đời Miên chịu ơn người chị dâu nhân hậu thâm thúy. Chị khéo léo dựng lên hàng rào bảo vệ đứa em. Ít hôm sau ngày mẹ mất chị mượn thợ mộc sửa lại cánh cửa, cửa sổ. Miên có việc đi đâu hay họp hành dù khuya mấy chị cũng thức chờ. Mỗi khi Miên tắm mà có chồng ở nhà thế nào chị cũng cắp chậu đồ ra ngồi sân giếng... Chị luôn luôn là người thứ ba có mặt đúng lúc đúng chỗ. Phải chăng linh cảm mách bảo hàng rào vô hình kia sắp bị đạp đổ nên chị gấp gáp, vun vén, thu xếp cuộc gặp ngày mai?! Miên ứa nước mắt vì niềm thương nỗi cảm phục chị dâu. Miên ngầm định liệu lần giáp mặt theo cách của riêng mình.

Cuộc họp xong sớm, bốn giờ chiều Miên đi tìm gặp Chấn. Hỏi lũ trẻ chơi bi đầu thôn Miên đi lối tắt ra quãng sông Lăng lượn hình vai cày. Chấn ngồi khuất sau bờ tre chăm chú đến nỗi Miên tới rất gần, lên tiếng anh chàng mới ngoảnh lại. Chấn không hề ngạc nhiên hay bối rối như Miên tưởng tượng trên lối ra đây. Nếu có ai bối rối, lúng túng thì chính là Miên.

“Mình gặp nhau lúc này thay vì buổi tối, được không?”

Chấn nhấc cần câu lên, thong thả buông lại.

“Chiều hôm qua gặp chị Thảo đi chợ về, chị mời tôi sang chơi. Buổi tối, hai chị em nói chuyện đến khuya, chị hẹn tối nay. Ngày đang chiều nhưng Miên yêu cầu… Miên ngồi xuống đi”.

Vạt cỏ xanh mướt từ mép nước lên tận chân bờ tre chắn sóng. Chấn thật khéo chọn chỗ này. Trên mặt sông phao câu nháy rút nhưng Chấn dứt khoát nhấc cần câu lên dựa vào bờ tre.

“Miên nghe này. Cái ngày giấy báo tử anh Ban về làng cũng là ngày tôi thầm yêu Miên. Từ đấy mẹ tôi buồn vì tôi từ chối những mai mối, từ chối những cô gái chủ động. Nhưng dần rồi mẹ hiểu ra, trân trọng tình yêu tôi hướng về Miên. Cứ hỏi vì sao tôi có tình yêu như thế. Thứ nhất, vì Miên cũng như mẹ tôi phải chịu mất chồng ở tuổi hai mươi. Thứ hai, vì anh Ban. Ở làng Quảng này, anh Ban là một trong số ít người hiểu rõ hoàn cảnh tôi, gần gũi, làm bạn với tôi. Anh động viên tôi học hành, cho sách vở. Ít hôm trước ngày anh Ban nhập ngũ, anh em tôi ngồi cả buổi ở chỗ này. Anh Ban nói cầm súng là việc bất đắc dĩ, làm trai thiếu gì cách lập thân, phải gắng mà học lên. Nhưng tôi đã phụ lòng anh ấy. Thứ ba là vì chị dâu Miên. Thật không hiểu vì sao người phụ nữ tuyệt vời như chị Thảo lại cam chịu làm vợ gã đàn ông đê tiện đến thế! Trên cái ghế quyền hành ấy và cái vỏ hào hoa lịch lãm hắn đã và sẽ làm hại đời nhiều cô gái, nhiều người vợ. Thực ra người phải đi lính là hắn chứ không phải anh Ban. Trong tờ lệnh nhập ngũ, cái dấu huyền được xóa rất tinh vi”...

Ngày còn rất mảnh. Ráng chiều lung linh mặt sông, rộm vàng mái đê, bờ tre chắn sóng. Đàn cò đang trở về sau một ngày lặn lội tảo tần, con đậu con sà ríu rít bờ tre. Bờ sông sóng vỗ. Miên nhìn dòng sông con nước đang duềnh lên.

“Nhưng mà em... hơn anh những gần ba tuổi”.

“Thế em có biết cái ông gì râu xồm kém bà Gienny đến mười tuổi không?”

Miên xoay người úp mặt lên bờ vai dài rộng. Không sao kìm được nước mắt Miên cắn cắn bờ vai.

Một năm sau, mùa thu.

Đón trước đứa con ra đời. Chấn quả quyết là con trai, anh thửa gỗ đóng xe nôi. Lần đầu tiên Miên được biết hòm đồ nghề của bố chồng được cất giữ như một báu vật. Chiếc hòm xách tay bằng gỗ vàng tâm, những chiếc tràng, chiếc đục, chuôi gỗ lim đen bóng, lưỡi thép đẫm dầu bảo quản. Hai buổi dụng công Chấn đóng xong chiếc xe nôi xinh xắn, tài hoa đường chạm nét trổ hoa văn. Cụ trưởng họ sang chơi đứng ngắm chiếc xe nôi nước mắt rớt ra. Miên hiểu những giọt nước mắt người già chắt ra từ vô cùng nhớ thương người oan khuất đã mấy chục năm. Chờ con trai hết cữ Miên bàn với chồng làm đơn xin vào hợp tác ngành nghề, công điểm cao, có điều kiện phát huy vốn nghề gia truyền. Chấn không phản đối nhưng lần khân đến khi thằng Sinh đầy năm mới xách hòm đồ đi hợp tác. Nhưng niềm vui chẳng tày gang! Đúng hôm họp bình công sáu tháng thì Chấn bỏ việc. Chấn về lúc nửa buổi, xách chiếc hòm đồ vỡ nắp, bên trong còn vài cái đục mẻ lưỡi mất chuôi. Mặc kệ Miên đang ngồi cho con bú Chấn vung tay thôi hồi. Một lũ phá hoại chứ tác te gì. Một lũ mách qué ăn tiền. Tấm ván sàn thuyền, cái ngõng xe cút kít có là cái gì lớn lao vĩ đại đâu mà hết chủ nhiệm cắp cặp đến bí thư đeo kính xuống quát triệt, chỉ trỏ phải thế này phải thế kia. Bỏ! Có phải đi tù cũng bỏ. Thằng Sinh giật mình bỏ vú mẹ khóc đay đảy Chấn cuống quýt ngồi quỳ dỗ nựng con.

Miên dí trán chồng, cất tiếng ru: “Cái ngủ mày ngủ cho ngoan. Mẹ còn đi cấy đồng sâu chưa về. Bố còn nặng gánh sơn khê...”.  Lúc sau Chấn ngẩng lên, đôi mắt u ám ươn ướt  “Sáng nay đi làm, cụ cựu lý trưởng đón đường kéo anh vào ngõ chỉ chiếc xe cút kít càng vênh, bánh méo: Anh xách hòm đồ của ông cụ đi làm ra những thứ này phải không! Anh không sợ làm hổ vong linh ông cụ sao?”

“Lỗi tại em... Từ nay em không ép anh nữa”. Miên ngậm ngùi.

Chấn lại ngồi chợ Phủ tháng sáu phiên ngày ba ngày bảy. Trên quai hòm đồ nghề treo tấm bảng học sinh ghi hàng chữ “Chuyên điếu bát - điếu cày. Nhận phục chế - tân trang đồ thờ, đồ gỗ mỹ nghệ. Như ý”.

Tháng Giêng, phiên chợ mồng Ba họp cả ngày, khắp vùng cửa sông Lăng trảy phiên chợ cầu may tài lộc cả năm. Chấn đi chợ từ rất sớm chưa đầy nửa buổi đã về dẫn theo hai người khách đi xe máy. Cô gái rất xinh tươi, váy áo xúng xính, son phấn thơm lựng; người đàn ông dong dỏng, râu tóc um xùm rất khó đoán tuổi. Chấn đưa khách xuống nhà ngang xem điếu bát điếu cày, những thứ đồ gỗ cũ, mới ngổn ngang. Cô gái thì xoắn lấy Miên: “Người đẹp như chị phố cũng hiếm có nha. Cái nhà anh Đình kia là họa sĩ hàng đầu của trường phái tranh gỗ hiện đại, là sếp của em đấy. Tiếng thơm chợ Phủ đồn xa. Ông trời dẫn dắt cho chúng em gặp anh nhà ngồi dưới gốc cây gạo. Cái điếu cày thật vĩ đại. Anh Đình xô vào ôm anh nhà ta hét ầm lên “Ơ - kê - ra”. Cả chợ ùa lại, anh Đình phải xin mãi mọi người mới dãn ra cho đi. Chị đừng giữ anh nha. Tài như anh mà ở quê thì phí hoài...”.

Chấn lên thành phố đều đặn ba tháng hai lần về với vợ con. Nỗi buồn vắng đàn ông quạnh nhà được đền bù bằng niềm vui chồng được mời lên thành phố làm ăn với giới nghệ sĩ trí thức. Có điều Miên ngài ngại là Chấn để râu tóc bùm xum giống như ông sếp họa sĩ. “Đẹp thì đẹp đấy nhưng mà...”. Chấn lắc đầu cho tóc xõa, chà chà bộ ria lên má Miên: “Làm ăn với những người râu tóc chả lẽ mình cứ bảo tồn mốt thợ cày đầu cua cằm nhẵn”.

Thằng Sinh kết thúc năm học được giấy khen của tỉnh của huyện. Nó đã không sai lời hứa với bố mẹ. Bố cũng không sai hẹn, tức tốc về đón con lên thành phố. “Cho nó thay đổi không khí, sớm tiếp cận văn minh đô thị...”. Bảo đi một tuần mà quá nửa tháng chưa thấy đưa con về. Hai lần Miên ra bưu điện xã điện thoại lên giục đưa con về bảo “thằng bé còn việc liên đội thiếu niên...”. Chấn cười “ừ... ừ...”. Sốt ruột, Miên đón chuyến xe sớm lên thành phố. Năm ngoái, một nhóm họa sĩ thuê hẳn chuyến ô tô về chơi, lúc đi họ ép bằng được mẹ con Miên “lên vài ngày cho biết”. Ngôi nhà ở giữa dãy phố sầm uất dài như ống cống xuyên đê chia làm ba khúc. Khúc đầu là cửa hàng bán tranh tượng, khúc giữa là xưởng làm việc, khúc cuối là nơi ăn ở. Xưởng làm việc thì ngổn ngang, gỗ dày gỗ mỏng, sơn ta sơn tây. Nơi ăn ở có hai chiếc giường kê cách nhau vài bước chân, quần áo treo mắc lung tung; bàn bếp đặt góc trong cùng, xoong chảo bát đĩa lỏng chỏng rếch rác. Khiếp nhất là khúc bày - bán. Khách mua, người xem tấp nập ồn ào như góc chợ. Tranh gỗ, tượng gỗ đủ kích cỡ thứ để mộc, thứ sơn phết choáng ngợp. Tượng cũng như tranh toàn hình đàn ông đàn bà uốn éo, múa may con cu cái bướm tô hô. Lúc vắng Miên hỏi chồng: “Ai làm ra những tranh tượng kia?”. Chấn hân hoan: “Anh chứ còn ai. Cô ấy chỉ việc đứng quầy. Ông ấy cả ngày khoác túi phóng xe đi chơi. Anh làm tất”. Hai ngày “lên cho biết”, cả nhà Miên được ưu tiên giường đôi, ông họa sĩ giường một, cô gái nằm đệm dưới nền. Quen giấc nhà quê Miên dậy sớm, ngạc nhiên không thấy ông họa sĩ, trên giường là cô gái mặc đồ ngủ mỏng tang cũn cỡn. Ngày thứ hai, có cô họa sĩ mới ra trường đến thử việc. Nửa đêm Miên thức giấc vì tiếng cười con gái. Thì ra ông họa sĩ bỏ giường xuống đệm với hai cô. Cô tóc dài đang kể chuyện tiếu lâm…

Gần trưa Miên đến “ống cống”. Quầy bày - bán đóng cửa. Trong nhà, thằng Sinh đang xem phim hoạt hình, Chấn đang làm việc, tay vồ tay đục, nét mặt căng thẳng, chú mục.

“Anh em đưa cả quầy vào Huế mở triển lãm. Anh định đưa con về từ tuần trước nhưng vì bức tranh này. Hàng bán cho Tây đấy. Mười ngày nữa hoàn thiện nó “nặng” hơn hai tấn thóc...”. Chấn chỉ tấm gỗ dài rộng như cái chõng tre đặt trên giá đỡ. Miên không dám nhìn lâu tác phẩm của chồng. Con thác nhỏ đổ xuống khúc suối quanh, bờ suối cây cối và hoa cỏ, trong lòng suối cát sỏi, mấy cô cậu đang “tắm tiên”, góc tranh đường chạm dở dang một đôi đang quấn nhau... Những hai tấn thóc... nhưng mà...

Lần về tết trung thu, trước lúc đi Chấn lật xem lịch treo tường hẹn vợ con ngày đông chí. Kề sau ngày đông chí là ngày giỗ tổ họ Vũ làng Quảng. Thời buổi yên bình, tàu xe thuận lợi, ngày giỗ tổ con cháu xa gần đông đủ, vạn bất đắc dĩ mới có người chịu vắng mặt. Đột nhiên mười hôm sau Chấn về bế theo đứa bé, hai xe ôm chở hòm đồ đạc, hành lý. Chấn bế thằng bé đặt trước mẹ con Miên đứng ngây trên hiên. “Vũ Văn Đông chào mẹ và anh đi nào”. Thằng bé đẹp như trong tranh bước ra khoanh tay lễ phép: “On... ào... ẹ... En... ào... an... ạ”. Buổi tối nhà thật đông vui, thằng Đông là trung tâm chuyện bạn cấy bạn cày. “Bà Miên thật tốt số. Không phải lên bàn “ối giời ôi” mà được thằng cu đẹp như thiên thần...”... “Cái lão phó Chấn thật to gan. Dám không xin phép vợ, tự ý tăng suất đinh cho họ Vũ, phạt chầu rượu...”. Chấn ha hả: “Người ta bắt tôi giũ gien thợ cày để làm nghệ sĩ nhưng tôi “sợ vợ” nên người ta bắt đền. Một pha phạt đền “được người bằng mười danh nghệ sĩ”. Tôi lãi to...”. Ngày một ngày hai, anh em Sinh - Đông quấn quýt nô đùa, tiếng cười tiếng nói bi bô đã hóa giải bằng hết những ấm ức hờn ghen đàn bà Miên nhăm nhe trút xóc vào chồng. Đêm trước ngày đi làm thủ tục hộ khẩu cho thằng Đông, vui chuyện Miên hích vai chồng: “Với cô tóc ngắn hay cô tóc dài?”. Chấn cười hì hì: “Hình như là với tất cả các cô...”. Chờ được ngày tốt vợ chồng sắp lễ vào họ cho thằng Đông, Chấn mới kể lai lịch thằng bé. Đưa tranh tượng vào Huế mở triển lãm được vài ngày cô họa sĩ tóc ngắn bỏ nhóm đi theo gã nghệ sĩ tượng đá. Bẵng đi một chặp cô nàng trở lại bế theo đứa bé. Một buổi sáng có người khách Hàn Quốc đến mua tranh, yêu cầu đem đến khách sạn... Cô tóc ngắn nhận việc giao hàng, hai giờ chiều cô ta điện về rằng máy bay sắp cất cánh. Điện thoại vừa dứt thì nhân viên khách sạn đến trả tiền bức tranh kèm bức thư dài. Cô ta cầu xin cho đứa con được về sống ở làng quê, cách xa thành phố ngôi nhà “tranh tượng”...

*

*    *

Cây gạo đầu chợ Phủ đã bị hạ lấy đất xây nhà hàng đặc sản, quán bia - cà phê - hát... Nhưng chợ Phủ vẫn nguyên lệ xưa tháng sáu phiên ngày ba ngày bảy.

Phiên chợ ngày bảy đầu tháng tám tối muộn Chấn mới về. Ăn ào xong bữa cơm Chấn xách túi xuống nhà ngang. Quá mười giờ đêm nhà ngang vẫn sáng đèn rộng cửa. Băn khoăn, Miên đi xuống. Chấn ngồi đăm chiêu trước những tấm ảnh chụp toàn cảnh một ngôi chùa, nội thất với những kèo cột cung thờ, tượng phật... Chấn chỉ những tấm ảnh giải thích: “Đây là ảnh chi tiết nội ngoại thất chùa Viên Quang. Người bạn nghề đã khảo sát kỹ, chụp ảnh đưa cho tôi bảo về suy nghĩ, nếu làm được thì hợp tác...” Miên giúp chồng xếp gọn những tấm ảnh. Chấn ngồi bần thần hồi lâu mới nói: “Chùa dựng từ đầu thời nhà Nguyễn, hư hỏng nặng, việc trùng tu phức tạp, tốn kém. Tôi đi chuyến này có nhanh cũng phải mười tháng, một năm. Mà chỉ làm công đức thôi”. Miên nói ngay: “Mình làm ăn cả đời được dịp may làm việc công đức, anh đừng bỏ lỡ. Anh cứ yên tâm đi, thỉnh thoảng về với mẹ con em”.

Chấn sang tỉnh Nam cứ đến cuối tháng về nhà vài ba ngày. Ngày cuối tháng, quãng năm giờ chiều là anh em Sinh - Đông ra ngã ba làng đón bố. Cứ đều hẹn thế, cho đến sau tiết thanh minh Chấn nhắn về công việc gấp rút có thể thưa về. Bố nhắn về như thế, mẹ và anh nhắc luôn thế mà thằng Đông vẫn quên, hai lần đến chiều cuối tháng giục rối ai đi đón bố. Thằng Sinh động viên em: “Kíp thợ đang cố xong việc để nhà chùa kịp vào kỳ lễ Vu lan. Em cứ chăm học, bố về tha hồ báo công điểm mười”.

Năm ngày trước rằm tháng bảy, quãng mười giờ đêm có tiếng xe máy dừng ngòai cổng. Anh em Sinh - Đông đang xem tivi vội vàng chân chạy miệng reo: “Bố... bố về...”. Miên xuống khỏi hiên vừa lúc anh em Sinh - Đông xách túi đồ đi hai bên nhà sư bế đứa trẻ vào đến giữa sân. Nhà sư nữ còn rất trẻ, gương mặt đẹp thánh thiện. Chưa bao giờ Miên được gặp gương mặt đẹp như thế và cũng chưa bao giờ đôi mắt Miên mau nhòa đi cay xè đến thế. Phong thái tự tin, dịu dàng vào ánh mắt nhân từ của nhà sư đã đỡ cho Miên khỏi khuỵu xuống, không run bước vào nhà. Giang tay đón đứa bé, Miên ngồi xuống bên cạnh nhà sư.

“Em bé vẫn ngoan giấc thầy ạ”, Miên nói.

“Mô phật”, nhà sư đặt lên mặt bàn chiếc túi xách nhỏ:

“Anh nhà đang rất bận việc không về cùng được. Anh có thư gửi chị ở trong túi này. Cảm ơn chị và các cháu. Tôi có việc gấp, xin phép phải đi ngay”.

Miên nằm vỗ về đứa bé vào giấc ngủ. Năm nào, đêm đầu tiên có thằng Đông, Miên khóc thầm nước mắt ướt đầm mặt gối. Từ đêm ấy Miên ngầm từ bỏ mong muốn có đứa con gái, giữ gìn chừng mực chuyện quan hệ vợ chồng. Dù không nói ra nhưng Miên biết chồng còn chừng mực, kiềm chế hơn “chuyện ấy”. Bản năng tự nhiên, khát khao tự nhiên bị tiết chế, bị chối từ - dù rất tự nguyện nó vẫn cứ lẩn quất, hiện hữu làm héo hon con người. Đó là quy luật. Và bồi thêm, cổ súy cho cái quy luật ấy là búa rìu dư luận. Lên thành phố làm ăn tưởng nên danh nên giá rốt cục phải bế con thiên hạ về nuôi. Mà cái đàn bà nhà ấy... Nội hành ngoại tác thành cái vòng kim cô ém trong đầu, trong tâm người trong cuộc. Nhưng rồi ngày qua... tháng qua... thằng Đông hồn nhiên gỡ bỏ cái vòng kim cô ấy, hồn nhiên bồi bổ làm tươi tắn lại tâm hồn thể xác người mẹ người cha. Anh em Sinh Đông đã và đang đem về cho ngôi nhà này những niềm vui, niềm tự hào...Đứa bé đã đằm ngon giấc ngủ. Lúc đón con bé từ tay nhà sư Miên tràn đầy tâm thái như ngày nào đón thằng Sinh từ tay bà bác sĩ trạm xá làng, như ngày nào đón thằng Đông lon ton bước lên thềm - đó là niềm hạnh phúc vô biên và trách nhiệm lớn lao. Miên cúi xuống thơm nhẹ lên trán con bé. Ôi chao! Cặp môi đỏ, mái tóc đen, làn da trắng... “Rồi em sẽ đẹp nhất làng...” - thằng Đông nựng em như thế lúc nó thức giấc. Trước lúc đi ngủ thằng Sinh ló đầu qua cửa buồng nói rất khẽ: “Em lạ nhà khóc quấy mẹ cứ gọi con nhé. Con dỗ là em nín ngay cho mà xem...”. Miên đi ra nhà ngoài thăm giường anh em Sinh Đông rồi mới trở ra bàn mở khóa chiếc túi nhỏ. Chiếc phong bì khổ to đựng tờ giấy khai sinh và thư của Chấn. Đứa trẻ ăm ắp lời hẹn sẽ là cô gái đẹp nhất làng đã là đứa con nhà họ Vũ: Vũ Diệu Ngọc Sương, vợ chồng Miên đứng tên người mẹ người cha. Lá thư Chấn chỉ vắn gọn vài dòng: “Con gái ăn bột hai tháng rồi mà chỉ ăn bột gạo quê xay thôi, mình nhớ nhé. Nhà chùa phát sinh nhiều việc ngoài dự kiến, anh em tôi đang dốc sức. Mình và các con yên tâm nhé”.

Cuối tháng bảy Chấn về, người gầy rộc đen xạm nhưng thần thái rạng rỡ, râu tóc mượt mà phong độ. Miên thật yên lòng. Xóm ngõ, họ mạc đến mừng người một năm đi làm công đức. Nhà phó mộc vui tết. Chấn bế con gái đi ra đi vào chào đón tiếp chuyện bà con.

“Này bác phó! Cô Thích gì nhỉ?”

“Không phải Thích mà là Diệu...”.

“Ừ phải, Thích Diệu ấy. Nhà chùa mất một người gõ mõ tụng kinh cuộc đời được một cô gái đẹp. Coi như hòa”.

“Hòa là thế nào. Mẹ đẹp thế ắt đứa con phải xinh hơn, giỏi giang hơn. Phần thắng nghiêng về phía cuộc đời”.

Một thời gian dài Chấn không đi làm xa cũng không ngồi chợ Phủ. Đó là những năm tháng nhiều niềm vui nhất. Thằng Sinh trúng tuyển đại học quân sự phân trường miền Nam. Cũng dịp ấy thằng Đông thi đỗ lớp Chín chuyên toán trường sư phạm tỉnh. Bé Ngọc Sương lên ba, vào lớp mầm non bán trú. Biết Chấn không đi làm xa, khách hàng mang đồ gỗ đến tận nhà nhờ phục chế, tân trang. Suốt ngày nhà vui tiếng người, tiếng đồ nghề tác nghiệp. Nhưng Miên cũng nhìn thấy nỗi buồn Chấn giấu rất kín họa hoằn mới phát lộ. Có lúc Chấn đóng cửa nhà ngang ngồi với chiếc hòm gỗ vàng tâm, lấy đồ ra lại xếp vào. Có khi đang dốc lòng chằm bặp công việc Chấn ngồi bần thần, trong thẳm sâu đôi mắt cháy bỏng ham muốn xách hòm đồ xuôi ngược.

Chớm hạ Chấn lại đi. Chuyến đi này có thêm đứa học trò là con người bạn từ thuở nhỏ của Chấn. Miên biết Chấn đi chuyến này chỉ nhằm rèn đứa học trò cứng cáp tay nghề, tập tành bươn chải. Cậu học trò đã gặp may, lần đầu theo thầy đi thiên hạ đã có món việc lớn: phục chế tủ chè, sập gụ và nội thất cung thờ.

Bé Ngọc Sương đã biết tô bảng màu, đếm xuôi ngược hàng chục. Một buổi sáng nó xòe hai bàn tay đếm đi đếm lại, buồn thiu: “Bố đi kín đốt hai bàn tay mà chưa về. Lâu thế mẹ nhỉ!”. Thầy trò Chấn đi đã hai mươi bốn ngày, Miên dỗ con: “Chỉ thêm đốt hai ngón nữa là bố về, Ngọc Sương tha hồ biểu diễn cho bố vỗ mỏi tay”. Ngày thứ hai mươi bảy. Đưa con gái đến trường về Miên thấy đứa học trò đứng giữa sân với chiếc xe máy bụi bặm.

“Hai chú cháu về sớm nhỉ”. Miên nói, đảo mắt tìm chồng.

“Cô đi ngay với cháu”, đứa học trò quay đầu xe. “Chú bị bắt lên đồn công an từ đêm rồi”.

Không hiểu Chấn phải ngôi sao nào chiếu mệnh mà cứ ra khỏi làng là dính dáng đến đàn bà. Chủ của món hàng thầy trò Chấn nhận làm là vợ ông cán bộ to nhì huyện lớn. Cô ta quen biết Chấn trong những lần đi lễ, cúng tiền công đức chùa Viên Quang. Tới khi những món đồ gỗ cổ cần phục chế cô đến chùa Viên Quang nhờ nhắn tin. Mối quen bóng quen gió tình cờ được công việc xúc tác nên chân thành từ hai phía. Cảm mến tấm lòng cô chủ, Chấn chọn miếng gỗ quý khắc chân dung. Năm đêm khuya ở nhà trọ hoàn thiện bức tranh khắc chân dung người đàn bà đẹp, buổi tối Chấn đem đến nhà. “Đây là cô của mười lăm năm trước. Không tin, nếu còn ảnh thời ấy, cô cứ lấy ra so sánh”. Cô chủ lấy album ảnh ra, nhìn ảnh nhìn tranh, bật khóc. Chấn bối rối: “Xin lỗi. Nếu không là cô... xin cô cho tôi xin lại”. Cô chủ thổn thức: “Đúng là em hơn mười năm trước. Nhưng em đã tự đánh mất mình. Còn làm khổ một người trai tài hoa. Cảm ơn anh...”. Chấn về sắp đến nhà trọ thì có xe máy vượt lên chặn lại. Là ông “to nhì”. Ông ta giơ bức chân dung ra, hất hàm: “Ông đục ra cái này phải không?”. Chấn nóng mặt vì tiếng “đục ra”, gằn giọng: “Đấy là tranh chạm khắc nghệ thuật chân dung bà nhà”. Ông “to nhì” ném bức tranh xuống mặt đường: “Đồ thợ vườn vác đục cùn đi đẽo cơm thiên hạ còn dám mở mồm nói đến nghệ thuật. Mày giở trò đục đẽo để ngủ với nó chứ gì”. Người đi đường dừng lại thành đám đông. Chấn cố giữ bình tĩnh: “Ông hiểu lầm nên quá lời, tôi không thèm chấp. Ông cho tôi xin lại bức chân dung”. Chấn cúi xuống, tức thì ông “to nhì” dận gót giầy tóa lên tiếng gỗ vỡ, cánh tay Chấn bị mũi giầy hắt lên: “Mày nói không thèm chấp hả. Được lắm! Tao sẽ cho mày rũ tù”. Chấn nhún vai và nhanh thoắt túm ngực ông “to nhì” giáng liền hai cái tát. Gạt đi những cánh tay can ngăn Chấn đạp ông “to nhì” ngã ngửa xuống đường, bồi tiếp cú đá mông. Nhặt lên bức chân dung vỡ ba mảnh, Chấn nói với cậu thanh niên đi xe máy: “Phiền cháu đưa chú đến đồn công an gần nhất”.

Phải chờ phà nên hơn mười giờ hai cô cháu mới đến đồn công an huyện. Ít phút sau Chấn từ trong phòng trực ban đi ra, phong thái nhẹ nhõm như người vừa trút được gánh nặng dốc dài.

“Sao dám tự ý về đón cô”, Chấn khẽ củng đầu đứa học trò.

“Nhà thì...” Miên đứt lời, nước mắt ứa ra.

“Thì sao chứ”, Chấn cười, vuốt lại mái tóc. “Tranh thì bị đạp mà việc chưa xong. Lát nữa tôi sẽ đưa mình đến nhà người ấy. Chỗ quen cũ, mình đừng ngại”.

Hai giờ chiều, đúng hẹn, Chấn và người công an đến bệnh viện. Ông “to nhì” bị sưng tím vài chỗ chỉ cần xoa dầu nóng là ổn nhưng ông muốn nằm và có quyền nằm dài. Người công an kéo ghế ngồi nhưng Chấn vẫn đứng.

“Bây giờ chưa phải lúc nói kỹ với nhau, nhưng có việc tôi phải nói ngay cho ông biết. Tôi làm ruộng không bao giờ bỏ dở đường cày, đi làm thợ chưa bao giờ dở dang công việc. Việc nhà ông bà còn vài buổi nữa là xong. Ông cứ yên tâm điều trị, món đồ sẽ rất như ý. Như thầy trò tôi đã nói trước, công việc vì tình vì nghĩa, món tiền công không đáng bao nhiêu, ông cứ giữ lại chi thuốc men. Chào ông”…

*

*    *

Đèn nhà ngoài đã tắt hết nhưng nhà vẫn sáng nhờ ánh trăng chiếu qua những ô cửa sổ. Trăng hạ tuần mà đằm sáng! Chấn vẫn thế ngồi bờ vai nhô lên khỏi thành ghế. Miên chợt rối lòng. Vụ va chạm với ông “to nhì” đã ổn thỏa cả. Bức chân dung bị đạp vỡ vô tình gây tiếng vang, uy tín. Thầy trò Chấn được mời giao mấy món hàng cũng đã hoàn tất. Còn gì nặng lòng Chấn nữa đây. Miên búi lại mái tóc, đi ra nhà ngoài.

- Nhà cứ ngồi mãi thế này là làm sao?

- Tôi đang định thôi ngồi thì mình ra. Mau tháo giúp tôi cái “vít” nào.

- Nhà thì... Bạc tóc rồi mà cứ hay đùa. Miên đập nhẹ bàn tay lên bờ vai chồng. Tức thì bàn tay bị giữ lại trên bờ vai dài rộng.

- Có vài việc tôi bàn với mình để lát nữa dễ ngủ. Mai mình sang ngoại với con Sương, hai mẹ con ở chơi với ông bà đến thứ bảy về thành phố đón thằng Đông về cùng. Thằng Quyết đã cứng cáp tay nghề rồi ra giỏi giang hơn tôi. Từ mai tôi quẩn quanh việc cũ, nhường lốt làm ăn cho nó. Ý mình thế nào.

- Sao nhà nhìn em lạ thế. Bao giờ em cũng tin nhà.

Miên đi sát bên chồng, cả khi bước qua ngưỡng cửa buồng bàn tay Miên vẫn in trên bờ vai dài rộng. Bao giờ cũng thế, được áp vào bờ vai ấy Miên thật dễ dàng giấc ngủ.

...

Chợ Phủ đã mở rộng xây nhà lồng, ki ốt hiện đại nhưng vẫn nguyên lệ tháng sáu phiên ngày ba ngày bảy. Ở góc chợ phía giáp cánh đồng có người đàn ông tráng kiện hào hoa, tóc ria rất đẹp hành nghề chạm khắc điếu bát điếu cày. Ông ria tóc đến là vui tính, điếu cày điếu bát ai mua thì bán ai xin cũng cho./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên