Chăn nuôi đang trở thành ngành kinh tế gia công?

Một ngành kinh tế bị lệ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nước ngoài và doanh nghiệp nước ngoài thì thật khó nói đến sự tự chủ

“Nguy cơ bị thao túng thị trường thức ăn chăn nuôi” đang là lo ngại chung của nhiều nhà quản lý trong lĩnh vực này. Hiện tại, chỉ trên dưới 20 doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi nước ngoài đã chiếm thị phần trong nước tới 70%. Thị phần nhỏ bé 30% còn lại cũng đang có nguy cơ rơi nốt vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Nguy cơ ngành chăn nuôi nước ta trở thành một ngành gia công giá trị thấp đang hiển hiện.

Dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi

Không thể phủ nhận những đóng góp của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, trong việc đẩy nhanh phát triển ngành chăn nuôi công nghiệp ở nước ta. Từ phương thức chăn nuôi truyền thống nhỏ lẻ, manh mún, với sự góp mặt của các tập đoàn kinh tế lớn về thức ăn gia súc có tiếng trên thế giới vào Việt Nam như Cargill, CP, Proconco… chăn nuôi công nghiệp của Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng. Theo đó, ngành chế biến thức ăn chăn nuôi cũng một thời nở rộ theo kiểu nhà nhà làm thức ăn chăn nuôi, người người làm thức ăn chăn nuôi.

Tuy vậy, ngành kinh doanh được coi là siêu lợi nhuận ấy đang chứng kiến không ít doanh nghiệp trong nước phá sản. Thống kê cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đã giảm một nửa. Riêng quý I/2011, đã có gần 30% các doanh nghiệp chế biến thức ăn cho tôm, cá phải đóng cửa. Một số doanh nghiệp trong nước phá sản, được các doanh nghiệp nước ngoài mua lại.

Sau sự kiện Công ty C.P Pokphand (CPP, có trụ sở tại Hongkong (Trung Quốc)) mua lại Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, thì tiếp tục có thông tin hai nhà đầu tư của Nhật Bản là Tập đoàn Sojitz và Công ty Kyodo Shiryo (hãng sản xuất thức ăn gia súc hàng đầu của Nhật) sẽ đầu tư 2 tỷ yên xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc ở Việt Nam, với mục tiêu chiếm 10% thị phần thị trường thức ăn gia súc trong nước vào năm 2020.

Điều hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trước hết là tiềm năng về thị trường. Nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam ước tính mỗi năm cần khoảng từ 25-30 triệu tấn, thực tế hiện mới chỉ đáp ứng được non nửa (khoảng 11-12 triệu tấn). Thứ hai, về tín dụng, trong khi doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế được vay bằng ngoại tệ, vay vốn không phải thế chấp, chưa kể còn được công ty mẹ ở nước ngoài hỗ trợ về việc mua nguyên liệu giá thấp và được trả chậm… thì doanh nghiệp trong nước vẫn phải vay với lãi suất cao.

Thứ ba, theo các chuyên gia trong ngành, nhiều công ty nước ngoài đang trốn thuế một cách hợp pháp bằng cách ký hợp đồng gia công với các trang trại chăn nuôi. Vì vậy, các doanh nghiệp này không phải nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất. Thực tế này đang biến các lợi thế “nằm trọn” trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Với lợi thế về vốn liếng, công nghệ, năng lực quản lý vượt trội, nhiều doanh nghiệp nước ngoài còn chủ động được nguồn giống đang tạo nên vòng tròn khép kín trong chăn nuôi.

Thoạt nhìn xem ra người chăn nuôi có lợi vì yên tâm đầu tư sản xuất khi chủ động được con giống, thức ăn, thậm chí cả đầu ra của sản phẩm. Với phương thức này, các doanh nghiệp dần dần khống chế thị trường, thao túng giá cả. Nhiều năm nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Năm 2011, mặt bằng giá đã tăng từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng giá của thức ăn chăn nuôi và con giống đang dần “nuốt” hết lợi nhuận của người chăn nuôi, biến họ từ ông chủ trở thành lệ thuộc, buộc phải làm theo kiểu gia công giá rẻ cho các doanh nghiệp.

Một đất nước nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn, vậy mà thị trường chăn nuôi chưa được điều tiết tốt, để các doanh nghiệp nước ngoài chi phối là điều không bình thường. Trái khoáy hơn, trong nước cũng chưa chủ động được nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, mà phải nhập khẩu tới 70%. Ngô là loại nông sản dễ trồng thì Việt Nam cũng phải nhập đến 50%, đậu tương, khô dầu đậu tương, lúa mì nhập 90 - 95%; còn các chất khoáng, vitamin, tạo mùi... nhập khẩu 100%.

Một ngành kinh tế bị lệ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nước ngoài và doanh nghiệp nước ngoài thì thật khó nói đến sự tự chủ, cũng như việc phân chia lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất một cách công bằng được.

Trách nhiệm lập lại sự cần bằng trong ngành chăn nuôi, ngoài sự cố gắng của các doanh nghiệp trong nước, rõ ràng còn thuộc về những người làm chính sách. Nếu không có những hành động kịp thời thì 30% thị phần còn lại, e rằng các nhà sản xuất trong nước khó mà giữ lại được./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên