Đất “treo”, dân khổ- sao đành!

Thông tin tỉnh Tây Ninh, Long An thu đất dự án không hiệu quả trả lại đất cho nông dân sản xuất đang khiến nhiều nông dân nức lòng.

Theo xu hướng phát triển tất yếu, đất nước ta là nước nông nghiệp và đang từng bước chuyển mình để cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 với tỷ trọng ngành công nghiệp vượt trội. Tuy nhiên, lợi thế và vai trò của nông nghiệp chưa bao giờ bị xem nhẹ, thậm chí, nhiều quyết sách đã được thông qua thể hiện quyết tâm cao trong việc phát huy lợi thế này, mà mục tiêu giữ 3,8 triệu ha đất lúa vừa được bàn thảo sâu sắc tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã nói lên điều đó.

Đã có những nghiên cứu ở tầm quốc tế cho rằng không cần thiết phải duy trì diện tích trồng lúa quá lớn mà chỉ cần tập trung giữ những vùng đất sản xuất có hiệu quả, cho sản lượng cao, như vựa lúa như ở Đồng bằng Sông Cửu Long hay Đồng bằng Sông Hồng của nước ta. Nhưng điều đó không có nghĩa các địa phương ở những nơi khác đua nhau thành lập khu công nghiệp, cụm công nghiệp một cách ồ ạt.

Niềm vui của nông dân ở Long An khi được trả lại đất trồng lúa (Ảnh: Tuổi trẻ)

Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh một điều, không phải cứ có khu, cụm công nghiệp là có nhà máy và hậu quả là nhiều khu công nghiệp với hàng ngàn ha đất trở thành “quy hoạch treo”. Trong khi đó, diện tích bị quy hoạch đa phần là đất sản xuất, canh tác của nông dân, dẫn đến nhiều hộ nông dân phải lao đao.

Đầu tư thì không dám vì sợ dự án thực hiện bất cứ lúc nào; xây, sửa nhà cũng ngần ngại vì nghĩ rằng lỡ mai kia phải di dời đi nơi khác… Cứ thế nhiều người phải sống vật vờ chờ dự án. Những người không còn đất phải đi làm thuê để chờ… có nhà máy để có việc làm như được hứa, nhiều người phải ly hương tới các thành phố lớn để kiếm việc làm.

Chính vì điều ấy nên khi Tây Ninh xóa bỏ 10 cụm công nghiệp với diện tích gần 1.150ha đất sản xuất đang “treo” đã khiến hàng ngàn nông dân thở phào nhẹ nhõm. Đây là những cụm công nghiệp được tỉnh Tây Ninh quy hoạch trong gần 10 năm, điều kiện hạ tầng giao thông đi lại khó khăn, sức hút đầu tư hạn chế.

Theo đó, đối với các địa phương có cụm công nghiệp xóa quy hoạch, UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo cơ quan chức năng thông báo rộng rãi cho dân được biết để họ an tâm sản xuất. Và theo kế hoạch, nhiều cụm công nghiệp nữa sẽ được xóa nếu không hiệu quả để đảm bảo quyền lợi cho dân.

UBND tỉnh Long An cũng vừa thu hồi, hủy bỏ ba dự án với diện tích khoảng 500ha để trả lại cho nông dân trồng lúa.

Phát triển khu công nghiệp, cụm không nghiệp, các dự án là đúng và người dân luông ủng hộ nhưng phải hợp lý và hiệu quả. Vì khi quy hoạch được công bố và nhiều năm không thực hiện, người thiệt đầu tiên chính là người dân. Họ không thể chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển nhượng, thế chấp vay tài sản và thậm chí phải ngưng canh tác.

Muốn có cụm công nghiệp, ngân sách chi cho làm quy hoạch, bồi thường giải tỏa không phải là ít nhưng trở thành dự án “treo” thì lãng phí là điều thấy rõ. Cùng với đó là sự lãng phí tài nguyên đất khi để trống chờ nhà đầu tư trong cả gần thập kỷ, thậm chí còn lâu hơn.

Yếu trong công tác dự báo, thu hút đầu tư dẫn đến thực trạng các cụm công nghiệp được quy hoạch tràn lan nhưng thực hiện không hiệu quả. Điều quan trọng bây giờ là rà soát, sửa sai trong quy hoạch chứ không phải cứ giữ khư khư, khiến người dân bức xúc.

Câu nói của ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đơn giản mà đầy trách nhiệm: “Khi thấy chuyện làm quy hoạch nhằm mục đích phát triển nhưng còn vướng, ảnh hưởng đến quyền lợi của dân suốt thời gian dài thì tỉnh phải quyết định thôi”. Nghe thì có vẻ dễ, nhưng có mấy lãnh đạo dám mạnh dạn xóa những dự án mà người tiền nhiệm lập nên nhưng thực tế chứng minh là không khả thi, vì ý nguyện đúng đắn của dân? Mong rằng người dân ở nhiều nơi khác sẽ tiếp tục được đón nhận những tin vui như người dân Tây Ninh, Long An./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên