Dạy tiếng Nga, Trung hay Nhật và nên lấy gì để làm chuẩn?

VOV.VN - Dạy tiếng Nga, Trung hay Nhật thì phải căn cứ vào tính hiệu quả, thông dụng ở Việt Nam và thế giới. 

Cha mẹ học sinh và những người lo lắng cho tương lai của đất nước những ngày này lại tiếp tục băn khoăn và bước vào một cuộc tranh luận mới về Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, định hướng đến 2025. Theo đó, một phần trong đề án này, song song với tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật Bản như ngoại ngữ thứ nhất. Năm học 2016-2017, Bộ đã cho thí điểm dạy tiếng Nhật từ lớp 3 tiểu học tại 5 trường ở Hà Nội và TP HCM.

Đừng đi lại "vết xe đổ" trong việc dạy học ngoại ngữ cho thế hệ 7X, 8X.

Trong xu hướng hội nhập quốc tế, việc biết nhiều ngoại ngữ là điều cần thiết. Bởi khi làm ăn với các đối tác, nếu nói được tiếng của nước họ thì đã là một lợi thế. Thế nhưng, vì sao Đề án này lại vấp vào nhiều phản kháng như vậy? Nhiều ý kiến băn khoăn vì chương trình dạy học tiếng Anh chúng ta đã triển khai bao nhiêu năm nay rồi nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Trong khi đó, tiếng Anh là ngôn ngữ thế giới mà học sinh, sinh viên của ta vẫn chưa đáp ứng nổi. Thậm chí nhiều trường đại học đến giờ này vẫn không có chuẩn đầu ra tiếng Anh. Kết quả thi THPT Quốc gia năm 2016 môn tiếng Anh vừa qua là câu trả lời chính xác cho hiệu quả dạy – học ngoại ngữ ở Việt Nam.

Hơn ai hết, những người xây dựng đề án này hiểu học ngoại ngữ quan trọng như thế nào và học ngoại ngữ nào là hiệu quả, tiện dụng nhất. Còn với người dân, với những người đã và đang kinh qua công tác tại các cơ quan, đơn vị, họ từng có cơ hội tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế hoặc chu du khắp thế giới thì ủng hộ việc dạy và học thật hiệu quả tiếng Anh.

Lý do, ngoại ngữ là công cụ để chúng ta giao tiếp, phục vụ công việc. Tiếng Anh, bản thân nó đã được phần đông trên thế giới sử dụng và đặc biệt là nhiều người giỏi trên thế giới này thành thạo tiếng Anh.

Còn nhớ, thế hệ 7X và 8X, có một thời gian được dạy tiếng Anh – Pháp nhưng sau đó lại chuyển sang học tiếng Nga. Thế là các cô giáo lại đổ xô đi học cấp tốc tiếng Nga để về dạy cho học sinh. Rồi sau đó lại chuyển sang trào lưu học tiếng Anh, giáo viên đang dạy tiếng Nga lại tất bật đi học tiếng Anh để về dạy. Đến hôm nay, chính con em của thế hệ 7X, 8X lại rơi vào tỉnh cảnh của họ hơn 20 năm trước. Không biết sẽ có bao nhiêu giáo viên cấp tốc học tiếng Nhật, tiếng Trung… để kịp về dạy các em học sinh?

Nói như vậy để thấu hiểu tâm tư của những người làm cha mẹ rằng, ngoài tính hiệu quả, thực dụng thì chất lượng đào tạo là một vấn đề rất đáng lo ngại. Và chúng ta cũng nên rút ra kinh nghiệm từ những bài học sai lầm trong quá khứ. Đừng để con trẻ hôm nay hưởng thụ một phương án dạy ngoại ngữ mà sau này mỗi thứ chỉ biết một vài từ, không đủ để xin ăn!

Singapore, Philippines và Hồng Kong (Trung Quốc) là minh chứng rõ nhất cho việc nên dạy và học ngoại ngữ gì. Đất nước ta vẫn rất cần những người giỏi tiếng Trung, tiếng Nga, kể cả những thứ tiếng ít phổ dụng như tiếng Lào, Campuchia, Thái Lan… nhưng việc học ngoại ngữ nào ngoài ngôn ngữ phổ dụng là tiếng Anh phải căn cứ vào lựa chọn của từng cá nhân theo sở thích, năng khiếu và sự định hướng nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ quan quản lý.

Còn với học sinh, hãy tìm cho các cháu một ngoại ngữ có tính phổ quát, có khả năng ứng dụng rộng rãi trong hiện tại và tương lai ở ngay chính trên nước mình.

Tiếng Nhật, Nga, Trung… nên được dạy ở những nơi có nhu cầu và có điều kiện để tổ chức. Tùy vào điều kiện và sở thích của mỗi người mà lựa chọn cho mình một ngoại ngữ để học. Không ép buộc phải học ngoại ngữ này hay ngoại ngữ khác, không ép buộc phải học nhiều ngoại ngữ một lúc. Đừng để một chính sách gây lãng phí tiền bạc, tuổi trẻ và lỡ làng cơ hội của hàng triệu người như đã từng xảy ra với các thế hệ 7x, 8x trước đây./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên