Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII: Một kỳ họp hợp lòng dân

VOV.VN - Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành hầu hết các nội dung công việc đề ra.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua nhiều dự án luật, nhiều nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đưa Hiến pháp 2013 vào cuộc sống với những điểm mới, tiến bộ về quyền con người, đến những vấn đề lớn như các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, chủ trương xây dựng sân bay Long Thành...hoạt động của Quốc hội ngày càng thực tế, thực quyền và thực sự đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

Mời quý độc giả nghe nội dung bài bình luận:

Có thể nhận thấy sự thành công của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13 sau gần 1 tháng làm việc thông qua cảm nhận của nhiều đại biểu Quốc hội, nhất là những đại biểu nổi tiếng là hay nói và lý sự . Bằng trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mình trước nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đánh giá những mặt được, chưa được, chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực, dự báo nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong lời phát biểu bế mạc kỳ họp đã khẳng định: “ kỳ họp thứ 9 đã thành công, để lại niềm tin, ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào, cử tri cả nước về một kỳ họp sôi động, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và đổi mới – một kỳ họp hợp lòng dân”.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

Điều đó thể hiện ở việc Quốc hội thông qua nhiều dự án Luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp như Dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tạm giữ, tạm giam, mà nhiều nội dung mới về quyền con người. Đặc biệt là “Quyền im lặng” của người bị bắt, tạm giam, tạm giữ...và quy định “buộc phải ghi âm, ghi hình” khi lấy khẩu cung.

Sau rất nhiều tranh cãi, cuối cùng những ý kiến ủng hộ quy định tiến bộ, nhân văn này đã thắng thế tại nghị trường. Đây là cơ sở để người dân có quyền tin rằng từ đây, việc dùng mọi biện pháp (kể cả vũ lực) buộc nghi can phải khai nhận tội mà mình không thực hiện, sau đó hợp thức hóa, ngụy tạo chứng cứ khác cho phù hợp với diễn biến lời nhận tội, rồi lấy đó làm chứng cứ để buộc tội trước tòa sẽ chấm dứt. Nghĩa là sẽ ngăn chặn ngay từ đầu nguyên nhân gốc rễ dẫn đến những vụ án oan chấn động dư luận như đã từng xảy ra trong thời gian qua. Nói một kỳ họp hợp lòng dân là vì vậy!

Một câu chuyện được cử tri rất quan tâm nữa là Dự án xây dựng sân bay Long Thành, sau khi trải qua nhiều chặng đường, tiếp thu nhiều ý kiến phản biện, đã nhận được “cái gật đầu” của Quốc hội. Nhưng là “một cái gật đầu rất cẩn trọng”. Bởi với tổng nguồn vốn khái toán hơn 16 tỉ đô la Mỹ, giai đoạn 1 là 5,45 tỉ không phải là số tiền nhỏ trong điều kiện đất nước luôn mấp mé ngưỡng nợ công. Cử tri và đại biểu Quốc hội có quyền nghi vấn liệu có như Vinashin, Vinalines, dự án Long Thành sẽ gây lãng phí, thất thoát, lợi ích nhóm. 

Phối cảnh dự án sân bay Long Thành

Vì vậy, khi chủ trương thực hiện đã có, việc còn lại là ngăn ngừa “hội chứng mất lòng tin” lây nhiễm đến dự án sân bay Long Thành. Dù dự án đã được thông qua, nhân dân có thể đồng thuận với cái gật đầu của Quốc hội, nhưng trong lòng vẫn chưa thôi hoài nghi. Mất lòng tin thì dễ, lấy lại lòng tin rất khó, cho nên dự án sân bay Long Thành sẽ đối mặt với một điều rất lớn, đó là thuyết phục lòng tin của nhân dân bằng sự công chính và hiệu quả kinh tế của dự án.

Quốc hội đã bấm nút thông qua thì với chức năng giám sát, Quốc hội phải để mắt tới nhất cử nhất động từng bước triển khai dự án, để từng đồng xu cắc bạc của dân không thất thoát. Quốc hội và người dân cũng không nghi ngờ về triển vọng của dự án vì xét mọi khía cạnh kinh tế là rất thuyết phục. Nhưng nó sẽ thất bại khi không có sự công chính trong quá trình triển khai dự án./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên