Lắm chữ ít nghĩa

(VOV) -Việc đầu tiên của ngành giáo dục, đào tạo là đổi mới tư duy: học để làm người chứ không phải học “cốt để đi thi”

Một trong những vấn đề được xã hội quan tâm nhiều nhất, báo chí tốn nhiều giấy mực nhất là giáo dục và đào tạo.

Đại hội Đảng lần thứ XI khẳng định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp. Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các bậc học. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội”.

Theo kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu Quỹ Hòa bình và Phát triển thì hiện nay chỉ riêng chế độ chính sách liên quan đến giáo viên phổ thông đã có 57 văn bản quy định. Còn toàn ngành giáo dục, đào tạo thì có đến hàng trăm. Theo Bộ Giáo dục Đào tạo, như thế là tương đối đầy đủ. Nhưng, tại sao những quan điểm, định hướng trên đây chưa vào sâu, phát huy hiệu quả trong cuộc sống? Tại sao trước kỳ thi hay vào đầu năm học có bao nhiêu nghịch lý giáo dục được phơi bày trên các trang báo in, trên sóng phát thanh, truyền hình, báo mạng? Trong các cuộc hội thảo khoa học, nhiều nhà nghiên cứu xã hội, giáo dục đã thốt lên rằng: nền giáo dục chúng ta quá bảo thủ, thậm chí lạc hậu và nhiều điểm không giống ai trên hành tinh này.

Mới đây, giáo dục Hà Nội lại lần nữa “kiên quyết không cho dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. Phụ huynh ở thành phố Hồ Chí Minh thì băn khoăn có nên cho học sinh tiểu học vào các trường Quốc tế hay không, lợi hại như thế nào chưa rõ vì chưa đủ cơ sở nghiên cứu toàn diện về học sinh lứa tuối ấu thơ này. Còn chuyện phân ban phổ thông trung học, kỳ thi ba chung hay các trường tự chủ thì đang lắm ý kiến, rối như canh hẹ. Rồi học thi, càng cấm đoán, càng hạn chế bằng những giải pháp hành chính thì càng nở bung. Ấy là chưa nói đến nhiều trường đại học tự chủ mở thêm các lớp sau đại học. Cái được và chưa được tranh chấp nhau có nguy cơ không kiểm soát nổi nên Bộ phải “thổi còi” nghiêm cấm. Trong khối bùng nhùng ấy, hậu quả nhãn tiền là chất lượng sinh viên ra trường không đáp ứng với nhu cầu “xin việc”. Vậy là thực trạng “thừa chữ thiếu việc làm” tái diễn hết năm này sang năm khác.

Nguyên sâu xa của nó, nói cho gọn là “nhiều chữ, ít nghĩa”. Cái “nghĩa” ở đây là tính khoa học và thực tiễn của vấn đề.

Triết lý giáo dục đã nói từ đầu là học để làm người. Theo cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì phấn đấu để trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò. Không thể nói giáo dục không có thành tựu, nhưng cũng không thể bằng lòng, ngồi yên khi trường học còn thiếu, nhiều nơi thiếu trầm trọng, ngay cả thành phố lớn, trung tâm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Một nghịch lý là trong khi “nhà thương mại” mọc lên như nấm để “tồn kho” ê chề thì nhiều nơi không có, nói đúng hơn là chính quyền “quên ngay” đất dành cho trường học. Lỗi này đâu chỉ là của ngành giáo dục.

Trong khi đòi hỏi bức xúc cần được giải quyết như một bước đột phá là làm sao cho “thầy ra thầy” thì ngành giáo dục lại lấy biên soạn sách giáo khoa làm trọng tâm phát triển. Trong lúc cần đánh giá chất lượng giáo dục một cách toàn diện, công bằng thì Bộ giáo dục đào tạo loay hoay với các kỳ thi. “Học để thi” có tính trội hơn hẳn “học làm người toàn diện” để phát triển xã hội. Kết quả thi thành căn bệnh thành tích, tai hại khôn lường.

Tại phiên giải trình của Chính phủ cuối năm 2012 về chất lượng giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo thừa nhận: hình thức phân ban kết hợp tự chọn ở cấp Trung học phổ thông chưa thực sự đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của học sinh và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Lựa chọn ban và môn tự chọn chủ yếu theo cơ cấu môn thi, khối thi của kỳ thi tuyển sinh đại học.

Nhiều nước trên thế giới cũng có phân ban, nhưng ở nước ta khi vận dụng và triển khai mô hình thì “không giống ai”. Có nghĩa là phân ban đã biến các trường thành “lò luyện thi đại học”. Còn chương trình biên soạn sách giáo khoa thì do sức ép về tiến độ và thiếu kế hoạch tổng thể nên bị chắp vá, chồng chéo. Trong khi đó theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cũng trong phiên giải trình cuối năm ngoái thì: nội dung và phương pháp giáo dục lạc hậu, nặng về dạy chữ, gây hiện tượng quá tải không những đối với học sinh mà còn với công tác quản lý và chỉ đạo thực hiện của nhà trường nói riêng, ngành giáo dục nói chung.

Như vậy chữ quá nhiều, có chỗ thừa thải lại quá tải về chương trình, quá nặng cho học sinh và giáo viên.

Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục tâm huyết và thẳng thắn cho rằng: việc đầu tiên của ngành giáo dục, đào tạo là đổi mới tư duy: học để làm người chứ không phải học “cốt để đi thi”. Khâu đột phá không phải là biên soạn sách giáo khoa mà là đào tạo và ứng xử đúng với đội ngũ giáo viên. Thầy cho ra thầy. Cha ông có câu “lời nói phải củ cải cũng phải nghe”, chẳng lẽ chúng ta lại không?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên