Quan tâm hơn nữa đến đời sống nữ công nhân ở các KCN, KCX

Một vấn đề gây bức xúc trong dư luận gần đây là sự gia tăng số trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, đặc biệt nhiều trẻ sơ sinh là con của nữ công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tại các bệnh viện phụ sản và nhà hộ sinh ở những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai,… hầu như ngày nào cũng có nữ công nhân chưa lập gia đình đến nạo phá thai, và cứ vài ngày lại có trường hợp trẻ sơ sinh không có người nhận. Bỏ con mới sinh tại bệnh viện hay nhà hộ sinh là vô trách nhiệm, là bất nhân, song không ít trường hợp còn vứt bỏ con ra ven đường, cạnh gốc cây, cột điện, sông hồ..., thậm chí bỏ cả vào thùng rác.

Theo số liệu điều tra chưa đầy đủ trong vài năm trở lại đây, tình trạng bỏ con sơ sinh có xu hướng gia tăng. Đặc biệt tại những bệnh viện, nhà hộ sinh gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, tỷ lệ nữ công nhân bỏ con mới sinh tăng tới 20 - 30% mỗi năm. Nghe những con số đó, hoặc chỉ cần chứng kiến một trường hợp cụ thể thôi đã đủ để ai ai cũng phải phẫn nộ, và không khỏi rùng mình khi thấy ngày càng nhiều những trường hợp đáng lên án ấy. 

Theo pháp luật hiện hành, việc cố ý vứt bỏ trẻ sơ sinh không có khả năng tự bảo vệ là hành vi giết người. Bộ Luật Hình sự quy định rõ: người mẹ nào do ảnh hưởng của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ đứa trẻ dẫn đến hậu quả là đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Mỗi tháng có hàng trăm, mỗi năm có hàng ngàn trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Và vẫn còn may mắn cho những kẻ thoái thác trách nhiệm, cũng thật có phúc cho những đứa trẻ sơ sinh vô tội, là hầu hết trong số đó vẫn sống vì được tiếp nhận và nuôi dưỡng bởi những tổ chức, những con người nhân ái, bao dung. Đứa trẻ chưa chết thì chưa cấu thành tội phạm.

Song còn nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị vứt bỏ bên ngoài các bệnh viện, nhà hộ sinh, cơ hội sống sót là rất mong manh. Và chưa ai thống kê có bao nhiêu trường hợp đã chết. Dường như đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng là tuy luật pháp đã quy định rõ ràng, nhưng từ trước tới nay chưa thấy vụ nào truy tố người vứt bỏ con mới sinh, cho dù không khó khăn gì để chỉ đích danh tội phạm.                                             

Tuy nhiên, bên cạnh luật pháp, ở đây chúng tôi muốn phân tích thêm về thực trạng sinh sống và làm việc của nữ công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo số liệu điều tra mới đây, khoảng 2/3 số này có việc làm không ổn định. Đó cũng là tỷ lệ nữ công nhân thường xuyên phải làm việc thêm giờ, làm ngoài giờ mà thu nhập vẫn thấp so với mặt bằng sinh hoạt.

Nhu cầu về đời sống tinh thần cũng rất hạn chế, trong khi hầu hết họ là phụ nữ trẻ, chưa lập gia đình. Nhiều nơi lao động chủ yếu là nữ nên ít cơ hội kết bạn với người khác giới, nếu có thì lại khó khăn vì phải sống xa nhà. Không ít đôi nam nữ sống chung và có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Nhiều trường hợp sau đó không sống với nhau nữa, để lại những hậu quả nặng nề mà bao giờ nữ công nhân cũng là người thiệt thòi.                                                     

Nói như vậy, nhưng khó khăn chồng chất không phải là lí do bào chữa, không thể sử dụng để làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được. Vì thế, vấn đề là làm thế nào để nữ công nhân ở những nơi này có cơ hội và đủ khả năng tiếp cận với thông tin cũng như các dịch vụ xã hội tối thiểu cần thiết. Theo chúng tôi, các khu công nghiệp, khu chế xuất cần được xây dựng cùng với hạ tầng đầy đủ như nhà ở cho công nhân, chợ, trường học, trạm y tế, cơ sở dịch vụ truyền thông,… Ở những nơi chưa có hạ tầng cần được địa phương quan tâm quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu cho công nhân.

Bên cạnh đó, công đoàn và người sử dụng lao động cần quan tâm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân nữ. Ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn và ban nữ công cần được tạo điều kiện thành lập những tổ chức này. Cán bộ công đoàn, cán bộ phụ nữ phải có cơ chế hoạt động độc lập. Họ cũng cần có cơ sở pháp lý để bảo vệ cho hoạt động của chính họ, bởi vì giới chủ sử dụng lao động thường né tránh không quan tâm tới nhu cầu tối thiểu của người lao động, nhất là nữ công nhân.                                   

Quan trọng hơn là nữ công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay phải biết tự bảo vệ mình. Họ cần có đủ thời gian, vật chất và điều kiện để lao động, tổ chức cuộc sống, đồng thời có cơ hội để tự tiếp nhận thông tin, học tập vươn lên, điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn, quan hệ lành mạnh, chừng mực, tránh sa vào những tệ nạn, cạm bẫy để rồi phải hối hận khi vi phạm pháp luật hoặc bị đẩy vào tình thế có thể vi phạm pháp luật một cách đáng lên án như đã nêu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên