Tai nạn thảm khốc, hỏa hoạn kinh hoàng và “sự tùy tiện chết người“

VOV.VN - Những sự "tùy tiện chết người” diễn ra hàng ngày. Ở đâu cũng có thể gặp họa, nếu như mỗi người không ý thức được hành động của mình.

Một vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây mới đây đã khiến 10 xe ô tô bị hư hỏng nặng, 4 người bị thương, trong đó có 1 người bị thương nặng. Không phải do đường trơn, không phải do lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, tác nhân chính gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng này được cho là do người dân đốt rơm rạ khiến lái xe mất tầm nhìn. Cả hai chiều trên đường cao tốc, chính ở đoạn đường ấy, cùng thời điểm ấy, tai họa bỗng nhiên “ập tới”.

Thảm họa xảy ra bất kỳ lúc nào chỉ vì sự bất cẩn, tùy tiện.
Người ta đang đi tìm câu trả lời, vậy “trách nhiệm gây ra vụ tai nạn, thuộc về ai?”. Sẽ còn lời qua tiếng lại, sẽ còn mất nhiều thời gian để làm rõ trắng đen, trong khi “sự tùy tiện chết người” lại tiếp tục tái diễn. Dù đốt rơm đúng nơi quy định nhưng không đoán được hướng gió!

Đường cao tốc, hành lang bảo vệ đường cao tốc - nơi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn giao thông nhưng người dân lại chưa bao giờ nghĩ thế. Người ta sẵn sàng đi bộ lên đường cao tốc để bắt xe, đi ngược chiều, dừng xe vào làn khẩn cấp để nghỉ ngơi, tự sửa chữa ô tô hư hỏng trên đường cao tốc, trâu bò nhẩn nha đi lại, học sinh ném đá vào các phương tiện giao thông trên đường cao tốc…Những vụ tai nạn lại tiếp tục xảy ra. Các nhà chức trách có ba đầu sáu tay cũng không thể ngăn nổi.

Liên tiếp các vụ cháy gần đây gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, trước hết, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư do không tuân thủ đầy đủ quy định về phòng cháy chữa cháy, nhưng chúng ta đã khi nào tự hỏi, chúng ta đang “đùa giỡn với tử thần” hay chưa?. Ở nhà chung cư (cả cũ và mới), người ta câu mắc điện chằng chịt, sử dụng các thiết bị điện không an toàn, thả than tổ ong đang cháy vào kho rác, đậu xe ô tô ngay cạnh “lò lửa” hóa vàng, chặn cửa thoát hiểm để lấy gió thoáng, bật bếp đun nấu rồi khóa cửa ra ngoài … Gần đây nhất, sau vụ cháy chung cư Carina, trên mạng lan truyền hình ảnh về việc thắp nhang ngay trên nắp ca-pô của một chiếc ô tô trong hầm để xe… Những "sự tùy tiện chết người” kiểu như vậy diễn ra hàng ngày. Ở đâu cũng có thể gặp họa, nếu như mỗi người không ý thức được hành động của mình.

Thắp nhang cúng trong hầm để xe của chung cư. (Ảnh: Cư dân chung cư Thảo Điền Masteri -TPHCM).
Đất nước Nhật Bản – nơi thường xuyên xảy ra động đất, từ một đứa trẻ lên ba cũng được giáo dục ý thức phòng thân, giáo dục kỹ năng thoát hiểm. Một công chức Hà Nội mới đây chia sẻ trên mạng về một năm học tập tại Nhật Bản. Chị ấy kinh ngạc khi phải tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy vì “người ta làm nghiêm túc quá, diễn tập mà như thật”, đặt con người vào tình huống cực kỳ nguy hiểm. Để rồi, khi gặp tình huống thật, mọi người hoàn toàn bình tĩnh. Trong khi các cuộc diễn tập ở Việt Nam, dường như “diễn cho có”. Người dân- chủ thể chính tham gia các cuộc diễn tập thì cực kỳ thờ ơ. Họ không coi đó là việc của mình. Nhiều cuộc diễn tập, tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy, lác đác có vài người già và người giúp việc tham gia! Người ta “tùy tiện” với chính tính mạng của mình.

Sự tùy tiện “chết người” đã phải trả giá. Chủ quán karaoke trong vụ cháy khiến 13 người chết đã khóc nghẹn tại phiên tòa cuối tháng 3 vừa qua. Chị ta sẵn sàng chấp nhận mọi mức án bởi nỗi ân hận đã giày vò chị trong suốt thời gian qua. Cũng vì “tùy tiện” gật đầu cho khách vào hát khi quán chưa đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, “tùy tiện” khi thợ đang hàn và khách đang hát…

Sau những ồn ào, sau những nỗi ân hận, sau những thiệt hại thảm khốc, cuộc sống lại có nhiều mối quan tâm khác. Nhưng chưa bao giờ là muộn nếu mỗi người trong chúng ta luôn ý thức được sự an toàn cho mình cho cho cộng đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên