Tiến sĩ rởm và cuộc “chạy đua vũ trang” bằng cấp

Câu chuyện 1 Giám đốc Sở lấy bằng Tiến sĩ ở Mỹ nhưng lại không biết tiếng Anh một lần nữa minh chứng thêm cho tình trạng chạy đua về bằng cấp, với mục tiêu lớn nhất là tạo được lợi thế khi thăng quan, tiến chức.

Gần đây, báo chí bàn luận nhiều về chuyện ở tỉnh Phú Thọ có một Giám đốc Sở đã lấy bằng Tiến sĩ ở Mỹ nhưng lại không biết tiếng Anh. Sau đó, báo chí cũng phát hiện ra rằng cơ sở cấp bằng cho vị cán bộ này là một tổ chức rởm, thành lập ra chỉ để bán bằng và đã giải thể.

Từ một cử nhân hệ tại chức của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, vị Giám đốc này đã ghi danh vào trường đại học Nam Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Sau hai năm, chủ yếu là tự nghiên cứu băng đĩa được dịch sang tiếng Việt, ông đã được cấp bằng Tiến sĩ quản trị kinh doanh với học phí tiền túi bỏ ra là 17.000 USD (tương đương 320 triệu đồng).

Điều kỳ khôi là mặc dù nghiên cứu sinh ở Mỹ nhưng ông lại không biết tiếng Anh. Trong 2 năm làm luận án Tiến sĩ, ông chỉ sang Mỹ học 2 đợt, mỗi đợt 1 tuần, nghe giảng qua phiên dịch, ngay cả khi bảo vệ luận án cũng có người dịch hộ, trường này chỉ yêu cầu thí sinh gửi đề cương luận án cho họ chỉnh sửa là được. Trong quá trình học tập, nghiên cứu sinh này cũng không có người hướng dẫn nhưng có đến 3 người phản biện! Theo báo Sài gòn tiếp thị, tờ báo đầu tiên “khui” ra vụ việc này, thì ở tỉnh Phú Thọ có đến 10 vị được đào tạo thành Tiến sĩ theo kiểu tương tự.

Vụ việc này được nêu ra đúng vào thời điểm nhạy cảm, khi các địa phương, các ngành đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp. Cái bằng Tiến sĩ này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến “vấn đề qui hoạch” của vị Giám đốc Sở này. Khi “trần tình” với báo chí, ông chỉ biết than thở là do không may!

Khỏi phải phân tích nhiều, ai cũng biết cái bằng Tiến sĩ kiểu này chẳng mang lại cho chủ nhân của nó nhiều kiến thức khoa học. Nhưng nó lại mang cho người ta cái danh “Tiến sĩ”, và cái danh này (lại là hàng ngoại), có thể mang lại rất nhiều lợi thế khi tổ chức xem xét đưa vào qui hoạch hay cất nhắc lên những vị trí cao hơn.

Bệnh “sính” bằng cấp là mặt trái của một truyền thống rất tốt đẹp của dân tộc ta là tôn trọng tri thức, trọng dụng hiền tài. Trong nhiều trăm năm, chế độ khoa cử chính là hình thức chủ yếu, thậm chí là duy nhất để chọn lựa quan lại của các triều đại phong kiến. Hiện nay, trong công tác tổ chức cán bộ, cũng có một thực tế là những người nào có học hàm học vị cao cũng luôn được trọng dụng, ưu ái. Giữa hai cán bộ cho một vị trí công tác, nếu các điều kiện khác là ngang nhau, anh nào có học hàm, học vị cao hơn thì sẽ giành ưu thế lớn hơn khi xem xét bổ nhiệm, cất nhắc.

Tất nhiên, lựa chọn như vậy là không sai nhưng điều đáng lo ngại là nguy cơ quá thiên lệch các chỉ số về bằng cấp trong khi không xem xét đầy đủ các chỉ số khác quan trọng hơn nhiều, như năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý điều hành và hiệu quả công tác của cán bộ. Thực tế này cũng có nguyên nhân là các chỉ số về năng lực lãnh đạo hay hiệu quả công tác thường rất khó đong đếm hay lượng hoá được cụ thể.

Thế là, để “yên tâm  công tác” và phấn đấu lâu dài, nhiều cán bộ bị cuốn vào cuộc “chạy đua vũ trang” về bằng cấp. Học thực cũng có nhưng học hành láo nháo, đánh trống ghi tên cốt để có bằng cũng không phải là hiếm. Nhiều người vừa làm công tác quản lý vừa làm nghiên cứu sinh, hai loại công việc khác hẳn nhau, nhưng cuối cùng đều gặt hái được kết quả tốt cả!

Tỷ lệ cán bộ cấp Sở, Vụ và cấp tỉnh, hoặc Bộ ở Việt Nam có học vị Tiến sĩ có lẽ không thua kém nhiều so với thế giới. Điều đáng lo ngại là không ít người trong số này dù có bằng thật nhưng không có thực học, và chưa chắc năng lực quản lý của họ đã tốt. Đấy là chưa nói những người “vũ trang” bởi bằng giả! Những người học giả này lẫn vào những người học thật, có trình độ thật. Họ làm nhiễu quan trường và làm nhiễu cả môi trường giáo dục.

Một công việc cực kỳ hệ trọng của Đại hội Đảng các cấp là công tác nhân sự, chọn lựa được những người có đức có tài để giao những công việc quan trọng. Yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài đặt ra với bộ máy Đảng và Nhà nước là phải rà soát, thanh lọc được những cán bộ, tuy được “vũ trang” đầy đủ bằng cấp nhưng lại không có đức và không thực tài; đồng thời xây dựng được một hệ thống tiêu chí đanh giá công khai, minh bạch, cụ thể, dân chủ để chọn được người hiền tài. Chỉ có như vậy, tệ bằng giả, học giả, đào tạo giả mới không còn đất sống. Và những cuộc “chạy đua vũ trang” bằng cấp thiếu lành mạnh cũng sẽ tiêu tan./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên