Vết nứt hầm Thủ Thiêm và “vết nứt” của lòng tin

Để xóa vết nứt niềm tin trong lòng dân chúng, đâu chỉ bằng lời cam kết của một vài vị đại diện chủ đầu tư, nhất là khi lời cam kết ấy đã thấm nước sông.

Các phương tiện thông tin đại chúng lại đang rộ lên tin hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn thấm nước. Điều đáng nói là những vết nứt này lại xuất hiện sau rất nhiều lần cam kết về chất lượng công trình của chủ đầu tư. Những vết nứt, nhìn được bằng mắt thường, đang được đơn vị thi công dùng nhiều biện pháp trám trét. Nhưng liệu những vết nứt về niềm tin của người dân đối với chất lượng các công trình quốc gia thì sao?

Chuyện những vết nứt thấm ở công trình hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn không phải bây giờ mới xảy ra. Mà nó đã xảy ra từ khi 4 đốt hầm lần lượt được dìm xuống đáy sông, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2010. Lúc ấy, người ta đã phát hiện hàng trăm vết nứt, thấm nước ở cả 4 đốt hầm. 2 tháng sau, các vết nứt, thấm nước này được xử lý hết.

Đến ngày khánh thành, trong rực rỡ cờ hoa, giữa những lời chúc tụng về một công trình thế kỷ của thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị tư vấn giám sát công trình khẳng định đã xử lý triệt để hiện tượng thấm nước trong hầm, công trình sẽ không còn bị thấm một giọt nước nào.

Những vết nứt và nút trám chằng chịt tại một số vị trí trong đường hầm Thủ Thiêm (Ảnh: Thanh niên)

Thế mà, chỉ sau 8 tháng đưa vào khai thác, lời cam kết như đinh đóng cột ấy của đơn vị giám sát đã bị thấm nước sông sài Gòn. Trên trần hầm đã xuất hiện trở lại nhiều vết nứt, thấm. Và, chủ đầu tư công trình lại phải tiến hành công việc trám, trét để bịt các vết thấm. Thế là, người qua đường, dẫu không muốn, vẫn phải khó chịu và lo âu khi nhìn những vết trám trét bằng keo tổng hợp, bằng nút nhựa loằn ngoằn như những vết sẹo trên mặt một cô gái xinh đẹp, từng là niềm tự hào của mấy triệu dân thành phố. 

Ngay sau khi báo chí loan tin, ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố Hồ Chí Minh - chủ đầu tư công trình đã lên tiếng khẳng định: các vị trí thấm nước ở mức độ nhẹ, trong giới hạn cho phép của tiêu chí kỹ thuật hợp đồng. Nghĩa là dư luận không nên quá lo lắng về các vết nứt tại hầm Thủ Thiêm, bởi đó là chuyện xảy ra bình thường ở các công trình.

Theo lập luận của ông thì một đường hầm to lớn như vậy sao tránh khỏi những sai sót nho nhỏ; một công trình giao thông lớn như hầm Thủ Thiêm, được đầu tư nguồn vốn lớn, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cơ quan chức năng, quá trình xây dựng được tư vấn, giám sát bởi các đơn vị độc lập, các chuyên gia có uy tín, nên chất lượng chắc chắn được đảm bảo. Chính vì thế, người dân không nên nghi vấn về chất lượng thấp vì các lý do như thi công ẩu hoặc rút ruột công trình.

Với công trình hầm Thủ Thiêm, người dân đã đặt niềm tin và hy vọng niềm tin ấy không bị phản bội. Song cũng có cơ sở để lo lắng rằng: hầm mới đưa vào sử dụng đã rạn nứt, lấy gì đảm bảo tuổi thọ trăm năm như đã cam kết.

Vì sao vậy? Câu trả lời chắc cũng không mấy khó hiểu. Bởi từ trước đến nay, đã có quá nhiều công trình xây dựng gian dối. Câu chuyện nghiêng, lún, nứt của cầu Văn Thánh 2, rồi mới đây là đại lộ Đông Tây lún nứt phải đắp đi đắp lại nhiều lần; đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương vừa khánh thành mặt đường đã hư hỏng; rồi đường dẫn cầu Cần Thơ lún nứt, Thủy điện Sông Tranh 2 nước tuôn xối xả qua thân đập, Đại lộ Thăng Long, mặt cầu Thanh Trì bị bong tróc.

Riêng mặt cầu Thăng Long, từ năm 2009 đến nay, mặt cầu liên tục hư hỏng, nhựa đường ùn thành đống, các phương tiện qua lại rất khó khăn. Trong 3 năm, Nhà nước đã tốn đến 97 tỷ đồng để ngành giao thông thí điểm công nghệ mới, kể ra, cũng là cái giá khá đắt. Nhất là trong điều kiện kinh tế đất nước chẳng dư giả gì.

Công trình có vết nứt của bê tông, thì người dân lại có vết nứt của niềm tin. Những vết nứt trên vách hầm Thủ Thiêm hay trên các đại lộ có thể dễ dàng bù trét, lấp đầy, che kín. Nhưng để xóa vết nứt niềm tin trong lòng dân chúng, đâu chỉ bằng lời cam kết của một vài vị đại diện chủ đầu tư, nhất là khi lời cam kết ấy đã thấm nước sông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên