Xóa ách tắc từ tâm hồn, ý thức con người

Nếu không xóa được sự ách tắc này, dù hạ tầng và phương tiện có hiện đại đến mấy, chúng ta vẫn sẽ không tìm thấy trật tự văn minh trong giao thông

Trước thực tế trật tự an toàn giao thông trên cả nước có nhiều diễn biến đáng lo ngại, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trong liên tục xảy ra, ngày 24/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, yêu cầu phải triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Chiều 24/9 vừa qua, đúng vào ngày Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị hỏa tốc yêu cầu tăng cường chỉ đạo các giải pháp trọng tâm bảo đảm an toàn giao thông, đáng buồn là lại có một vụ tai nạn lật xe khách lại xảy ra ở Thừa Thiên - Huế, làm 4 người chết và 11 người bị thương. Những vụ tai nạn nghiêm trọng như vậy gần đây vẫn xảy ra thường xuyên đến mức không bình thường. Mặc dù đã áp dụng rất nhiều giải pháp, nhưng tai nạn giao thông, cũng như hiện tượng vi phạm trật tự giao thông trên cả nước không được cải thiện nhiều. Một đất nước thanh bình mà bình quân mỗi tháng có khoảng 1.000 người phải bỏ mạng khi đi lại ngoài đường là chuyện quá đau lòng.

Thương vong do tai nạn giao thông gây ra trong một năm, như Đài TNVN đã từng bình luận, còn cao hơn cả thương vong do các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới gây ra.

Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, nhu cầu và lưu lượng giao thông sẽ ngày càng lớn. Nếu không có những biện pháp mang tính chất đột phá, việc ngăn chặn tai nạn giao thông không tăng thêm có lẽ đã là một việc khó khăn.

Báo chí đã tốn quá nhiều giấy mực phân tích nguyên nhân gây ra hiện trạng giao thông hiện nay ở nước ta. Hãy nhìn vào cảnh tắc đường xảy ra ở Hà Nội và TP HCM, chúng ta sẽ thấy nguồn gốc sâu xa của hiện trạng này. Trên đường mạnh ai nấy đi, ô tô lấn đường xe máy và ngược lại. Đặc biệt, nếu không có cảnh sát giao thông thì người ta sẵn sàng bất chấp các tín hiệu, biển báo, bằng mọi giá tranh giành cho mình không gian để tiến lên. Sự hỗn loạn gây tắc đường như vậy phản ánh sự ách tắc đáng xấu hổ nằm trong tâm hồn và ý thức con người.

Nếu không xóa được sự ách tắc về ý thức, từ ý thức con người trong giao thông, thì dù hạ tầng và phương tiện có đầy đủ, hiện đại đến mấy, chúng ta vẫn sẽ không tìm thấy trật tự văn minh trong giao thông. Thậm chí, tai nạn, thương vong và những thiệt hại khác về thời gian và vật chất của xã hội sẽ còn lớn hơn nhiều. Cũng phải nhấn mạnh thêm, sự bế tắc về ý thức này sẽ không chỉ gây hại cho lĩnh vực giao thông, mà nó còn tác động xấu đến nhiều lĩnh vực khác của đời sống kinh tế-xã hội.

Như vậy, khắc phục được điểm nghẽn của ý thức xã hội trong giao thông, thiết lập một văn hóa giao thông lành mạnh, là cơ sở quan trọng nhất để hạn chế, đẩy lùi tai nạn thương tích trong giao thông.

Để làm được việc này, chỉ có hai cách là giáo dục và xử lý các hành vi vi phạm. Giáo dục về ý thức giao thông là công việc cần nhằm vào thế hệ trẻ, thậm chí ngay từ khi các cháu còn ở lứa tuổi mầm non. Còn đối với những người trưởng thành, điều quan trọng nhất là phải xử lý nghiêm khi họ có hành vi vi phạm, bất kể người đó là ai. Nhiều người có học, có địa vị cao trong xã hội vẫn cố tình vi phạm vì họ thấy việc xử lý chưa nghiêm, chưa nhất quán, vẫn có “cửa” để xin xỏ, chạy trọt. Xử nghiêm, xử công bằng, đúng luật, không vị nể bất cứ ai chính là hình thức giáo dục quan trọng nhất đối với những người trưởng thành.

Tất nhiên, muốn giữ nghiêm kỷ cương phép nước, đảm bảo trật tự an toàn giao thông thì lực lượng chấp pháp trên đường phải thanh liêm, chính trực. Làm cho đội ngũ này thanh sạch là đòi hỏi tiên quyết để áp đặt văn hóa giao thông vào lối sống, cách ứng xử của toàn xã hội. Như thế, toàn xã hội sẽ đứng sau chính quyền, hậu thuẫn, bảo vệ, giúp sức những người thi hành công vụ, trấn áp những kẻ đi đường ngang ngược, coi thường kỷ cương phép nước.

Gần đây, ở Hà Nội, nhân dân rất đồng tình khi các cơ quan chức năng ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông. Thái độ xử lý cương quyết các hành vi vi phạm, công bố rộng rãi trên báo chí những trường hợp điển hình, đã và đang góp phần tích cực cải thiện tình hình. Nếu những kẻ đầu xanh đầu đỏ, xăm trổ đẩy mình ngang nhiên phóng nhanh, vượt ẩu, có thái độ thách thức thậm chí gây hấn với cảnh sát giao thông, bị truy đuổi và xử lý đến nơi đến chốn, sức răn đe sẽ là rất lớn.

Nhân dân cũng mong muốn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông là công việc phải làm quyết liệt, thường xuyên, liên tục chứ không chỉ được đẩy lên cao trào ở mỗi đợt ra quân.

Trong quá khứ, nhờ quyết tâm, chúng ta đã từng làm được những việc trước đó tưởng như không làm được. Đó là quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi trên mô tô, xe máy. Điều đó cho thấy, những biện pháp khoa học, phù hợp với thực tế, tất sẽ thuận lòng dân và được nhân dân ủng hộ.

Một đất nước có truyền thống văn hóa và văn hiến không thể chấp nhận hiện trạng giao thông như hiện tại. Và nếu không giữ được văn hóa, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, thì khó có thế nói đến sự phát triển bền vững được./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên