33 lao động Việt Nam tại Nhật Bản được bảo hộ

VOV.VN -33 lao động yêu cầu giúp đỡ đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản xem xét và đưa ra những biện pháp giúp đỡ tích cực nhất.

Ngày 17/3, theo xác nhận của đại diện Đại sứ quán và Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, 33 lao động yêu cầu giúp đỡ đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản xem xét và đưa ra những biện pháp giúp đỡ tích cực nhất. Sau khi tiếp nhận thông tin, Đại sứ quán đã liên hệ trực tiếp với quản lý của công ty, yêu cầu đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.

Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tiếp nhận đơn đề nghị giúp đỡ của lao động N.Q.H về điều kiện ăn ở, chế độ đãi ngộ… khi sang làm việc tại Nhật Bản.

Phòng trọ có giá quy ra tiền Việt gần 10 triệu đồng/người/tháng của công nhân Việt tại Iwate, Nhật Bản (Ảnh: Facebook nhân vật)

Trong buổi làm việc với Đại diện Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, anh H đã trình bày cụ thể sự việc như sau:

Anh H cùng với 32 người Việt Nam sang Nhật Bản ngày 17/9/2015 với tư cách là Kỹ sư theo hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với Công ty First Cardea (có trụ sở tại Tokyo), không thông qua các Công ty phái cử lao động.

Sau khi đến Nhật Bản, anh H cùng 8 người khác được Công ty Freesia House (là Công ty mẹ của First Cardea, có trụ sở tại Tokyo) chuyển đến nhà máy Seinan thuộc tỉnh Iwate làm công việc xây dựng (nghề đúc bê tông). Số lao động còn lại có 15 người làm việc tại Tokyo và 9 người tại tỉnh Akita.

Theo anh H,  tại công ty Seinan, anh H và 8 lao động được bố trí trong căn phòng 25m2, trang thiết bị thiếu (phải tự mua lò sưởi dầu về đun), hoặc cũ hỏng (phòng vệ sinh…).

Trong điều kiện như vậy, hàng tháng mỗi lao động đều bị khấu trừ tiền nhà (39.000 yên), tiền gas, tiền điện (8.000 yên). Bên cạnh đó, điều kiện ăn uống không đảm bảo chỉ có gạo lức và rau, phải đóng tiền ăn 500 yên/người/ngày (27.000 yên/9 người/tuần nhưng chỉ đưa lại 15.000 yên để mua đồ ăn trong cả tuần, số tiền còn lại bị chủ lao động giữ). Tuy làm việc trong môi trường độc hại, nhưng không có phụ cấp và trang thiết bị bảo hộ lao động phải tự bỏ tiền túi ra mua.

Ngoài ra công ty còn quy định việc rèn luyện sức khỏe hà khắc (mặc dù thời tiết lạnh, tuyết rơi hoặc bệnh vẫn phải tập thể dục từ 5:30 sáng)…

Trước tình hình trên, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đã chỉ đạo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản liên hệ ngay với Công ty First Cardea đề nghị đến để làm việc về các nội dung liên quan.

Trong buổi làm việc ngày 16/3/2016, Đại diện Công ty First Cardea cho biết việc hàng tháng trừ từ tiền lương của người lao động nói trên đã được thông báo và giải thích cho lao động tại Việt Nam trước khi đi. Thông thường, kỹ sư nước ngoài tại Nhật Bản sẽ phải tự tìm thuê nhà ở cũng như tự chủ sinh hoạt, tuy nhiên do lao động Việt Nam trình độ tiếng Nhật còn hạn chế nên Nhà máy Seinan đã đứng thuê nhà giúp. 

Đại diện Ban quản lý lao động đã yêu cầu phía Công ty phải bảo đàm các quyền lợi chính đáng của người lao động, xem xét lại điều kiện sinh hoạt, làm việc và việc thu các khoản tiền quá cao, có thể hoàn trả lại một phần số tiền cho người lao động….Phía công ty hứa sẽ kiểm tra lại và giải quyết thỏa đáng các nội dung liên quan tới điều kiện sinh hoạt, làm việc….. 

Đại diện Đại sứ quán sẽ trực tiếp đến tỉnh Iwate để kiểm tra tại chỗ điều kiện sinh hoạt và làm việc của lao động tại công ty Seinan, đồng thời gặp gỡ trực tiếp người lao động, tiếp tục có biện pháp thích hợp để bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam tại Nhật Bản./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên