“Ánh mắt Bác luôn dõi theo tôi…”

Thượng úy Phan Thị Đông mãi không thể quên cái giây phút chị nhận giải Nhất vòng Chung khảo toàn quốc cuộc thi Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chúng tôi gặp nhau trong căn phòng ngập tràn sách, những tài liệu về Bác vào buổi chiều đầu tháng 9. Với giọng xứ Nghệ nhẹ nhàng như ru lòng người, chị kể về cái duyên của đời mình.  

Phần thưởng quý giá

Món quà đầu tiên mà Phan Thị Đông nhận được khi vừa thi đỗ Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Nghệ thuật Quân đội) là chuyến viếng thăm Lăng Bác. Với Đông, đó chính là phần thưởng quý giá nhất mà bố mẹ vẫn hứa sẽ dành cho chị khi đỗ vào trường. Ngày ấy, Đông cũng chỉ nghĩ đơn giản là nếu thi đỗ, mình sẽ được dịp ra Hà Nội, được một lần vào Lăng viếng Bác.

Niềm hy vọng ấy cũng chính là động lực để chị quyết tâm phấn đấu thi đỗ vào trường. Khi ước mơ ấy trở thành sự thật, chị còn không dám tin vào mắt mình. Nhìn những chú tiêu binh trong Lăng đứng im như tượng, chị ngưỡng mộ đến trầm trồ, không hiểu sao các chú lại đứng nghiêm được lâu như thế! Đông tâm sự: “Mình còn nhớ rất rõ cảm giác khi đứng xếp hàng để vào Lăng viếng Bác. Thật kỳ lạ! Mình hồi hộp đến lạ thường. Khi về, mình còn vui đến mấy ngày sau. Thế nhưng lúc đó, mình không nghĩ là sau này sẽ được làm việc tại đây”.

Làm việc tại Ban Tuyên huấn - Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Lăng, công việc thường xuyên của Thượng úy Đông là công tác văn thư tại thư viện của Bộ Tư lệnh Lăng. Hằng ngày, chị thường bắt đầu công việc với việc sắp đặt, lau dọn lại những cuốn sách và tiếp đón những độc giả của thư viện. Chị yêu những cuốn sách và nâng niu, trân trọng chúng như những người bạn. Trên một vị trí trang trọng nhất của thư viện, có những cuốn sách được xếp đặt riêng, rất ngay ngắn. Đó là những cuốn sách về Bác. 

Thượng úy Phan Thị Đông là một trong 8 gương mặt tiêu biểu toàn quân năm 2008. Chị đoạt giải Nhất vòng Chung khảo toàn quốc cuộc thi Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chị là đảng viên và là một cán bộ Đoàn năng nổ trong các phong trào của đơn vị.

Mỗi ngày, ngắm nhìn những bức ảnh của Bác trên giá sách, chị lại như thấy ánh mắt Bác đang dõi theo, động viên, nhắc nhở mình hoàn thành tốt công việc. Và cũng từ lâu, hình ảnh cô thủ thư tận tụy, thân thiện với nụ cười luôn thường trực trên môi đã trở nên quen thuộc với những độc giả nơi đây. Mỗi khi nhắc tới chị, những đồng đội của chị trong Ban Tuyên huấn cũng thường nhớ tới hình ảnh của một Phó Bí thư Chi đoàn năng nổ, nhiệt tình, một cây văn nghệ tích cực trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của đơn vị. 

…Và câu chuyện về Bác

Năm 2008, cuộc thi Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được phát động. Biết tin, ai cũng háo hức muốn được tham gia. Thật bất ngờ, Đông được các cô, các chú trong Phòng Chính trị tin tưởng giao phó nhiệm vụ. “Lúc đầu, mình cũng lo lắng lắm! Tuy tốt nghiệp khoa thanh nhạc, đã nhiều lần đứng trên sân khấu biểu diễn nhưng chưa bao giờ mình đứng trên sân khấu để… kể chuyện” - Đông bồi hồi nhớ lại.

Đầu tiên, cũng là điều khó khăn nhất, chính là lựa chọn câu chuyện để tham gia dự thi. Trong muôn vàn những câu chuyện về Bác, nên chọn câu chuyện nào cho thật ý nghĩa, thể hiện được hết tình cảm kính yêu của mình cũng như của những cán bộ, chiến sỹ ở Bộ Tư lệnh Lăng đối với Bác? Đó là câu hỏi khiến Phan Thị Đông nhiều ngày trăn trở.

Hằng ngày, Phan Thị Đông miệt mài với công việc tại thư viện

Ngày ngày, làm việc tại Lăng, được chứng kiến những dòng người vào Lăng viếng Bác, nhưng mỗi ngày, chị lại có một cảm xúc riêng. Chị không sao quên được hình ảnh những bà má miền Nam lặn lội hàng nghìn cây số ra Hà Nội để được một lần nhìn thấy Bác. Rồi có lần, trong vai trò hướng dẫn viên dẫn đoàn đồng bào Chăm vào Lăng viếng Bác, nhìn một chị người Chăm òa khóc khi nhìn thấy Bác, chị Đông cũng không kìm được nước mắt.

Xúc động trước những hình ảnh ấy, lại được các cô, các chú trong phòng cho biết câu chuyện “Bác Hồ với đồng bào, chiến sỹ miền Nam” là do chính bác Nguyễn Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, người đã từng trực tiếp phục vụ Bác Hồ kể lại. Khi nghe câu chuyện ấy, Đông xúc động đến rơi nước mắt nên đã quyết định lựa chọn đó là câu chuyện để tham gia dự thi. Để hiểu thật rõ về câu chuyện, Đông đã trực tiếp đến gặp bác Hoàn, nghe bác kể lại những câu chuyện, những kỷ niệm về Bác. Những lời kể của bác Hoàn, từ cách Bác chăm sóc từng cây vú sữa, cây dừa, niềm vui của Bác khi nghe tin chiến thắng, những tình cảm sâu sắc mà Bác dành cho đồng bào, chiến sỹ miền Nam… đã để lại ấn tượng thật sâu đậm trong lòng chị.

Đến phần thi thứ hai, kể chuyện về những tấm gương làm theo lời Bác, chị đã kể câu chuyện về chính người đồng chí của mình - chiến sỹ Lê Hồng Sơn, công tác tại Ban đón tiếp, Bộ Tư lệnh Lăng. Đó là vào một đêm đông rét mướt, đang trong ca trực, chiến sỹ Lê Hồng Sơn nghe tin có một đoàn mẹ Việt Nam Anh hùng đi tàu ra thăm Bác. Tuy nhiên, khi ra đón đoàn thì anh được biết, mẹ Nguyễn Thị Sảnh đang trong tình trạng sức khỏe rất yếu. Giữa đêm khuya, lại trong tình trạng nguy cấp, anh đã cõng mẹ hàng cây số tới cấp cứu tại Viện 354.

Hằng ngày, hết giờ làm việc, biết mẹ Sảnh không có người thân chăm sóc, chiến sỹ Lê Hồng Sơn lại vào viện để động viên, chăm sóc mẹ. Nhờ được đưa vào viện kịp thời, mẹ Sảnh đã nhanh chóng bình phục. Ngày mẹ được ra viện, cũng là ngày anh Sơn đưa mẹ vào Lăng viếng Bác. Khi ấy, mẹ vừa run run nắm tay anh, vừa nghẹn ngào: “Cả đời má có một ao ước, đó là ao ước được gặp Bác. Nay được gặp Bác rồi, má có nhắm mắt cũng yên lòng”.

Những khán giả đầu tiên của Đông chính là các đồng chí trong Phòng Chính trị. “Lần đầu nghe mình kể chuyện, các cô, các chú đều lắc đầu.  Mọi người bảo mình đang đọc bài văn chứ không phải kể chuyện”. Đông buồn lắm. Chị quyết tâm miệt mài luyện tập sao cho thật diễn cảm, có hồn. Đông thường xuyên dùng băng ghi âm, ghi lại lời mình kể, sau đó nghe lại để nhận ra cái được và chưa được của chính mình. Nhờ vậy, qua mỗi tuần, mọi người đều thấy được sự tiến bộ rõ rệt của Đông.

Cứ thế, thành công đã dần đến với Đông. Đầu tiên là thi trong đơn vị, sau đó là toàn quân. Gần hai năm theo đuổi cuộc thi, cuối cùng, Đông cũng đến với vòng chung khảo toàn quốc. Đêm đó, Đông đã kể bằng tất cả những cảm xúc của mình. Chị có cảm giác như đang thay mặt cho các má, các chị, những đồng đội, chiến sỹ miền Nam nói lên những tình cảm kính yêu, biết ơn chân thành nhất với Bác. 

Hơn 8 năm làm việc tại Bộ Tư lệnh Lăng, Thượng úy Phan Thị Đông đã rèn luyện được cho mình đức tính kiên trì, luôn hăng say với nghề. “Mình luôn tâm niệm: Đã nhận làm việc gì thì phải làm cho thật chỉn chu, đâu vào đấy” - người giành giải Nhất vòng Chung khảo toàn quốc cuộc thi Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chia sẻ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên