Anh Trần Văn Ký - Người hiệu đính tiếng Khmer lặng lẽ

VOV.VN - Một đời lặng lẽ mặc kệ người đời soi
mói, kèn cựa nhau. "Tôi cứ ngồi đây dịch cố cho xong, để cuối tuần lại
được về chơi với cháu".

Anh Trần Văn Ký, người gốc Sài Gòn, sinh ra ở Campuchia. Vì thế anh giao tiếp với người Campuchia như cùng một cộng đồng. Không những vậy, anh còn là chuyên gia về tiếng Khmer, hơn chục năm qua miệt mài với những bản dịch, hiệu đính chương trình phát thanh phục vụ thính giả là đồng bào Khmer. Anh là giám khảo có uy tín của nhiều cuộc thi chương trình phát thanh tiếng Khmer trong khu vực.

Nói đến nơi mình sinh, anh hay kể về một loài cá quý ở con sông Mêkông. Cứ mùa lũ, cá theo dòng chảy từ thượng nguồn về vùng An Giang. Cá bơi mãi bơi mãi qua bao khúc quanh, bao tầng nước xiết.

Nhà anh ở Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh. Cơ quan lại ở Cần Thơ. Hơn 10 năm rồi, đầu tuần anh từ Thủ Đức xuống Cần Thơ làm việc, cuối tuần lại quay ngược về nhà. Hơn 10 năm một hành trình nhẫn nại. Chồng vé xe đò anh giữ làm kỷ niệm giờ xếp lại như cuốn lịch đời người...

Anh Trần Văn Ký (phải) và tác giả

Anh có rất ít bạn, chả giao du với ai. Đi đâu, tiếp xúc với người lạ, ít quen là anh ngại. Ở cơ quan thường trú, anh thân với mấy anh em cảnh sát bảo vệ má còn lông măng mà anh gọi là "mấy thằng nhỏ". Có món lai rai mang từ Sài Gòn xuống, anh lại gọi mấy thằng nhỏ đó làm vài ly rượu. Trong ánh mắt chúng, anh là một người thầy, "dạy" về sự giản dị và lòng tốt.

Ra Hà Nội, anh tránh tiếp xúc chỗ đông người, đặc biệt là giới lãnh đạo. Anh bảo: "Tôi không sợ nhưng mấy ổng đó, ngồi không hợp". Anh uống không được nhiều, chút xíu là biết liền. Nhưng anh thích râm riu với những người mà anh thấy gần gụi. Uống chút là anh nói liên hồi, lặp đi lặp lại vài câu như để bù lại quãng thời gian im lìm ngồi...dịch.

Tôi trước công tác trong Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long, ở phòng công vụ sát nách phòng anh. Đêm đêm nghe khe khẽ anh cựa mình nỗi xa nhà. Nghe mà thấy cả bóng mình trong đó.

Cùng cảnh xa nhà, nhiều hôm gật gù ly rượu hàn huyên, cứ nhìn nhau thôi, chả nói gì. Ngà ngà, anh kể đi kể lại về gia cảnh có vài chuyện buồn. Kể như cũng chẳng cần tôi nghe thấy. Kể như nói với chính mình, như để khẽ thở than trước cái vóc dáng bé nhỏ gầy rộc không xoay xở được chuyện nhà.

Cứ vậy, những hôm nhớ nhà, đêm đêm, tôi lại gõ cửa phòng anh, như để tìm thêm một góc nương tựa. Nghe anh kể chuyện đời bỗng thấy mình mới là người cần cho anh tựa vào. Ly rượu vơi vào đêm. Khói thuốc tản những vòng bâng quơ. Vài tiếng ho khụ khụ của người chưa già nhưng mách bảo sức khoẻ không được tốt. Có vài lần vào công tác sau khi đã hết thời thường trú, tôi ngủ lại căn phòng đó, tìm cơ hội hàn huyên. Đêm thấy anh trở mình, nghe tiếng xương cốt kẽo kẹt mà xót xa. Tuổi mới ngoài năm mươi mà đau yếu đã sầm sập trước mặt.

Chuyến đi Trung Quốc, chuyến đi nước ngoài hiếm hoi trong đời làm nghề, anh cứ loay hoay mãi với ý nghĩ: "Bả nhà tôi chỉ cần một chiếc vòng đá là bả có thể nhắm mắt được. Đó là chiếc vòng duy nhất tới giờ tôi mới có cơ hội mua cho bả". Rồi anh băn khoăn là nên mua gì cho bọn trẻ ở cơ quan. Còn anh chả nghĩ mua gì cho mình. "Tôi thế là được rồi anh Minh à. Trưởng đoàn dặn tôi mang theo comple mà tôi có đâu, vả lại mình là lính tráng, mặc gì chả xong".

Cho đến giờ, anh là người duy nhất lưu giữ bộ ảnh cơ quan thường trú lên sóng chương trình Khmer đầu tiên. Và giờ anh cũng là người Kinh duy nhất ở Đài làm phiên dịch tiếng Khmer. Nhiều anh em biên tập viên trẻ người Khmer còn phải học anh nhiều. Nói đến những ngày đầu, đôi mắt anh sượm buồn.

Kỷ niệm ngày phát sóng đầu tiên anh không được dự. Buổi tiệc tùng vỗ tay hoan hỉ, anh không có mặt. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện về loài cá quý Biển Hồ trôi dạt, cứ tuần tự theo thời gian trọn một vòng đi-về. Không than trách, không đổ vạ, không "to nhỏ" quyền chức bổng lộc. Có người lớn tiếng với anh, anh chỉ lặng im, rồi trở về căn phòng hẹp với chén rượu, rơm rớm, tấm tức khóc. Để rồi mai, quên hết, lại ngồi trước đống văn bản: dịch, hiệu đính như một thiên định...

Gần đây nhất, đang trong giai đoạn điều trị bệnh, cơ quan thu xếp cho làm công việc nhẹ nhàng, anh vẫn lui tới cơ quan những ngày nghỉ: "Tôi phải đỡ cho mấy đứa nhỏ, chúng còn thiếu kinh nghiệm...". Nhiều người nghe chuyện đời anh đều "giật mình": "Lẽ ra anh phải nhận những danh hiệu xứng đáng hơn nữa!".

Nhưng tôi nghĩ chả có tấm giấy chứng nhận nào gói đủ chồng vé xe đò được cất kỹ như một vật báu. Chả có tấm bằng khen nào bọc kín được nỗi đau cuối cùng cũng phá bung ra.

Một đời lặng lẽ mặc kệ người đời soi mói, kèn cựa nhau. "Tôi cứ ngồi đây dịch cố cho xong, để cuối tuần lại được về chơi với cháu, anh Minh ơi".

Ánh mắt nheo cười mà sao lại ngân ngấn ướt? Cứ thế thôi mà đã hơn 10 năm rồi, lặng lẽ nơi góc phòng, không tranh giành, không đố kỵ, xa lạ với những hư danh bạc phếch ngoài kia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên